Chương III: Truyền thống võ và tuồng của gia đình họ Trần
15:29', 30/6/ 2005 (GMT+7)

Nói về võ và tuồng là động đến mạch chủ của NSƯT Trần Hưng Quang, cho dù đang ở trong hoàn cảnh nào, kể cả lúc ốm đau, ông cũng say sưa nói, không những nói mà còn múa làm động tác chứng minh cho hai cái nghề mà ông đã thấm nhiễm và học từ thuở còn bé. Trần Hưng Quang kể tuy đôi khi lặp lại chuyện cũ, nhưng tôi vẫn ghi lại khá đầy đủ, vì thấy rằng đây là những tư liệu quý. Ông nói: "Như trên tôi đã trình bày gia đình tôi về võ thuật bắt đầu từ thời ông cố tôi tên là Trần Đại Chí, người Trung Hoa ở tỉnh Thiểm Tây. Cố tôi bất mãn với triều đình Mãn Thanh bỏ nước sang Việt Nam cư ngụ tại ấp Tây Sơn, huyện Bình Khê. Ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Huệ cũng ở ấp Tây Sơn. Ông làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Lúc đó cố tôi mới ngoài 30 tuổi. Ông bà sinh được 3 người con, hai trai, một gái. Ông nội tôi là con đầu tên là Trần Đại Xy".

Cố tôi sang Việt Nam đúng vào thời kỳ Nguyễn Huệ chiêu mộ anh tài, luyện tập võ nghệ, chuẩn bị đánh chiếm thành Quy Nhơn. Thầy giáo Hiến (1) ở tại thôn An Thái huyện Bình Khê. Thầy dạy học cho ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Thầy dạy cả văn lẫn võ. Trong số học trò của thầy dạy có Đại đô đốc Võ Văn Dũng, người ở huyện Tuy Phước. Ông rất giỏi võ Bình Định. Ông kết thân với cố tôi và trở thành đôi bạn tâm đầu ý hợp. Cố tôi là người tính tình phóng khoáng, cởi mở. Chẳng bao lâu hai người đã trở thành bạn tâm giao. Từ đó hai người trao đổi lẫn nhau về quyền cước, đòn thế võ giữa Bình Định và Thiếu Lâm…

Tôi dừng mạch kể của Hưng Quang và hỏi ông:

- Vậy võ Thiếu Lâm (Tàu) đã kết hợp với võ Bình Định như thế nào?

- Võ Bình Định xưa không có "tay song xỉ, ngựa kim kê, hình bán nguyệt" như võ ngày nay – Hưng Quang giải thích và tiếp tục. Bộ tấn cơ bản của võ Bình Định là trung bình tấn, Đinh tấn, Đảo mã tấn, Hạ mã tấn, Tọa mã tấn. Bộ tay gióng quyền bằng nắm đấm, hoặc mở rộng như tay hổ, hay còn gọi là tay bông. Khi gióng quyền đôi chân chôn chặt xuống đất gọi là "túc bất ly địa" quyền cước đánh chắc mà mạnh. Nhược điểm của võ Bình Định xưa là di chuyển vào đòn bị chậm hơn võ Tàu. Đó là đặc điểm khác nhau giữa võ Tàu và ta – Hưng Quang phân bua. Tôi biết được hai phái võ này là theo lời kể của ông nội tôi, thuở tôi còn bé.

Bắt nguồn từ hai cụ Trần Đại Chí và Võ Văn Dũng (sau này là đốc của nghĩa quân Tây Sơn) mà võ Bình Định được chuyển hóa giữa hai dòng võ thành một, và truyền nối đến đời nay.

 Tôi hỏi: Như vậy có thể coi hai ông Chí và Dũng là ông tổ của môn phái võ Bình Định được không? Còn vì sao lại gọi võ Tây Sơn?

Võ sư Hưng Quang trả lời: - Thời Nguyễn Huệ quân Tây Sơn đánh giặc dùng võ thuật là chủ yếu như: cô, kiếm, đao, thương, cung nỏ v.v… Cố tôi tuy không đầu quân vào binh lính của Tây Sơn, nhưng ông đã góp phần với đại đô đốc Võ Văn Dũng luyện tập cho nghĩa binh Tây Sơn. Từ đó có tên "Võ Tây Sơn".

Cố tôi thọ được 65 tuổi. Ông mất cũng tại Tây Sơn. Nghề bốc thuốc chữa bệnh của cố tôi được bà cố tôi kế tục. Sau đó bà cố tôi chuyển về ở thôn An Hành thị trấn Phù Cát.

