Thứ năm, ngày 3/4/2025 Cập nhật tin tức Festival 2008
Search
English version Vietnamese version
Tin tức hoạt động
Sự nghiệp nhà Tây Sơn
Quang Trung - Nguyễn Huệ
Di tích-Danh thắng-Đặc sản
Các dự án đầu tư
Khách sạn, nhà nghỉ
Video, nhạc, ảnh
Cuộc thi Hoa hậu Những miền Đất võ
 
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)
14:32', 15/2/ 2008 (GMT+7)

2. Quê hương và căn cứ địa khởi nghĩa

a.Quê hương Tây Sơn

Tây Sơn đã trở thành tên một triều đại, một cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất trong lịch sử Việt Nam xuất phát từ tên của một ấp: Ấp Tây Sơn được nhắc đến lần đầu trong sử sách qua sự kiện chúa Nguyễn Phúc Tần bắt binh dân ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An vào cư trú, lập ấp ở Tây Sơn Nhất vào giữa thế kỷ XVII, trong đó có tổ 4 đời của anh em Tây Sơn2. Trong địa bạ trấn Bình Định lập năm 1815 cho biết ấp Tây Sơn Nhất khách hộ ấp (thôn Tây Sơn ) thuộc Thời Hòa, huyện Tuy Viễn là quê hương các lãnh tụ Tây Sơn  có ghi:

 

                                Nhà Bảo tàng Quang Trung tại huyện Tây Sơn.

 

Đông Bắc giáp núi, tây giáp sông, nam và bắc đều giáp núi

Diện tích quan điền thổ 7 mẫu 1 sào 5 thước.

Quan điền: 2 mẫu 8.

Quan thổ viên: 0 mẫu 1.

Dân cư thổ trạch: 4 mẫu 2 sào 5 thước1.

Tháng 9 năm 1819, Gia Long bắt đổi tên ấp Tây Sơn thành An Tây. Sau đó lại đổi thành An Sơn.

Một tài liệu truyền giáo ở vùng này vào thời Thiệu Trị cho biết một chính sách cấm kỵ của triều Nguyễn đối với dân Kinh - Thượng ở đây: vào năm 1848, linh mục Cuenot lại quyết định vượt biên giới tỉnh Bình Định lên phía tây để tránh nạn tàn sát dân đạo đã viết rằng: "Cận ranh giới của tỉnh này có địa điểm An Sơn, trung tâm buôn bán giữa người Kinh và người Thượng. Chính địa điểm này vào cuối thế kỷ trước đã là nơi xuất phát của 3 anh em Tây Sơn chống chúa Nguyễn. Từ đó, An Sơn (xưa gọi là Tây Sơn ) luôn luôn là mối nghi kỵ của triều đình nhà Nguyễn. Vì vậy, nhiều luật lệ nghiêm ngặt ngăn cấm người Kinh định cư trên đất Thượng và người Thượng không được vượt quá An Sơn. Người Kinh buôn bán trên miền Thượng du di chuyển khắp nơi từ bộ lạc này đến bộ lạc khác, nhưng không có ai nghĩ tới việc định cư lập nghiệp ở đó. Phần người Thượng xuống An Sơn là cùng, chưa bao giờ họ dám vượt qua giới hạn này"2.

Đó là quê hương thứ nhất và là căn cứ  địa đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Đến đời thứ 3, ông Hồ Phi Phúc lấy bà Nguyễn Thị Đồng ở Phú Lạc, ấp Kiên Thành, nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Ông Hồ Phi Phúc chuyển cư về quê vợ tại Phú Lạc. Đây là quê hương thứ hai- quê mẹ của  các lãnh tụ Tây Sơn.3

Ở Phú Lạc được một thời gian, ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng chuyển cư xuống Kiên Mỹ cũng thuộc ấp Kiên Thành - nay có Bảo tàng Quang Trung - nơi sinh thành các anh em Tây Sơn. Ở đây còn cây me, giếng nước, bến Trầu... dấu tích về thuở sinh thời của gia đình Tây Sơn. Là nơi  gắn bó từ thuở ấu thơ và của cả gia tộc, nơi thường xuyên đi lại để buôn bán thu thuế giao dịch nắm được địa hình, tình người, thế đất nên Nguyễn Nhạc đã chọn quê hương của mình làm căn cứ địa khởi nghĩa.

