(Tóm tắt)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19-5-1890 ở quê ngoại là làng Hoàng Trù; lớn lên ở quê nội là làng Kim Liên, huyện Nam Đàm, tỉnh Nghệ An và mất ngày 2-9-1969.
Người sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, nguồn gốc nông dân và lớn lên ở một địa phương mà nhân dân có truyền thống anh dũng chống ngoại xâm, trong một thời kỳ phong trào cứu nước ở Việt Nam rất sôi nổi.
Cuối năm 1911, với ý muốn học tập lý luận và kinh nghiệm cách mạng của các nước để về giải phóng nước nhà khỏi ách thống trị thực dân, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, làm công nhân, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình. Là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Năm 1920, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tua. Từ một người yêu nước chân chính, Người đã trở thành một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc.
Để kết hợp cuộc đất tranh của nhân dân Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp (1921). Xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp (1922). Năm 1923, Người được bầu vào Ban chấp hành Quốc tế cộng sản và được chỉ định là ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở châu Á, xuất bản hai cuốn sách nổi tiếng: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và Đường cách mệnh (1927).
Để chuẩn bị tiến tới thành lập đảng của những người Cộng sản Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức "Cộng sản Đoàn" làm nòng cốt cho Hội đó, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta. Năm 1929, những tổ chức Cộng sản đầu tiên ra đời ở Việt Nam. Ngày 3-2-1930, được sự ủy quyền của Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, Người triệu tập "Hội nghị hợp nhất" để thống nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam sau đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương và ngày nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong "Hội nghị hợp nhất" Người vạch ra đường lối cách mạng ở nước ta là trước làm cách mạng dân tộc dân chủ, sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 1930 - 1940, đồng chí Hồ Chí Minh tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác trong điều kiện vô cùng gian khổ và khó khăn.
Năm 1941, Người về nước, triệu tập Hội nghị lần thứ tám của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định đường lối cứu nước, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Người tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1945), tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua hiến pháp dân chủ đầu tiên trong cả nước. Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1946).
Cùng với Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phá tan âm mưu của đế quốc, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng. Ngay sau cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Người kêu gọi cả nước kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của cách mạng tháng Tám. Người nói: "... Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Tại Đại hội lần thứ hai của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch, cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc vẻ vang bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (1954).
Sau khi miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng (1955), Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đề ra hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh để giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước.
Đại hội lần thứ ba của Đảng (năm 1960) quyết định đường lối cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta và đường lối đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Đại hội nhất trí bầu lại đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Cùng với Ban chấp hành Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Người nói: "Nước ta là một, dân tộc ta là một"..., "Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được" Người khẳng định: "Không có gì quý hơn độc lập tự do".
Cùng với Ban chấp hành Trung ương Đảng, Người lãnh đạo sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta, Người nói: "Miền Bắc nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mà đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa ".
Hồ Chủ tịch luôn luôn dạy chúng ta phải kết hợp nhiệm vụ cách mạng trong nước với nhiệm vụ cách mạng quốc tế. Người chỉ thị cho toàn Đảng và toàn dân ta phải tích cực góp phần bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa, khôi phục đoàn kết, nhất trí trong phe ta và trong phong trào Cộng sản Quốc tế trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa Quốc tế vô sản, ra sức góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Hồ Chủ tịch đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đề ra đường lố đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, Người kết hợp tài tình truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam với tư tưởng cách mạng triệt để của giai cấp công nhân, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa Quốc tế vô sản. Sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và của Hồ Chủ tịch đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam đánh thắng các thế lực đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, thực hiện dân chủ nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Người tin tưởng mạnh mẽ vào lực lượng vĩ đại của quần chúng nhân dân, suốt đời tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Người là tấm gương trong sáng của tinh thần tập thể, ý thức tổ chức và đạo đức cách mạng: Trung với Đảng, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chân thành, khiêm tốn và giản dị.
Sự nghiệp của Hồ Chủ tịch thật là vĩ đại, Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng lập ra các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, góp phần tăng cường đoàn kết quốc tế.
Hồ Chủ tịch là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của phong trào Cộng sản Quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Tên tuổi của Người sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam yêu nước và sự nghiệp cách mạng nhất định sẽ được kế tục thắng lợi.
(còn tiếp)
|