Chủ Nhật, ngày 30/3/2025 Cập nhật tin tức Festival 2008
Search
English version Vietnamese version
Tin tức hoạt động
Sự nghiệp nhà Tây Sơn
Quang Trung - Nguyễn Huệ
Di tích-Danh thắng-Đặc sản
Các dự án đầu tư
Khách sạn, nhà nghỉ
Video, nhạc, ảnh
Cuộc thi Hoa hậu Những miền Đất võ
 
Phong trào Tây Sơn
17:47', 11/3/ 2008 (GMT+7)

Có một giai đoạn lịch sử hoành tráng tiêu biểu cho khí phách hào hùng của nhân dân, của địa linh Bình Định đó là thời kỳ Tây Sơn (1771-1802). Đây cũng là giai đoạn phát triển rực rỡ, đã để lại những thành tựu quan trọng của lịch sử dân tộc Việt Nam thời quân chủ.

 

                                        Khởi nghĩa Tây Sơn (phù điêu).

 

I. PHONG TRÀO TÂY SƠN VỚI QUÊ HƯƠNG BÌNH ĐỊNH

1.   Khởi nghĩa Tây Sơn

Đàng Trong thế kỷ XVII là nạn nhân của sự bột phát khốc liệt của cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn. Để tồn tại trong thế đối trọng với Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong phải ra sức mở mang phát triển lãnh thổ và kinh tế. Chiến tranh chấm dứt (1672), Đàng Trong khẳng định được mình qua những thập kỷ lớn mạnh, trưởng thành và thử thách. Các chúa Nguyễn đã thắng khi chặn được quân Trịnh với sức áp đảo từ phía bắc Sông Gianh, thu phục được người Miên, người Hoa để mở cõi về phía nam và đưa dân vào sinh sống, làm ăn ở vùng Đồng Nai, Gia Định. Nhưng các chúa Nguyễn cũng chuẩn bị đương đầu với một nguy cơ mới nảy sinh trong lòng xã hội Đàng Trong, đó là các cuộc khởi nghĩa của người nông dân - vốn là nạn nhân của chế độ phong kiến. Họ là những di dân vào Thuận- Quảng làm ăn nên đã đồng tình với các chúa Nguyễn, đánh Trịnh để bảo vệ quê hương, bảo vệ thành quả lao động và cuộc sống của mình. Sau chiến tranh, các chúa Nguyễn tiếp tục gia tăng cường độ bóc lột qua các chính sách thuế má, phu dịch để xây dựng dinh phủ, nuôi sống bộ máy cai trị; một  bộ phận quan chức trở nên nhũng lạm, xa hoa, xã hội với nhiều mâu thuẫn nảy sinh. Phủ Quy Nhơn là một trong những nơi chịu áp bức bóc lột nặng nề nhất. Nông dân, thương nhân, các dân tộc ít người đều căm phẫn tột độ. Năm 1695, một thương nhân ở Quy Nhơn là Quảng Phú đã liên kết với thương nhân ở phủ Quảng Ngãi là Linh Vương mua sắm binh thuyền, vũ khí khởi nghĩa chống chúa Nguyễn. Thế kỷ XVIII, cuộc khởi nghĩa của Lía ở phủ Quy Nhơn đã nói lên một khí thế đấu tranh quyết liệt của người nông dân chống địa chủ và cường quyền áp bức. Đó là khúc nhạc dạo đầu của bản anh hùng ca hoành tráng của các thủ lĩnh nông dân Tây Sơn khi Nguyễn Nhạc đã tụ nghĩa ở đất Tây Sơn với những người có nghĩa khí, chống áp bức đã dấy lên cuộc khởi nghĩa (1771) làm rung chuyển cả cơ đồ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Nguyễn Nhạc đã thành công hơn Lía và các thủ lĩnh nông dân khác ở Đàng Ngoài khi chọn được căn cứ địa ở vùng Tây Sơn thượng đạo an toàn, bí mật, vững chắc, được nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Nông dân nghèo, hào phú, thương nhân, các dân tộc ít người... ra sức ủng hộ. Nguyễn Nhạc có nghệ thuật thu phục lòng người, có nghĩa cử với dân nghèo nên đã  đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi có ý nghĩa trong buổi đầu của phong trào Tây Sơn.

