Nội dung giáo dục toàn diện, và phương châm, phương pháp giáo dục thế hệ trẻ của Hồ Chí Minh
16:37', 8/3/ 2005 (GMT+7)

* Nội dung bồi dưỡng, giáo dục thế hệ cách mạng cho đời sau một cách toàn diện

- Hồ Chí Minh xác định: "Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất"; "thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên"".

- Đạo đức và tài năng là cả hai nội dung không thể thiếu được trong bồi dưỡng giáo dục, trong đó đạo đức là yếu tố gốc. Năm 1964 Người nói: "Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc rất quan trọng". "Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật".

- Bồi dưỡng giáo dục phải trên tất cả các mặt "đức, trí, thể, mỹ". Những nội dung này gắn bó chặt chẽ với nhau.

- Giáo dục toàn diện, nhưng phải vận dụng phù hợp ở mỗi đối tượng.

Trong thư gửi giáo viên, học sinh cán bộ thanh niên và nhi đồng (31-10-1955) Người chỉ rõ: "mỗi cấp giáo dục cần nhận rõ nhiệm vụ của mình trong lúc này:

Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.

Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho cuộc sống thực tế.

Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn, phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu".

* Phương châm giáo dục thế hệ trẻ của Hồ Chí Minh

- Học đi đôi với hành, giáo dục phải gắn liền với xã hội.

+ Tháng 9-1945, trong Thư gửi các học sinh, Hồ Chí Minh viết: "Đối riêng với các em lớn… Phải sẵn sàng mà chống giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường tham gia vào các Hội nghị cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước".

Với các em nhỏ, Người khuyên: "Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một đội, giúp nhau học hành. Khi học rảnh, mỗi tuần cả đội đem nhau đi giúp đồng bào".

+ Trong kháng chiến, Hồ Chí Minh chủ trương: "Chúng ta cần có một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc". Người yêu cầu: "Chúng ta phải sửa đổi cách dạy cho phù hợp với đào tạo nhân tài kháng chiến và kiến quốc", "Chúng ta phải đào tạo cán bộ mới và giúp đỡ cán bộ cũ theo tôn chỉ kháng chiến và kiến quốc".

+ Ngày 31-8-1960, trong Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa, Người nhắc nhở: "Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống nhân dân".

- Phối hợp nhà trường - xã hội - gia đình.

+ Hồ Chí Minh khẳng định: "Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội, trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn".

Ngày 31-10-1955, khi miền Bắc đã giải phóng, Hồ Chí Minh viết: "Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân".

+ Các đoàn thể là một yếu tố quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ, nhất là Đoàn thanh niên. Vì vậy, Hồ Chí Minh viết: Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa. Trường học, gia đình và các đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên.

- Thực hiện dân chủ, bình đẳng trong giáo dục.

+ Hồ Chí Minh dạy: "Trong trường cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là "cá đối bằng đầu". Đồng thời thầy và trò cần giúp đỡ những anh chị em phục vụ cho nhà trường. Các anh chị em nhân viên thì nên thi đua sao cho cơm lành canh ngọt để cho học sinh ăn no, học tốt".

+ "Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó".

* Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục

- Giáo dục phải xuất phát và bám chắc mục tiêu giáo dục.

Người dạy: "Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết: Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa". "Chúng ta phải sửa đổi cách dạy cho hợp với sự đào tạo nhân tài kháng chiến và kiến quốc".

- Giáo dục là một khoa học.

Người nói: "Giáo dục nhi đồng là một khoa học", do vậy, cách dạy trẻ "phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng (chớ nên làm cho chúng hóa ra những "người già sớm". Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết; đó là một triệu chứng già sớm nên tránh)". Ở bậc tiểu học, cách dạy phải nhẹ nhàng vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe cho các cháu.

- Phải biết kết hợp học tập với việc chơi, dạy từ dễ đến khó.

+ Với trẻ nhỏ thì làm sao trong lúc học, cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, ở nhà trường, ở xã hội, chúng đều vui đều học. Muốn vậy thì các ban phụ trách nhi đồng cần phải liên lạc mật thiết với cha mẹ và thầy giáo của nhi đồng.

+ Hồ Chí Minh dạy: "Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sinh hoạt của thanh niên… Trong vui chơi cũng cần có giáo dục. Cần có những thứ vui chơi văn hóa, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng".

+ Theo Hồ Chí Minh thực hiện giáo dục không thể tùy tiện… Giáo dục cũng phải theo hoàn cảnh, điều kiện. Phải ra sức làm không được vội… Làm phải có kế hoạch, có từng bước. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được.

- Giáo dục thế hệ trẻ phải thực hiện phương pháp nêu gương.

+ Thầy nêu gương cho trò. Hồ Chí Minh dạy: "Tri thức phải dễ hiểu, dễ nhớ, học mau. Ngoài tri thức phải có đạo đức cách mạng. Thầy giáo phải làm kiểu mẫu cho các cháu. Làm được như thế là làm tròn được nhiệm vụ".

+ Học tập qua các gương sản xuất, chiến đấu. Khi nói với học sinh Trường đại học nhân dân, Người nói: "Trường này là trường đại học nhân dân, các cháu học với các thầy giáo, đồng thời phải học nhân dân. Trong bộ đội ta, trong dân công và những ngành hoạt động khác, có nhiều thanh niên gương mẫu… Mong các cháu noi theo những thanh niên kiểu mẫu ấy… để xứng đáng là lớp đầu tầu của Trường đại học nhân dân, để rèn luyện thành chủ nhân xứng đáng tương lai của nước nhà".

- Giáo dục phải gắn liền với thi đua.

+ Hồ Chí Minh dạy: Đồng bào ta đang có phong trào thi đua sôi nổi: "Đại phong", "Duyên Hải", "Ba nhất", "Thành công". Vậy, các nhà trường cũng nên phát động một phong trào thi đua "2 tốt" - tức là dạy thật tốt, học thật tốt.

+ Hồ Chí Minh khuyên các cháu học sinh "Các cháu nên thi đua, thi đua học tập, thi đua trong mọi việc để trở nên những nhi đồng có tổ chức, có kỷ luật, có sáng kiến, có lực lượng".

(còn tiếp)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đảng ta vận dụng trong sự nghiệp đổi mới đất nước  (07/03/2005)
Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH  (06/03/2005)
Quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh   (06/03/2005)
Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (03/03/2005)
Con đường Bác Hồ ra đi cứu nước  (02/03/2005)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu  (01/03/2005)
Hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh   (02/03/2005)