Chương IV: Từ gian khó đến trưởng thành
10:21', 6/7/ 2005 (GMT+7)

Ngày xưa hầu hết những người làm tuồng, làm chèo đều xuất thân trong gia đình nghèo khổ. Vì nghèo mới học cái nghề mua vui cho thiên hạ và muốn lấy được đồng tiền của người xem đâu phải dễ. Vì thế mà những nghệ nhân hết sức vất vả trong việc học nghề và hành nghề. Hãy nghe NSƯT Trần Hưng Quang kể về chuyện học võ và học tuồng (hát bội).

- Hoàn cảnh gia đình tôi rất nghèo, cha tôi đi hát tuồng, mẹ tôi lo nội trợ, tôi không có em trai, em gái, không có chị gái, chỉ có một người anh trai lớn hơn tôi 16 tuổi. Anh tôi ốm yếu không làm được gì. Tôi lớn lên 14, 15 tuổi phải lên núi Bà đốn củi gánh đi bán, đi nhuổi cua xúc ốc. Ai thuê mướn gì cũng làm và đi cắt lúa thuê cho người ta v.v… Nhưng với tấm lòng hiếu học, tôi phải tầm sư học đạo. Tôi học văn hóa rất sáng. Năm lên 12 tuổi, tôi học ở trường huyện, hằng tháng tôi đều đứng đầu lớp. Ngồi trong lớp, ngoài làm bài cho mình, tôi còn kèm dạy cậu con trai của thầy đốc học. Cậu đó tên là Vy.

Năm lên 14 tuổi tôi thi đậu bằng Sơ học yếu lược. Học đến hết lớp đệ nhất, trường gọi tôi lên lớp, nhưng không có mặt tôi. Thầy đốc học xuống tận nhà hỏi cha mạ tôi: "Sao thằng Quang vắng mặt, gọi tên lên lớp không có nó?". Cha mẹ tôi thưa: "Thưa thầy, nhà tôi túng thiếu quá nên để cháu ở nhà giúp đỡ cho gia đình, xin thầy thông cảm". Lúc đó tôi trốn sau bịch lúa tôi nghe hết và hai hàng nước mắt cứ tuôn trào. Thầy đốc học ra về, tôi buồn bã vô cùng mà chẳng biết nói sao được. Tuy rằng mới 13 tuổi đầu mà lại trụ cột gia đình, anh tôi chỉ chẻ và vót nan, tôi đan rổ, đan thúng, cha tôi lận, mít. Chị dâu tôi đi bán và mua gạo mắm về ăn. Đến năm 1945 tỉnh tổ chức thi Rime ân khoa. Tôi thi đậu bằng tiểu học ân khoa.

Tập kết ra Bắc, tôi được đoàn tuồng Liên khu V cử đi học cấp 3 Văn Sử Địa tại trường của Bộ Văn hóa, có đồng chí Võ sĩ Thừa cùng học.

Tôi thi đậu đầu môn Văn, Sử, Địa. Tiếp đến tôi, cùng Võ sĩ Thừa, và Kim Hùng đi học Đại học Văn Sử tại trường Tô Hiệu Hà Nội. Về nghề võ, tuy là truyền thống của gia đình, nhưng cũng thường tình, bố không dạy được con, chồng không dạy được vợ, đó là điều tất nhiên. Vì lòng đam mê võ thuật, tôi thưa với cha: "Cha cho con đến thầy Năm Kiệt học võ". Vì cha tôi đã dạy cho tôi và biết tôi có năng khiếu võ, nên chấp nhận. Cha tôi bọc theo một ve rượu và dẫn tôi đến nhà thầy Năm Kiệt, xin cho tôi nhập học. Thầy Năm Kiệt vui vẻ nhận lời, và tôi đã học thầy được 3 năm, thầy rất quý tôi. Sau đó tôi học nhiều thầy trong huyện và trong tỉnh (như trên đã nói). Tôi học võ không mất tiền và không tốn cơm. Tôi xin học thầy nào là tôi ở luôn nhà thầy đó. Ngày tôi giúp việc cho gia đình thầy, tối lại học võ.

Ngày xưa không có võ đường, không gọi là môn phái, chỉ có tên thầy đứng dạy. Nhưng đã là thầy thì phải có uy tín trong vùng. Phải được nhân dân nơi đó tôn kính.

Khó khăn gian khổ nhất của tôi là cuộc đời theo nghệ thuật. Cha tôi tuy là một nghệ nhân tuồng khá giỏi, nhưng tôi học cha tôi rất ít.

