(Hoàng Chương viết theo lời kể của NSƯT - võ sư Trần Hưng Quang)
Nhà Xuất bản Sân Khấu; Hà Nội - 2004
Giới thiệu sách:
Trần Hưng Quang - Tuồng và võ
GS Hoàng Chương vừa là đồng hương và đồng nghiệp với NSƯT, võ sư Trần Hưng Quang nên biết rất rõ về cuộc đời và nghề nghiệp của người nghệ sĩ tài năng này, nhất là được nghe ông kể khá tỉ mỉ về cuộc đời và nghề nghiệp của mình. Đó là chất liệu để viết ra quyển sách Trần Hưng Quang - Tuồng và võ do NXB Sân khấu ấn hành cuối năm 2004 và được Hội Sân khấu Việt Nam bình chọn trao giải B (không có giải A) năm 2004.
Tập sách dày gần 300 trang khổ 14 x 20 in trang trọng trên nền giấy đẹp. Trong đó được chia nhiều chương mục hợp lý. Sau Lời đầu sách là chương I - Bình Định miền đất thượng võ. Qua chương này, người đọc có thể hình dung được miền đất đã có những câu ca dao hay, biểu trưng cho hai loại hình độc đáo đó là võ và tuồng:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi, đi quyền
Và:
Má ơi đừng đánh con đau
Để con hát bội làm đào má coi.
Cũng qua chương này, người đọc có thể tìm hiểu truyền thống võ Bình Định từ thời Tây Sơn đến sau này.
Chương II - Đất tuồng sinh ra những tài năng tuồng. Có lẽ trước tập sách này, chưa có sách nào, tư liệu nào giới thiệu đầy đủ hơn những gánh tuồng, những kép hát tuồng tên tuổi xuyên suốt hàng 100 năm ở Bình Định từ thời Đào Tấn (cuối thế kỷ 19) cho đến những NSND, NSƯT đang còn sống tới hôm nay (đầu thế kỷ 21) như Võ Sĩ Thừa, Trương Đình Bôi, Đỗ Ngọc Liên, Trần Hưng Quang…
Chương III - Truyền thống võ và tuồng gia đình họ Trần. Đây là những trang viết rất bổ ích đối với người đọc trong việc tìm hiểu các loại hình nghệ thuật đã tồn tại và phát triển theo mô hình truyền nghề (cha truyền con nối). Chỉ có cha truyền con nối mới giữ được vốn nghề trọn vẹn, như gia đình họ Trần - từ Trần Đại Chí (cuối thế kỷ 18) đến Trần Hưng Hiệp (võ sư, con trai Trần Hưng Quang) hôm nay. Tác giả quyển sách Trần Hưng Quang - tuồng và võ không phủ định cách đào tạo võ và tuồng đại trà ở các trường trung học, đại học, nhưng vẫn nhấn mạnh, việc truyền nghề là quan trọng nhất, đưa đến hiệu quả cao nhất. Đây là một gợi ý và chứng minh để người làm công tác đào tạo nghệ thuật tham khảo.
|
NSƯT - võ sư Trần Hưng Quang |
Chương IV - Từ gian khổ đến trưởng thành. Qua chương này, người đọc càng thấy rõ, muốn trở thành một người có nghề, lành nghề và xuất sắc thì phải có thầy giỏi "không thầy đố mày làm nên" và phải trải qua gian khổ biết chừng nào trong học tập, khổ luyện, nhất là với hai cái nghề đều nặng nhọc như võ và tuồng. Trần Hưng Quang phải học võ và học tuồng từ năm lên 10 trong hoàn cảnh gia đình hết sức nghèo khó. Khi đã trở thành diễn viên chính của Đoàn tuồng Liên khu 5 rồi mà ông vẫn xin đi học lớp đạo diễn trung cấp, rồi tự đi học đại học văn, sử ban đêm để đến hôm nay trở thành bậc thầy cả về tuồng và võ.
Từ chương V đến IX, tác giả nói về những hoạt động của NSƯT, võ sư Trần Hưng Quang nhiều lần ra Bắc vào Nam vì nhiệm vụ của người nghệ sĩ - chiến sĩ phải theo sự phân công của tổ chức Đảng.
Dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, NSƯT, võ sư Trần Hưng Quang vẫn dốc hết tài năng và sức lực của mình phát huy hai vốn nghề quý đó là tuồng và võ thuật dân tộc. Ta thấy Trần Hưng Quang hoạt động không biết mệt mỏi, khi thì dạy võ, lúc dạy tuồng, khi thì đi diễn minh họaï tuồng cho những buổi nói chuyện nghệ thuật của GS Hoàng Chương, lúc lại ngồi kể hoặc ghi hồi ức cho người viết sách, viết báo với mong muốn để lại cho đời một chút kinh nghiệm nghề nghiệp của mình.
Trong tập sách Trần Hưng Quang - tuồng và võ còn có phần phụ lục: Tìm hiểu nghệ thuật biểu diễn tuồng truyền thống rất có giá trị. Đây là kết quả trí tuệ của nhà nghiên cứu Hoàng Chương và kinh nghiệm biểu diễn của Trần Hưng Quang cộng lại, nên có thể coi là một công trình nghiên cứu khá công phu về đặc trưng nghệ thuật tuồng, bổ sung cho những công trình đã công bố của Mịch Quang, Hoàng Châu Ký… giúp cho những người làm nghệ thuật tuồng và người yêu tuồng tìm hiểu sâu hơn về bộ môn nghệ thuật cổ điển và bác học này.
. Theo Trần Thu (báo Nhân Dân) |