Từ thế kỷ XVIII về trước đã hình thành con đường Thượng đạo đi từ Bắc vào Nam qua ấp Tây Sơn trở thành  đầu mối giao thông từ Nam ra Bắc, từ rừng xuống biển. Vào năm 1776, Lê Quý Đôn đã viết: "Các đường bộ chính từ Thượng đạo, Trung đạo đến Hạ đạo, từ núi Đồng Bò liền Tuần Cũ xuống đến đèo Bến Đá nửa ngày, từ Sa Huỳnh đến Bến Đá cũng nửa ngày, lại đến Luật Đương một ngày, lại đến công trường Đồng Duệ nửa ngày, lại đến Đồng Hươu quá nửa ngày. Đồng Hươu đến tuần Cầu Bông hai ngày. Đồng Hươu đến Tây Sơn một ngày, Tây Sơn xuống đường cái giáp quán Lạc cũng  một ngày"1.

Giao thông thuận tiện cũng là một một yếu tố để Nguyễn Nhạc chọn núi rừng Tây Sơn làm căn cứ địa khởi nghĩa.

Theo Quách Tấn, Tây Sơn chia làm 3 vùng: Tây Sơn thượng gồm trọn vùng An Khê núi non trùng điệp. Tây Sơn trung từ chân đèo An Khê đến Núi Ngang. Đây là vùng núi đồi nhiều hơn đồng ruộng. Tây Sơn hạ là miền đồng bằng bao gồm phần đất các thôn Trinh Tường, Phú Lạc trở xuống Thủ Thiện, Thọ Lộc, An Chánh, Vân Tường kéo về 2 phía bắc - nam2.

b. An Khê- Cửu An; Tây Sơn Thượng đạo, căn cứ địa khởi nghĩa (1771).

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện viết rằng: ''Năm Tân Mão (1771)... Nhạc bèn thiết lập đồn trại ở Thượng đạo đất Tây Sơn (Thượng đạo trong vùng Man  người Thượng, Hạ đạo tức ấp Kiên Thành) chiêu nạp kẻ trốn tránh, bọn vô lại hung bạo một thời ấy phần nhiều đều theo Nhạc''.3

Từ tài liệu này, chúng ta thấy Nguyễn Nhạc đã chọn Tây Sơn Thượng đạo làm căn cứ địa khởi nghĩa, quy tụ nghĩa binh.

Vị trí khởi nghĩa của Nguyễn Nhạc cũng được chép trong Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức, ở mục núi Trụ Lĩnh như sau: "Ở thôn An Khê, phía tây nam huyện, có tên nữa là núi Phong Sơn, hình thế cao, dốc kéo dài mấy trăm dặm; gần về phía tây có núi Yêm Sơn, núi Cát Sơn, núi Đại Sơn có rừng già, trong rừng có núi Mô Ô, phía bắc núi là bảo An Khê, ở đây có trường giao dịch. Nguồn gọi là nguồn Phương Kiệu tức là chỗ khởi binh của Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ"4.

Ở mục Nguồn Phương Kiệu, sách trên đã viết:

"...Xét: Thôn An Khê nguyên trước là trại của Tây Sơn, đất đai bằng phẳng và màu mỡ, ở trên sông Ba mấy dặm đã thuộc sách man. Từ sách man đi vài ngày lại có sông Đôn, nước đều chảy về phía nam, đổ vào sông Đà Diễn, đạo Phú Yên; từ sông Đôn đi về phía tây 12 ngày đường đến sông Ba La đổ vào sông Khung1. Các đạo trưởng Tây Dương thường đến đây giảng đạo2.

