Mấy lời đầu sách
11:12', 19/6/ 2005 (GMT+7)

Nghệ sĩ ưu tú Trần Hưng Quang sinh ngày 15-10-1928 tại xã Cát Trinh, Phù Cát, tỉnh Bình Định, tham gia cách mạng năm 1945 tại địa phương, vào Đảng năm 1950, đã từng là Đảng ủy viên, Đoàn trưởng Đoàn Tuồng Liên khu V (chiến trường Trung Trung bộ) ông đã tốt nghiệp đạo diễn trung cấp trường Sân khấu Dân tộc và diễn viên bậc 8/9, về hưu năm 1982 và được Viện trưởng Viện Sân khấu mời làm hợp đồng dài hạn tại Viện đến năm 1995 mới nghỉ hẳn và chuyển sang làm nghề dạy võ dân tộc cho đến nay.

Năm lên 9 tuổi Trần Hưng Quang đã theo cha và anh đi hát tuồng. Cha của ông tên Trần Đức Y (tức bầu Chi) là một nghệ nhân hát tuồng có tên tuổi trong vùng. Cả cuộc đời ông và cha của Trần Hưng Quang chỉ sống bằng nghề hát tuồng và nghề võ.

Ông được cha truyền nghề và được học thầy Tú Kiện (con cụ Đào Tấn) và cố nghệ nhân Đào Duy Hào. Năm lên 13 tuổi trong lớp diễn viên đồng ấu của xã, Hưng Quang đã đóng được các vai: Tiết Cương trong vở Hộ sanh đàn, Trương Phi trong vở Quan Công hồi cổ thành, vai Tiêu Đình Quý và Lưu Khanh trong vở tuồng Ngũ hổ hồi II, vai Tạ Kim Hùng trong vở tuồng Tam nữ đồ vương hồi II và III.

Từ năm 13 tuổi đến năm 1943 ông tiếp tục đi hát ở các đoàn: Đoàn hát Phong An, đoàn Phó Phấn, đoàn Hòa Đại, hát ở các trường Phú Phong, hát ở đoàn của bầu Huê (Bầu Đồ) và theo cha đi hát ở Tuy Hòa (Phú Yên), ở Khánh Hòa (đoàn hát của phó ca Xã). Thời gian này Hưng Quang được học, được xem nhiều các bậc thầy biểu diễn nên tích lũy được vốn nghề khá tốt. Trong kháng chiến chống Pháp tuy một số vùng bị cấm diễn tuồng, nhưng Hưng Quang vẫn tiếp tục hoạt động biểu diễn ở các đoàn hát trong huyện Phù Cát.

Tập kết ra Bắc, từ cơ quan công an chuyển về Đoàn tuồng Liên khu V (tại Hà Nội), Hưng Quang được bồi dưỡng tại các lớp nghiệp vụ ngắn hạn, do các thầy truyền nghề như: Bác Tảo trong vai Đào Phi Phụng hồi II và vai Mạnh Lương bắt ngựa. Bác Sáu Lai dạy vai Nịnh ngồi chấm Trường thi. Bác Mười Thân dạy vai Thủy Định Minh và Khương Linh Tá. Bác Dư Lượt dạy vai Lưu Khánh v.v…

Từ năm 1965 đến năm 1966, Hưng Quang được coi là một trong dàn diễn viên chính của Đoàn tuồng Liên khu V, cùng các nghệ sĩ Minh Đức, Võ Sĩ Thừa, Tư Bửu, Vĩnh Phô, Phạm Tuất, Đỗ Ngọc Liên, Trương Đình Bôi, Trương Đình Thôn v.v…

Cuối năm 1969 Trần Hưng Quang được tổ chức điều về Nam phục vụ chiến trường chống Mỹ, vừa làm diễn viên chính vừa đào tạo diễn viên trong đoàn tuồng khu ủy V tại chiến trường. Đầu năm 1975 giải phóng miền Nam, ông tiếp tục hoạt động tuồng xây dựng đoàn Tuồng tỉnh Nghĩa Bình. Trong 13 năm trở về hoạt động biểu diễn ở miền Nam là một thời gian ông được trao đổi, học tập nhiều các bạn đồng nghiệp có vốn nghề ở các tỉnh Nghĩa Bình, Phú Khánh, Quảng Nam - Đà Nẵng và Gia Lai - Kontum.