Nội tôi tên là Trần Đại Xy. Ông đã truyền dạy cho nhiều môn đệ ở trong tỉnh và trong huyện môn võ thuật của hai ông Chí và Dũng sáng tạo và hòa trộn. Ngày xưa không có trường dạy võ mà dạy trong sân nhà,  những buổi có trăng sáng. Cố tôi đã truyền lại bài thuốc chữa bệnh do bị đòn trọng thương, vài bài thuốc xoa bóp khi bị bong gân hoặc trặc bại, gọi là "thuốc võ". Bài thuốc này tôi còn giữ và cho thuốc võ sinh hiện nay dùng. Đến đời ông nội tôi thì kết hợp giữa tuồng và võ. Ông cũng là một kép hát giỏi, tục gọi là ông bầu Xy, ở An Hành. Nội tôi lập gánh hát và làm bầu hát. Nội tôi đã dạy nhiều người kép hát trong huyện như: bầu Phấn, bầu Đắc ở Xuân Yên, bầu Hạnh ở Thanh Bàng, Nhưng Tụng ở Hòa Đại, bầu Tỵ, bầu Nữa ở An Hành, Nhưng Sự ở Phong An và cha tôi. Ngày đó có câu hát ru em của nhân dân đặt ra để ca tụng Nhưng Sự:

"Chiều chiều nghe rõ trống bang

Nhớ ông Nhưng Sự bàng hoàng chân tay"

 Đến đời cha tôi vẫn theo truyền thống của gia đình là đấu võ và diễn tuồng. Cha tôi là Trần Đại Y, là một nghệ nhân giỏi hát tuồng ở Phù Cát, tên thường gọi là Bầu Chi (như tôi đã kể ở phần trên). Võ thuật cha tôi cũng giỏi, nhưng tính tình thì quá thật thà, ít nói, nhưng khi đã nói thì chắc như đinh đóng cột. Khi có việc gì giận dữ, ông chỉ khịt khịt mũi mấy lần thế là biết ông đã giận rồi. Cha tôi không cao lớn, nhưng rất đậm đặc, tròn trặn và khỏe mạnh. Cha tôi không dạy võ như ông nội tôi, mà học võ để phòng thân và truyền dạy cho con cháu trong nhà đồng thời vận dụng trong diễn tuồng. So với ông nội tôi, thì võ của cha tôi có phần kém hơn. Có lần chính mắt tôi trông thấy. Cha tôi là bầu gánh hát Phong An, trong gánh hát có ông Nhưng Đựng cùng tuổi với cha tôi. Hai người ngồi trên một bộ phảng dưới trang tổ (bàn thờ tổ). Ông Nhưng Đựng ngồi nói về nghề võ, có ý xúc phạm tới cha tôi. Cha tôi khịt khịt mũi mấy cái và ông đá một phát, ông Nhưng Đựng bật ra xa hai thước ngã ngửa xuống đất. Anh em kép hát chạy đến can ngăn. Ngày xưa bộ phản dưới trang tổ chỉ có ông bầu và ông Nhưng ngồi, anh em kép hát không được ngồi (Gánh hát có nghĩa là đoàn hát như ngày nay thường gọi). Có lần giữa đêm cha tôi nghe xóm dưới kêu là: "Ăn trộm, ăn trộm…". Ông thức giấc, cầm cây trường côn, chạy thẳng lên gò cao, tức gò Trạm, đường độc đạo, ăn trộm thường chạy qua. Cha tôi ẩn núp trong lùm cây, nhìn rõ ba tên trộm chạy đến. Hai tên trước mang vác đồ vừa ăn trộm xong. Tên đi sau cầm trường côn. Cha tôi để cho hai tên đi trước qua khuất, ông chận đánh tên sau. Cây trường côn phạt ngang qua chân tên trộm rất mạnh làm cho tên trộm ngã sấp. Cha tôi gióng thêm một côn trên đầu, làm cho tên trộm nằm im như chết. Cha tôi gọi to cho bà con xóm dưới nghe.

Họ kéo đến rất đông, bà con lật ngửa tên trộm ra, nó còn sống nhưng chân bị gãy không đi được. Bà con khiêng nó về làng. Mời lý trưởng, hương kiểm đến lập biên bản, ngày mai giải lên huyện. Trai tráng trong làng canh giữ tên trộm tại đình và sang ngày mai Lý trưởng cho khiêng lên huyện.

Bọn trộm này ở thôn Thuận Truyền, huyện Bình Khê. Lần thứ ba cũng tại thôn Thuận Truyền, cha tôi đến hát ở đó, tưởng rằng bọn ăn trộm vừa rồi không biết mặt cha tôi. Không ngờ nó tìm hiểu tông tích và biết mặt cha tôi. Do sau vụ này nhân dân cả huyện đồn vang là ông bầu Chi bắt được tên trộm. Hôm đó trộm nấp ở đây để trả thù.

Đêm đã khuya, cha tôi nghỉ đóng vai và ra ngoài tiểu tiện. Lập tức ba tên cầm ba cây côn ngắn đánh cha tôi. Cha tôi không kêu la mà chống lại bọn chúng. Một tên bị cha tôi lấy côn và quật ngã. Hai tên kia xông vào bị cha tôi đánh chúng bỏ chạy. Lúc đó có tiếng ồn ã của bà con đi xem hát. Thầy xã Mỹ vội chạy ra. Thầy nghe cha tôi kể lại sự việc. Thế là thầy đoán được bọn nào gây sự vì thầy là tổ sư của vùng này. Thầy gọi anh Ba Tường là học trò nhất của thầy và dặn: "Thầy giao cho em bắt bọn nó và đánh cho chúng một trận hỏi sao dám đến đây phá đám". Anh Ba tường vâng lời và đi được bọn chúng thực hiện lời dạy của thầy. (Anh Ba Tường năm 1954 tập kết ra Bắc). Anh dạy võ cho trường công an Hà Nội. Hòa bình (1975) anh về quê Bình Định. Chẳng biết hiện nay anh còn hay mất. Nếu còn thì tuổi anh cũng đã 90 rồi.