Sách Bình Định tỉnh chí do Quyền chương Trần Tiễn Hối soạn vào cuối thế kỷ XIX cho biết thôn An Sơn cũ (trước đó là An Sơn rồi Tây Sơn) nay đổi thành thôn An Khê. Năm 1826, nhà Nguyễn lập 7 đồn: Trà Đình, Xuân Viên, Tam Giang, Hương Thúy, Trúc Lâm, Vụ Bản, Đài Tiền ở thôn An Sơn (An Khê).

Năm 1854, chính quyền nhà Nguyễn cho lập đồn đất ở thôn ấy, về phía tây sông Ba, nay ở ngoài bờ hào Thủ Sở nguồn Phương Kiệu, trồng tre rất vững chắc, phía trước mặt là chợ trao đổi hàng hóa do dân thôn An Khê bảo vệ. Thôn An Khê vốn là trại của quân Tây Sơn, đất đai bằng phẳng màu mỡ, rất thích hợp với nghề lúa chiêm".

Năm 1870, vua Tự Đức cho lập nha doanh điền ở An Khê, mộ dân đến cho lập 8 ấp: Tân Trạch, Tân Cư, Tân Tụ, Tân Khai, Tân Tạo... Tú tài Đặng Huy Hanh được lãnh chức An Khê doanh điền sự vụ3.

Các tư liệu trên đều xác nhận tổ tiên của anh em Tây Sơn vào lập cư ở ấp Tây Sơn sớm nhất từ giữa thế kỷ XVIII. Năm 1771, khi xây dựng căn cứ khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc đã chọn nơi này làm đất tụ nghĩa để đấu tranh. Đất có địa hình bằng phẳng, có núi cao, động hiểm để xây dựng đồn lũy, đóng quân. Đây có nhiều đường giao thông tỏa đi khắp nơi, là trung tâm  trao đổi hàng hóa, là nơi có thể tự sản xuất tổ chức hậu cần cho quân đội chiến đấu dài ngày; đây là nơi có khí hậu ôn hòa đảm bảo cho sức khỏe, nơi có nhiều mỏ sắt để rèn đúc vũ khí, và nhiều tài nguyên trao đổi, bổ sung cho nguồn tài chính, lại có nhiều voi ngựa để vận chuyển và tổ chức chiến đấu cho nghĩa quân.

Núi rừng Tây Sơn là nơi cư trú của dân tộc Bana có truyền thống thượng võ, giỏi chiến đấu trong rừng; vốn bị áp bức, bóc lột. Người Kinh ở Tây Sơn cũng bị chèn ép, phân biệt đối xử nên đã cố kết tạo thành cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Khi lực lượng lớn mạnh, quân Tây Sơn phát triển xuống Hạ đạo, chiếm phủ thành làm chủ phủ Quy Nhơn, mở rộng ra Quảng Nam và vào Phú Yên. Khi thất thế, nghĩa quân Tây Sơn lại rút sâu vào miền núi rừng Tây Nguyên để bảo toàn lực lượng.

 Thế chiến lược của căn cứ địa Tây Sơn, với sự bí mật an toàn của một giang sơn riêng cho người khởi nghĩa nên Nguyễn Nhạc đã tổ chức lực lượng, xây dựng đồn lũy chiến đấu, phát triển thành phong trào nông dân quật khởi vào Nam ra Bắc, trở thành một phong trào rộng lớn, quét sạch thù trong, giặc ngoài với nhiều chiến công oanh liệt.

Ở thôn An Lũy hiện nay, nơi ấp Tây Sơn ngày xưa còn dấu tích An Khê trường, cạnh đó có Gò Chợ - là nguồn Phương Kiệu, có chợ Đồn vào thời Nguyễn. 