Tôi phải học nhiều thầy, nhiều bạn, học cách thể hiện nhân vật của nhiều nghệ nhân khác nhau. Tôi có năng khiếu nghệ thuật, nhưng trời lại đoản mạng tôi, không cho tôi được toàn diện. Vì giọng hát không tốt, vóc người lại nhỏ bé. Do vậy mà muốn đi theo nghệ thuật phải chọn con đường riêng của mình. Trong nghệ thuật hát tuồng có ba tiêu chuẩn: Hát, Múa, Diễn. Hát thì tôi kém về giọng nên nhờ có múa đẹp và diễn xuất tốt bù lại. Do đó nên khi đi vào nghề tôi chọn những vai múa nhiều, múa những bộ độc mà nhiều người không làm được. Còn diễn thì từ lý, nghĩa ngữ, từng lời, từng ý, thể hiện được tâm hồn của nhân vật, làm cho khán giả xem họ quên đi cái hình thể nhỏ bé của tôi. Vốn là người học võ từ nhỏ, nên tôi múa bộ nào ra bộ ấy, tròn trặn và đẹp đẽ. Còn biểu diễn thì sắc nét, cử chỉ phân minh, lột tả được tính cách của từng nhân vật. Do vậy mà tôi đã luyện từ thuở bé để đi vào nghề. Không đứng dưới nách cho người ta kẹp đầu mình. Có nghĩa là anh hơn tôi mặt này, tôi lại hơn anh mặt khác. Vì vậy mà tôi đứng vững trên sân khấu tuồng và đạt được nghệ sĩ ưu tú.

Tôi tập kết ra Bắc năm 1954. Thời kỳ đầu tôi làm công tác công an ở Hà Nội. Trước khi về đoàn tuồng Liên khu V, tôi làm trưởng đoàn tuồng nghiệp dư ở Hà Nội. Liên hiệp công đoàn Hà Nội quản lý và sắm sanh đồ đoàn cho chúng tôi đi biểu diễn và phục vụ các nơi. Trong đoàn chúng tôi gồm có các anh chị như: Trương Đình Thôn, Trương Đình Bôi, Trương Đình Tài, anh Văn Phụng và chị Trần Thị Bảy (mẹ NSND Đàm Liên). Những diễn viên này sau đó điều gia nhập đoàn tuồng Liên khu V như tôi và sau này trở thành NSND, NSƯT.

Đoàn chúng tôi đi biểu diễn không lấy tiền. Những nơi mà đoàn thường biểu diễn là bệnh viện Việt Xô (nay là bệnh viện Hữu Nghị); diễn ở Câu lạc bộ Thống nhất; diễn ở các trại điều dưỡng miền Nam như trại Đông Phù, huyện Thường Tín, Hà Tây, trại điều dưỡng Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trường Lương Khánh Thiện ở Hải Phòng và v.v ….

Lúc đó tôi vừa lo tổ chức biểu diễn, vừa lo thông báo cho anh chị em ở các tỉnh về đi diễn, lại vừa lo đóng nhiều vai chính trong các tiết mục. Tôi đóng vai Tạ Ngọc Lân trong vở tuồng Tam nữ đồ vương, vai Châu Thương trong vở tuồng Quan Công hồi cổ thành, vai Diệm Thiên Hùng trong vở Diệm Thiên Hùng xử bá đao (tuồng tiểu thuyết). Chúng tôi hoạt động từ 1957 đến năm 1959. Anh chị em trong đoàn lúc bấy giờ đa số là nằm chờ tổ chức bố trí công tác ở tỉnh Hải Dương. Riêng chị Trần Thị Bảy đang công tác tại Hải Phòng (hiện nay chị đã mất ở khu văn công cũ Cầu Giấy). Còn tất cả anh em hiện đã về nghỉ hưu ở tại nhà hát tuồng Đào Tấn, ở Quy Nhơn, Bình Định.

Những năm đầu ra Bắc, tất cả cán bộ miền Nam đều có một tâm trạng là nhớ quê hương, nhớ gia đình. Lúc đó mà được xem một buổi biểu diễn tuồng thì thật là quý hóa. Nhất là những trại điều dưỡng anh chị em miền Nam xem diễn tuồng giải quyết được tình cảm thật là sâu sắc. Do đó Liên hiệp công đoàn Hà Nội bỏ tiền ra sắm sanh đồ đoàn và động viên kích lệ cho anh chị em chúng tôi làm việc này. Cơ quan tôi cũng bố trí cho tôi lo công việc của đoàn tuồng nghiệp dư này. Bất luận nơi nào đến mời là chúng tôi sẵn sàng đến đó phục vụ.