Thầy xã Mỹ cùng tuổi với cha tôi, và là đôi bạn thân thiết. Khi nào gánh hát Phong An lên miền Bình Khê đều có mặt thầy xã Mỹ ở đó. Thầy treo võng nằm ở gần gác rạp, để bảo vệ cho đoàn hát. Bọn côn đồ biết có mặt thầy ở đây, thì không dám động đậy gì tới đoàn hát.

Nói thêm về thầy xã Mỹ (Nguyễn Siềng) võ của thầy rất giỏi. Thầy dạy sáu người học trò tại thị trấn Phú Phong, dạy đã lâu. Một hôm thầy nói với học trò: "Cho thầy nghỉ, vì gia đình bận việc lắm. Hơn nữa thầy dạy cho các em đủ rồi". Sáu người này bàn nhau để thử thầy. Một hôm tổ chức một bữa tiệc tại Phú Phong mời thầy sang dự. Bữa tiệc vừa tàn. Sáu anh em rút trong người ra sáu con dao ngắn đặt lên bàn và nói: "Thầy còn giấu nghề không dạy cho tụi con. Hôm nay chúng con giết thầy". Sáu anh em đồng loạt đứng dậy cầm dao. Thầy xã Mỹ liền bay từ mặt đất đến đỉnh tưởng. Mắt nhìn xuống đất. Hình tượng giống con rắn mối đáp trên tường, thầy nói: "Thầy chỉ có miếng này thôi". Tất cả anh em vứt dao, quỳ rập xuống đất chấp tay thưa: "Chúng tôi xin mời thầy xuống". (Câu chuyện này thầy xã Mỹ kể tại nhà tôi, trong lúc thầy nói chuyện với cha tôi, tôi nghe được và không bao giờ quên).

Dường như câu chuyện võ thuật không bao giờ ngưng được trong con người của võ sư Trần Hưng Quang. Tôi bắt buộc lái ông sang vấn đề chính là tuồng:

- Anh kể cho nghe việc học tuồng (hát bội) của anh?

 NSƯT võ sư Trần Hưng Quang chậm rãi kể:

 Năm tôi lên 10 tuổi, mẹ tôi cõng trên vai đi theo cha hát tuồng khắp nơi. Lúc đó tôi chỉ học mấy câu "nói lối" của vai Hoàng tử khi tôn vương. Ngày xưa hát áng tức là chủ áng mời "bạn hát". Tức là diễn viên tuồng đến hát mừng, hoặc hát trả lễ ông bà v.v …. Họ cất rạp to và rộng, xung quanh bỏ trống, chỉ rào phía áng thờ tổ tiên và rào nơi "bạn hát" thờ tổ và hóa trang. Hát xong đúng giờ, trước khi hạ áng thì, bạn hát phải làm lễ tôn vương. Lễ tôn vương gồm có người đội lốt hổ, người đội lốt long (rồng) có thổ địa và dàn nhạc trống đi kèm theo. Hoàng tử ngồi trên cổ người làm con long, đi qua một vòng trên sân khấu và con long đưa Hoàng tử vào ngồi trên ghế cao. Hai tay Hoàng tử cầm kiếm và ấn. Hoàng tử nói lối ghế:

"Nối ngôi Thiên tử, trẫm hiệu Minh vương

Lấy đức vỗ bốn phương

Ra ân nhuần trăm họ

Trào thần văn võ

Giai đẳng kỳ công

Trẫm hạ sắc phong

Nhứt tăng nhứt phẩm

Dân tha thuế tam niên chuẩn tiệc

Hạ bát tề cửa quận chiêu an

Trẫm trở lại màn loan

Bá quan lai phụng cát".

Thế là chủ áng đánh một hồi chầu dài bãi áng hát, người xem kéo nhau ra về.

Từ đó tôi được cha tôi dạy hát và tôi đi theo hát luôn. Năm tôi lên 12 tuổi, có cụ ấm Bồ con trai cụ Đào Tấn ra dạy gánh hát Phong An.

Tôi được thầy ấm dạy cho các vai: Hoàng Phi Hóa con Hoàng Phi Hổ trong tuồng Quá giới bài quan. Hoàng Phi Hóa lên 3 tuổi đang chơi ở sân nhà, bỗng bị ngọn gió mạnh cuốn bay lên trời học tiên. Hoàng Phi Hổ qua ải Trần Đồng, bị Trần Đồng dùng "Hỏa long phiên" thiêu đốt Phi Hổ chết. Tiên cho Hoàng Phi Hóa một bầu linh dược xuống trần cứu cha. Hoàng Phi Hóa cứu cha khỏi nạn và cha con gặp nhau, Hoàng Phi Hóa phải trở về tiên. Vai Hoàng Phi Hổ do anh Nhưng Bốn Hào đóng.

