Bình Định là quê hương của hát bội (tuồng). Ở Bình Định gọi hát tuồng là hát bội (hay hát bộ). Theo chúng tôi nói đúng nghĩa hơn là "hát bộ". Bởi vì hát thì phải ra bộ, ý tứ, ngữ nghĩa của lời hát muốn diễn cho người ta hiểu thì phải ra bộ. Cũng có nơi gọi chệch thành "Hát bội" còn ở miền Bắc gọi là "Tuồng".
Bộ hát tuồng là động tác của Võ thuật. Võ thuật trong tuồng tuy là đã cách điệu, đã sân khấu hóa, nhưng cốt lõi của nó vẫn là võ. Không có võ thì không diễn được tuồng hay. Dĩ nhiên còn kết hợp cả những động tác trong cuộc sống được nghệ thuật hóa, cách điệu hóa, như đi ngựa, bơi thuyền, uống rượu, câu cá, vượt sông, qua đèo, v.v ….
Tại Học Bộ Đình của cụ Đào Tấn, nếu anh kép hát nào chưa biết sử dụng: đao, thương, cung, kiếm thì phải trở về học ba tháng võ và sử dụng tốt đao, kiếm rồi mới trở lại học tuồng. Trong những bộ tuồng như: Cầu, Ký, Chỉ, Điểm, Khai, Khán, Xoang xỏ, Khoát, Lật, Lặn, Mộc, Nhảy trong, Nhảy léo, Nhảy bạt, v.v …. đều là từ động tác võ thuật dân tộc được nghệ thuật hóa, tuồng hóa.
Hát bội ở Bình Định có từ lâu đời. Theo truyền thuyết từ thế kỷ 16 cụ Đào Duy Từ ở Thanh Hóa vào Bình Định mang theo nghề diễn tuồng. Ông sống ở tại ấp Bồng Sơn (Hoài Nhơn) và truyền dạy nghề hát tuồng cho dân chúng trong vùng này.
Đến thế kỷ 19, nghệ thuật tuồng phát triển mạnh, đứng đầu là cụ Đào Tấn. Suốt cả cuộc đời cụ là viết kịch bản tuồng, dạy diễn tuồng và đạo diễn tuồng. Ngoài ra cụ còn viết nhiều thơ và từ. Mặc dù nhiều lần làm Tổng đốc, làm Thượng thư ở triều đình nhà Nguyễn, nhưng Đào Tấn vẫn viết tuồng và mở Học Bộ Đình.cụ Đào Tấn dạy diễn tuồng ngay tại triều đình Huế. Khi về hưu cụ lại mở Học Bộ Đình tại quê nhà, dạy hát tuồng cho đào kép trong vùng. Thầy dạy chữ Nho cho cụ Đào Tấn là cụ Tú Nguyễn Điêu cũng là tác giả kịch nổi tiếng.
Kịch bản của cụ Đào Tấn hiện giờ còn đang dạy và diễn khắp miền đất nước như: Hộ Sanh đàn, Diễn Võ đình, Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Quan Công hồi cổ thành, Trầm hương các, An Trào Kiếm, Lý Phụng Đình, Hoàng Phi Hổ phản Trụ đầu Chu, v.v…. Hai học trò giỏi của cụ Đào Tấn là cụ Bát Phàn và cụ Đội Hiệp. Tại Học Bộ Đình ở triều đình Huế có hai cụ Bát Phàn và cụ Đội Hiệp, cụ Bát Phàn được phong hàm bác phẩm, là người học trò quý của cụ Đào Tấn. Cụ Bát Phàn ở huyện Tây Sơn, hiện giờ còn có bác Hai Liêu là cháu nội của cụ, cũng là một kép hát giỏi ở thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn.
Cụ Bát Phàn đã để lại cho nhiều lớp diễn viên và trong lòng khán giả Bình Định nhiều vai diễn mẫu mực và vô cùng độc đáo. Đó là vai Lưu Bị trong võ tuồng Trich Bôi, vai Hàn Thế Dân sa lầy, vai Hoàng Phi Hổ trong tuồng Phản Trụ đầu Chu v.v….
Khác với cụ Bát Phàn, cụ Đội Hiệp lại làm đội trưởng của đội hát ngự tại triều đình Huế, hay còn gọi là quản ca. Cụ Đội Hiệp đóng các vai mặt đen, mặt rằn như kéo xéo, tướng phiên, kép rằng. Cụ đóng Tiết Cương, Tại Ngọc Lân, Tạ Ôn Đình, Trương Phi giỏi nhất trong Học Bộ Đình.