Năm 1959 tôi về đoàn tuồng Liên khu V. Vì tôi đã có nghề từ trước nên tôi tiến bộ rất nhanh. Về đoàn tuồng Liên khu V tôi lại được học nghề ở các thầy như: Bác đội Tảo (Nguyễn Nho Túy), bác Sáu Lai ở Quảng Nam. Tôi học bác Mười Chương, bác Dư Lược ở Bình Định và học những anh đi trước như: anh Đinh Quả, Võ sĩ Thừa, Vĩnh Phô. Thầy đội Tảo dạy cho tôi vai kép Đào Phi Phụng hồi hai. Dạy vai Tạ Ngọc Lân trong vở tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn. Thầy Sáu Lai dạy cho tôi các vai nịnh như: Tạ Thiên Lăng (tuồng Sơn Hậu hồi II). Vai Triệu Văn Hoán trong Ngọn lửa Hồng Sơn.  Thầy Mười Chương dạy cho tôi vai kép xanh Thủy Định Minh trong vở tuồng An Trào Kiếm. Vai Khương Linh Tá trong tuồng Sơn Hậu hồi II. Thầy Dư Lược dạy cho tôi vai kép xanh Lưu Khánh trong vở tuồng Ngũ Hổ bình Liêu.

Năm 1962 Hội diễn sân khấu, tôi đóng vai Trần Lộng, trong vở tuồng Trần Bình Trọng, tác giả Nguyễn Kim Hùng, đạo diễn Võ sĩ Thừa, Vĩnh Phô. Vai Trần Lộng là vai phản diện, lần đầu tiên tôi thể nghiệm loại vai này. Tôi đóng thành công và được Hội diễn tặng thưởng Huy chương vàng. Loại vai này tôi phải suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, làm sao lột tả được tính cách nhân vật, về hình dáng bề ngoài, từ cây quạt cầm tay, cho đến bộ dạng đi đứng. Đôi mắt gian xảo, lời nói trau chuốt đểu giả của một tên Việt gian bán nước. Về nội tâm làm sao cho khán giả thấy được tâm địa của một tên Việt gian vô cùng nham hiểm, đầy lòng tham vọng địa vị và tiền tài. Tôi đã sáng tạo bộ đi của Trần Lộng giống như con vật đi bốn chân, lưng khom, hai tay đưa ra hai phía trước, chân bước song song với đôi tay. Cây quạt tôi sử dụng khi vui, khi buồn, khi tâng bốc nịnh hót, khi thất vọng uể oải. Khán giả nhìn vào cây quạt cầm tay đủ thấy tính cách của nhân vật đê tiện, thấp hèn.

Lớp tuồng Trần Lộng vào ngục dụ Trần Bình Trọng hàng quân Nguyên, giọng lưỡi nhẹ nhàng, êm ái, thái độ thì xum xoa tỏ vẻ chân tình tha thiết. Đến lúc Trần Bình Trọng tỏ thái độ khinh rẻ, miệt thị và định đánh y thì lúc đó thể hiện cái sợ trước uy vũ của Trần Bình Trọng, đồng thời lại ra vẻ cứng cỏi, hăm dọa lại Trần Bình Trọng.

Lớp vào gặp Ái nương (con gái nuôi) để thiết phục Ái Nương dùng nhan sắc mà lung lạc ý chí Trần Bình Trọng theo kế mỹ nhân của Thoát Hoan (Trần Lộng đã dâng Ái nương cho Thoát Hoan). Lúc này phải nịnh nọt, thuyết phục cốt sao cho Ái nương nhận lời đi dụ Trần Bình Trọng: (nói) - Việc này mà con làm được thì:

Cha được phong vương tước công hầu

(còn con) Ngôi hoàng hậu muôn phần vinh hiển

Ái nương nhận lời qua dinh Trần Bình Trọng dụ dỗ. Nhưng Trần Bình Trọng đã biết thừa, đây là kế mỹ nhân của giặc. Ông bèn mắng nhiếc cho, rồi ông lại phân tích giáo dục Ái nương biết việc làm tội lỗi với đất nước. Ái nương cảm phục Trần Bình Trọng và ra về. Lúc này Trần Lộng tỏ thái độ bực dọc, hắt hủi Ái nương. Làm không được việc, Trần Lộng bị Thoát Hoan quở phạt, lúc này y mềm nhũn như con chi chi, hắn khóc và thất thểu ra về.

