Chủ Nhật, ngày 30/3/2025 Cập nhật tin tức Festival 2008
Search
English version Vietnamese version
Tin tức hoạt động
Sự nghiệp nhà Tây Sơn
Quang Trung - Nguyễn Huệ
Di tích-Danh thắng-Đặc sản
Các dự án đầu tư
Khách sạn, nhà nghỉ
Video, nhạc, ảnh
Cuộc thi Hoa hậu Những miền Đất võ
 
Phong trào Tây Sơn (tt)
17:36', 21/3/ 2008 (GMT+7)

1. Đánh Xiêm bảo vệ nền độc lập dân tộc (1785)

Vào thế kỷ XVIII, Xiêm là một đế chế hùng mạnh ở Đông Nam Á. Nhiều lần quân Xiêm xâm lấn, đánh chiếm Ai Lao, Chân Lạp và đất Đàng Trong. Khi nhận được sự cầu viện của Nguyễn Ánh - một cơ hội để quân Xiêm xâm lược nước ta. Tháng 7 năm Giáp Thìn (1784), vua Xiêm Chakri1 "cử 5 vạn quân 2 vạn quân thủy do Chiêu Tăng và Chiêu Sương đi theo ngả vịnh Hà Tiên tấn công lên; 3 vạn quân bộ do tướng Lục Côn tấn công qua đường Chân Lạp2. Cuối năm 1784, quân Xiêm chiếm gần toàn bộ miền Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, từ Cà Mau đến sông Tiền. Quân Xiêm hầu như không bị vấp phải sự kháng cự nào đáng kể, chỉ có tướng Nguyễn là Châu Văn Tiếp được Nguyễn Ánh phong chức Bình Tây Đại đô đốc bị quân Trương Văn Đa giết chết. Quân Xiêm xông vào nhà dân cướp bóc, hãm hiếp, tàn sát tạo thành một làn sóng bức bối, hận thù gay gắt giữa nhân dân ta và quân xâm lược; mâu thuẫn giữa quân Xiêm và Nguyễn Ánh. Chính điều này đã làm cho nhân dân càng thêm căm ghét Nguyễn Ánh và quân Xiêm. Sau những chiến thắng dễ dàng ban đầu, quân Xiêm càng tự đắc, chủ quan.

Sơ đồ quân Tây Sơn (màu đỏ) mai phục và chặn đánh quân Xiêm (màu xanh) trên đoạn sông Rạch Gầm-Xoài Mút.  ( Ảnh: tvtl.bachkim.vn)

Sau khi chờ quân Xiêm bộc lộ lực lượng, bộc lộ bản chất xâm lược tàn ác của chúng, đầu năm 1785, Nguyễn Huệ chỉ huy 2 vạn quân Tây Sơn theo đường thủy lên đóng bản doanh ở Mỹ Tho- nơi cách sở chỉ huy của quân Xiêm  tại Trà Tân khoảng 40 km, cũng trên tả ngạn sông Tiền. Nguyễn Huệ chủ trương thực hiện trận quyết chiến chiến lược, nhanh chóng đưa đến thắng lợi để đưa quân về giữ Quy Nhơn trước sự đe dọa thường xuyên của quân Trịnh ở Phú Xuân. Để thực hiện một trận địa mai phục ở sông Tiền, đoạn ở cù lao Thới Sơn - nơi có Rạch Xoài Mút (nay là Xoài Hột) và Rạch Gầm, cách nhau khoảng 7 km và Rạch Xoài Mút cách Mỹ Tho chừng 6 km, thật hiệu quả. Nguyễn Huệ đã lợi dụng thủy triều, con nước, sức gió, ánh  trăng để giấu quân, mai phục. Tại Mỹ Tho, Nguyễn Huệ cho mở cuộc diễu binh phô trương lực lượng để tăng tinh thần chiến đấu của binh sĩ, mời các tướng lĩnh Xiêm đến thăm, chiêu đãi, tặng quà biếu để tăng sự chủ quan, khinh thường của địch. Nguyễn Huệ hẹn với quân Xiêm đánh nhau vào ngày 8 tháng chạp năm Giáp Thìn, tức ngày 18 tháng 1 năm 1785. Đây là tháng nước kém nhất của sông Tiền khi thủy triều hạ vào tảng sáng.