Đến khi cụ Đào Tấn về hưu, cụ mở Học Bộ Đình tại quê nhà (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước). Kép hát nổi danh ở tỉnh Bình Định ngày càng xuất hiện nhiều từ trường đào tạo của Đào Tấn. Học trò của cụ Đào tại Bình Định có cụ Chánh Ca Ghình, Chánh Ca May, Chánh Ca Đựng, Chánh Ca Đông, Chánh Ca Lục và các ông bầu Tỵ, bầu Chi (cha nghệ sĩ Hưng Quang), bầu Đồ, Cửu Khi, Nhưng Sự, bầu Tranh, bầu Phấn, bầu Thơm…. Lúc còn nhỏ, Hưng Quang đã được xem các cụ biểu diễn. Mỗi cụ có từng loại vai độc đáo mà ngày nay không có ai sánh kịp.
Ví dụ cụ Chánh Ca Ghình (quê ở huyện An Nhơn), chuyên đóng các vai kép như Đổng Kim Lân, Lý Phụng Đình, Triệu Tử Cung v.v …. Trời sinh vóc dáng cụ quá đẹp, giọng hát vang như chuông. Vì tài nghệ giỏi nên cụ được phong bằng Chính ca của tỉnh. Theo ông Hưng Quang thì hiện nay và tới sau này, chắc không một ai đóng vai Đổng Kim Lân hoặc Đào Phu Phụng bằng cụ Chánh Ca Ghình.
Cụ Chánh Ca May ở Huyện An Nhơn (ông ngoại của cố nghệ sĩ Hoàng Chinh) chuyên đóng các loại đào. Từ đào bi, đào trào, đào phiên, đào điên, đào lẳng v.v …. Hồi đó chưa có đào nữ thì cụ Chánh Ca May đóng giỏi nhất tỉnh Bình Định. Cụ được tỉnh phong bằng Chánh ca.
Cụ Chánh Ca Đựng quê ở huyện Tuy Phước, cụ được bằng Chánh ca sau cụ Chánh Ca Ghình và Chánh Ca May. Cụ chuyên đóng các loại vai mặt rằng, mặt đen như: Tiết Cương, Trương Phi, Tạ Ngọc Lân, Cáp Tô Văn, Phàn Định Công v.v …. Những vai này cụ là người vô địch ở tỉnh Bình Định. Cụ Chánh Ca Đựng là bố đẻ danh ca Bầu Thơm và nữ nghệ sĩ ưu tú Ngọc Cầm.
Cụ Cửu Khi quê ở Tuy Phước, cụ chuyên đóng loại kép xanh, kép xéo, nhưng biệt tài của cụ là đóng vai con hổ. Tại triều đình Huế, cụ đóng vai con hổ hay quá, được triều đình phong hàm cửu phẩm. Cụ là một võ sĩ giỏi ở tỉnh Bình Định thời bấy giờ.
Cụ Chánh Ca Lục ở huyện Tuy Phước có bằng Chánh ca. Cụ đóng đủ các loại đào và đóng giỏi các loại kép rằn, kép xéo, kép đen. Nhưng biệt tài của cụ là đóng vai Tôn Ngộ Không trong vở tuồng Tây Du Ký. Cụ là người giỏi võ nên đánh thước bảng rất đẹp. Tôn Ngộ Không ở Bình Định trước kia đều dùng thước bảng chứ không dùng trường côn. Ngày xưa ở Bình Định đánh thảo thước, bây giờ binh khí này không còn nữa. Cây thước bảng đẹp nhưng vuông bốn cạnh, cao bằng đầu người. Sau ngày hòa bình (1975) chúng tôi có vào Khánh Hòa thăm cụ Chánh Ca Lục, lúc cụ đang trên giường bệnh và cụ đã qua đời năm 1980. Hiện giờ cụ còn hai người con trai và ba con gái nối nghiệp ở đoàn tuồng Khánh Hòa.
Cụ Chánh Ca Đông ở huyện Tuy Phước được phong tặng Chánh Ca khi còn trẻ cụ chuyên đóng các loại đào, rồi cụ chuyển sang đóng kép tơ, kép trắng. Đặc biệt cụ Chánh Ca Đông có giọng hát hơi đồng, phát âm không vang to nhưng người nghe mùi mẫn, nhất là hát nam xuân, nam ai, hát khách tuyệt hay. Cụ đóng vai Lý Khắc Minh trong vở tuồng Tam Nữ Đồ Vương lớp tuồng nam ai tiễn đưa Bích Hà là người tùy nữ đi thế tử cho nữ hoàng và cô Xuân Hương con gái ông về quê ẩn náu. Nghe giọng hát của cụ, ai cũng phải trầm trồ thán phục.
Cụ Bầu Chi (cha của nghệ sĩ Hưng Quang quê ở Phù Cát). Cụ có giọng hát trời phú. Ngày xưa hát không có micro, thế mà khán giả ngồi xa cách hàng trăm mét vẫn nghe được giọng hát của cụ. Giọng hát của cụ về to vang lại vừa ấm áp. Cụ thường đóng các loại vai như tướng, vai kép xéo, về già cụ chuyển sang đóng lão đỏ, lão trắng. Độc đáo của cụ là vai Lưu Khánh (hồi ba trong vở tuồng Ngũ Hổ bình Liêu).