Thầy ấm Bồ còn dạy cho tôi vai Tiêu Đình Quý trong vở tuồng Ngũ Hổ bình Liêu của tác giả Đinh Văn Diêu. Câu chuyện Tống Địch Thanh đi bình Liêu, do Tiêu Đình Quý dẫn đi lạc đường sang qua nước Đơn. Tống Địch Thanh kết duyên cùng công chúa nước Đơn là Thoại Ba. Tiêu Đình Quý là bộ hạ của Địch Thanh, anh đóng giả người Phiên để qua mắt giặc. (Đầu có lông công, chân đeo lục lạc, đắp mũi người Liêu). Qua được ải giặc, về đến nước Đơn. Tiêu Đình Quý nói:

(Bây giờ thì ta đây)

"Bỏ lông công, vứt lục lạc, lấy mũi Liêu"

Đầu Tiêu đuôi cũng là Tiêu

Trước Quý sau thời cũng Quý.

Về Tống cho trọn đạo nghĩa

Ở Đơn cũng giữ chữ nguyền".

Vai này tôi đóng khá đạt, múa đẹp được nhiều người khen. Năm tôi lên 13 tuổi thầy ấm Bồ dạy tôi vai Lưu Khánh, trong vở tuồng Ngũ Hổ bình Liêu. Ngũ Hổ nghĩa là có 5 tướng bộ hạ Địch Thanh, đó là Lưu Khánh, Trương Trung, Lý Nghĩa, Đình Quý và Mạnh Quốc. Lúc này tôi đã hát được những điệu Nam, Khách, Tẩu mã và múa đã có cơ bản tốt. Tôi đóng đôi với cô Hai Hợi, em cậu bầu Hợi, là cậu ruột của tôi. Tuy cô ấy vai em, nhưng lớn hơn tôi 4 tuổi. Cô đóng vai Địch Thanh rất đạt, cũng do cậu ấm Bồ dạy. Thế là tôi đã thành kép hát gánh hát Phong An.

Năm lên 14 tuổi, nghệ nhân Nhưng Bốn Hào dạy tôi đóng vai Tiết Cương và cô Ba Kinh đóng vai Kỷ Lan Anh, trong vở Hộ Sanh đàn của Đào Tấn.

Đây là bước phát triển của đời tôi cả về nghề nghiệp và tình yêu. Cô Ba Kinh người cùng xóm, tôi lớn hơn cô ấy hai tuổi. Hai chúng tôi chơi thân và đi hát nhiều nơi, lại đóng đào, kép. Chúng tôi yêu nhau bằng cách thương thầm nhớ vụng và cứ thế mãi cho đến khi tôi 18 tuổi, cô ấy 16 tuổi chúng tôi mới ngỏ lời yêu nhau. Đây là mối tình đầu của tôi. Hai đứa yêu nhau ngày càng say đắm. Yêu trên sân khấu khi đóng đôi và yêu  cả ngoài đời, dường như không rời nhau được… Nhưng rồi đôi lứa không thành, bởi vì hai gia đình, mẹ tôi và mẹ cô ấy không hợp nhau, có những lời qua tiếng lại không tác đồng được cho chúng tôi. Chúng tôi đành phải xa nhau trong nước mắt. Lúc này bố mẹ cô ấy ép cô ấy phải đi lấy chồng, năm cô lên 17 tuổi. Cô ấy khóc nhiều và luôn tìm cách gặp tôi. Lúc nào không gặp tôi thì lại gặp anh trai tôi, nhờ anh tôi nói lại với tôi là: "Nhờ anh Hai nói lại với anh Ba là em thà chết chứ không lấy chồng, em nguyện ở giá suốt đời, nếu không lấy được anh Ba (tức là tôi)".

Phần tôi thì buồn chán của một kẻ "thất tình", bỏ nhà đi hát xa, lên tận Gia Lai, Kon Tum đi hát với gánh bầu Đồ (gọi là Sáu Huê). Tôi đi vắng đến 6 tháng mới về nhà. Lúc đó cô đã đi lấy chồng rồi. Cô lấy chồng ở Lý Nhân, huyện An Nhơn, chồng không đi hát, bà mẹ chồng sắc bạc, hành hạ cô. Phần vì thương nhớ tôi, phần thì bị hành hạ, nên thân hình cô héo hon, tiều tụy. Cô lại bỏ nhà chồng về quê tiếp tục đi hát với tôi. Lúc đó tôi càng yêu cô hơn, nhưng chỉ yêu vụng trộm …. Vì gia cảnh không thể nào lấy lại được!.