Những vai sở trường của Trần Hưng Quang trong nghề như: Lưu Khánh, Mạnh Lương, Tiết Cương, Châu Thương, Khương Linh Tá, Vạn Kim Anh, Tạ Ngọc Lân… đã được phát huy trên sân khấu và truyền dạy lại cho lớp diễn viên trẻ.

Sở trường thứ hai của ông là các nhân vật phản diện trong các vở tuồng lịch sử như: Lý Thông, Trần Lộng v.v… và nhiều vai phản diện khác trong các vai tuồng hiện đại.

Ngoài công tác biểu diễn, NSƯT Trần Hưng Quang còn làm công tác truyền nghề cho nhiều diễn viên nghiệp dư các tỉnh Gia Lai - KonTum và Nghĩa Bình trong những năm 1980 - 1981 - 1982. Ông làm nghiên cứu tuồng, minh họa tuồng và võ thuật dân tộc.

Đến nay tuy đã già, sức đã yếu, nhưng NSƯT - Võ sư Trần Hưng Quang vẫn tiếp tục truyền nghề hát bội (tuồng) và võ thuật dân tộc cho thế hệ trẻ. Để lưu giữ cho đời sau và phục vụ cho diễn viên trẻ trong ngành tuồng, chúng tôi khuyên ông kể lại những kinh nghiệm và kỷ niệm về cuộc đời hoạt động nghệ thuật và võ thuật của ông để chúng tôi ghi lại. Tuy ông không thể nào nhớ hết được, vì một chuỗi thời gian quá dài của cả cuộc đời làm nghệ thuật và võ thuật hơn 60 năm, nhưng những sự kiện chính, những kỷ niệm sâu, những bài học quý ông vẫn còn nhớ một cách tường tận.

Ông kể: "Tôi sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hát bội, từ thời ông nội tôi đến cha tôi và đến đời tôi. Gia đình tôi có truyền thống võ thuật, từ thời cụ cố tôi tên là Trần Đại Chí ở tỉnh Thiểm Tây - Trung Quốc, sang lập nghiệp tại ấp Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Cố tôi giỏi võ Thiếu Lâm Tự đã truyền nối cho ông nội tôi và ông nội tôi truyền lại cho cha tôi và đến tôi, tôi truyền lại cho con trai tôi là võ sư Chấp Chưởng môn Trần Hưng Hiệp.

Nay tôi hồi tưởng lại những gì đã làm, dù không thể nhớ hết được đầy đủ nhưng dù sao cũng để cho các thế hệ mai sau hiểu về một nét văn hóa dân tộc đặc sắc và con cháu đời sau hiểu thêm mà gìn gữi truyền thống nghệ thuật và võ thuật của ông cha ta để lại trên đất Bình Định nói riêng và cả nước nói chung".

Đó là những lời tâm tình ngắn ngủi của NSƯT - Võ sư Trần Hưng Quang với bạn đọc. Là người chấp bút, tôi cố gắng ghi lại, biên tập giữ lại đầy đủ những gì mà người nghệ sĩ và võ sư tài danh này kể. Tuy vậy cũng có những chỗ phải bổ sung cho người kể để mạch chuyện được liền hơn và nội dung được phong phú hơn, tôi phải gợi nhớ cho ông. Tôi có lợi thế là khi tôi làm đạo diễn dựng vở thì ông đóng vai, khi tôi làm Viện trưởng thì ông làm cán bộ nghiên cứu và những lúc tôi giảng dạy hoặc nói chuyện về nghệ thuật tuồng thì ông diễn minh họa, hoặc khi tôi tổ chức biểu diễn võ thuật dân tộc thì, cũng chính ông là người chỉ đạo cho võ sĩ thực hiện…

Tôi mạnh dạn cộng tác và sử dụng tài năng của ông vì tôi là người đồng hương, đồng nghiệp có nhiều tâm đắc, đã từng cộng tác lâu năm với ông, vì thế mà tôi hiểu rất rõ tài năng, sự nghiệp và nhiệt tình của ông. Dĩ nhiên từ việc hiểu đến việc thể hiện trên trang giấy là một khoảng cách, là khó khăn. Nhưng với lòng mến mộ một tài năng, tôi sẽ cố gắng hỗ trợ NSƯT - Võ sư Trần Hưng Quang kể lại cho được những gì mà ông đã sống, đã học nghề và đã sáng tạo hơn nửa thế kỷ qua.