2.  Đánh quân Nguyễn, giải phóng Đàng Trong

Mùa thu năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn mở rộng căn cứ  xuống vùng Tây Sơn hạ đạo, lấy ấp Kiên Thành, sinh quán các thủ lĩnh Tây Sơn làm đại bản doanh. Năm đó, Nguyễn Nhạc quyết định cho nghĩa quân đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn, nay ở  Châu Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn. Nhờ mưu lược của Giáo Hiến, mạo hiểm của Nguyễn Nhạc, sự đồng lòng của các tướng lĩnh và nghĩa quân, Nguyễn Nhạc đã cho nghĩa quân đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn. Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên bỏ thành trốn. Nguyễn Nhạc cho nghĩa quân đánh chiếm kho Càn Dương và Đạm Thủy. Phủ Quy Nhơn hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn.

Quân Tây Sơn chọn màu đỏ làm cờ nghĩa, lấy dân nghèo làm lực lượng đấu tranh và mục tiêu phục vụ, lấy công bằng xã hội làm phương châm. Đối tượng cuộc đấu tranh là bọn địa chủ, quan lại bóc lột hà hiếp nhân dân. Quân Tây Sơn đến đâu các hào kiệt đều theo về, dân chúng nô nức hưởng ứng, uy thế ngày mỗi tăng. Tập Đình và Lý Tài là 2 thương gia người Hoa lập binh lực để  đánh cướp cũng xin tham gia dưới trướng Tây Sơn. Nguyễn Nhạc cho đặt 2 đội quân này là Trung nghĩa quân và Hòa nghĩa quân. Một đạo quân dân tộc Bana cũng tham gia chiến đấu. Nữ chúa Thị Hỏa cũng về theo, thanh thế Tây Sơn thật lừng lẫy.

Nhằm phân hóa nội tình chúa Nguyễn, quân Tây Sơn tôn phò Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương để công kích Quốc phó Trương Phúc Loan - tên gian thần mà mọi người đều căm  ghét. Trong dân gian lan truyền câu:

"Binh Triều, binh Quốc phó

Binh Ó, binh Hoàng tôn"1

Để chỉ bọn gian tặc, hung ác dưới trướng Trương Phúc Loan.      

Nghĩa quân Tây Sơn được mệnh danh là binh lính của Hoàng tôn, với khí thế ra quân nô nức lòng người.

Đầu tháng 11 năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn ra đánh chiếm phủ Quảng Ngãi, quân Triều bị bại, rút ra Quảng Nam, về cố thủ ở thủ Hội An để liệu đường rút ra cửa biển. Quân Tây Sơn tiến ra Hội An, rồi Đà Nẵng. Binh Triều và quân khởi nghĩa đánh nhau nhiều trận vào cuối tháng 12, sau đó, quân Tây Sơn phải rút lui khỏi mặt trận Quảng Nam2.

Năm 1774, chúa Nguyễn cử đạo binh vào đánh Tây Sơn, quân Triều tiến thẳng đến phủ Quy Nhơn, nhưng gặp sự phản công mãnh liệt của Tây Sơn  nên đã bại trận phải rút lui. Quân Tây Sơn thừa thắng tiến ra đánh chiếm lại Quảng Nam với một lực lượng đông đảo 26.000 nghĩa quân. Quân Triều bị chết rất nhiều, 82 đại bác mua của Hà Lan và người Anh bị quân Tây Sơn chiếm đoạt, cùng 45 voi, nhiều khí giới, trống cờ... là chiến lợi phẩm có ý nghĩa trong mặt trận Quảng Nam. Năm 1774, quân Triều triệt thoái về giữ đô thành Phú Xuân.

Về phía nam, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ toàn bộ tỉnh Phú Yên ngày nay.

