* Nguyễn Huệ đánh quân Nguyễn ở Phú Yên (1775)
Tháng 8 năm Ất Mùi (1775), Tống Phúc Hạp chỉ huy quân Chúa Nguyễn chiếm lại Phú Yên, đòi lại Hoàng Tôn Dương nhưng do sơ hở, Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ vào đánh úp. Cai đội Nguyễn Văn Hiền bị giết, cai cơ Nguyễn Khoa Kiến bị bắt. Nguyễn Huệ cho lưu Lý Tài đóng giữ đất Phú Yên3. Lý Tài về sau làm phản, vào Nam ủng hộ Nguyễn Phúc Dương.
|
Thủy quân Tây Sơn (Tranh minh họa-Ảnh St). |
* Đánh quân Nguyễn ở Gia Định lần thứ nhất (1776)
Sau khi hòa giải với quân Trịnh, Trịnh về bên kia đèo Hải Vân. Năm 1776, Tây Sơn đánh bại quân Nguyễn, quân Nguyễn lùi về sau núi Thạch Bi rồi cầm giữ Nguyễn Phúc Dương ở chùa Thập Tháp, Nguyễn Nhạc xưng vương, đúc ấn, đóng đô ở thành Đồ Bàn. Sau đó cử Nguyễn Lữ đưa quân vào đánh chúa Nguyễn ở Gia Định. Ở Gia Định, chúa Nguyễn Phúc Thuần dựa vào đạo quân Ngũ dinh của Tống Phúc Hạp nhưng Hạp đóng quân ở Bình Thuận, Phú Yên nên Chúa đành dựa vào đội quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân từ Thuận Hóa vào với Chúa. Lực lượng Mạc Thiên Tứ ra sức ủng hộ, được chúa Nguyễn đặt làm Đốc trấn Hà Tiên.
Năm 1776, thủy quân Tây Sơn vào đánh chiếm Sài Côn (Sài Gòn). Các lực lượng của chúa đều ở xa, chúa Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn truy đuổi ráo riết, suýt bị bắt. May cùng lúc Đỗ Thanh Nhân, Tống Phúc Hạp và Mạc Thiên Tứ đem quân ứng cứu, quân chúa lấy lại được Sài Côn.
Trước sức mạnh của quân Nguyễn được hợp lực tăng cường, Nguyễn Lữ đành phải triệt phá Sài Côn, rồi chở hơn 200 thuyền đầy thóc ra Quy Nhơn.1
* Đánh quân Nguyễn ở Gia Định lần thứ 2 (1777)
Cuối năm 1776, khi Nguyễn Lữ đã rút quân về Quy Nhơn, Nguyễn Phúc Dương cùng chúa Nguyễn Phúc Thuần có mặt ở Sài Côn. Một cuộc nhân nhượng trong nội bộ đã làm đẹp lòng những người theo chúa Nguyễn. Chúa Duệ Tôn Nguyễn Phúc Thuần nhường ngôi cho Nguyễn Phúc Dương xưng là Tân Chính Vương, còn mình tôn lên làm Thái Thượng Vương. Vấn đề một triều hai chúa sắp xếp như vậy là tạm ổn, tránh được cuộc xung đột nội bộ khi 2 viên tướng của chúa Nguyễn là Lý Tài và Đỗ Thanh Nhân mâu thuẫn kịch liệt với nhau. Nhưng sau đó không lâu Nguyễn Phúc Thuần lại trở về bản doanh ở Tam Phụ với quân Đông Sơn còn Nguyễn Phúc Dương ở lại Sài Côn với đội quân của Lý Tài. Nguyễn Ánh tỏ ra không ủng hộ Nguyễn Phúc Dương mà tìm lợi thế ở đội quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân nên cũng về Tam Phụ. Nguyễn Phúc Dương lo củng cố lực lượng để chống Tây Sơn ở vùng Sài Côn.
Tháng 4 năm Đinh Dậu (1777), Nguyễn Huệ chỉ huy 2 đội quân thủy bộ vào đánh quân Nguyễn ở Gia Định.