Đêm 18 tháng 1 năm 1785, lợi dụng ánh trăng, binh thuyền, pháo binh Tây Sơn đã vào trận mai phục ở cồn Thới Sơn, Rạch Xoài Mút, Rạch Gầm, hai bên sông Tiền. Một đội binh thuyền khác có nhiệm vụ lên tận Trà Tân khiêu chiến, kéo địch ra khỏi hang ổ, dẫn chúng vào trận địa mai phục. Quân Xiêm hăng máu tấn công. Đợi đến lúc toàn bộ binh thuyền của địch lọt vào trận địa thì trời va sáng. Vừa lúc thủy triều dâng lên và thuận gió, Nguyễn Huệ từ Mỹ Tho đưa binh thuyền lên đánh vỗ mặt; thủy binh từ Rạch Xoài Mút và Rạch Gầm phóng ra chặn đầu, khóa đuôi, toàn bộ binh thuyền địch làm mục tiêu cho pháo binh Tây Sơn ở cù lao Thới Sơn và tả ngạn sông Tiền tiêu diệt. Nguyễn Huệ dùng cả hỏa công để diệt địch và dùng bè mảng để chặn đường tháo lui của chúng. Quân Xiêm không còn đường thoát, đa số bị tiêu diệt ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Tướng Lục Côn bị chém đầu, chỉ còn Chiêu Tăng và Chiêu Sương và vài ngàn binh tẩu thoát được về nước theo đường bộ. Trong trận này Nguyễn Ánh trốn ở chùa Long Tuyền (gần Rạch Xoài Mút) nhờ nhà chùa che chở nên mới thoát chết. Nguyễn Ánh chạy đến Rạch Giá bị quân Tây Sơn bắt giam trên thuyền, giao cho Chưởng cơ Trân trông coi. Chưởng cơ Trân của Tây Sơn đã ngả lòng, cởi trói nên Nguyễn Ánh thoát được1.

Đánh bại quân Xiêm xâm lược, ổn định chiến trường miền Nam, Nguyễn Huệ cho rút quân về Quy Nhơn, chuẩn  bị kế hoạch tấn công quân Trịnh ở phía bắc.

4. Đánh Trịnh giải phóng Phú Xuân- Thuận Hóa (1786)

Trong hơn 10 năm (1775-1786), mối quan hệ Phú Xuân và Quy Nhơn giữa quân Trịnh và Tây Sơn bên ngoài là giao hảo, phụ thuộc của Tây Sơn nhưng thực chất  là thời kỳ chiến tranh lạnh âm ỉ,  sẽ có cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau.

Về phía quân Trịnh: Có 3 vạn quân thường trực đóng ở Phú Xuân và rải ra khắp địa bàn của Thuận Hóa với các viên tướng lão luyện như: Phạm Ngô Cầu, Hoàng Đình Thể, Hoàng Nghĩa Quyền... trấn đóng. Các hệ thống phòng thủ phía nam thành Phú Xuân như ở đèo Hải Vân, cửa Tư Hiền, cửa Eo, dọc theo đường Thiên Lý, dọc phá Tam Giang. Đặc biệt, việc xây dựng đồn An Nông cách thành Phú Xuân hơn 20 km làm sở chỉ huy các đồn lũy của quân Trịnh đóng ở phía Nam và cũng là yết hầu của thành Phú Xuân.

Lãnh tụ Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ được vua Lê ban cờ quạt, sắc phong, tướng hiệu... hàng năm cử người vào Quy Nhơn thu thuế. Đáp lại, Tây Sơn lại cử sứ giả ra Phú Xuân đáp lễ, nộp thuế, nhưng thực chất là các hoạt động tình báo để theo dõi tình hình đối phương.