Đêm đã khuya, người xem muốn ra về nhưng khi Lưu Khánh của Bầu Chi xuất hiện thì mọi người đều ở lại để thưởng thức tài nghệ của cụ. Hoặc cụ đóng vai tướng Hạ Hầu Đôn trong vở tuồng Quan Công hồi cổ thành. Giọng hát khách và nói lối của cụ vang cả rạp. Cụ thể hiện thằng tướng có tài, nhưng ngạo mạn. Hạ Hầu Đô chỉ có một mắt, vậy nên trong dân gian có câu "Nhất là voi một ngà, nhì người ta một mắt". Hạ Hầu Đô là một tướng tài của Tào Tháo. Khi vào trận Quan Vân Trường dù có biệt tài dùng đại đao nhưng không thể nào chém được Hạ Hầu Đô.
Cụ bầu Tỵ ở Phù Cát chuyên đóng kép đỏ, kép trắng, lão đỏ, lão trắng.
Năm cụ 50 tuổi, thì bị mù hai mắt, đi phải có người dắt, thế mà cụ đóng Đổng Kim Lân, Đào Phi Phụng, Lý Phụng Đình rất hay. Người xem khó mà biết cụ bị mù. Do sân khấu đã nhập tâm, nên đường đi nét bước, cự ly, điều độ, cụ diễn không sai sót. Những người lớn tuổi ở Phù Cát không quên được những vai tuồng rất đặc sắc của cụ bầu Tỵ.
Cụ Bầu Tranh ở Phù Ly, huyện Phù Cát.
Khi còn nhỏ cụ học đào và chuyên đóng đào. Về già cụ chuyển sang đóng mụ và làm bầu gánh hát ở Phù Ly. Cụ có một cô con gái nối nghiệp tên thường gọi là Cô Ba Nhảy. Người cô nhỏ thấp, nhưng giọng hát rất hay, cô diễn được nhiều loại đào và loại nào cô diễn cũng tốt. Sau năm 1945 ở miền Trung cấm hát bội., cô chuyển sang nghệ thuật bài chòi. Cô Ba Nhảy hò bài chòi rất hay, nhịp nhàng già giặn, láy luyến uyển chuyển và ấm áp. Cô đã mất trong kháng chiến chống Pháp, khi cô mất chưa đầy 30 tuổi.
Cụ Nhưng Hươn cũng ở Phù Ly (Phù Cát) chuyên đóng kép trắng, kép đỏ. Người cụ tầm thước, đẹp trai. Độc đáo của cụ Nhưng Hươn là vai Tiết Đinh Sơn cầu Phàn Lê Huê. Tiết Đinh Sơn là một tướng giỏi của nhà Đường. Thế mà phải mang trước ngực một cái khay, trên khay có lư hương, cắm ba cây hương, một bình rượu và hai chén, với một cây đèn. Tếit Đinh Sơn bước một bước, lạy một lạy, bước ba bước, lạy ba lạy. (Nhất bộ nhất bái, tam bộ tam bái). Cứ thế mà đi đến cầu Phàn Lê Huê ra dẹp giặc Dư Hồng, Dư Triệu.
Tiết Đinh Sơn và Phàn Lê Huê là hai vợ chồng, sinh được một con trai tên là Tiết Cương (Tiết Cương trong tuồng Hộ Sanh đàn). Cụ Nhưng Hươn đóng vai Tiết Cương này thuộc loại vô địch ở tỉnh Bình Định. Người đẹp, giọng hát hay, diễn giỏi, ai cũng phải khen.
Khán giả tỉnh Bình Định lúc bấy giờ không thể nào quên được Kép Nhưng Sẵn, ông có vóc dáng trời phú, người tầm thước, khuôn mặt võ hầu, da trắng như bông, hai vai ngang bằng, mặt áo lông chấn vào y như tượng vẽ. Giọng hát mùi mẫn, múa đẹp, đóng vai kép nào cũng hay. Nhất là vai Đổng Kim Lân trong tuồng Sơn Hậu hồi 3. Lúc bấy giờ các bà vợ quan huyện, thầy đề đều mê Nhưng Sẵn các bà mời đến gặp riêng và cho tiền. Đó là những gương mặt nghệ nhân ngày trước. Kế tục nghề hát tuồng ở Bình Định, từ năm 1935 đến 1945 có rất nhiều nghệ sĩ tài ba xuất hiện. Những nghệ sĩ hát giỏi, đứng đầu trong tỉnh như: Bầu Thơm, Tư Lửa, Chánh Ca A, Cụ Tám Hóa, Bầu Thái, Cụ Xã Đàn Nhứt và Đào Ngọ.
