Từ xưa đến nay hễ ai nhắc đến Bình Định là nhớ đến quê hương của hát tuồng và đấu võ. Nói về hát bội (tuồng) và võ thuật đã có ca dao:
Má ơi đừng đánh con đau
Để con hát bội làm đào má coi
Và:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi đi quyền
Bình Định cũng là quê hương có truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm như: Nguyễn Huệ, Quang Trung, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Tăng Bạt Hổ, Mai Xuân Thưởng, Chàng Lía…
Ngoài vua Quang Trung là một vị anh hùng kiệt xuất của đất nước mà sử sách đã ghi còn có Bùi Thị Xuân một nữ đô đốc tài năng và dũng cảm tuyệt vời và cũng là một võ công xuất chúng. Bùi Thị Xuân là con của cụ Bùi Đắc Kế ở ấp Tây Sơn, một thiếu nữ sinh ra trên miền đất võ nên sớm giỏi võ nghệ kiếm, cung theo truyền thuyết. Một hôm bà đi săn bỗng gặp con voi trắng, voi chặn đường nhưng thấy uy của bà mà con voi to lớn phải quỳ gập đầu như lạy bà. Thấy điềm lạ, bà bước lại gần vỗ về con voi và bà vái: "Trời đất phò hộ cho ta được con voi này về nhà luyện tập, chờ thời giúp nước". Thế là con bạch tượng vùng đứng dậy, thét lên một tiếng, bỗng có cả một đoàn voi kéo đến, và chúng đi theo bà về nhà và trở thành đàn voi chiến vô cũng dũng mãnh sau khi được Bùi Thị Xuân huấn luyện.
Hiện nay bãi tập voi của Bùi Thị Xuân vẫn còn, nằm cách thị trấn Phú Phong (huyện Tân Sơn) chừng hai cây số về phía trái và có cái cổng ngõ đàn voi về nhà bà ở phía tay phải đường từ quốc lộ 1 đi lên đường 19 vẫn còn dấu tích.
Ngoài việc hằng ngày luyện tập đàn voi, Bùi Thị Xuân còn thiện nghệ hai loại binh khí, đó là bắn cung và đánh song kiếm. Khi lên ngựa ra trận, bà vừa phi ngựa vừa bắn cung. Bà cũng là học trò của thầy giáo Hiến ở An Thái, cùng học văn và học võ với Nguyễn Huệ, Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu. Đàn voi của bà đã góp phần chiến thắng nhiều trận của nghĩa quân Tây Sơn. Đến khi Tây Sơn thất thủ, vì vua Quang Trung mất đột ngột Trần Quang Diệu cũng không còn. Nhà Nguyễn Gia Long bắt được Bùi Thị Xuân đưa ra Phú Xuân (có người nói đưa ra Thăng Long) xử tử. Gia Long cho một con voi dữ ra chà nát bà. Nhưng bà chỉ thét lên một tiếng là con voi sụp quỳ xuống cúi đầu. Bà tự tẩm xăng vào người cùng với cô Mai con gái bà, lên giàn hỏa tự thiêu. Một tấm gương anh hùng liệt sĩ còn chói lọi trong sử sách thời vua Quang Trung.
Chồng của nữ tướng Bùi Thị Xuân là Trần Quang Diệu, quê ở Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn - Bình Định). Ngay từ đầu Tây Sơn tụ nghĩa đã có Trần Quang Diệu. Sự nghiệp của vua Quang Trung có sự đóng góp to lớn của vợ chồng Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu. Cũng như Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu rất thiện nghệ võ thuật, sử dụng đại đao khi xung trận theo lịch sử. Ông đang làm Tổng đốc Nghệ An thì có giặc ở biên giới phía Tây nổi loạn. Ông cầm quân đi dẹp giặc, dẹp xong giặc trở về thì bị bệnh nặng đã chết tại Nghệ An. Lúc đó ông và bà Bùi Thị Xuân mới sinh được có một con gái tên là Mai. Sau này cả hai mẹ con đều bị Gia Long giết chết.