Cũng năm lên 14 tuổi, áng hát của ông chú họ tôi tên là Bầu Lỗi ở thị trấn Phù Cát có cô Ba Nhảy con cụ Bầu Tranh ở Phù Ly vào hát. Tối hôm đó tôi đóng vai Tiết Cương, cô Ba Nháy đóng vai Kỷ Lan Anh, cô ấy lớn hơn tôi hai tuổi, nhưng vóc dáng của cô nhỏ, thấp, đóng đôi với tôi cũng xứng. Cô Ba Nhảy lúc đó nghề đã vững hơn tôi. Cô rất thương mến tôi, từ chỗ thương mến ấy, cô đến nhà tôi và gợi ý yêu tôi. Tôi cũng thích nghề hát của cô và cũng yêu mến cô, nhưng tuổi tôi còn quá nhỏ không xứng lứa đôi. Sau đó thỉnh thoảng cô vào đi hát với gánh hát tôi, và cô đã lấy chồng làm nghề thợ may ở Phù Mỹ, tên là Bùng. Anh này cũng đi theo vợ hát, nhưng chỉ đóng được vài vai nịnh.

Trong kháng chiến chống pháp, tỉnh Bình Định cấm hát bộ. Cô Ba Nhảy chuyển sang hát bài chòi cũng rất hay vì cô có giọng hát tốt và nhịp nhàng giỏi. Vì thế mà trong làng Bài chòi luôn nhắc tên cô Ba Nhảy như một ngôi sao.

Năm tôi lên 16 tuổi, ông Bầu Hợi là cậu ruột tôi, dẫn tôi đi hát các đoàn nghiệp dư huyện Phù Cát và An Nhơn. Cậu tôi vốn là người học đào, chuyên đóng đào, nên bộ kép tướng, lão, nịnh và cả giàn binh khí tôi đều phải dạy. Vì tôi đã học được nhiều động tác cơ bản nên vũ đạo của tôi rất tốt, hơn nữa đã nhiều năm học võ, nên binh khí tuồng tôi đều sử dụng tốt. Cũng có thể nói nghề võ đã giúp tôi thành công trong nhiều vai tuồng võ.

Cũng năm lên 16 tuổi, tôi vào hát ở Phú Yên, Khánh Hòa. Chuyến đi này có cha tôi, anh hai tôi ( Trần Chi). Cậu tôi là ông Nhưng Đặng và cô Hai Hợi. Anh Hai Xã người cùng quê vào làm phó ca tỉnh Phú Yên. Anh ấy về mời chúng tôi vào gánh hát của anh (Anh Hai Xã chết năm 1980). Lúc đầu vào hát ở Tuy Hòa, hát rạp, hát áng. Hết mùa hát áng (mùa hát áng từ tháng 3 đến tháng 5), lại thuê rạp để hát trường. Năm ấy tôi đã đóng được nhiều vai như: Lưu Khánh, Châu Thương, Tiết Cương, Trương Phi, Trịnh Ân v.v …. Hát tại các trường ở Tuy Hòa, Ninh Hòa, Nha Trang, Anh Hai Xã bị lỗ nhiều nên không trụ lại được, tôi lại phải trở về Phú Yên. Về đây tạm thời tôi lại chuyển sang dạy võ cho gánh hát bầu Ba ở Phú Nhiêu, Phú Thứ. Tôi dạy được bốn tháng thì phải trở về Bình Định. Trong đoàn hát của anh phó ca xã có cô đào Huệ, cô ấy lớn hơn tôi một tuổi, lại mê tôi. Cô mê tôi cả tuồng lẫn võ, vì tôi đóng tuồng cặp với cô và dạy điệu bộ cho cô, dạy những cái mà cô chưa biết. Tôi cũng yêu cô ấy. Chả lẽ cả gia đình đều về. Còn tôi vì cô Huệ mà ở lại. Nhưng nếu đi về thì dứt tình không đành. Tôi phải hứa với cô là về thăm nhà rồi sẽ trở lại với cô. Bởi tôi đi xa nhà đã quá nửa năm rồi! Cô Huệ thương yêu tôi quá mà khóc luôn mấy ngày, và cuối cùng chúng tôi cũng phải chia tay! Ôi! Tuổi thiếu niên tâm hồn trong sáng mà lại gặp những mối tình trắc trở. Đời nghệ sĩ là như vậy.

Tôi nhớ mãi trong ký ức gần 60 năm qua…

Về quê, tôi lại đi gánh hát bầu Huê ở Sông Cạn, hát tại trường Phú Phong. Ông bầu Huê đến nhà mời cha con tôi đi hát trường cho ông. Cha tôi bận việc nhà không đi được, thế là tôi đi với chú bầu Huê. Trong đoàn hát của chú có anh Ba Trạng và anh Bốn Hươn, chúng tôi kết thân với nhau. Sau ngày hòa bình năm 1975 tôi biểu diễn ở Phú Phong (Tây Sơn) tôi tìm đến gặp anh Bốn Hươn, người cùng tuổi với tôi, còn anh Ba Trạng đã mất lâu rồi. Chúng tôi ôn lại những kỷ niệm sâu sắc năm xưa: Chú bầu Huê đóng vai Trình Giảo Kim hay nhất tỉnh. Lúc này tôi đã lớn, đóng được nhiều vai như: Tiết Ứng Long trong vở tuồng Tiết Đinh Sơn cầu Phàn Lê Huê (Tiết Ứng Long xuất trận đánh nhau với Phàn Lê Huê. Tiết Ứng Long bị thua trận phải làm con nuôi cho Phàn Lê Huê). Hoặc các vai như: Lưu Khánh, Châu Thương, Tiết Thanh, đó là những vai tôi hát với chú bầu Huê được 3 tháng tại thị trấn Phú Phong (sau ngày giải phóng miền nam, tôi đi tìm chú để thăm. Nhưng khổ nổi chú đã bị mù cả hai mắt. Đến nay thì chú đã mất rồi!). Tôi trở về hát với các gánh hát trong huyện Phù Cát như: gánh bác bầu Phấn, bầu Đắt ở Xuân Yên, gánh chú bầu Thái ở An Hành, chú phó ca Á ở Hòa Đại. Khi nào gánh hát tôi có tờ kêu (tờ mời đến hát áng) là tôi trở về đi hát gánh Phong An.