Cụ bầu Thơm ở huyện Tuy Phước (con cụ Chánh Ca Đựng) cụ bầu Thơm giỏi võ, hình dáng mập mạp cân đối. Cụ chuyên đóng các vai mặt rằn, mặt đen như: Tạ Ngọc Lân, Tiết Cương, Trương Phi trong vở tuồng Hoa Dung Lô. Đôi chân hia của cụ khó ai sánh kịp. Đôi lục lạc mang phía chân phải không chỉ ngồi rung, đứng rung, mà ngay trong lúc đi lớp, đôi lục lạc rung theo nhịp trống thể hiện khí phách của nhân vật Trương Phi thật tuyệt vời. Độc đáo nhất của cụ là vai Phàn Định Công trong tuồng Sơn Hậu, Tạ Thiên Lăng cướp ngôi nhà Tề, liền sai sứ ra Thành Sơn Hậu triệu Phàn Định Công về triều.
Phàn Định Công xem chiếu, biết được Tạ Thiên Lăng đã cướp ngôi Tề. Ông nổi giận chém sứ giả, lấy máu đề cờ phục quốc. Về đến giữa đường bị ngọn cuồng phong làm gãy cờ lệnh, ông bị ngã ngựa, cố gượng dậy lên ngựa lại bị ngã xuống. Ba lần lên ngựa ông đều bị ngã. Phàn Định Công tức quá hộc máu ba lần, thế là ông cho rằng điềm trời đã hại ông rồi. Lúc đó, Phàn Diệm mới 14 tuổi cùng đi theo cha về triều. Ông trối trăng để lại lời giáo huấn cho con là Phàn Diệm: "Con lớn lên phải lo dựng lại nghiệp Tề trả thù cho cha" và ông chết tại đây. Đến hồi III của vở Sơn Hậu thì Phàn Diệm trả được thù cha và cùng Đổng Kim Lân phục hưng lại cơ nghiệp nhà Tề.
Phàn Định Công ba lần ngã ngựa với ba tư thế khác nhau: ngã sấp, ngã ngửa rồi ngã nghiêng. Mình mặc áo giáp, đội mão Kim Khôi, chân đi hia, thế mà cụ Bầu Thơm ngã như bay, đôi chân hia vút lên cao rồi toàn thân rơi xuống, bằng những động tác điêu luyện tuyệt vời khó ai bì nổi. Cụ Bầu Thơm chết sớm, chưa đầy 50 tuổi. Cụ chết đi, có thể coi là hết vai Phàn Định Công ở sân khấu tuồng miền Trung.
Nghệ nhân Tư Lửa, ông ở Thiết Trụ, huyện An Nhơn, Bình Định. Tư Lửa là một nghệ nhân toàn diện trên sân khấu. Ông đóng kép Đào Phi Phụng và Quan Công rất hay, và đóng cả kép xéo, kép rằng như Lưu Khánh, Tiết Cương cũng rất giỏi, ông đóng cả các vai nịnh, vai tướng như Đổng Trác, Tạ Kim Hùng… Kép Tư Lửa chết trong kháng chiến chống Pháp, nhưng ở Bình Định ngày nay vẫn còn nhớ vai Tạ Kim Hùng trong vở Tam nữ đồ vương do ông sáng tạo không ai sánh kịp. Ông thể hiện sắc sảo tính cách một thằng tướng dốt nát, ngạo mạn, vũ phu, bất trung, bất hiếu. Lúc bấy giờ đoàn hát của Bầu Thơm đi đến đâu, diễn ở trường hát nào, hoặc hát án ở vùng nào, nhân dân nghe quảng cáo tối nay có Bầu Thơm đóng Tạ Ngọc Lân và Tư Lửa đóng Tạ Kim Hùng, thế là không còn chỗ chen chân vào mua vé. Người xem đã quen và biết rõ biệt tài của Bầu Thơm và Tư Lửa. Nghệ sĩ nhân dân Võ Sĩ Thừa đóng vai Tạ Kim Hùng đã hay rồi, nhưng phải kiến nhường biệt tài của Tư Lửa và coi Tư Lửa là bậc thầy. (Xem Tình yêu và nghệ thuật, Võ Sĩ Thừa kể. Hoàng Chương viết).