Thời Quang Trung còn có đại đô đốc Võ Văn Dũng. Người ở huyện Tuy Phước (Bình Định ). Võ Văn Dũng rất giỏi về võ. Ông đã cùng với ông cố của Trần Hưng Quang là Trần Đại Chí, người rất giỏi võ Thiếu Lâm (Trung Quốc). Hai người thường xuyên trao đổi giữa hai dòng võ Bình Định và võ Thiếu Lâm, đồng hóa hai dòng võ này và dạy cho binh lính Tây Sơn rồi truyền nối cho đời sau. Hiện nay các phái võ đều có sử dụng "Ngựa Kim Kê, Tay Song Xỉ, Hình Bán Nguyện" đó chính là võ Tàu. Cũng từ đây, ở Bình Định trai cũng như gái đều tập luyện võ thuật và võ ở Bình Định trở thành nổi tiếng khắp đất nước.
Trong thế kỷ 19, tỉnh Bình Định là một nơi phát triển võ thuật mạnh nhất, rộng nhất trong toàn quốc. Từ thời cụ Hồ Ngạnh ở Thuận Truyền huyện Bình Khê (Tây Sơn). "Thập bát ban võ nghệ", cụ Hồ Ngạnh là người thông hiểu hơn người. Nhưng biệt tài của cụ là sử dụng cây trường côn (roi). Ngày ấy cụ là người giỏi côn trường nhất tỉnh. Hằng năm ở triều đình Huế mở hội thi. Cụ Hồ Ngạnh đều khăn gói lên đường ra kinh ứng thí. Khóa thi nào cụ cũng đứng đầu về môn trường côn.
Võ sư Hồ Ngạnh dạy nhiều học trò, nhưng người học trò hạng nhất của cụ là thầy Xã Mỹ, tên thật là Nguyễn Siền, người ở cùng thôn, xã với cụ Hồ Ngạnh. Trong tỉnh Bình Định nhân dân xã phong: "Roi Thuận Truyền, quyền An Thái" là vậy. Ở Trường Định cũng thuộc huyện Bình Khê (Tây Sơn) có cụ Xã Hai cũng rất giỏi trường côn, nhưng cũng phải kiên nhường thầy Xã Mỹ là bậc đàn anh. Sau cụ Hồ Ngạnh thì không còn ai hơn thầy Xã Mỹ. Cụ Xã Mỹ còn có biệt tài là dùng chiếc khăn quấn cổ dài 80 phân để đánh đối phương. Đó là một thứ vũ khí lợi hại nhất của cụ. Chỉ có chiếc khăn, thế mà côn, đao, kiếm… đều không đánh trúng vào người cụ. Tất cả các loại binh khí cụ đều sử dụng chiếc khăn để giật lấy binh khí từ tay đối phương. Cụ Xã Mỹ là người cùng tuổi và là bạn thân của cha võ sư Trần Hưng Quang. Nếu cụ còn sống thì năm nay đã hơn trăm tuổi. Chính thầy đã dạy trường côn, đoản côn và khăn cho võ sư Hưng Quang. Cụ Xã Mỹ cũng có người con trai nối nghiệp, nhưng không thể bằng cha được. Đó là anh Nguyễn Tuân, hiện còn ở quê nhà.
Trở lại một câu chuyện về gia đình thầy Hồ Ngạnh. Tấm tấn bi kịch của gia đình thầy mà ở Bình Định ai cũng biết. Thầy có một người con trai, thầy dạy côn, quyền rất giỏi. Một đêm tối trời, người con trai giả làm người ăn trộm, tháo cổng chuồng bò và lùa đôi bò cày ra khỏi chuồng. Người cha phát hiện được liền cầm trường côn ra chặn lại. Người con sấn tới đánh cụ một hồi lâu. Buộc cụ phải dùng miếng độc để hạ thủ đối phương. Cụ đâm đầu côn vào nách con rất mạnh. Người con kêu: "Ối, chết con rồi cha ơi!". Đến đây cụ mới biết là con mình muốn thử cha, nhưng đã muộn, không cứu vãn được. Cụ rụng rời, cầm trường côn vào thắp đèn gọi cụ bà dậy và nói: "Thằng con nó thử tôi, nó tháo cổng lùa đôi bò ra, tôi chận đánh với nó. Trời tối, không thấy mặt, tôi đã đâm nó, chắc nó chết. Thôi số nó đã vậy, bà đừng buồn ". Thế là cụ mất người con nối nghiệp.
