Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Việt Nam và thế giới
16:10', 10/3/ 2005 (GMT+7)

* Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc

Trong những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân ta đã có nhiều cuộc nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp với nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau nhưng lần lượt bị thất bại. Suy nghĩ về sự thất bại của các phong trào này, Bác Hồ của chúng ta quyết tâm tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân. Chính vì thế, năm 1911, khi mới 21 tuổi, trên một chuyến tàu buôn Pháp, Bác Hồ đã ra đi để tìm con đường giải phóng dân tộc.

Từ năm 1911 đến 1917, Người qua nhiều nước châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ rồi ở lại Pháp tham gia phong trào công nhân, phong trào xã hội chủ nghĩa, hoạt động trong Việt Kiều. Thắng lợi vang dội của cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước Pháp, đặc biệt là đến người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc.

Từ lòng yêu nước cháy bỏng, Người đã đến với phong trào công nhân, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp (1920) theo đường lối của Quốc tế III, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, tìm thấy ở chủ nghĩa Lênin "Cẩm nang thần kỳ" cho cách mạng giải phóng dân tộc, gắn sự nghiệp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, gắn lợi ích dân tộc với lợi ích quốc tế. Sau hơn 3 năm hoạt động ở Pháp trong phong trào cộng sản và phong trào giải phóng thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô quan sát thực tế xã hội mới, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm cách mạng Tháng Mười, rồi sang Trung Quốc, về gần đất nước chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Năm 1925, Người lập ra "Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội", tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản. Ngày 3/2/1930, Người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính Người đã lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta - Nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta ngay từ những ngày đầu, Người đã nói rằng, Đảng là một bộ phận trong nhân dân, nhưng là bộ phận ưu tú nhất, cách mạng nhất được quần chúng thừa nhận và ủng hộ, do đó Đảng phải gắn bó với dân, phải dựa vào dân, sức mạnh của Đảng là từ nhân dân mà ra. Trải qua những năm tháng đấu tranh cách mạng gian khổ, Bác Hồ đã giáo dục và rèn luyện Đảng ta thành một Đảng mác xít Lêninnít chân chính, tiêu biểu cho trí tuệ và phẩm chất đạo đức của giai cấp công nhân và dân tộc ta. Người không chỉ chăm lo đến sự đoàn kết nhất trí, phát huy dân chủ trong Đảng, đồng thời chăm lo giữ gìn kỷ luật của Đảng và bản thân Người luôn là tấm gương sáng để toàn Đảng, toàn dân noi theo.

Tạo dựng một đội ngũ cách mạng - Đảng Cộng sản Việt Nam đủ đức, đủ tài lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tháng 8/1945, khi thời cơ đến, Bác Hồ cùng với Trung ương Đảng quyết định tổng khởi nghĩa và đã giành được thắng lợi nhanh chóng. Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ lại cùng toàn Đảng, toàn dân đưa hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống Pháp và chống Mỹ vượt qua mọi khó khăn thử thách đưa đến thắng lợi hoàn toàn.

Bác Hồ là ngọn cờ đoàn kết mọi lực lượng, là người lãnh tụ sáng suốt, là linh hồn của hai cuộc kháng chiến, là niềm tin sắt đá của nhân dân, là tấm gương tiêu biểu cho phẩm chất của người cộng sản, giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục, Bác Hồ yêu quý dân tộc mình và quý trọng các dân tộc khác trên thế giới. Bác coi trọng việc xây dựng tình đoàn kết hữu nghị với các nước bè bạn khắp năm châu, luôn luôn giáo dục nhân dân ta quán triệt quan điểm "giúp bạn là tự giúp mình". Ước mong của Bác là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bác kiên quyết lên án tệ phân biệt chủng tộc, lên án những hành động dã man chà đạp quyền con người, ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc trên thế giới vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

* Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa lớn

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà văn hóa lớn. Là nhà văn hóa trước hết phải là người hiểu biết sâu rộng, Bác Hồ là người như thế. Bác đã nghiên cứu, học tập, đọc rất nhiều tác phẩm Đông, Tây, Kim, Cổ; tiếp thu những tinh hoa của văn minh nhân loài. Trong kho tàng văn hóa Việt Nam, Bác tinh thông lịch sử dân tộc và am hiểu nhiều tác phẩm văn học có giá trị như truyện Kiều, Chinh phụ ngâm… Bác thuộc nhiều ca dao, tục ngữ. Bác biết nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga… Bác sử dụng ngoại ngữ ở trình độ thông thạo. Bác Hồ đã viết văn, viết báo, làm thơ bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài.