Trong lúc Quảng Nam lâm trận, Phú Xuân lâm nguy thì chúa Trịnh sai Hoàng Ngũ Phúc cầm đầu 30.000 quân vào đánh chúa Nguyễn. Đêm 29 Tết năm Giáp Ngọ (30-1-1775), chúa Nguyễn Phúc Thuần, Tôn thất và Triều thần lặng lẽ xuống thuyền ra cửa Tư Hiền xuôi vào Gia Định để ẩn tránh. Chiếm xong Phú Xuân, Hoàng Ngũ Phúc cho quân đánh chiếm Quảng Nam, quân Tây Sơn thua bỏ Điện Bàn, bỏ Hội An... rút về Quảng Ngãi. Quân Trịnh tiến đuổi theo, đến địa giới Quảng Ngãi do không quen thủy thổ, binh sĩ bị dịch tả chết rất nhiều. Mùa hè năm 1775, Hoàng Ngũ Phúc và Nguyễn Nhạc giảng hòa. Nguyễn Nhạc được nhậm chức, phong tước hiệu như một đại thần của Lê- Trịnh trấn  nhậm xứ Quảng Nam.

Từ  một thế tiến công, đắc thắng đến đầu năm 1775, bị quân Trịnh và quân Nguyễn vây từ 2 phía bắc- nam có nguy cơ bị tiêu diệt, nay đã ổn định với quân Trịnh ở phía bắc nên Tây Sơn  đã rảnh tay đối phó và tấn công quân Nguyễn ở phía nam.

Vấn đề chính trị mới nảy sinh làm khó cho Nguyễn Nhạc là lúc khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc giương ngọn cờ Hoàng Tôn Dương (Nguyễn Phúc Dương- được triều chúa lập Đông cung Thế tử) để phân hóa nội bộ phủ chúa. Nay chúa Duệ tôn Nguyễn Phúc Thuần vào Gia Định giao Nguyễn Phúc Dương ở lại giữ đất Quảng Nam. Vào đến Hội An, Phúc Dương bị Tây Sơn bắt, Tập Đình định giết Phúc Dương, được Lý Tài can ngăn nên mới khỏi bị bỏ mạng. Nguyễn Nhạc đưa Phúc Dương về Quy Nhơn,  ngọn cờ Hoàng Tôn Dương lúc này lại trở nên gay cấn(?).

Khi quân Trịnh tấn công phía bắc, quân Nguyễn hùng cứ phía nam đều sẵn sàng đánh Quy Nhơn. Châu Văn Tiếp cùng một số tướng lĩnh Tây Sơn đã bỏ theo Nguyễn Ánh vì thấy Nguyễn Nhạc không thật lòng. Nay tiếp tục tôn phò thì không còn ý nghĩa mà phế bỏ thì thất sách. Trong khi đó, quân Nguyễn từ phía nam do Tống Phúc Hạp chỉ huy đã chiếm lại đất Phú Yên, đưa người ra Quy Nhơn đòi trả Phúc Dương lại cho quân chúa Nguyễn. Để phân hóa quân Nguyễn, Nguyễn Nhạc gả con gái là Thọ Hương cho Phúc Dương1. Năm 1776, lại đưa Phúc Dương về ngự ở chùa Thập Tháp. Đây là cơ hội để Phúc Dương trốn quân Tây Sơn vào Nam. Phúc Dương đến Sài Gòn  được quân Lý Tài tung hô nồng hậu2.

(Còn nữa)

.Theo Địa chí Bình Định

----------------------------------------------------------------------------------

1 ĐNCBLT, Q.30, t.2b, bản dịch Tạ Quang Phát, Sài Gòn, 1970, tr. 13.

2 Theo thư của giáo sĩ Jumila, viết từ  Đà Nẵng, BSEI, tập 15, 1940.

1 Theo ĐNCBLT. Q.30, sđd, tr. 31; còn Quách Tấn... viết: Thọ Hương gả cho Võ Văn Nhậm (Nhà Tây Sơn), Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình, 1988, tr. 69).

2 ĐNTLTB, Viện Sử học, 1962, tr. 258-259.

Gửi tin nay qua Email In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)   (25/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)   (22/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)   (19/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)   (15/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)   (12/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)  (02/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH  (30/01/2008)