Nói về thảo quyền thì ở Bình Định có thầy Tàu Sáu. Tên thật là Diệp Trường Sanh. Cụ là người Việt gốc Hoa. Cụ rất giỏi về quyền thuật. Cụ Tàu Sáu ở An Thái, huyện Bình Khê (Tây Sơn). Cụ nổi danh khắp miền Trung và cả miền Nam. Cụ được nhân dân trong tỉnh kính nể. Những năm đầu thế kỷ 20, học trò của cụ Tàu Sáu khắp nơi và đã có nhiều võ sư kế thừa, như thầy Mười Đậu, thầy Hà Trọng Sơn, thầy Lý Xuân Tạo, nghệ sĩ Xã Đàn Nhứt, thầy Hương Kiểm Cáo v.v…
Quyền cước của cụ biến hóa vô song, tay hổ, tay báo, tay long, tay song xỉ, tay hầu, tay xà, tay hạt v.v…. Đôi tay cụ rất dẻo, khi ra quyền, cụ dụng bộ tay nhu (mềm) để chế cương, và khi đã vào đòn thì quả đấm của cụ như trời giáng. Đặc biệt là bộ đá, cụ không dùng bộ đá bàng long, mà cụ sử dụng phát đá dựng bàn chân hất gót lên. Cụ cân độ rất chính xác, đá phát nào trúng phát ấy. Cụ thường đá từ bộ hạ đến chấn thủy, đã dính một đòn đá của cụ là quỵ ngay, không gượng dậy nổi.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có dịp hội tụ danh truyền trong tỉnh. Cụ Tàu Sáu vợt quyền với cụ Hồ Ngạnh. Cụ đã thắng cụ Hồ Ngạnh. Nhưng đến lượt đấu roi (côn) thì cụ Hồ Ngạnh lại thắng cụ Tàu Sáu. Do đó nên ở Bình Định có câu: "Roi Thuận Truyền, quyền An Thái". Đó là câu nói ám chỉ cho hai nơi có hai vị anh hùng trong võ thuật.
Sau cụ Sáu Tàu là cụ Mười Dậu, cụ có vóc dáng to cao, cụ là học trò nhất của cụ Sáu Tàu. Cụ Mười Dậu là võ sư số một của tỉnh Bình Định trong những năm đầu của thế kỷ 20. Cụ dạy rất nhiều học trò khắp nơi trong tỉnh như: Đào Duy Kiệt, Hương Kiểm Kính, Xã Đàn Nghiêu ở Phù Cát, Hà Trọng Sơn, Bầu Thơm ở An Nhơn, Bảy Đính ở Phù Mỹ và Mười Đạt ở Tây Sơn và v.v…
Cụ Mười Dậu rất giỏi quyền cước, nhất là bộ tay, vừa nhanh, vừa kín lại vừa khỏe. Cuộc đời của cụ đã để lại một sự kiện độc nhất mà danh truyền còn đến ngày nay. Tại Thiết Trụ, huyện An Nhơn, hôm đó có một con trâu hung, nó chạy đến đâu nó húc, báng đổ sập nhà dân. Bà con xung quanh nơi đó bịt kín cửa không ai dám ra ngoài đường. Lúc đó cụ Mười Dậu đang ngồi trong quán rượu. Cụ xông ra chận đầu con trâu lại, nó bèn húc cụ, cụ né sang bên nhanh như cắt, cụ nắm chặt hai sừng con trâu cụ ghì xuống. Cụ và con trâu quần nhau hồi lâu, bỗng con trâu thất thế quỵ hai chân trước. Cụ giữ chặt trâu để cho dân làng đổ ra dùng dây thừng trói chặt bốn chân con trâu. Con trâu phải nằm ngửa trào nước bọt. Thế là hôm đó cụ Mười Dậu đã giải được nạn cho dân trong vùng. Đúng là sức mạnh của cụ Mười Dậu thật vô biên.