Cụ Chánh Ca Á tên thật là Quỹ ở xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát là Chánh Ca cấp huyện. Trời phú cho cụ có giọng hát vang to, có hình thể vóc dáng đẹp. Cụ chuyên đóng các loại nhân vật mặt đen, mặt rằn. Đặc biệt, cụ đóng vai Diệm Cửu Quỳ trong vở tuồng Đào Phi Phụng hồi I. Diệm Cửu Quỳ nhà nghèo, học giỏi cả văn lẫn võ, nhưng không đi thi được vì phải nuôi mẹ già ốm nặng. Hơn nữa ông cũng đã già không muốn tiến thân vào đường danh vọng. Thường ngày ông lên núi, đội lốt hổ, tìm hổ mẹ vắt sữa về nuôi mẹ già. Một hôm ông đội lốt hổ chạy qua bìa rừng. Thái phó lệnh công đang đi săn thú bỗng phát hiện ra con hổ đón đường. Đào Lệnh Công bèn dương cung bắn hổ. Diệm Cửu Quỳ liền bắt mũi tên và lật lớp hổ ra cho Đào Lệnh Công thấy mặt. Đào Lệnh Công vô cùng cảm phục tài nghệ của Diệm Cửu Quỳ. Đào Lệnh Công hỏi: Tại sao tài nghệ của ngươi giỏi như vậy mà lại không xuống Trường An ứng thí lập chữ công danh? Diệp Cửu Quỳ bèn kể lại hoàn cảnh của mình. Đào Lệnh Công một lần nữa lại kính phục và xúc động. Ông cho Diệp Cửu Quỳ một số tiền về nuôi mẹ và dặn dò Diệm Cửu Quỳ xuống kinh sư ứng thí.
Đến kỳ thi, Diệm Cửu Quỳ từ tạ mẹ ra đi. Vào hội thi văn cũng như võ đều ngang tài với Đào Phi Phụng. Năm ấy Đào Phi Phụng mới lên 16 tuổi là con quan Thái phó Đào Lệnh Công. Triều đình còn đang phân vân, chẳng biết phong trạng nguyên cho ai? Đào Phi Phụng liền tâu trước triều đình là xin phong tước cho Diệm Cửu Quỳ. Trái lại Diệm Cửu Quỳ tâu nhà vua xin phong tước cho Đào Phi Phụng vì ông già mà Đào Phi Phụng là tướng trẻ. Ngay lúc đó giặc hai phương gây hấn. Triều đình tạm hoãn phong chức tước và xuống chiếu cho Đào Phi Phụng đánh phương Bắc, Diệm Cửu Quỳ chinh phạt phương Nam. Về sau nhà vua phong Đào Phi Phụng là trạng nguyên. Diệm Cửu Quỳ chức Quốc công. Chánh Ca Á bằng tài nghệ xuất sắc của mình đã thể hiện nhân vận Diệm Cửu Quỳ rất thành công ghi dấu ấn vàng son trong sử sách hát bộ Bình Định.
Bầu Thái (tức Bầu Rộng) quê ở thị trấn Phù Cát có vóc người cao lớn, mặt vuông hơi rỗ. Ông cũng thiện nghệ các vai lão võ và mặt rằng. Ông đóng vai Tạ Ngọc Lân rất giỏi. Ông thể hiện đôi chân của người già đã 83 tuổi. Đôi chân bước từng bước một chắc nịch, và từ bàn chân đến ống chân, kể cả đôi tay đều nổi lên gân gốc, các ngón chân quắc bám sát đất. Dáng bộ đi của ông già võ tuy đã tuổi 83, nhưng đi đứng khoan thai, đĩnh đạc đúng phong cách của người võ tướng, mà lại là một cụ già nông dân bởi ông đã từ quan về cày ruộng.
Cụ Tám Hóa ở huyện Tuy Phước, hình vóc to, cao và giỏi võ. Ông chuyên đóng các vai lão võ. Cụ đóng vai Tiết Tằng trong vở tuồng An trào kiếm thật tuyệt vời. Tiết Tằng tuy đã già, nhưng khi có giặc ông vẫn xin con trai ông là Tiết Thanh cho ông đi dẹp giặc. Con trai ông khuyên can không cho cha già đi vì đã quá già, khi xung trận lại bị vướng tay, vướng chân con. Ông nằn nặc xin đi và để cho con thấy ông còn khỏe, ông liền đánh bài thảo "Ngọc trản", đánh xong bài thảo ông thở hổn hển.Ông tranh con nhận chức tiên phong để Tiết Thanh đi hậu tập.
Ra trận ông gặp tướng giặc là Xích Báo. Ông xông vào đánh ngay. Nhưng sức đã già yếu không qua được tài của thằng tướng trẻ nên bị thương và lả người. Tiết Thanh theo kịp, tiếp đánh bại tướng Xích Báo và cõng cha thoát trận, nhưng ông đã chết. Người xem ai cũng chảy nước mắt phục tài nghệ của cha con người dân biển, qua tài nghệ kép hát Tám Hoa. Vai thứ hai của cụ Tám Hoa là vai con yêu cá trong vỡ Lý Phụng Đình sinh thời khó ai đóng thành công vai yêu cá bằng Tám Hoa. Sau khi ông chết thì dường như không ai đóng vai yêu cá hay như cụ Tám Hoa: Nội dung là yêu ca giả Lý Phụng Đình, lẻn vào cung ve vãn cô Loan Dung. Yêu cá xuất hiện từ dưới nước bơi lên bờ rồi lẻn vào cung. Bằng những động tác bơi, động tác đi diềm của loài yêu vô cùng khó khăn nhưng nhờ giỏi võ và múa đẹp nên cụ đã thể hiện thành công vai yêu cá, để rất tiếc đến hôm nay chưa ai kế thừa được những vai độc như cụ Tám Hoa.
