Thứ năm, ngày 3/4/2025 Cập nhật tin tức Festival 2008
Search
English version Vietnamese version
Tin tức hoạt động
Sự nghiệp nhà Tây Sơn
Quang Trung - Nguyễn Huệ
Di tích-Danh thắng-Đặc sản
Các dự án đầu tư
Khách sạn, nhà nghỉ
Video, nhạc, ảnh
Cuộc thi Hoa hậu Những miền Đất võ
 
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)
13:55', 19/2/ 2008 (GMT+7)

c. Kiên Thành -Tây Sơn Hạ đạo, mở rộng căn cứ địa khởi nghĩa, đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn (1773).

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện viết:

"Mùa thu năm Quý Tỵ (1773), Nhạc từ Thượng đạo đất Tây Sơn dẫn quân xuống đóng ở Kiên Thành tự xưng đệ nhất trại chủ cai quản hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn. Nguyễn Thung làm  đệ nhị trại chủ cai quản huyện Tuy Viễn, Huyền Khê, làm đệ tam trại chủ coi việc binh lương, mật ước với nữ chúa Chiêm Thành (tên Thị Hỏa dựng trại ở Thạch Thành) để làm thế nương tựa tiếp ứng nhau. Nhạc lại gọi Nhưng Huy và Tứ Linh ở An Tượng Nguyên (thuộc huyện Tuy Viễn) cùng Nguyễn Thung dẫn một cánh quân xuống phủ thành Quy Nhơn đêm hôm đánh cướp. Dân chúng đều kinh hãi chạy toán loạn. Quan tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên trốn chạy"1.

Qua tài liệu trên, chúng ta thấy khi lực lượng đã phát triển, Nguyễn Nhạc mở rộng căn cứ xuống vùng Tây Sơn Hạ đạo, chọn ấp Kiên Thành quê hương của mình làm căn cứ địa của nghĩa quân. Nghĩa quân bắt đầu có tổ chức lãnh đạo với những người tiêu biểu có trí lực lúc bấy giờ đặt làm trại chủ do Nguyễn Nhạc đứng đầu và được phân công cụ thể. Một mô hình liên kết các lực lượng chống chúa Nguyễn đã hình thành trên phạm vi toàn phủ Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Thung, Huyền Khê chỉ khiêm tốn xưng trại chủ (thành bộ chỉ huy) để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân2.

Theo Tây Sơn tiềm long lục: do tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên tự kiêu, tham ác nên dân tình căm phẫn. Một hôm, Giáo Hiến khuyên Nguyễn Nhạc mở rộng xuống vùng đồng bằng để có của nhiều, người đông bổ sung cho quân khởi nghĩa. Nghĩa quân Tây Sơn đánh chiếm các huyện, thành, thôn ấp. Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên cử đề đốc Lý Trình đi đánh dẹp, đến Phù Ly gặp nghĩa quân do Nguyễn Huệ chỉ huy. Trong trận giao tranh này, Lý Trình bị Nguyễn Huệ chém chết, Khắc Tuyên bỏ chạy, quan quân đầu hàng (Rất tiếc, vào lúc này Giáo Hiến bị bệnh, chết đột ngột).

Khắc Tuyên báo cáo tình hình về Phú Xuân xin tăng cường phòng thủ phủ thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc lập mưu tự mình vào trong cũi cho người mang đến nộp cho Nguyễn Khắc Tuyên; Tuyên đem giam vào ngục. Đang đêm, khi quân lính ngủ say, Nguyễn Nhạc mở cũi, châm đuốc báo hiệu nghĩa quân ngoài thành tấn công bắt giết Nguyễn Khắc Tuyên, chiếm phủ thành Quy Nhơn. Sách Hoàng Lê Nhất thống chí cũng chép tương tự: "Một hôm, Biện Nhạc tự ngồi vào trong cũi, cho bọn tay chân khiêng đi loan báo ở dọc đường đã bắt được chúa Tây Sơn, tức Biện Nhạc, xin đưa đến dinh trấn để trình nộp. Viên trấn tổng mừng lắm, mở cửa cho vào rồi đem giam ở trong ngục. Đêm ấy, Biện Nhạc phá  cửa xông ra cướp lấy thanh gươm của tên lính canh gác chém chết hắn rồi phóng hỏa đốt luôn dinh trấn và chiếm lấy thành".1

Sách  Đại Nam thực lục tiền biên cho rằng: Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên bỏ thành chạy thoát chết. Nguyễn Nhạc chiếm phủ thành thả tù ra, lùa dân làm lính, dựng cờ hiệu Tây Sơn.2

Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cũng viết tương tự nhưng không nói rõ về số phận của Nguyễn Khắc Tuyên.3