Lại nói về chuyện tình duyên thời nên thiếu, NSƯT Trần Hưng Quang kể hào hứng rằng: "Cha tôi và tôi đi hát gánh bác Phấn. Trong gánh hát ấy có ông Nhưng Hoạch cùng tuổi với cha tôi. Ông có hai cô con gái, cô Sáu Út 16 tuổi và cô Bảy Chiểu 14 tuổi. Lúc này cô Sáu Út để ý đến tôi, còn tôi thì vô tư vì còn nghĩ đến cô Ba Kinh, một mối tình sâu sắc khó quên".

Cụ Nhưng Hoạch mỗi lần đi về qua Xuân Yên đều phải đi qua đường nhà tôi. Lần nào cụ cũng ghé vào cùng cha tôi uống nước nói chuyện. Cụ gợi ý: "Tôi có hai đứa con gái anh đã biết. Tôi muốn làm sui với anh. Tùy thằng Ba (tức tôi) ưng đứa nào thì tôi gả đứa ấy. Tôi với anh làm sui rất xứng". Cha mẹ tôi thống nhất làm sui với cụ Nhưng Hoạch. Còn tôi thì không chịu, vì mối tình đầu với cô Ba Kinh chưa dứt được trong tâm trí tôi.

Do đó tôi bó nhà đi hát với anh Nhưng Bốn Hào ở Gia Lai, Kon Tum. Ở nhà cha mẹ tôi sắm lễ vật đến nhà ông Nhưng Hoạch hỏi cô Sáu Út cho tôi. Cô Sáu Út nhỏ hơn tôi hai tuổi, cùng tuổi với cô Ba Kinh. Vậy là bố mẹ cô Sáu Út đồng ý gả cô cho tôi. Riêng bà mẹ thì đề nghị cho bà được thấy mặt tôi. Cha tôi phải lên tận Gia Lai gọi tôi về đi hỏi vợ. "Áo mặc không qua khỏi đầu", hơn nữa cô Ba Kinh đã đi lấy chồng, mình còn thương nhớ đến bao giờ. năm ấy là năm 1945, tôi đã 19 tuổi ta, tôi đành phải theo cha về hỏi vợ. Đó là người vợ đầu tiên của tôi, hiện giờ vẫn còn sống ở quê nhà, nhưng bà ta đã đi lấy chồng và có hai con, vì hai mươi mốt năm đánh Mỹ không có tin tức gì về tôi. Vợ tôi có sắc là đào hát nhưng nghề thì còn non nớt lắm, chưa tiếng tăm gì.

Nhớ lại, tháng 8 - 1945, tôi tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tại huyện Phù Cát. Đến tháng 11 - 1945 gia đình sắm sanh lễ cưới cho tôi. Trong kháng chiến chống Pháp nghề hát tuồng ở Bình Định bị cấm đoán, tôi phải bỏ nghề đi theo kháng chiến, vợ chồng tôi phải xa nhau và tiếp theo là đi tập kết kẻ Bắc người Nam. Bởi vậy người nghệ sĩ cách mạng là thế đó!

Kể tới đây, NSƯT – Võ sĩ Trần Hưng Quang bỗng trầm ngâm trong liên tưởng về quá khứ vui, buồn …. Ông dừng lại, không muốn kể chuyện diễn tuồng nữa. Tôi gợi ý cho ông: Nếu anh không muốn tiếp tục nói về tuồng nữa thì chuyển qua nói về võ cũng được.

Nghệ sĩ Hưng Quang đồng ý. Ông châm thuốc rít một hơi dài rồi kể:

"Tôi lên 10 tuổi, cha tôi dạy cho tôi bài thảo "Miêu tầy diện", tôi học và đánh được rồi cứ mỗi lần theo cha đi hát là tôi đánh bài thảo này. Tôi được các cụ, các bà cho tiền. Nhất là các huyện như ở Xuân Kiểng huyện Phù Mỹ các ông huyện Hai, huyện Bảy cho tôi tiền. Hoặc ở Đề Di Phù Cát thì lại được các thầy trợ Di, trợ Việt cho tôi nhiều tiền. Các cụ trông thấy tôi nhỏ mà biết đánh quyền thảo, các cụ thương và thưởng chứ không phải tôi đánh hay, đánh giỏi. Cha tôi thấy tôi có năng khiếu học võ nên quan tâm dạy dỗ. Những đêm trời có trăng, cha tôi dạy cho anh em kép hát, tôi chăm chú học theo các anh lớn. Tôi học được các bài Ngọc trản, Lão mai, Thần Đồng, Độc Phủ, Kiếm v.v… Do tôi biết được nhiều bài thảo, quyền, binh khí, các bộ tấn, đôi tay liền dẻo, nên khi học tuồng tôi múa rất cơ bản, và đẹp hơn các bạn đồng lứa. Những bài này tôi còn nhớ và dạy cho học sinh trong môn phái võ Bình Định hiện nay.

