Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, từ khi ra đời đến nay Đảng ta vẫn luôn luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó là đường lối, là sức mạnh, là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976) đã chỉ rõ: toàn Đảng, toàn dân tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ quang vinh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó chính là sự thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ mới.
Sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã được 19 năm. Thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, về đối nội và đối ngoại của đổi mới là to lớn. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thành tựu đó là trong quá trình đổi mới Đảng ta luôn kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Văn kiện Đại hội IX của Đảng viết: "15 năm đổi mới (1986 - 2000) đã cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu… trong quá trình đổi mới, phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh". Điều đó có ý nghĩa là trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tư tưởng Hồ Chí Minh, cốt lõi là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vẫn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng nước ta.
Trước nguy cơ "diễn biến hòa bình", trước việc một số thế lực lợi dụng vai trò giúp đỡ, viện trợ, đặt nhân quyền cao hơn chủ quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, hiện nay, hơn lúc nào hết, chúng ta cần quán triệt lời dạy của Hồ Chí Minh: mỗi một người phải nhớ rằng có độc lập mới tự lập, có tự cường mới tự do. Hồ Chí Minh khẳng định: "Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập". Vận dụng tư tưởng trên đây của Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX viết: "Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường".
Có thể khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt, vận dụng một cách sáng tạo và đưa lại những kết quả rõ rệt.
(Còn tiếp) |