Bác Hồ đã có nhiều sáng tác thuộc nhiều lĩnh vực: văn, thơ, kịch, họa… ở Bác, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà báo, người chiến sĩ, nhà chính trị - kết bện chặt chẽ trong nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh. Bác Hồ là người mở đường cho báo chí, thơ văn cách mạng Việt Nam.

Là bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, ngay từ khi mới bước vào con đường đấu tranh cách mạng, Người đã sớm nhận thấy báo chí là một công cụ tổ chức, tập hợp, giáo dục quần chúng. Vì vậy, Người đã khổ công học tập, rèn luyện và đã trở thành một nhà báo xuất sắc, đem ngòi bút của mình thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, góp phần to lớn thúc đẩy phong trào cách mạng ở các nước. Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng to lớn. Chính Người đã sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên của nước ta như Thanh niên (6/1925), Công nông (12/1926), Lính Kách mệnh (2/1927), và tờ Việt Nam độc lập (8/1941).

Kể từ bài báo đầu tiên (viết năm 1919) đến bài báo cuối cùng (viết năm 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tròn nửa thế kỷ hoạt động báo chí, để lại cho chúng ta hơn 1.500 bài có bút danh (1) và còn hàng trăm bài khác nữa đang chờ xác minh kết luận.

Hồ Chí Minh sử dụng văn hóa như là một phương tiện quan trọng. Người đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa "vô cùng trong sáng và đẹp đẽ", "vô cùng cao thượng và phong phú".

Điều kỳ diệu là ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại đã không lấn át mất nhà thơ. Thơ Hồ Chí Minh phần lớn mang đậm ý chí độc lập, tự do, khát vọng về hòa bình, hạnh phúc, về công bằng, bình đẳng, về mối quan hệ nhân ái giữa người với người là âm điệu chủ đạo trong thơ Bác Hồ. Vì vậy, những bài thơ của Người đã trở thành "thơ của muôn đời". Đó là những giá trị nhân văn cao quý, tỏa sáng từ một tâm hồn thơ cao đẹp, một nhân cách lớn, luôn băn khoăn về vận mệnh của dân tộc và đất nước. Do vậy, thơ của Người đã đến với mọi tầng lớp nhân dân, trở thành "thơ của muôn nhà".

Là một nhà thơ lớn, Bác Hồ đồng thời còn là một nhà văn giàu tính chiến đấu. Bác là người đặt nền móng cho nền văn xuôi cách mạng của nước ta; đã sáng tác trên nhiều thể loại: tiểu thuyết du ký, thư từ, truyện ngắn, truyện ký, kịch, tiểu phẩm, văn chính luận… Người đã đem lại cho văn chương cách mạng nước ta những yếu tố mới mẻ và hiện đại. Chúng ta có thể tìm thấy trong tấm gương sáng tạo của Người những kinh nghiệm, bài học về nội dung và hình thức, tư tưởng và nghệ thuật, phương pháp và phong cách, ngôn ngữ và thể loại của một tài năng lớn.

Là nhà văn hóa lớn, Bác Hồ còn có nhiều cống hiến trên mặt trận giáo dục. Bác hết lòng chăm lo phát triển ngành giáo dục, chăm lo sự nghiệp mở mang dân trí. Ngay từ sau khi giành được độc lập, mặc dù đất nước gặp bao khó khăn chồng chất, thù trong, giặc ngoài, nhưng Bác vẫn động viên mọi người diệt giặc dốt. Bác coi diệt giặc dốt, diệt giặc đói cũng giống như diệt giặc ngoại xâm. Bác cho rằng "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Với thanh, thiếu niên, Bác Hồ thường căn dặn: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". (2) Ngay trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ rất ác liệt, Bác vẫn quan tâm thúc đẩy ngành giáo dục: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục tư tưởng chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn, nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề cho cách mạng nước ta đề ra, và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật" (3).