Theo Đại Việt sử ký tục biên, sự  kiện quân Tây Sơn đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn  diễn ra vào tháng 6 năm Quý Tỵ (1773), tức chỉ sau một thời gian ngắn khi quân Tây Sơn mở rộng căn cứ  xuống vùng Hạ đạo. Các tài liệu đều thống nhất người lập mưu và mạo hiểm chỉ huy đánh phủ thành Quy Nhơn là Nguyễn Nhạc, chỉ trừ Liệt truyện cho rằng Nguyễn Thung cùng Nhưng Huy và Tứ Linh chỉ huy chiếm thành4. Giáo sĩ Diego de Jumilla lúc đó ở Gia Hựu (thuộc phủ Quy Nhơn) lại viết rằng:

"Đã qua hai mươi ngày từ lúc họ khởi binh, một buổi sáng vào khoảng trung tuần tháng 9, hai toán quân vây dinh quan tuần phủ Quy Nhơn và chiếm thành. Quan tuần phủ vội vàng chạy trốn, không kịp thời gian để mặc quần áo, chỉ kịp mang theo chiếc ấn vì đó là dấu chỉ chức quan của ông. Quân lính của ông cũng chạy theo ông. Ông hấp tấp quá nên đánh rơi chiếc ấn. Ông trốn ở vùng Tam Quan, cách dinh ông chừng 2 ngày đường. Vợ con ông bị bỏ lại, quân khởi nghĩa không làm hại gì các người đó, chỉ lấy khí giới, của cải và đốt dinh"5.

Tư liệu đương thời của Jumilla cho biết rõ là trận đánh phủ thành Quy Nhơn vào buổi sáng một ngày của tháng 9 năm 1773. Do đánh bất ngờ, có lẽ phục binh từ ban đêm nên quan tuần phủ chỉ mang theo chiếc ấn nhưng vội vã, hấp tấp chạy trốn rồi cũng bị mất. Quan tuần phủ trốn ra Tam Quan chứ không bị giết. Tư liệu này phù hợp với tư liệu Đại Nam chính biên liệt truyện. Việc chiếm thành Quy Nhơn là do sự tham gia của cánh quân Nhưng Huy và Tứ Linh. Sau khi đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc dẫn quân đánh chiếm  kho lương ở Càn Dương và Đạm Thủy. Viên đốc trưng Đằng và khâm sai Lượng bỏ chạy bị truy đuổi rồi bị giết chết.

Tây Sơn dựng cờ hiệu, chiếm toàn phủ Quy Nhơn chia đặt 5 đồn: Trung,Tiền, Tả, Hữu, Hậu rồi cho quân đánh ra Quảng Nam1.

Hiện nay, ở Kiên Mỹ, xung quanh Bảo tàng Quang Trung còn dấu tích thời Tây Sơn khởi nghĩa năm 1773:

Vườn Dinh: Sở chỉ huy nghĩa quân (phía đông Bảo tàng Quang Trung).

Vi tập binh: phía bắc vườn Dinh, khu vực đóng quân.

Gò Đá Đen, Gò Cứt Cu: nơi luyện tập quân đội Tây Sơn.

Vi Cấm cố: trại giam tù nhân.

(còn nữa)

. Theo Địa chí Bình Định

-----------------------------------------------------------------------------------

1 Sđd, Q.30. tờ 2b-3a, sách dịch tr. 13-15.

Huyền Khê - nhà giàu bỏ tiền ra ủng hộ cuộc khởi nghĩa. Nguyễn Thung là thổ hào làm tham mưu cho Nguyễn Nhạc.

2 Nay còn di tích Gò  Đá Đen, Gò Cứt Cu nơi nghĩa quân Tây Sơn luyện tập, Vi tập binh là nơi nghĩa quân luyện tập, Vườn dinh là chỉ huy sở nghĩa quân, ở về phía đông Bảo tàng Quang Trung ngày nay.

1 Ngô Gia Văn Phái, sđd, tr. 90; KĐVSTGCM sđd, tr. 44; ĐVSKTB, sđd, tr. 358-359. Phủ thành Quy Nhơn lập năm 1744, nay là thôn Châu Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn.

2 ĐNTLTB, sđd, tr. 243.

3 Lê Quý Đôn, sđd, tr. 66.

4 ĐNCBLT, Q 30, sđd, tr. 17.

5 Tạp chí Bulletin de la Société des Études Indochinoises (B.S.E.I), tập 15, tr. 74

1 Câu chuyện do cụ Đỗ Thuyền (trên 80 tuổi) kể lại có nhiều chi tiết mâu thuẫn với sử sách - cho biết đây là kế sách của Nguyễn Huệ, người ngồi trong cũi là một võ sư cải trang thành Nguyễn Nhạc, những người khiêng cũi là Nguyễn Huệ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu đều cải trang làm trương tuần. Khi vào thành, bất thần những người khiêng cho phá cũi, đánh chết Nguyễn Khắc Tuyên và những tên hầu cận. Nghe pháo lệnh, nghĩa binh ngoài thành tấn công chiếm thành Quy Nhơn (Theo Nguyễn Xuân Nhân, Văn học dân gian Tây Sơn, NXB. Trẻ, 1999, tr. 119 -128).

Gửi tin nay qua Email In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)   (15/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)   (12/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)  (02/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH  (30/01/2008)