Nguyễn Phúc Dương đưa quân lên Trấn Biên nghinh chiến. Dương không gặp Tây Sơn, nhưng quân thủy Tây Sơn đã vào Sài Côn, Lý Tài hội binh với Phúc Dương giữ Sài Côn, nhưng sau đó thua chạy về Tam Phụ. Lý Tài bị quân Đông Sơn giết chết. Quân Tây Sơn truy đuổi Duệ Tôn Nguyễn Phúc Thuần, Phúc Thuần thoát chết ở miệt Định Tường, rồi qua Cần Thơ. Chúa Nguyễn Phúc Dương cũng bị truy kích ráo riết chạy về Trà Tân (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Các tướng sĩ của Nguyễn Phúc Dương bị tiêu hao dần. Tuyệt vọng, Nguyễn Phúc Dương đầu hàng rồi tự sát vào tháng 8 năm Đinh Dậu (1777)2.
Quân Tây Sơn thừa thắng kéo xuống Cần Thơ, Phúc Thuần phải chạy qua Long Xuyên, tại đây Phúc Thuần bị bắt đem về Sài Côn và bị giết vào tháng 9 năm Đinh Dậu (1777)1.
Năm 1777, về cơ bản, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh bại quân Nguyễn, kết thúc đời chúa cuối cùng ở Đàng Trong.
* Nguyễn Ánh củng cố thế lực ở Gia Định (1778-1781)
Tháng 9 năm Đinh Dậu (1777), chúa Nguyễn Phúc Thuần bị bắt rồi bị giết. Nguyễn Ánh mới 15 tuổi trốn thoát được nhờ Giám mục Bá Đa Lộc cưu mang. Dựa vào quân Đông Sơn, Nguyễn Ánh bắt đầu củng cố thế lực. Năm 1778, Nguyễn Ánh xưng chúa. Quân Tây Sơn do Tổng đốc Châu chỉ huy vào đánh, bị quân Nguyễn đánh bại phải rút lui về Quy Nhơn.
Trong những năm 1779, 1780, 1781, Tây Sơn không đem quân vào đánh ở Gia Định nên thế của Nguyễn Ánh ở Gia Định ngày càng tăng nhờ tướng Đông Sơn Đỗ Thanh Nhân và viên huấn luyện thủy quân người Pháp Manuel (sử Việt Nam gọi là Mãn Noài) do Bá Đa Lộc giới thiệu. Nhưng Nguyễn Ánh cảm thấy khó xử khi thấy viên cận tướng này càng trở nên lộng quyền, kiêu căng. Nguyễn Ánh đã sai lầm khi giết Đỗ Thanh Nhân, làm đội quân Đông Sơn tan rã, một số thuộc tướng của Nhân đem quân chống lại Nguyễn Ánh. Manuel do tham vọng muốn độc quyền chỉ huy tàu phương Tây và huấn luyện thủy thủ cho Chúa nên đã giết chủ tàu và 27 thủy thủ người Bồ làm cho hai chiếc tàu nữa phải bỏ chạy. Sự sa sút trong nội bộ này cũng là một nguy cơ của quân Nguyễn khi Nguyễn Ánh mua, thuê người và tàu để tăng cường lực lượng cho quân Nguyễn.
* Nguyễn Huệ đánh Nguyễn Ánh (1782)
Đầu năm Nhâm Dần (1782), thủy binh Tây Sơn tiến vào cửa Cần Giờ. Nguyễn Ánh đưa 47 thuyền chiến và 1 chiếc tàu Bồ Đào Nha do Manuel ra nghinh chiến. Hai bên chiến đấu rất hăng thì một thuộc tướng của Đông Sơn là Nhàn Trập ra hàng Tây Sơn. Quân Nguyễn Ánh bị rối loạn cho rút quân về ngã Bảy. Tây Sơn tiếp tục truy kích giết được Manuel, thiêu hủy tàu chiến của Bồ. Tây Sơn tiếp tục truy kích Nguyễn Ánh. Nguyễn Huệ cho quân phục binh đã đánh bại quân Nguyễn Ánh ở ngã Bốn (Tứ Kỳ Giang). Ánh trốn qua Lật Giang, Kiên Giang tìm đường trốn chạy qua Chân Lạp. Nhưng bị vây đuổi vì Tây Sơn liên kết với Chân Lạp để tiêu diệt quân Nguyễn. Một đoàn đi cầu viện Xiêm chừng 150 người do Nguyễn Ánh cử, khi qua ngả Chân Lạp đã bị người Chân Lạp giết sạch. Thất vọng, Nguyễn Ánh vượt biển trốn ra đảo Phú Quốc.