Năm 1775, Nguyễn Hữu Chỉnh được vua Lê giao cầm đầu sứ giả vào Quy Nhơn ban sắc phong cho Nguyễn Nhạc, thì năm 1782, Nguyễn Hữu Chỉnh đưa cả gia đình vào Quy Nhơn tham gia Tây Sơn, đã nói lên mối quan hệ này vốn chứa đựng những vấn đề vô cùng phức tạp, gay gắt.

Về phía Tây Sơn, sau cuộc kháng chiến chống quân Xiêm thắng lợi (1.1785), phong trào Tây Sơn đã trưởng thành và phát triển về ý thức đấu tranh chống áp bức và giải phóng dân tộc. Nhiều tướng lĩnh tài ba đã rèn luyện qua chiến tranh như Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Cái khó của Tây Sơn là đánh quân Trịnh với một lực lượng mạnh đã từng đánh bại quân Tây Sơn ở mặt trận Quảng Nam (1775) và có hệ thống phòng vệ kiên cố, có cấp chỉ huy lão luyện. Điều đáng quan tâm hơn là một chiến trường mới với những thế đất, tình người còn xa lạ với quân đội Tây Sơn. Tất cả những điều đó đã làm cho Nguyễn Huệ phải có những kế sách mới để đánh thắng được quân Trịnh. Cẩn thận hơn, trước khi xuất quân, Nguyễn Huệ đã cử một nghĩa quân đóng vai pháp sư người Hoa ra gặp Trấn tướng Phạm Ngô Cầu, khuyên Phạm Ngô Cầu mở đại lễ chay đàn một tuần ở chùa Thiên Mụ để cầu an trong mùa hè nhằm mong tai qua nạn khỏi. Vốn là một tướng già cầu an, tinh thần bạc nhược, Phạm Ngô Cầu đã trúng kế "điệu hổ ly sơn" của Nguyễn Huệ, y đã điều hết binh lính ở thành Phú Xuân lên phục dịch chay đàn ở chùa Thiên Mụ. Nguyễn Hữu Chỉnh lại viết thư cho Phó tướng Hoàng Đình Thể để khuyên Thể đem thành ra hàng nhằm bảo tồn phú quý và danh vọng. Người lính Tây Sơn theo lời dặn lại mang thư đến cho Phạm Ngô Cầu - 2 viên chánh tướng và phó tướng vốn có mâu thuẫn. Cầu đọc thư  xong và giữ lấy  không báo cho Thể biết, thế là kế ly gián đã thành công.

Tháng 5 năm 1786, 3 vạn quân Tây Sơn xuất phát từ Quy Nhơn theo hai đường thủy bộ ra đánh Phú Xuân - Thuận Hóa. Nguyễn Huệ làm Tổng chỉ huy dẫn quân theo đường Thiên Lý ra đánh Hải Vân, đồn An Nông, rồi phối hợp với quân thủy đánh chiếm thành Phú Xuân.

Nguyễn Hữu Chỉnh được đặt làm Hữu quân Đô đốc dẫn quân tiên phong mở đường. Ở Thượng đạo có tượng binh, kỵ binh, bộ binh cùng tiến ra mở mũi đánh cạnh sườn các đồn An Nông, Phú Xuân.

Nguyễn  Lữ làm Phó tướng chỉ huy quân thủy tiến vào cửa Tư Hiền, cửa Eo hợp lực với quân bộ của Nguyễn Huệ đánh vào đồn An Nông, Phú Xuân... có Võ Văn Dũng và Nguyễn Văn Lộc cùng giúp.

Võ Văn Nhậm1 được đặt Tả quân Đô đốc chỉ huy quân thủy, tiến thẳng ra cửa Gianh chặn viện và truy quét các đồn lũy quân Trịnh trên đất Quảng Bình.