Có điều là bản thân tôi và có lẽ cả người đọc muốn được biết cụ thể hơn, tường tận hơn là cách học và cách diễn những vai tuồng mẫu mực, cũng như cách học võ và đánh võ của NSƯT Trần Hưng Quang sẽ không thể hiện cụ thể sinh động trong tập sách này, bởi người kể sức đã yếu và quên nhiều vì tuổi già cùng với bệnh tật. Giá công việc khai thác các nghệ nhân, nghệ sĩ tài năng được tiến hành khi họ còn đang sung sức thì, hiệu quả sẽ gấp nhiều lần hơn khi họ đã già yếu và bệnh tật. Điều này cũng cảnh báo cho các nhà hát, các đoàn nghệ thuật ở Trung ương và địa phương trong việc khai thác các nghệ nhân, nghệ sĩ có tài năng và giàu kinh nghiệm chớ để "nước đến chân mới nhảy", "Cây khô rồi mới tưới nước"! Bởi những gì mà các nghệ nhân đã học được từ các bậc tiền nhân và đã sáng tạo, đó là tài sản chung của nhân dân nói chung và của giới nghệ thuật nói riêng, nhất là đối với thế hệ diễn viên trẻ. Chả thế mà khi NSND Nguyễn Nho Túy cho ra đời quyển 55 năm trên sân khấu tuồng, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết trên báo rằng: "Quyển sách này rất cần cho nhiều người, nhất là những nhà văn trẻ cần đọc, cần học về sự kiên trì lao động và sáng tạo của nghệ sĩ tuồng Nguyễn Nho Túy, (trong sách Nguyễn Nho Túy có đoạn kể: "Tôi phải tập mất 10 năm đôi hia mới sạch nước cản…").

Ở đây, NSƯT - Võ sư Trần Hưng Quang cũng phải trải qua không biết bao gian lao, vất vả mới nắm bắt được các ngón nghề tuồng cũng như võ thuật dân tộc để hôm nay ông thật sự là bậc thầy của cả hai bộ môn tuồng và võ.

Cũng xin được nói thêm, có lẽ trong nhiều thế hệ nghệ sĩ tuồng trước đây và ngày nay chưa có ai một lúc chuyên sâu cả hai nghề: võ thuật và nghệ thuật tuồng như NSƯT Trần Hưng Quang. Ngay cả các NSND tuồng bậc thầy và giỏi võ như Nguyễn Nho Túy, Đinh Quả… cũng không đi sâu về nghề võ như Trần Hưng Quang, vì thế mà ngày nay ông được công nhận là võ sư với hàng ngàn võ sinh trên miền Bắc theo môn phái võ Bình Định. Nếu trước đây (khoảng 30 năm) tôi được xem NSND Đinh Quả trình bày có sức thuyết phục một số động tác cơ bản của tuồng rút ra từ động tác võ thuật dân tộc, nhưng cũng ở mức độ thấp thì, trong những năm gần đây, tôi cùng NSƯT - Võ sư Trần Hưng Quang tiến hành công trình nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ giữa tuồng với võ thuật dân tộc. Công trình này chúng tôi đã thử trình bày tại một số hội thảo khoa học và một số buổi nói chuyện đã có sức thuyết phục mạnh mẽ.

Dĩ nhiên võ thuật dân tộc vẫn là một môn thể thao đặc trưng tồn tại độc lập, cũng như tuồng là nghệ thuật truyền thống có đặc trưng riêng của một loại hình ca kịch dân tộc, nhưng mối quan hệ giữa hai loại hình (tuồng cổ và võ thuật dân tộc) thật gần gũi, thật hòa nhập vì vậy cũng có thể nói "Trong tuồng có võ trong võ có tuồng" là vậy.

Trong tập sách nhỏ này, chúng tôi muốn tập trung nói về cuộc đời của NSƯT - Võ sư Trần Hưng Quang và ông đã đáp ứng yêu cầu của chúng tôi mà kể lại một cách trung thành và chính xác.

Xin giới thiệu với đông đảo bạn đọc.

. Hoàng Chương

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trần Hưng Quang -Tuồng và võ   (16/06/2005)