Cụ Xã Đàn Nhứt và Đào Ngọ, quê ở huyện Bình Khê (Tây Sơn hiện nay). Lần đầu ở Bình Định xuất hiện một đào là nữ đóng, đó là Đào Ngọ. Xã Đàn Nhứt và Đào Ngọ là đôi bạn diễn và cũng là vợ chồng. Đào Ngọ ở huyện An Nhơn. Xã Đàn Nhứt là một võ sĩ giỏi ở tỉnh Bình Định. Ông giỏi cả quyền và binh khí, nhất là môn trường côn. Trên sân khấu tuồng, ông đóng đủ các loại nhân vật nam. Từ kép rằng, kép xéo, kép trắng, kép đỏ, cho đến lão, tướng nịnh. Mỗi khi Xã Đàn Nhứt đóng Đào Phi Phụng thì Đào Ngọ đóng Liễu Nguyệt Tiên. Ông đóng Tạ Ngọc Lân thì Đào Ngọ đóng Tạ Phương Cơ, ông đóng Tiết Giao thì Đào Ngọ đóng Nguyệt cô hóa cáo. Ông đóng Tiết Cương thì Đào Ngọ đóng Kỷ Lan Anh. Xã Đàn Nhứt và Đào Ngọ nổi tiếng nhất ở miền Trung lúc bấy giờ. Đào Ngọ lớn tuổi hơn nghệ sĩ nhân dân Ngô Thị Liễu ở Đà Nẵng. Sau Đào Ngọ ở Bình Định mới xuất hiện bốn cô đào xuất sắc: đó là Hồng Thu (vợ cố nghệ sĩ Hoàng Chinh), Minh Đức (tập kết ra Bắc và mất năm 1965 tại Hà Nội), Ba Hoa và chị Ngọc Cầm. Hiện nay ở Bình Định chỉ còn chị Hồng Thu năm nay đã ngoài 80 tuổi và chị Ngọc Cầm 75 tuổi.
Ở Bình Định đã một thời nổi danh hai kép hát là Mười Thân và Dư Lược. Hai cụ là anh em cô cậu cùng ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Hai cụ đều tập kết ra Bắc (1954) với đoàn tuồng Liên khu V, cùng với cụ Đội Tảo, cụ Sáu Lai ở Quảng Nam truyền nghề cho lớp diễn viên trẻ ở đoàn tuồng Liên khu V tại Hà Nội. Trên sân khấu cụ Mười Thân đóng đủ các loại như: kép đỏ, kép xéo, kép rằng, lão và nịnh. Cụ có giọng hát âm vang và hai bàn tay múa rất đẹp.
Sở trường của cụ là loại kép xéo như: Thủy Định Minh (kép câu cá), Khương Linh Tá, Lưu Khánh v.v …. Cụ đã dạy cho nghệ sĩ nhân dân Võ Sĩ Thừa vai Tiết Tẳng, và dạy cho nghệ sĩ ưu tú Trần Hưng Quang vai Tiết Thanh trong vở tuồng An Trao Kiếm. Ở trường sân khấu (Hà Nội) cụ Mười Thân đã dạy cho nhiều học sinh, đã đào tạo cho Minh Ngọc và Đình Cựu nhiều vai giỏi (Đình Cựu đã mất trong chiến trường Liên khu V đánh Mỹ). Minh Ngọc hiện giờ là nghệ sĩ nhân dân. Hòa bình năm 1975 cụ về quê Bình Định và đã mất tại Quy Nhơn.