Tôi sáng tạo vai Trần Lộng nhất là điệu cười. Cười bợ đỡ, cười nịnh nọt, cười xuê xoa, cười đắc ý, cười phỉnh dụ lừa dối, cười nham hiểm, sâu độc. Khán giả chỉ nhìn vào diện mạo và nghe tiếng cười của tên Việt gian bán nước là đã ghét cay, ghét đắng rồi.

Thành công vai Trần Lộng, tôi lại được đoàn phân vai Lý Thông trong vở tuồng Dũng sĩ gốc đa - tác giả Dũng Hiệp – đạo diễn Võ sĩ Thừa. Vai Lý Thông cũng như vai Trần Lộng, xưa nay chưa có người đóng trước tôi, tôi hoàn toàn sáng tạo, trước hết là truy cứu lý lịch nhân vật. Địa vị trong xã hội ra sao? Học hành đến đâu? Quan hệ gia đình, họ hàng như thế nào? Tính tình ăn ở, cư xử với bạn bè tốt hay xấu?

Đúng là gia đình y nấu và bán rượu lậu, một chữ bẻ đôi không biết, nhưng thích ăn diện chơi bời, lừa đảo cướp công của người khác, mưu cầu dang vọng. Để đạt ý đồ cá nhân, tất phải uốn ba tấc lưỡi, làm cho xiêu lòng những con người thật thà, nhẹ dạ, cả tin như Thạch Sanh. Hắn lừa Thạch sanh lên miếu thần để thế mạng cho y. Nhưng Chăn tinh không thắng nổi Thạch Sanh và Thạch Sanh đã chém đầu Chăn tinh mang về cho Lý Thông. Từ đó, Lý Thông được nhà vua phong cho chức Quận công, và Lý Thông đuổi Thạch Sanh trở lại gốc đa.

Tôi đã sáng tạo Lý Thông, một nhân vật dốt nát, nhưng nham hiểm, một tên lừa thầy phản bạn. Với giọng lưỡi của một tên tiểu thương, đầy lòng tham bạc tiền và danh vọng. Khi đã có danh rồi thì thói gian xảo, ác độc hại người lại càng ác độc hơn.

Công chúa Quỳnh Nga bị đại bàng cắp về hang động. Lý Thông đến gốc đa thuyết phục Thạch Sanh đi cứu. Công chúa lên khỏi hang động. Lý Thông bèn lấp miệng hang hòng chôn sống Thạch Sanh. Nhưng Thạch Sanh được vua Thủy tề tặng cho chiếc đàn thần. Thạch Sanh trở về dương thế và sống lại ở gốc đa. Nếu Thạch Sanh còn thì Lý Thông sẽ bại lộ. Lý Thông bèn nghĩ ra kế, bắt quân khênh vàng bạc, châu báu, ngọc ngà của nhà vua, đến giấu ở gốc đa, vu cho Thạch Sanh là ăn trộm của nhà vua. Y bắt Thạch Sanh giải về triều đình chịu tội. Nhà vua khen Lý Thông có tài giết được Chăn tinh, cứu được Quỳnh Nga, lại bắt được kẻ trộm, nhà vua phong cho Lý Thông chức phò mã được sánh duyên với công chúa Quỳnh Nga.

Đến giờ hợp cầu trao duyên, Quỳnh Nga trông thấy Lý Thông không phải là người cứu mạng mình thoát khỏi tay đại bàng. Nàng ức quá nên hóa câm.

Trong lao tù, Thạch Sanh gảy đàn. Nghe tiếng đàn của Thạch Sanh công chúa hết câm. Từ đó nhà vua tác thành cho Thạch Sanh và công chúa Quỳnh Nga, đồng thời xử tội Lý Thông.

Tôi đã sáng tạo vai Lý Thông với gương mặt và bộ dạng của một tên quê mùa, dốt nát, lừa thầy, phản bạn. Với giọng lưỡi của một tên tiểu thương đầy lòng gian giảo, thế mà lại ăn mặc áo mão của triều đình. Rõ là một hình tượng tương phản đáng buồn cười. Từ bộ đi, dáng đứng, cách ngồi Lý Thông tôi củng cố tập sao cho giống kiểu cách nhà quan. Nhưng cái nét quê mùa, xệch xoạng của tên bán rượu vẫn lộ rõ. Lý Thông cũng cầm cây quạt, nhưng động tác quạt như đập ruồi, trông đáng ghét.