Trần Quang Diệu được cử mở đường núi và chỉ huy cánh quân Thượng Đạo tiến ra.

Nguyễn Huệ cho đại binh đánh phá đồn Hải Vân rồi tiến ra vây đồn An Nông. Tướng giữ đồn là Hoàng Nghĩa Quyền kháng cự quyết liệt hòng giữ đồn. Nguyễn Huệ để một bộ phận vây hãm đồn An Nông và tự mình dẫn quân ra phối hợp với quân thuỷ vây đánh thành Phú Xuân1.

Việc phòng vệ của quân Trịnh ở thành Phú Xuân trong những ngày  phục dịch đại lễ cầu an ở chùa Thiên Mụ tuy có chểnh mảng, nhưng quân Tây Sơn đã không phá được thành trong ngày tấn công đầu tiên. Phó tướng Hoàng Đình Thể đem quân ra ngoài thành nghinh chiến ở vùng Lạc Nô2 bị đánh bại thảm hại. Ngày hôm sau, đại bác Tây Sơn công phá thành Phú Xuân, quân bộ tràn vào thành, làm chủ được Phú Xuân. Nhân dân Thuận Hóa nổi dậy hưởng ứng truy quét tàn quân Trịnh. Gần toàn bộ quân Trịnh đóng ở Phú Xuân bị tiêu diệt, Phạm Ngô Cầu kéo cờ trắng ra hàng, bị Tây Sơn đưa về Quy Nhơn rồi giết.

Ở phía bắc, cánh quân Võ Văn Nhậm sau khi tiêu diệt các đồn lũy quân Trịnh ở trên đất Quảng Bình có nhân dân nổi dậy hưởng ứng đã kéo vào đánh đồn  Dinh Cát (Quảng Trị ) - đồn lũy cuối cùng của quân Trịnh ở Thuận Hóa bị tiêu diệt vào ngày 21.6.1786. Chế độ thống trị của chúa Nguyễn, chúa Trịnh ở Thuận Hóa sau hơn 200 năm (1558-1786) chỉ sau một tuần tấn công của quân đội Tây Sơn, đã bị xóa bỏ. Trần Văn Kỷ, Ngô Thế Lân... cùng nhiều trí thức, thanh niên ở Thuận Hóa ra tham gia lãnh đạo phong trào Tây Sơn và bổ sung lực lượng nghĩa quân làm cho thế lực Tây Sơn lớn mạnh hẳn lên về mọi phương diện.

.Theo Địa chí Bình Định

--------------------------------------------------------------------------------

1 Có tài liệu ghi tên là P'hut Yodja, Sử Việt Nam ghi là Chất Tri.

2 Ngô Giáp Đậu ghi 3 vạn quân thủy, 300 chiến  thuyền, sđd, tr. 118.

1 Theo Ngô Giáp Đậu, sđd, tr.122. Chưởng cơ Trân nghĩ rằng thuở ông cha được chúa Nguyễn đưa vào lập nghiệp ở miền Nam nên đành thả Nguyễn Ánh rồi nhảy xuống sông tự tử.

1 Một tướng lĩnh có tài, được Nguyễn Nhạc trọng dụng và gả con gái cho.

1 Đỗ Bang, Chiến trận Hải Vân, An Nông của nghĩa quân Tây Sơn năm 1786, NCLS, số 2,  tr. 36-41, Hà Nội, 1987

2 Nay còn có tên xóm Nhạc Hộ, phía đông chùa Diệu Đế.

 

Gửi tin nay qua Email In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phong trào Tây Sơn (tt)   (16/03/2008)
Phong trào Tây Sơn   (11/03/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)   (25/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)   (22/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)   (19/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)   (15/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)   (12/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH (tt)  (02/02/2008)
SỰ NGHIỆP TÂY SƠN TRÊN ĐẤT BÌNH ĐỊNH  (30/01/2008)