Cụ Dư Lược nổi tiếng ở Bình Định với các vai kép xéo, cụ đóng mụ (lão) cũng giỏi và đóng khôi hài cũng hay. Đặc biệt là vai Tạ Lôi Nhược trong tuồng Sơn Hậu hồi III. Khi Tạ Ôn Đình bị Phàn Diệm đâm trọng thương phải trở về thành họ Tạ. Lôi Nhược cho thuốc chữa vết thương cho Tạ Ôn Đình. Lớp tuồng này Tạ Lôi Nhược của cụ Dư Lược ở Bình Định không có người thứ hai sánh kịp. Người cụ nhỏ bé, đôi mắt sáng như gương, thân người cụ múa dẻo như sợi dây. Cụ đã dạy vai Lưu Khánh trong vở Ngũ Hổ thứ III cho nghệ sĩ Hưng Quang. Nội dung lớp tuồng như sau:
"Khi Tống Địch Thanh bị Phiêu Tiêu Hữu vây hãm ở chiến trường. Lưu Khánh là tùy tướng phải bay về tìm Thoại Ba (vợ của Địch Thanh) xin binh cứu viện. Lưu Khánh là tay bợm rượu, đi lâu ngày thèm rượu, vào quán uống quá say, nên chủ quán phát hiện biết Lưu Khánh bèn trói lại. Nhân lúc có Thoại Ba đi qua. Chủ quán bẩm báo là bắt được Lưu Khánh. Thoại Ba bèn bảo chủ quán mở trói cho Lưu Khánh. Lưu Khánh tỉnh dậy, thấy Thoại Ba, Lưu Khánh bèn sụp người xuống lạy. Vì trước kia Thoại Ba không cho Địch Thanh đi Bình Liêu mà cố giữ ở lại ở Đơn. Thoại Ba theo chận Địch Thanh lại. Lưu Khánh vốn là tên lỗ mãng đã đạp cho Thoại Ba một đạp và gỡ cho Địch Thanh đi. Do vậy nên Lưu Khánh rất sợ Thoại Ba oán ghét. Cụ Dư Lược dạy cho Hưng Quang Động tác quỳ lạy, thế mà Hưng Quang hai tháng trời mới làm tạm được những động tác phức tạp. Với câu hát tẩu:
"Cam khất công nương, quảng như hải, như hà chi lượng.
Lân tha nguyên soái, cai cán cao cái hậu chi lân".
Những động tác rất khó, khi lạy thì chân trái bò ngửa ra, chân phải xếp vào mông, rồi chân phải bò ngửa ra, chân trái xếp vào mông. Lạy nhanh theo nhịp hát tẩu. Về động tác bay cụ đã dạy cho nghệ sĩ Hưng Quang đóng vai Lưu Khánh kép phải bay như kiểu chim bay, mà chỉ giăng hai tay hai chân thì bê đầu. Vì Lưu Khánh có tài đằng vân bởi có "Tịch vân phách" dắt bên lưng. Khi cần bay thì thả bung "Tịch vân phách" nhảy vào thế là bay. Khi hạ xuống thì xếp lại và dắt vào thắt lưng. Bởi vậy nên Lưu Khánh khi đã ở trong "Tịch vân phách" thì làm động tác "đăng" chứ không phải chấp cánh bay như chim.
Cụ Dư Lược bị bệnh suyễn, lại buồn vì con trai cụ tên là Ngữ trở về Nam hoạt động bị quân Mỹ bắn chết tại xã Phước Hòa quê ông. Cụ được tin em mất, càng buồn nên bịnh càng nặng. Cụ qua đời tại khu an dưỡng Sầm Sơn 1962.
Xin quay trở lại nói thêm về tứ nữ Bình Định:
Chị Hồng Thu ở An Nhơn, chị Minh Đức, chị Ba Hoa và chị Ngọc Cầm ở Tuy Phước. Mỗi người có một loại vai xuất sắc nhất ở Bình Định. Chị Hồng Thu vẫn là cô đào toàn diện hơn cả. Chị đóng rất giỏi các vai đào trào như: Loan Dung, Tại Ba và các vai đào chiến như Liễu Nguyệt Tiên, Đào Tam Xuân, Kỷ Lan Anh. Đặc biệt chị đóng loại kép còn rất giỏi.
Chị Minh Đức tập kết ra Bắc với đoàn tuồng Liên khu V. Chị Đức rất giỏi các loại đào bi, đào tiên và đào lẳng. Chị đóng đào bi như: công chúa Quỳnh Nga trong vở tuồng Thạch Sanh. Chị Ngộ trong vở tuồng hiện đại Gia đình chị Ngộ. Đào điên như: Phương Cơ giả dại trong vở tuồng Tam nữ đồ vương. Đào lẳng như: Thị Hến trong vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến. Khán giả Hà Nội còn nhớ đến chị với những vai diễn đặc sắc. Rất tiếc chị đã mất sớm tại miền Bắc từ năm 1966 vì bạo bệnh.
Chị Ba Hoa đóng giỏi nhất là các vai đào võ trong thời kỳ tuồng tiểu thuyết ra đời (1940-1945). Vóc người chị tròn trịa, mập mạp, gương mặt đẹp, chị mặc quần áo võ rất hợp bước ra sân khấu là hút khán giả ngay. Chị thường đóng kép giả trai và các vai đào võ. Chị mất trong kháng chiến chống Pháp.
Nghệ sĩ Ngọc Cầm lại khác với ba chị trên. Vì trời phú cho chị có vóc to cao, khỏe mạnh như đàn ông. Chị là con của cụ Chánh Ca Đựng và là em ruột của Bầu Thơm. Chị Ngọc Cầm có giọng hát hơi "Thổ", giọng hát vang xa, láy luyến mùi mẫn. Đặc biệt chị láy "hột", láy rung trong cộng minh, làm cho người nghe vô cùng cảm khoái, kỹ thuật hát khách của chị đến nay chưa ai hát được. Chị thường đóng kép Lã Bố hý Điêu Thuyền trong vở tuồng Phụng Nghi Đình, kép Địch Thanh trong vở Ngũ Hổ bình Liêu hay kép Lưu Sanh Ngọc trong vở tuồng Đông Lộ Địch. Năm nay chị đã 75 tuổi, đang ở tại thị xã Plây Cu tỉnh Gia Lai.