Khi đến dụ Thạch sanh đi cứu Quỳnh Nga, Lý Thông đánh ba tấc lưỡi dẻo mềm ra vẻ anh em chí thiết, hắn vuốt ve, nịnh nọt "anh anh", "em em" ngọt xớt… Thạch Sanh vốn con người trung thực, tin người nên xiêu lòng mà đi cứu công chúa. Đến khi Thạch Sanh cứu được công chúa lên khỏi hang đại bàng thì Lý Thông tỏ vẻ đắc ý, giống như kẻ đi buôn được lãi nhiều, dáng đi ưỡn ngực với giọng cười dê the thé.

Tôi đóng vai này thành công nhất là lớp vào hợp cẩn giao duyên với Quỳnh Nga khi bước vào phòng thì dáng điệu khúm núm, lễ phép mơn trớn. Khi Quỳnh Nga hỏi đính vật mà nàng đã trao cho Thạch Sanh khi ở dưới hang đại bàng, đó là cây trâm của nàng. Lý Thông giật mình, không biết đính vật là thứ gì, ấp úng không trả lời được, hắn bèn liều mạng làm càng. Hắn giở trò dâm ô, xông vào ôm Quỳnh Nga…

Cây quạt dắt lên cổ áo, vén vạt áo dắt qua lưng, hai tay giang thẳng, người nghiêng nghiêng làm động tác bê lỉa đuổi theo công chúa. Một hình tượng giống như con gà trống vè vè đạp mái. Ai đã xem lớp tuồng này đều nhớ mãi những nét sáng tạo của tôi. Mỗi khi tôi diễn đến lớp tuồng này đông đảo diễn viên tập trung đứng trong cánh gà xem để học tập, nhờ thế mà đến nay vai Lý Thông do tôi sáng tạo đầu tiên đã được nhân lên. Thật đáng mừng.

Có những kỷ niệm mà không sao quên được. Sáng ngày 30 tết năm 1964, đoàn đi phục vụ khu gang thép Thái Nguyên. Hôm đó tôi đến đầu cầu Long Biên đón xe của đoàn đi biểu diễn. Xe của đoàn đã chạy rồi, thế là tôi phải quay về nhà. Hai giờ sáng mồng một tết, tôi đi xe đạp lên Thái Nguyên. Tôi đi mất 12 giờ thì đến nơi. Tôi biết đoàn đã diễn tối 30 rồi. Đoàn diễn vở tuồng Thạch Sanh. Cả ban tổ chức biểu diễn và anh em công nhân khu gang thép Thái Nguyên, biết tôi đã lên, và tiếng đồn tôi đóng vai Lý Thông hay, họ yêu cầu đoàn, tối nay diễn lại vở Thạch Sanh để họ được xem tôi đóng Lý Thông. Tối hôm 30 tết diễn viên Quang Hạnh đóng vai Lý Thông thay tôi. Tất nhiên Quang Hạnh là người học tôi, làm sao đóng bằng tôi được. Do đó tôi được đóng Lý Thông vào tối ngày mồng một. Khán giả nhiệt liệt hoan nghênh, nhiều lần vỗ tay tán thưởng. Chỉ cần nghe tiếng cười của tôi là khán giả đã thích thú rồi.

Có những giai thoại mà tôi nhớ mãi. Đoàn diễn tại Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh năm 1965. Đoàn phục vụ cho nhân dân thị xã và công nhân mỏ. Tôi đóng ba vai phản diện liền trong ba buổi diễn. Đó là vai Trần Lộng (trong tuồng Trần Bình Trọng), vai Lý Thông và vai Lê Lý (trong vở tuồng hiện đại Chị Ngộ) – Các vị lãnh đạo mỏ Cẩm Phả xem đủ ba tối diễn và có ý kiến với anh Võ sĩ Thừa: (lúc đó nghệ sĩ Thừa trưởng đoàn, tôi bí thư chi bộ) "Đoàn diễn hay quá, nhưng có điều chúng tôi rất ngạc nhiên là tại sao đồng chí Hưng Quang là bí thư chi bộ mà lại diễn toàn vai phản diện, mà lại diễn hay đến thế?". Anh Thừa trả lời: "Kiến thức trong xã hội và sự tích lũy cuộc sống mà đồng chí Hưng Quang tích lũy được mới sáng tạo nên những hình tượng sân khấu sinh động như thế. Đó là hai mặt khác nhau giữa nghệ thuật và đời thường… Bộ ba chúng tôi (Sĩ Thừa vai Thạch Sanh, chị Minh Đức vai Quỳnh Nga, tôi vai Lý Thông trong tuồng Thạch Sanh). Hoặc Sĩ Thừa vai Cụ Bản, chị Minh Đức vai Chị Ngộ, tôi vai Lê Lý (tuồng Chị Ngộ), Võ Sĩ Thừa đóng và vai Ái nương chị Minh Đức đóng (trong vở tuồng Trần Bình Trọng ) cũng được khán giả mến mộ.