Thời kỳ này ở Bình Định có cụ Hương Kiểm Cáo, quê ở Tây Sơn, thôn Thuận Truyền. Cụ cũng rất giỏi về côn, quyền, người cụ to, cao dáng bộ rất khỏe. Một hôm cụ lên núi săn thú, bỗng có con hổ vằn chặn đường. Cụ vừa qua đoạn rừng rậm, bất ngờ con hổ xông ra vồ. Cụ liền hạ bộ, con hổ vồ hụt. Con hổ cất cao hai chân trước nhảy tới vồ tiếp. Cụ liền chụp nắm chặt hai chân trước của hổ, dùng bộ đinh tấn đưa hai chân trước của hổ lên cao. Hổ đã mệt và cụ cũng đã quá mệt. Nhưng rất bình tĩnh, cụ lừa thế, cụ trụ chân trước, chân sau cụ đá một phát vào bộ hạ của hổ. Con hổ rống lên một tiếng vang cả rừng rồi thoát chạy lên núi cao. Cụ Hương Kiểm Cáo bị móng tay hổ vồ trúng giữa trán và mãi mãi bị một vết sẹo trên trán. Từ đó tiếng đồn vang khắp nơi là cụ Hương Kiểm Cáo đánh được cọp.
Tại thành phố Quy Nhơn, ở đường Đống Đa, năm 1980 có một con hổ từ đèo Cù Mông xuống. Con hổ vào thành phố bao giờ không ai biết. Vừa tảng sáng, bà cụ mở cửa ra ngoài đi tiểu, khi trở vào bà phát hiện có con hổ trong nhà, bà sợ quá vội quay ra khép cửa lại và hô hoán: "Bà con ơi có con cọp vào nhà tôi". Bà con xung quanh chạy tới cột chặt cửa lại và đi trình báo với công an. Nghe tin bà con dân phố kéo đến rất đông, nhưng không ai dám lại gần cửa. Lúc này đã 6 giờ sáng, công an thị xã, công an tỉnh kéo đến, súng ống rất nhiều. Các anh công an định phá cửa bắt hổ. Bất ngờ có một anh gánh chiếu đi bán. Anh vừa đến nơi biết được sự việc. Anh không cho công an bắn, mà anh tự nguyện vào nhà bắt hổ. Anh này tuổi ngoài 30, quê ở xã Cát Chánh, huyện Phù Cát. Anh nói: "Để cho tôi bắt sống con hổ thì có giá trị kinh tế hơn là bắn chết nó". Các anh công an còn phân vân, lỡ có bề gì thì sao? Anh bán chiếu xin làm bản cam đoan, nếu có xảy ra điều gì với tôi thì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Anh viết bản cam đoan đưa cho công an rồi cởi áo, mặc quần đùi. Bên ngoài bà con tránh xa, anh em công an súng lên đạn và chuẩn bị dây thừng. Anh bán chiếu vào hai tay không. Anh xô cửa vào, con hổ vùng dậy chồm tới cất hai vó lên vồ.
Anh chụp hai chân hổ dựng thẳng lên. Anh gọi mọi người đem dây thừng và trói cả bốn chân hổ. Con hổ ấy được đưa vào nuôi trong vườn bách thú. Sự việc này chính mắt tôi trông thấy. Anh bán chiếu được tỉnh ban thưởng cho một số tiền. Lúc đó tôi chỉ biết đi xem chứ không biết tên anh bán chiếu là gì, chỉ biết quê anh ở, nhưng có lẽ là một võ sĩ giỏi mới dám tay không bắt hổ.
Cụ Võ sư Bửu Tuyển, quê ở huyện Tuy Phước. Cụ có vóc dáng người cao dong dỏng, mình người như mình hổ. Cụ Bửu Tuyển đi dạy khắp các tỉnh miền Nam. Tại trận đấu Sài Gòn trước năm 1945, cụ Bửu Tuyển ghi tên thủ đài là võ sư Bình Định. Buổi chiều cụ đi tàu hỏa vào Sài Gòn là tối ấy đấu ngay. Nhiều anh chị Sài Gòn ra tận ga đón Bửu Tuyển. Họ đón cốt để xem mặt Bửu Tuyển ra sao? Bửu Tuyển từ tàu hỏa bước xuống, cụ mặc áo dài the, đầu quấn khăn xếp, chân mang giày hạ, tay cặp ô đen. Những người đi đón Bửu Tuyển thất vọng, vì họ tưởng rằng võ sư đi đấu từ Bình Định vào phải ăn mặc complê đi giày tây, đội mũ phớt và phải người còn trẻ trung. Ngược lại đằng này là một người già, ăn mặc như xưa nữa. Như thế thì làm sao đấu nổi với một võ sĩ trẻ, khỏe mạnh Sài Gòn? Tất cả khán giả đều bất ngờ, hôm ấy cụ Bửu Tuyển lại thắng đài. Hôm sau cụ Bửu Tuyển ra về, thế là rất đông người ra tận ga xe lửa tiễn đưa. Mọi người đều tỏ thái độ kính phục cụ Bửu Tuyển. (Ghi theo lời kể của võ sĩ Lương Công Hoàng, Bình Định).