Ở thôn An Lũy (tên đặt từ năm 1963) còn có dấu tích lũy cũ có 7 cạnh, có chu vi chừng 2 km, có khoảng 200 gia đình cạnh xóm 2 và xóm 3. Lũy được đắp bằng đất có hào, trồng tre. Đây là trung tâm sơ chỉ huy của nghĩa quân  Tây Sơn.

Lũy An Khê đầu tiên có thể do quân  đội Tây Sơn xây dựng làm căn cứ  khởi nghĩa. Năm 1854, dưới thời Tự Đức cho đắp đồn đất, sau trở thành lũy chiến đấu và bảo vệ thôn làng1.

Ở ấp Tây Sơn Nhì, sau là thôn Cửu An cách thị trấn An Khê 12 km về phía bắc nay thuộc huyện An Khê, tỉnh Gia Lai cũng là địa bàn khởi nghĩa của quân Tây Sơn. Nay còn một số dấu vết đóng quân trong buổi đầu khởi nghĩa. Ở thôn An Điền Bắc có di tích Gò Đồn, nơi đóng quân luyện tập, vườn lính. Doanh trại quân đội Tây Sơn ở thôn An Điền Nam có Gò Kho, nơi chứa lương thực, vũ khí, Gò Trại l  nơi đóng quân.

Ở thôn Tú Thủy còn di tích cánh đồng Cô Hầu hơn 20 mẫu ruộng, tương truyền người phụ nữ Bana này có tên là Yã Đố, là vợ của Nguyễn Nhạc chuyên lo về hậu cần cho quân đội Tây Sơn.

Xa hơn nữa về phía bắc, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh còn dấu tích vườn cam Tây Sơn, có những cây cam cổ thụ còn tồn tại và cho trái, trong rừng cũng là một cơ sở sản xuất hậu cần dưới thời Tây Sơn.

Cách thôn An Lũy chừng 8 km về phía đông có hòn Ông Bình (tên khác của Nguyễn Huệ), đối diện phía tây nam có hòn Ông  Nhạc, là hai quả núi kỳ vĩ án ngữ ở phía bắc đèo Mang. Một hệ thống lũy đất đồ sộ được đắp từ núi Ông Bình qua núi Ông Nhạc là dấu ấn hoành tráng của đồn lũy, phòng thủ căn cứ địa Tây Sơn  vùng Thượng đạo trước khi xuống vùng Tây Sơn Hạ đạo.

(còn nữa)

Theo Địa chí Bình Định

-------------------------------------------------------------------------------------------------------    

2 ĐNCBLT, Q.30, tờ 1 a.

1 Nguyễn Đình Đầu, sđd, tập I, tr. 476.

2 Dân làng Hồ, nguyên tác: Les Sauvages Bahnars, Dourisbourne,  Paris, 1929, bản dịch Sài Gòn, 1972, tr. 7.

3 Nay còn di tích Gò Lăng  tương truyền là vườn nhà ông Hồ Phi Phúc và miếu Sơn Quân để thờ ông Hồ Phi Phúc. Đình Phú Lạc thờ  3 nhà Tây Sơn.

1 Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, KH, Hà Nội, 1964, tr. 120-121.

2 Nhà Tây Sơn, sđd, tr. 18.

3 ĐNCBLT. Q.30, sđd tờ 2a, bản dịch, tr. 11- ở tờ 1a có giải thích đất Tây Sơn có hai ấp Nhất và Nhị nay là hai thôn An Khê và Cửu An.

4 ĐNNTC, tập III, sđd, tr. 18.

1 Tức sông Mê Kông.

2 ĐNNTC, tập III, sđd, tr. 38

3 ĐNTL, tập 32, KHXH, HN 1975, tr. 40.

1 Nguyễn Quang Ngọc, Tư liệu về Tây Sơn- Nguyễn Huệ trên đất Nghĩa Bình, sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình, 1988, tr. 23.

Gửi tin nay qua Email In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)   (12/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)  (02/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH  (30/01/2008)