Năm 1963, tôi đóng vai Ngô Tôn Quyền trong vở tuồng Triệu Tử Long đoạt ấu chúa, vai này tôi đóng rất thành công, tôi được ông Quách Tạo - một trí thức, em nhà thơ Quách Tấn người Bình Định mời chị Minh Đức và tôi xuống nhà ông chơi. Ông khen tôi đóng vai Ngô Tôn Quyền. Ông nói: "Hưng Quang đóng Ngô Tôn Quyền chững chạc, nghiêm nghị, sắc sảo, có uy thế của một nhà vua…".

Năm 1968 tôi đóng vai ốc trong bộ phim Nghêu, Sò, Ốc, Hến, kịch bản do bác Nguyễn Lai viết lại. Hồi ấy quay phim tại trường quay Cổ Loa, huyện Đông Anh. Lần đầu tiên tôi được đóng phim sân khấu tuồng. Ốc nghèo phải đi ăn trộm. Chế độ phong kiến hủ bại đã bóp chết những người dân lương thiện, đẩy họ vào bước đường cùng trong xã hội. Tuy Ốc đi ăn trộm, nhưng rất thật thà và tin người. Con người ở dưới đáy xã hội phong kiến như ốc là bản cáo trạng lên án chế độ phong kiến hà khắc, bất công. Cả một lũ từ tri huyện trở xuống đều tham lam tiền bạc, dâm ô hủ bại. Tôi đóng vai Ốc nhanh nhạy, thông minh, tháo vát, thật thà nhẹ dạ cả tin.

Ốc kết bạn với thầy Nghêu (thầy bói), thầy Nghêu đòi đi theo Ốc ăn trộm. Ốc vẫn dắt thầy Nghêu theo. Thầy Nghêu bị gia đình của Trùm Sò bắt được đưa về cùm giam ở Xích hậu. Ốc dấu đồ vật đã lấy được và quay trở lại, tìm cách cứu thầy Nghêu thoát nạn, rồi nghe lời thầy Nghêu, Ốc ôm gói đồ đến nhà Thị Hến bán. Hến là người đàn bà góa chồng, có nhan sắc chuyên trữ đồ ăn trộm. Hến dùng miệng lưỡi ngon ngọt ép Ốc bán rẻ gói hàng ăn trộm. Ốc biết bán quá rẻ, nhưng nghe Hến nói lạc lòng, bùi tai đành phải bán cho Hến. Trùm Sò đến nhà Hến bắt quả tang, cùng với Lý trưởng giải thị Hến lên huyện. Hến khai là của của Ốc. Trát của quan huyện bắt Ốc và thầy Nghêu lên công đường. Quan huyện truyền căng Ốc ra đánh bắt Ốc phải khai. Ốc khai: "Vì nhà nghèo nên phải đi ăn trộm chứ đâu như kẻ cướp ban ngày. Bọn cướp ngày nhan nhản ra đó mà quan không bắt". Ý của Ốc ám chỉ bọn quan lại. Quan huyện nói: "Tao bỏ tù sợ gì". Ốc trả lời: "Ở tù một ngày ăn hai bữa còn hơn ở ngoài không có tấc đất cắm dùi. Tôi còn đói, tôi còn đi ăn trộm nữa".

Đoạn thoại này là tóm tắt bản cáo trạng cả một lũ quan lại đều là kẻ cướp ngày. Ốc chịu đi ngồi tù để tố cáo bọn quan lại độc ác, bất nhân…

Tôi đóng vai Ốc trong phim, khi ngộ biến thì nhanh như sóc, bình thường thì gương mặt phúc hậu, thật thà, dễ thương khác với những người đóng vai Ốc trên sân khấu. Họ đóng từ dáng đi, bộ đứng, gương mặt trông ra vẻ lưu manh chuyên nghiệp. Đóng như vậy là sai với chủ đề tư tưởng của tác giả và sai tính cách của nhân vật. Vai Ốc trong phim tôi đóng được nhiều người khen. Trên 30 năm rồi mà khán giả còn nhắc đến nhân vật Ốc trong phim Nghêu - Sò - Ốc - Hến. Tôi đi đến đâu, vào Nam ra Bắc họ đều gọi tên tôi là "Ốc", "Anh Ốc kìa!".