Song song với tứ nữ, nghệ sĩ Bình Định được nhân dân phong tặng danh hiệu "Tam danh ca". Nhất Chinh, Nhì Cá, Tam Trọng. Ba danh ca này nổi tiếng ở Bình Định trong thời kỳ 1954 – 1975
Anh Hoàng Chinh ở Nhơn Hòa huyện An Nhơn. Giọng hát của anh không vang to nhưng rất bền. Anh đóng đủ các loại vai trên sân khấu như: kép trắng, kép đỏ, kép xéo, kép rằng, tướng, nịnh, lão, võ và cả khôi hài. Nổi tiếng của anh trong vai Hoàng Phi Hổ nằm miếu. Nội dung lớp tuồng như sau: Giả Thị là vợ của Phi Hổ bị vua Trụ hãm dâm, nên nhảy xuống lầu tự vẫn. Giả Thị hiện hồn vào miếu báo mộng cho Hoàng Phi Hổ biết là tên Trần Ngô dùng hỏa công đốt miếu cho Phi Hổ chết. Hoàng Phi Hổ tỉnh dậy thấy vợ, anh mừng quá! Chụp luôn ba bộ, ngã luôn ba lần (ngã ngồi, ngã nghiêng, ngã xấp) rất đẹp. Thời còn trẻ, anh đóng Lục Vân Tiên rất hay. Đặc biệt là anh học chữ nho khá, nên nghĩa ngữ từng câu, từng chữ, anh thể hiện súc tích, người xem cảm khoái cách biểu diễn của anh. Anh đã mất từ năm 1989.
Anh Tư Cá ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Trời phú cho anh có giọng hát vang xa và ấm áp. Anh chuyên đóng kép trắng, kép đỏ. Đặc biệt anh có giọng hát Nam Bình, làm cho người nghe mát tai, nhởn gáy. Anh đóng vai Tống Nhân Tông trong vở Vạn Hoa Lầu. Những sắp hát nam của anh khán giả Bình Định không thể nào quên được. Sau hòa bình (1975) anh tham gia biểu diễn ở nhà hát tuồng Đào Tấn. Anh Tư Cá đã mất năm 1997.
Anh Trần Long Trọng ở huyện Tuy Phước, anh đã đóng rất nhiều vai, nhưng sở trường của anh là những kép độc, kép đen, kép rằng. Kép độc nghĩa là những vai kép độc thân, kép không có vợ, mình trần, chân đất, không có áo mão chức tước, thường làm việc vì đại nghĩa.
Ở nhà hát tuồng Đào Tấn, ba NSND: Võ Sĩ Thừa, Đinh Quả, Đình Bôi, mỗi người đều có miếng độc riêng của mình. Anh Võ Sĩ Thừa nổi tiếng từ những năm 40 với nhiều vai kép, đặc biệt anh rất thành công trong vai Tạ Kim Hùng (tuồng Tam nữ đồ vương). Anh đóng vai Bao Công vào lò gạch rất hay. Anh có vóc dáng và giọng hát rất phù hợp với loại vai này. Cũng như vai Tạ Kim Hùng (trong vở tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn) anh có giọng nói lối "dăm" làm cho người nghe "cốc, cốc" rất phù hợp với thằng tướng bất trung, bất hiếu, vũ phu, dốt nát.
Anh Đinh Quả (đã mất) anh có giọng hát tốt, có vóc dáng đẹp. Anh đóng vai Đổng Kim Lân tốt. Anh Đinh Quả trong vai tri huyện trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến.
Anh Trương Đình Bôi là lớp diễn viên đi sau. Trời phú cho anh có giọng hát vang như chuông. Anh Đình Bôi chuyên đóng các vai tướng mặt đen, mặt rằng. Loại vai này rất phù hợp với vóc dáng của anh. Anh Trương Đình Bôi năm nay đã 72 tuổi, đã về hưu, ở tại Nhà hát tuồng Đào Tấn.
Tại Nhà hát tuồng Đào Tấn, hiện giờ có dàn diễn viên trẻ nối nghiệp. Có nhiều em diễn tốt và diễn được nhiều vở hay. Do đó mà người ta cho "Bình Định là cái nôi của nghệ thuật tuồng."
Từ xưa ở Bình Định có những câu hát ru em:
"Mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con hát bội làm đào mẹ coi"
Hoặc câu:
"Chiều chiều nghe rõ trống bang
Nhớ ông Nhưng Sự bàng hoàng tay chân"
(Còn nữa) |