Năm lên 13 tuổi, tôi học thầy Đào Duy Kiệt người cùng thôn xóm. Thầy Đào Duy Kiệt đã dạy tôi ba năm, năm lên 16 tuổi thì thảo quyền tôi đã vững vàng, và đấu với các bạn cùng trang lứa. Năm ấy tôi vào tỉnh Phú Yên dạy võ. Dạy tại Phú Nhiêu, Phú Thứ. Sau ba tháng dạy, khi ra về ông bầu Ba có đưa cho tôi một số tiền và tặng cho tôi một con đá gà, tức là gà chọi nặng 5kg. Con gà ấy do tôi không biết nuôi, nên nó chết mất. Ở xã tôi nhiều người biết và họ tiếc vì con gà đá rất hay.

Từ đây tôi theo học nhiều thầy võ trong tỉnh và huyện. Trong huyện tôi đã học các thầy: Xã Đàng Nghiêu, thầy Hương Kiểm Kính, thầy Xã Đốc, thầy Đại Hào. Thầy Xã Đốc dạy tôi bài đại đao Quan Vân Trường và đại đao bát quái. Những bài này hiện giờ tôi đang dạy cho học trò. Tôi học tại nhà thầy và thầy có cô con gái tên là Hồng Hải, cô thấy tôi tiếp thu nhanh, học khá hơn cô nên cô có cảm tình với tôi, và sau đó cô yêu tôi. Còn tôi thì giữ đạo thầy trò nên không dám tỏ tình. Lâu lâu tôi không xuống học thì cô lại nhắn, lại lên thăm. Thật lòng thì tôi rất mến cô. Việc này cha mẹ tôi biết nên cấm đoán không được quan hệ, với lý do là nhà mình nghèo, không môn đăng hộ đối. Hơn nữa tuổi còn thiếu niên, chưa nên đặt vấn đề. Nếu thầy biết được sẽ đuổi học và trách cha mẹ tôi. Tôi đành phải xa cô, bỏ học, tìm vào Đập Đá, huyện An Nhơn xin học thầy Biện Quyền (tức Lý Xâu Tạo). Thầy dạy học trò khắp bốn phương. Tôi ở luôn, ngày giúp việc nhà, tối học võ. Thầy dạy cho tôi bài Ba Chiêng Hổ, Linh Hổ Phù, Quyền Tứ Linh, bài thân pháp và quyền thế đấu v.v… những bài võ này đến nay tôi vẫn nhớ và dạy cho học trò. Sau đó tôi lên Bình Khê học thầy Xã Mỹ (Nguyễn Siền).

Nhiều lần thầy đến chơi với cha tôi, và tôi đi theo thầy ở luôn nhà thầy học. Tôi học được 3 tháng toàn là binh khí như: côn ngũ môn phá trận, côn Thái Sơn, Bát Quái thương và bài cung nỏ. Tôi lại tiếp tục học quyền thế. Tôi có người anh em bà con dì chị của mẹ tôi ở tại thị trấn Phú Phong tên là anh Hai Trạng, anh là người gốc Hoa. Tôi học được hơn hai tháng tại nhà anh. Chủ yếu là học đòn thế đánh và học nội công. Anh dạy rất nhiệt tình và rất thương tôi. Anh không mở lớp dạy vì bố anh là người Hoa, anh ngại không dạy người ngoài. Ngày giải phóng xuống núi, tôi đến thăm anh. Anh còn rất khỏe, nhưng nhà anh nghèo. Anh có hai người con, một trai một gái. Nhưng người con trai lơ là việc học tập nên anh ít dạy. Cô con gái học tập đều, luyện tập tốt, anh dốc công dạy cho người con gái. Lúc này anh có chút mặc cảm với chính quyền địa phương vì anh là người gốc Hoa.

Anh Hai Trạng có tài bốc thuốc võ chữa bệnh cho những ai bị gãy chân, gãy tay. Có một lần vào năm 1976 ở bên kia sông Côn là thôn Kiên Mỹ có hai vợ chồng đánh nhau. Chồng đuổi vợ về phía cha mẹ ở. Cô này biết võ khá, đánh trả lại chồng rồi bỏ đi. Ban đêm trời tối hôm đó cô bị 3 tên chận đường đánh. Cô này bị đòn nặng. Gia đình cô khiêng về nhà chạy chữa. Cô bị máu ứ đọng hai bên sườn và lồng ngực, cô chỉ nằm ngửa thở thoi thóp không ăn uống gì được, chỉ nằm chờ chết.