Trong tuồng cổ, tôi đóng vai Châu Thương trong vở tuồng Quan Công hồi cổ thành. Đây là một loại vai múa nhiều, thuộc loại kép đen, mình trần, chân đất. Võ thuật được áp dụng nhiều trong vai này. Đường nét phải được chuẩn mực, tay chân phải liền lạc, tròn trặn. Với chiếc độc phủ (búa) trong tay, từ khai, bứt, tròng, lật, lặn mọc, lúc nào tôi múa cũng quyện tròn quanh người. Khi ra bộ khai thì nhiều người khai đơn, nghĩa là cầu bang chân phải, xoay búa qua đầu, cầu chân trái lật qua một vòng. Tôi áp dụng bộ múa này khi cần tiết tấu nhanh như hát tẩu mã. Còn hát nam, hát khách, hoặc khai khán thì tôi khai độc phủ bộ kép, nghĩa là nhảy lót hắt độc phủ lên, tròng độc phủ qua đầu, chân phải cất bảng, chân trái cầu lên, độc phủ lại qua đầu lần thứ hai rồi mới xoay người qua. Bộ khai độc phủ kép rất khó, nhưng tôi đã áp dụng. Hoặc bộ nhảy từ trên rương nhảy xuống và nói lối bóp:

"Lâu La, lâu la! Truyền đảo bỉ tiềm lâm,

Kíp triệt tha khứ lộ".

Tôi sáng tạo bộ này, từ trên rương lật lưng nghiêng người nhảy trái xuống đất. Bước nhanh chụp độc phủ trên rương, nhảy tọa ngồi, lên trung bình tấn, xóc cán độc phủ qua dưới nách, lật lại, vác độc phủ chạy nhỏ, hát tẩu mã. Nhiều người đóng Châu Thương không có bộ này. Họ chỉ chụp độc phủ khai đơn và chạy và hát tẩu, như vậy là đơn điệu.

Tôi áp dụng võ thuật vào đây rất thích hợp và nhuần nhuyễn theo tình huống cấp bách, khi lâu la về báo là gặp "bộ hành" đông, có cả xe và ngựa, Châu Thương dẫn lâu la đón "bộ hành", Châu Thương hỏi:

"Quân đẳng vật hành…

Ngã môn đương lộ…".

Tôn Càn người theo phò Quan Công trả lời:

"Ngươi là ai mà dám đương lộ cùng ta?"

Châu Thương xưng danh:

"Tùy Trương Bửu Quỳnh Cân thuở nọ,

Xưng Châu Thương trại chủ là ta".

Quan Công nghe dư đảng của Quỳnh Cân, ông giục ngựa Xích Thố đi một bước. Châu Thương nhìn biết đó là ngựa Xích Thố của thằng Lã bố. Nhưng tại sao lại về người này? Châu Thương bảo:

"Xích Thố kia tức tốc giao lại

(Giao cho ta rồi)

Tiền đồ mặc thung dung trúc vãn"

Quan Công nói:

"Nể thị Quỳnh Cân dư đảng

Nhận tường Xích Thố danh cu

Hà bất tri thiên hạ trượng phu

Cảm nhĩ lộng sơn trung kỹ thưỡng".

Lúc này Châu Thương giật mình! Tại sao người này biết mình theo giặc Quỳnh Cân, mà nay lại không biết đến người Trượng phu, dám khinh thường như thế?

Đây là đoạn múa đẹp của tôi. Gọi là đoạn tuồng Nhìn Quan Công. Rất nhiều động tác không có lời. Từ chỗ loan độc phủ qua hai chân bảng bước dần lên, ngửa người ra, đầu gần chấm đất, lật ngửa mặt lên nhìn Quan Công. Rồi tọa sạp sát đất nhìn từ chân ngựa lên đến mặt Quan Công. Châu Thương giật mình! Có khi là Quan Vân Trường chăng? Châu Thương hỏi?

"Khấu kiến min tầm phụng nhãn

Trực nhìn Xích diện long tu

Phải người là Hớn Thọ đình hầu

Tằng kết nghĩa Lưu gia Hoàng thúc?"

Người hầu Quan Công trả lời:

"Người đã biết, mà còn hỏi à?".