Trận đấu tại đài Quy Nhơn Bình Định chính Hưng Quang được xem vào năm 1942 mà ấn tượng không bao giờ quên. Một võ sĩ Sài Gòn độ trên 30 tuổi thủ đài. Đài này anh thắng với một võ sĩ trẻ Bình Định rất dễ dàng. Hạ đấu thủ xong anh đứng trên đài hỏi một câu rất ngạo mạn: "Còn ai thích đấu cứ mời lên".
Cụ Bửu Tuyển ngồi xem trận đấu vừa rồi. Cụ vô cùng tức giận, cụ bèn lên tiếng: "Tôi xin đấu". Võ sĩ Sài Gòn nhìn xuống mỉm cười, có vẻ khinh ông già này. Cụ Bửu Tuyển mặc áo dài the, quần lụa Sơn Đông, đội khăn xếp bước lên đài. Ban tổ chức giải hỏi: "Ông đấu với võ sĩ trẻ này, chẳng may có điều gì thì sao?". Cụ Bửu Tuyển trả lời: "Ban tổ chức đừng lo, nếu tôi có chết thì đây đã có học trò, hơn nữa đã có sẵn quan tài đây rồi". Ngày xưa đấu không có trọng tài, đấu ba hiệp, mỗi hiệp ba phút. Hai bên có để chiếc ghế tựa, với thau nước và khăn mặt. Bên này cũng có người cho nước sau mỗi hiệp đấu, cỗ quan tài để dưới chân đài.
Cụ Bửu Tuyển cởi áo dài, lấy khăn xếp. Bên trong là bộ quần áo lụa màu mỡ gà. Cụ xắn tay áo, quần xắn móng lợn lên sàn đấu. Vào hiệp đầu võ sĩ Sài Gòn liên tiếp ra đòn, cụ Bửu Tuyển chỉ đỡ gạt, né tránh. Đến hiệp hai võ sĩ Sài Gòn lại tiến công liên tục, hòng hạ đài nhanh. Cụ Bửu Tuyển nghĩ bụng: "Thằng này khỏe lắm, sức mình không thể chịu nổi đến hiệp ba. Ta phải dùng mẹo mới hạ nó được".
Đối thủ áp sát vào cụ, cụ Bửu Tuyển giả vờ trượt chân ngã ngửa. Võ sĩ Sài Gòn thấy mình thắng, chủ quan, anh ta cúi xuống chụp bâu áo cụ Bửu Tuyển kéo lên. Thế là đối thủ đã mắc mưu rồi. Đối thủ vừa cúi xuống. Cụ Bửu Tuyển phát lên một đá cá chép. Từ bộ hạ tới rốn, võ sĩ Sài Gòn bật ngửa ra, máu chảy đầm đìa. Cụ Bửu Tuyển để hai móng chân cái rất dài và rất dày, nó sắc bén như dao. Vết thương rất sâu, dường như rạch bụng ra. Ban tổ chức phải cho xe đưa võ sĩ này đi bệnh viện cấp cứu. Thế là cụ Bửu Tuyển thắng dài.