Việc này công an huyện có lệnh bắt người chồng tạm giam. Gia đình sang qua Phú Phong mời anh Hai Trạng sang chữa bệnh. Anh nhận chữa. Anh cho thuốc uống bên trong và xoa bóp bên ngoài, nắn kéo gân xương. Uống thuốc và chữa trị được 3 hôm thì thấy cô ấy nôn ra máu, kể cả hậu môn cũng tuôn ra máu đậm đen. Trong vòng 10 ngày bệnh của cô đã bình phục. Qua việc chữa bệnh này công an huyện Tây Sơn biết được, đến nhà cảm ơn và thán phục anh Hai Trạng. Công an huyện khuyên anh nên trương biển chữa bệnh cho nhân dân. Từ đó anh Hai Trạng hết mặc cảm và có uy tín trong vùng, vì có nghề võ và có thuốc rất linh nghiệm.

Tôi còn nhớ, năm lên 18 tuổi, tôi học thầy Hà Trọng Sơn hai bài kiếm "Song Long kiếm" (Kiếm đôi) và "Kim Phụng kiếm"(độc kiếm). Từ đó đến nay tôi vẫn ôn luyện như lời khuyên của các bậc tiền nhân là "văn ôn, võ luyện". Gần đây, năm 1992 ngày hội diễn võ cổ truyền toàn quốc. Hội võ Hà Nội mời tôi lên và bảo tôi đánh bài song kiếm. Trong hội diễn ấy tôi đánh song kiếm, anh Ba Vân phái Mai Hoa đánh bài Thiết phiến.

Tôi cặp đôi kiếm ra sàn diễn, tôi nhìn lên hàng ghế đại biểu, tôi thấy thầy Hà Trọng Sơn. Tôi chấp tay thưa: "Thưa các thầy! Tôi đánh đôi song kiếm này là của thầy Hà Trọng Sơn dạy tôi trước năm 1945, nay không ngờ thầy có mặt ở đây". Tôi vái chào và đánh bài song kiếm. Đánh xong, một tràng pháo tay ở hàng ghế đại biểu vang lên. Ban giám khảo chấm bài kiếm của tôi Huy chương vàng. Bài này tôi đã dạy cho học trò tôi trong các kỳ hội diễn, cũng được thưởng Huy chương vàng.

Cũng năm tôi 18 tuổi, tôi đã lên sàn đấu nhiều lần với các võ sĩ trong tỉnh như: Phạm Ngọc Cừ, Bùi Xuân Danh, Hà Văn Cầu, Lê Đức Tích ở Phù Cát, Hà Trọng Kính ở An Nhơn, Nguyễn Hoài Nam ở Tuy Phước, Đồng Bá Hải ở Phù Mỹ và Nguyễn Văn Tuân ở Tây Sơn. Tôi bị đòn cũng nhiều, nhất là anh Đồng Bá Hải ở Phù Mỹ, anh ấy lớn hơn tôi 2 tuổi. Đòn anh rất mạnh, đôi chân di chuyển quá nhanh, đòn vào rất chuẩn xác. Côn thì cũng sàn sàn như nhau… Riêng Nguyễn Hoài Nam và Phan Ngọc Cừ thì tôi hạ một cách thong thả.

Đến năm tôi lên 19 tuổi (tính theo tuổi ta) thì Cách mạng tháng 8 thành công. Tôi tham gia khởi nghĩa tại huyện Phù Cát.

Trong 9 năm kháng chiến thì nghề hát tuồng và nghiệp võ tôi tạm dừng lại đi theo kháng chiến đánh giặc cứu nước. Nhưng nghề hát tuồng và nghiệp võ của tôi như đã thấm tận xương tủy, không thể nào lãng quên được.

Chín năm học võ, 9 năm hát tuồng, nối nghiệp của ông cha để lại trên đất Bình Định. Tôi rất tự hào vì đã nối được nghiệp ông, cha.

Ai cũng biết, đất Bình Định là đất hát tuồng, đất Bình Định là đất thượng võ từ thời vua Quang Trung để lại, hai môn võ và tuồng sao mà nó gắn với cuộc đời tôi đến thế. Từ 10 tuổi đến nay đã 77 tuổi, cả cuộc đời chỉ có nghĩ đến hát tuồng và luyện võ. Không bao giờ tôi nghĩ đến làm ông kia, bà nọ, tôi không cầu danh vọng, không mơ tưởng đến địa vị, mà toàn tâm, toàn ý phục vụ cho hai môn võ và tuồng. Tôi tự hào vì đến nay vẫn giữ được truyền thống võ và tuồng của dòng họ Trần trên đất Bình Định và đang phát huy rất tốt trên đất Thăng Long.

(còn nữa)

 

(1) Tức là Trương Văn Hiến, một người giỏi cả văn lẫn võ đã làm quan trong triều Lê nhưng bị chúa Trịnh chèn ép nên bỏ vào Bình Định làm thầy dạy học.
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chương II: Đất tuồng sinh ra những tài năng tuồng  (24/06/2005)
Chương I: Bình Định - miền đất thượng võ  (21/06/2005)
Mấy lời đầu sách  (19/06/2005)
Trần Hưng Quang -Tuồng và võ   (16/06/2005)