Bác Hồ còn góp phần xây dựng "đời sống mới" hình thành trong nhân dân những phong tục, tập quán mới, những sinh hoạt văn hóa mới, mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người.

Nói đến vấn đề này, nhà thơ Ơ-xip Nam-đen-xtan viết từ năm 1923: "Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai".

Khóa họp năm 1987 của Đại hội đồng tổ chức giáo dục khoa học văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO đã ghi trong quyết định tổ chức kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công nhận Người không chỉ là người anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam mà của toàn thế giới, công nhận Người là danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới.

Theo Nghị quyết UNESCO: "Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau". Trong Từ điển Danh nhân văn hóa thế giới xuất bản tại Anh và Mỹ, lời nói đầu có nêu: Thế kỷ 20 có nhiều đảo lộn lớn trong lịch sử nhân loại. Ai làm đảo lộn người đó xứng đáng làm Danh nhân văn hóa. Trong lĩnh vực Chính trị xã hội đã dành hai trang 332 - 333 nghi rõ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu của giải phóng dân tộc. Người đã dẫn dắt triệu triệu người Việt Nam cùng hàng ngàn triệu người nô lệ hơn 100 nước trên thế giới vùng lên giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã làm nên cuộc đảo lộn thế giới chưa từng có từ sau khi chủ nghĩa tư bản bị lật đổ đế chế La Mã cổ xưa. Người đã vẽ lại bản đồ thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là Danh nhân văn hóa thế kỷ 20."

Giáo sư Phutamôtatô, Chủ tịch Hội Nhật - Việt hữu nghị ca ngợi: "Tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa thời đại. Nghiên cứu về Người, tôi thấy những nét nổi bật nhất, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo thành công chủ nghĩa Mác- Lê nin vào Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản không có đầu óc bè phái, hẹp hòi. Đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng Người biết tiếp thu cái hai của đạo Phật, Khổng Tử, chúa Giêsu và thánh Găngđi. Người có tài hòa mình vào dòng sông lớn của vận mệnh nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện tính vận mệnh nhân loại, nhưng lại rất Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính thời đại chứ không chỉ riêng đối với Việt Nam."

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới. Ở Người, kết tinh văn hóa Việt Nam và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Là chiến sĩ tiên phong của nền văn hóa nghệ thuật báo chí cách mạng đấu tranh cho độc lập tự do, cho công bằng xã hội, Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời cho cách mạng, cho nhân dân. Giá trị văn hóa của Người vừa mang bản sắc dân tộc, vừa hiện đại, vừa nhân văn. Văn hóa Hồ Chí Minh là tài sản vô giá để lại cho chúng ta hôm nay và cho các thế hệ mai sau.

(còn tiếp)

 

(1) Các bài báo đã được tập hợp và đăng trong 12 tập Hồ Chí Minh toàn tập - NXBCT Quốc gia năm 1996.

(2) Trích thư gửi các học sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - HCM toàn tập - tập 4 - trang 33.

(3) Trích thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành giáo dục 15/10/1968

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hồ Chí Minh nói về Đảng và vấn đề đạo đức cách mạng  (09/03/2005)
Nội dung giáo dục toàn diện, và phương châm, phương pháp giáo dục thế hệ trẻ của Hồ Chí Minh  (08/03/2005)
Đảng ta vận dụng trong sự nghiệp đổi mới đất nước  (07/03/2005)
Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH  (06/03/2005)
Quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh   (06/03/2005)
Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (03/03/2005)
Con đường Bác Hồ ra đi cứu nước  (02/03/2005)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu  (01/03/2005)
Hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh   (02/03/2005)