Sau những chiến công lừng lẫy, tháng 6 năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đưa quân về Quy Nhơn để hàng tướng Nhàn Trập ở lại giữ Gia Định.
* Nguyễn Ánh bị đánh bại lần thứ 2 (1783)
Tháng 9 năm Quý Mão (1783), Châu Văn Tiếp ở miệt Bình Khang đem quân vào cứu Nguyễn Ánh. Quân của Tiếp đánh bại quân Tây Sơn do Nhàn Trập chỉ huy, rồi tự thân ra Phú Quốc rước Nguyễn Ánh về Sài Côn, Nguyễn Ánh làm chủ Gia Định được mấy tháng.
Tháng 2 năm Quý Mão (1783), quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ chỉ huy kéo vào cửa Cần Giờ. Nguyễn Ánh dồn mọi sức lực ra nghinh chiến. Vừa xáp trận, quân Nguyễn bị đánh tan tành. Kế hỏa công do Nguyễn Ánh bày ra đã không gặp thời khi gió bất ngờ đổi chiều lại đốt chìm các chiến thuyền của mình làm cho đội hình tan vỡ, quân sĩ tán loạn. Các tướng sĩ phần lớn bị chết. Châu Văn Tiếp trốn thẳng qua Xiêm xin cầu viện. Số lính còn lại của Nguyễn Ánh chưa đến một trăm người cùng Nguyễn Ánh vội vàng băng qua Mỹ Tho rồi kiếm thuyền trốn ra đảo Phú Quốc. Nơi đây có Giám mục Bá Đa Lộc và nhiều giáo sĩ khác đang trú ẩn.
Tháng 7 năm Quý Mão (1783), quân Tây Sơn tấn công Phú Quốc, Nguyễn Ánh bị vây. Trong thế tuyệt vọng, viên cai cơ Lê Phúc Điển lấy áo Nguyễn Ánh mặc vào đóng vai "Lê Lai cứu chúa". Tướng Tây Sơn là Phan Tiến Thận hô hào tướng sĩ xông lên thuyền bắt sống Nguyễn Ánh. Khi quân Tây Sơn nhận ra đó là Lê Phúc Điển thì Nguyễn Ánh đã trốn qua đảo Cổ Long. Quân Nguyễn một lần nữa tan tác. Tìm được nơi ẩn náu của Nguyễn Ánh, tháng 8, tướng Tây Sơn là Trương Văn Đa mang binh thuyền vây đảo Cổ Long. Đảo bị vây 3 vòng thuyền, Nguyễn Ánh bị triệt đường tẩu thoát. Không ngờ một trận mưa bão nổi lên, thuyền bè và binh sĩ Tây Sơn bị nhấn chìm. Nguyễn Ánh trốn sang đảo Cổ Cốt, sau đó trở lại Phú Quốc. Nguyễn Huệ cho quân rút về Quy Nhơn, để Trương Văn Đa ở lại đất Gia Định. Quân Nguyễn tiếp tục bị đánh tơi bời. Nguyễn Ánh trốn sang đảo Thổ Châu. Toàn bộ quân Nguyễn bị đuổi ra khỏi đất liền. Đầu năm 1784, Nguyễn Ánh trốn sang Xiêm xin cầu viện. Về cơ bản, phần đất Đàng Trong từ đèo Hải Vân đến Hà Tiên thuộc quyền kiểm soát của quân đội Tây Sơn.
(Còn nữa)
.Theo Địa chí Bình Định
-------------------------------------------------------------------------------
3 ĐNTLTB, sđd, tr. 254. Năm 1775, Nguyễn Huệ xuất tướng và đại thắng lúc 22 tuổi.
1 ĐNTLTB, sđd, tr. 357.
2 Ngô Giáp Đậu, Hoàng Việt Long Hưng chí, bản dịch Văn học, Hà Nội, 1993, tr. 74.
1 ĐNTLTB, sđd, tr. 263, Ngô Giáp Đậu, sđd, tr. 75.
|