Ngày xưa nói đến võ sư là nói đến người ấy đấu được bao nhiêu đài, thắng bao nhiêu trận và dạy được bao nhiêu học trò, thế mới có tiếng đồn xa và nhân dân mới thán phục. Khác với ngày nay. Võ sư phải là người thầy dạy giỏi, có đông đảo học trò, nhiều bài bản chân truyền, từ quyền thảo đến binh khí và nội ngoại công. Đào tạo được nhiều lớp huấn luyện viên cho môn phái. Đóng góp được nhiều cho phong trào thể dục thể thao địa phương và đất nước. Đó là tiêu chuẩn của người võ sư ngày nay được cấp bằng chứng nhận. Khác với thời Mỹ, ngụy ở miền Nam. Năm 1975 giải phóng miền Nam, tôi vừa xuống núi, thăm bà con quê hương. Trong một thôn có rất nhiều nhà trưng bằng võ sư. Nếu có ai hỏi, bà con ở đây sẽ kể lại: "Chú này đánh thắng đài huyện một lần, chú kia đánh thắng đài tỉnh v.v…". Thế là được chính quyền ngụy cấp bằng võ sư. Thật ra đó chỉ là "võ sĩ" chứ không phải "võ sư?". Khác hẳn với bằng võ sư của ta hiện nay.
Thời kỳ từ năm 1945 đến 1970 danh tiếng ở Bình Định có Hà Trọng Sơn và Lý Xuân Tạo (tức Biện Quyền).
Thầy Hà Trọng Sơn hiện nay đã ngoại 90 tuổi, ở tại huyện Tuy Phước, người cụ cao lớn, cụ cao đến 1m85. Cụ rất khỏe. Thầy là người dạy võ cho Trần Hưng Quang cách đánh song kiếm trong những năm 1944-1945. Những năm này cụ Hà Trọng Sơn luôn là người thủ đài Bình Định. Hiện nay cụ còn sống.
Thầy Lý Xuân Tạo (đã mất) ở Đập Đá, huyện An Nhơn. Cụ là con trai cụ Thanh Chẩn. Cụ là người Việt gốc Hoa rất giỏi võ. Thầy Lý Xuân Tạo nối nghiệp cha, ngoài học cha, thầy còn học thầy Tài Sáu, thầy Mười Đậu. Thầy Lý Xuân Tạo nổi danh Bình Định từ năm 1940 đến 1965. Cụ luôn là người thủ đài tỉnh Bình Định. Người cụ cao, da trắng, mình hổ, mập gói, đẹp trai. Cụ cũng là người thầy dạy của võ sư Hưng Quang từ những năm 1940. Năm 1968, lúc này tuổi thầy đã cao, lại bị bệnh nghiện rượu. Anh Lương Công Hoàng ở thôn Phú Thành, huyện An Nhơn (Anh đã mất năm 1980. Lúc bấy giờ chưa có tên tuổi gì trên đấu trường). Anh ít hơn cụ Lý Xuân Tạo đến 10 tuổi. Anh biết mình quyền thế kém hơn so với cụ, anh quyết tâm rèn luyện thể lực, lấy sức mạnh để quyết đấu thắng cụ ở kỳ đài này. Suốt 3 tháng liền, sáng nào anh cũng chạy 40 cây số, tập đấm vào bao cát, rồi đấm tay vào nước tiểu ngâm với mã tiền. Tay anh cứng như sắt.
Đến lúc đài tỉnh mở, anh đến ghi tên xin đấu với người thủ đài là cụ Lý Xuân Tạo. Hai người ở cách nhau không xa, từ Đập Đá đến Phú Thành chỉ có ba cây số. Thầy Lý Xuân Tạo thấy tên Lương Công Hoàng trên bảng. Thầy mỉm cười. Thầy cho anh Lương Công Hoàng là loại tiểu tốt vô danh mà lại dám đăng tên đấu với ta ư?
Đến ngày đấu (1968) thấy Lý Xuân Tạo đi đám cưới, uống rượu quá nhiều. Khi lên đài đấu, hai hiệp đầu thầy Lý Xuân Tạo đánh anh Lương Công Hoàng mặt mày sưng vù, nhưng không hạ nổi sức mạnh chịu đòn của anh. Đến hiệp thứ ba, thầy Lý Xuân Tạo đã đuối sức vì uống rượu nhiều. Anh Lương Công Hoàng còn khỏe, anh bổ nhào vào tóm lấy tay thầy Lý Xuân Tạo và anh bẻ gãy tay. Trận này vì thầy Lý Xuân Tạo chủ quan, khinh đấu thủ, không giữ gìn sức khỏe nên bị anh Lương Công Hoàng hạ đài.