Đoạn này tôi thể hiện hai mặt: Một mặt gặp được Quan Vân Trường thì rất mừng, mặt thứ hai là đã vô lễ, sợ Quan Vân Trường quở mắng! Châu Thương quỳ lạy mặt gặp được Quan Vân Trường thì rất mừng, mặt thứ hai là đã vô lễ, sợ Quan Vân Trường quở mắng! Châu Thương quỳ lạy thú tội và xin theo phò Quan Công. Quan Vân Trường nhận lời và truyền lệnh lên đường. Quan Công phóng cây đại đao cho Châu Thương. Châu Thương nhảy lên hai tay bắt cây đại đao, tuốt vỏ đao dắt vào lưng, cúi người luồn qua ngựa Xích Thố, rồi rạp người né qua một bên, Quan Công giục Xích Thố qua mặt. Châu Thương đóng vỏ đại đao và bồng đao theo hầu bên ngựa.

Vai Châu Thương là vai tuồng độc đáo của tôi. Tôi múa rất đẹp, vì tôi biết võ thuật nên tôi áp dụng vào bộ tuồng một cách hợp lý. Vì vậy nên tôi muốn đưa vào tập hồi ký này để nói lên nghệ thuật tuồng và nghề võ của tôi đã gắn suốt 65 năm qua, đồng thời cũng nói lên hát tuồng phải biết võ và có võ mới diễn tuồng hay được. Điều này danh nhân Đào Tấn đã nói và đã làm. Chúng ta không thể không suy nghĩ và tiếp thu.

- Vậy anh sáng tác và đạo diễn vào lúc nào, và kịch bản tuồng đầu tay là vở nào? – Tôi hỏi. NSƯT Hưng Quang tiếp tục châm thuốc lá (ông nghiện thuốc lá từ bé) và tiếp tục kể:

Năm 1966 Nhà hát tuồng Liên khu V cử tôi đi học đạo diễn, do Bộ Văn hóa mở. Lúc này Mỹ đánh phá miền Bắc, nên lớp học phải sơ tán tại thôn Lạc Đạo, tỉnh Hưng Yên. Tôi theo học và tốt nghiệp năm 1968. Trong thời gian học, tôi đã viết được một vở tuồng hiện đại Những người con, anh Nguyễn Thứ phó trưởng đoàn tuồng Liên khu V cùng cộng tác với tôi. Vở tuồng này đài phát thanh Trung ương đã thu và phát, đồng thời đoàn tuồng Liên khu V đã dàn dựng lên sân khấu. Đàm Liên đi học đạo diễn với tôi đã dàn dựng vở này. Vở tuồng ra mắt được khán giả và lãnh đạo Bộ Văn hóa khen ngợi. Về lại đoàn tuồng Liên khu V tôi làm rất nhiều việc, là diễn viên phải đi biểu diễn với đoàn, lại tiếp đi quay phim Nghêu Sò Ốc Hến và phải sửa chữa nâng cao một số tiết mục cho đoàn. Thời gian này tôi chỉ làm đạo diễn chính của vở Đêm giao thừa tuồng hiện đại, tác giả Nguyễn Tường Nhẫn, vở tuồng vừa sơ duyệt, chưa kịp ra mắt khán giả thì tôi được lệnh đi chiến trường miền Nam. Tôi nhờ bác Sáu Lai ở lại giúp cho phần cuối (phần tổng duyệt). Vở tuồng này cũng được thành công.

- Như vậy công việc sáng tác tuồng chuyên nghiệp, chính quy của Trần Hưng Quang bị đứt đoạn thì ông đi vào chiến trường chống Mỹ với nhiệm vụ biểu diễn phục vụ bộ đội và đồng bào, đồng thời làm nhiệm vụ đào tạo diễn viên tại chỗ.

Về phần hoạt động của NSƯT Hưng Quang ở chiến trường Liên khu V trong thời kỳ chống Mỹ cũng không kém phần hấp dẫn. Chúng tôi sẽ cố gắng thể hiện ở phần tiếp theo với cái tên vào Nam.

(còn nữa)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chương III: Truyền thống võ và tuồng của gia đình họ Trần   (30/06/2005)
Chương II: Đất tuồng sinh ra những tài năng tuồng  (24/06/2005)
Chương I: Bình Định - miền đất thượng võ  (21/06/2005)
Mấy lời đầu sách  (19/06/2005)
Trần Hưng Quang -Tuồng và võ   (16/06/2005)