Ngày còn trai trẻ thầy Lý Xuân Tạo đấu với thầy Hương Kiểm Kính ở Hòa Đại, Phù Cát. Tại đài huyện Phù Cát, thầy Lý Xuân Tạo đánh thầy Hương Kiểm Kính dính đòn liên tục. Bà mẹ thầy Hương Kiểm Kính ngồi xem. Bà thấy con bị đòn nhiều quá, sốt ruột, bà đứng dậy kêu lên thật to: "Thôi! Thôi! Đừng đánh nữa, chết mất con rồi". Đài này thầy Lý Xuân Tạo thắng dễ dàng. Thầy Lý Xuân Tạo có con tên là Lý Xuân Nhân, hiện nay làm võ sư ở tỉnh Bình Định. Người con của Xuân Tạo da trắng, đẹp trai, cao lớn như cha. Anh nối nghiệp ông và cha thủ đài Bình Định.
Ông Sáu Quào ở Đập Đá, An Nhơn. Người ông thấp bé, nhưng quyền thảo của ông tuyệt đẹp. Ông thường biểu diễn ở tỉnh và các huyện. Đặc biệt là ông đánh bài thảo "Ngọc Trản". Bà con trong tỉnh ai cũng phải khen, nhân dân Bình Định phong cho ông là đánh thảo đẹp nhất tỉnh (ông đã mất trước năm 1945). Có lần đấu đài tại Phù Cát, ông Sáu Quào đấu với thầy Đào Duy Kiệt ở Phù Cát. Thầy Đào Duy Kiệt đã dạy nhiều năm cho võ sư Hưng Quang. Nhà thầy cách nhà Hưng Quang 500m. Thầy Đào Duy Kiệt vóc người nhỏ thó như chú Sáu Quào. Hai người xoay quyền rất đẹp mắt. Nhanh như cắt, một phát đá kim tiêu của ông Sáu Quào trúng vào chấn thủy, làm thầy Đào Duy Kiệt ngã ngửa ra. Ông Sáu Quào lớn tuổi hơn thầy, học nhiều, giỏi hơn thầy Đào Duy Kiệt.
Nói về thầy Đào Duy Kiệt ở Phù Cát. Người thầy nho nhỏ nhắn, tay chân cứng cỏi. Thầy là học trò thầy Lý Xuân Tạo. Thầy mới mất năm 1998, thọ 89 tuổi. Thầy dạy rất nhiều học trò khắp nơi trong huyện. Trong đời thầy có một học trò phản sư, tên là Nguyễn Đạo người cùng thôn xóm. Anh này học thầy Đào Duy Kiệt cũng đã khá, anh lại bỏ thầy đi học thầy Xã Đàn Nghiện là chú vợ ở thôn Xuân Hương xã Cát Tường.
Một hôm vào buổi chiều, thầy Đào Duy Kiệt chăn mấy con dê ở bần lò rèn ông thợ Mười. Anh Nguyễn Đạo rủ thầy Đào Duy Kiệt vợt võ chơi. Thầy Đào Duy Kiệt, mỉm cười vì lộ rõ thằng phản sư, thầy bình tĩnh và nói nhã nhặn: "Mày muốn vợt với tao thì vào sân ông Thợ Mười cho mát". Thầy bỏ hai con bê ăn ngoài đường, cùng với anh Nguyễn Đạo vào sân lò rèn. Anh Nguyễn Đạo cởi quần ngoài, mặc quần đùi. Thầy Đào Duy Kiệt sẵn có mặc soóc, áo may ô ba lỗ. Hai người gióng quyền. Anh Nguyễn Đạo đảo mã nhanh, áp sát hòng thắng nhanh. Anh đá một phát vào ngay chấn thủy. Thầy Đào Duy Kiệt lách qua một qua bên, hụt đòn, thầy đá trả một phát vào nách trái rất mạnh. Anh Nguyễn Đạo ôm nách quằn quại. Phát đá của thầy trúng vào phổi nặng quá, anh Nguyễn Đạo về nhà nằm liệt, không ăn uống gì được. Ông hương mục Đạo là bố đẻ anh Đạo biết được sự việc, ông mang trầu, rượu đến xin lỗi thầy và xin thầy cho thuốc chữa. Thầy Đào Duy Kiệt cho một chai thuốc nhưng không nói một tiếng. Từ đó anh Nguyễn Đạo ho lao và chết.
Ngày xưa ở đất Bình Định, đi đâu cũng là võ, nơi nào cũng có võ, trai gái đều học võ. Thanh niên muốn đi hỏi vợ trước hết là phải học võ đã. Nếu nơi cô gái ấy biết chàng trai kia muốn hỏi mình mà không biết võ thì khó mà lấy được vợ. Bởi vậy anh em thanh niên nơi đó họ nhạo báng, họ chê cười với thằng thanh niên không biết võ. Ngược lại nếu chàng thanh niên ấy biết võ thì tốt, thì được đông đảo bạn bè nơi cô gái ấy tán phục và họ vun đắp cho đôi bạn vầy duyên.
Trước năm 1945, có hai thầy Nguyễn Thái Sơn ở Hoài Nhơn và thầy Trương Thành Kiệt ở Phù Mỹ. Hai thầy này đi vào Phù Cát dạy võ. Cả hai thầy đều to béo, cân nặng phải trên 90kg. Thầy Nguyễn Thái Sơn dạy tại thôn Hữu Pháp, thầy Trương Thành Kiệt dạy ở thôn Xuân Yên. Giữa hai thầy có mâu thuẫn nhau, vì tranh giành ảnh hưởng để có đông học trò, vì vậy mà nói xấu lẫn nhau, chê bai nhau trước mặt học trò của mình. Hai thầy dạy cách nhau độ 10 cây số, nhưng cũng đi một đường hoành lộ từ thị trấn Phù Cát xuống biển. Một hôm thầy Nguyễn Thái Sơn dạy thôn Hữu Pháp về, thầy ngồi trên xe kéo tay. Lên đến khoảng đường trống vắng, xa nhà dân thuộc thôn Kiều Huyên, xã Cát Trinh, thì bị quân của thầy Trương Thành Kiệt phục kích hai bên ruộng lúa. Số quân này là học trò của Trương Thành Kiệt độ 20 người cầm đoản côn xông ra chận đầu xe lại và đánh tới tấp. Nguyễn Thái Sơn không kịp xuống xe đã bị đòn chí tử. Nguyễn Thái Sơn nằm bất tỉnh. Quân của Trương Thành Kiệt rút về. Ban đêm trời tối lại đường vắng không ai biết việc xảy ra. Hồi lâu thầy Nguyễn Thái Sơn tỉnh lại và gắng gượng lên xe kéo đến thị trấn Phù Cát cấp cứu. Thầy Đào Duy Kiệt nói: "Hành động của Trương Thành Kiệt là hèn. Nếu là người thượng võ thì không ai có hành động đê tiện như thế". (Trần Hưng Quang nghe và nhớ mãi câu này).
Theo Trần Hưng Quang chính anh đã xem thầy Đào Duy Kiệt vợt quyền với thầy Trương Thành Kiệt tại sân nhà thầy Đào Duy Kiệt.
Thầy Đào Duy Kiệt cân nặng độ 53kg, còn thầy Trương Thành Kiệt nặng trên 90kg. Vậy mà thầy Trương Thành Kiệt không đánh trúng thầy Đào Duy Kiệt một cú nào. Vì thầy Đào Duy Kiệt tuy người nhỏ bé nhưng nhanh hơn con sóc, vào quả nào đều bị vô hiệu hóa. Hơn nữa Trương Thành Kiệt vì quá mập béo, nên vào đòn rất chận, vì thế nên thầy Đào Duy Kiệt vào đòn nào dính đòn ấy. Thầy Trương Thành Kiệt chỉ có sức khỏe chịu đòn là tốt.
Thầy tôi nhận xét: Thầy Nguyễn Thái Sơn quyền, cước giỏi hơn thầy Trương Thành Kiệt nhiều. Sau vụ đó, nhân dân huyện Phù Cát biết được ai cũng chê bai và phỉ báng hành động xấu xa của Trương Thành Kiệt. Từ đó Trương Thành Kiệt mất uy tín nên cũng giải nghệ luôn.
Miền đất võ Bình Định có lắm chuyện hay, chuyện vui, nhưng cũng không ít chuyện buồn như vậy. Những mẩu chuyện trên đây chưa nói hết được truyền thống võ thuật trước Cách mạng, nhưng cũng phản ánh được một nét văn hóa ở miền đất võ Bình Định.
(còn nữa) |