Chương V: Vào Nam
15:7', 8/7/ 2005 (GMT+7)

Đang độ sung sức sau những năm tháng được học các bậc thầy nổi tiếng ở Đoàn tuồng Liên khu V (tại Hà Nội) và sau khi tốt nghiệp khóa đạo diễn với bao nhiêu dự định sẽ thực hiện trên sân khấu từ biểu diễn, đến sáng tác, đạo diễn và mở lớp đào tạo võ sĩ theo môn phái Bình Định thì Trần Hưng Quang được Bộ Văn hóa và Ban Thống nhất cử vào chiến trường Liên khu V. Tuy có một chút nuối tiếc về ý tưởng "làm ăn" lớn trên miền Bắc, nhưng được về Nam phục vụ thì còn gì vui hơn, hạnh phúc hơn.

NSƯT Hưng Quang xúc động kể: "Tôi làm đoàn trưởng dẫn đoàn vào chiến trường Liên khu V trong thời điểm chiến trường đang ác liệt. Chuyến đi này chỉ có 5 người, gồm có 3 nam và 2 nữ. Khi vào đến nơi thì có 3 diễn viên đã đi vào năm trước. Đó là Xuân Nông, Đình Cựu và Ngọc Sơn, cộng với 3 diễn viên đã vào từ năm 1966 bị địch bắt còn sót lại. Đó là đồng chí Lê Quang Ngách, Phạm Văn Điền và Võ Ngọc Anh. Số diễn viên này do đoàn nghệ sĩ Võ Sĩ Thừa dẫn vào năm 1966 cùng chung với đoàn dân ca bài chòi Liên khu V từ Bắc vào. Đoàn này vào chiến trường phục vụ được hai tháng thì bị địch bắt tại Gò Loi, xã Ân Tường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định(1)".

Đoàn chúng tôi kẻ đi trước, người vào sau, cả thảy có 12 người. Chúng tôi đi ký này có diễn viên nữ, có nam, có đủ áo mão, đạo cụ và binh khí biểu diễn. Chúng tôi vào Nam vừa đúng lúc Hội nghị Khu ủy V sắp bế mạc. Đoàn đến nơi chỉ nghỉ có một ngày tại Tiểu ban Văn nghệ, do nhà thơ Vương Linh làm trưởng ban. Sáng sớm hôm sau, đoàn đã phải đến biểu diễn phục vụ khu ủy. Là người phụ trách đoàn, tôi họp anh chị em lại và quyết định tiết mục biểu diễn cho kịp tối đó để các đại biểu chín tỉnh miền Trung xem và ngày mai đã lên đường về địa phương. Tối hôm đó chúng tôi diễn vở tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn. Bảng phân vai: Tôi đóng Tạ Ngọc Lân, anh Đinh Cựu đóng vai Tạ Kim Hùng, cô Xuân Viên đóng vai Tạ Phương Cơ, anh Lê Quang Ngạch đóng vai Triệu Tử Cung, anh Ngọc Sơn đóng vai Lý Khắc Minh, cô Kim Nhường đóng vai nữ chúa, anh Xuân Nông đóng vai Triệu Văn Hoán và anh Võ Ngọc Anh đóng quân.

Cả năm diễn viên đóng vai đã học đến nơi đến chốn ngoài Bắc, lời tuồng đã thuộc lòng không ai phải nhắc ai. Buổi biểu diễn mở đầu ra mắt hội nghị Khu ủy thật trôi chảy nên được các đại biểu khen ngợi. Có lẽ là do tinh thần phấn khởi, vui mừng vì bạn bè kẻ trước người sau đã gặp nhau và sống trên sân khấu chiến trường, làm cho đêm biểu diễn đem lại kết quả vô cùng tốt đẹp. Cũng có thể nói đây là buổi diễn tuồng thành công nhất ở chiến trường Liên khu V, tuy trước đó đoàn của Võ Sĩ Thừa đã diễn nhưng có lẽ vì thiếu diễn viên nên chưa có thể gọi là thành công lắm(2). Nhưng cũng chính hôm đó lại có chuyện rất buồn thương! Số là các anh Phạm Văn Điền và Lê Quang Ngạch làm công tác phong trào tỉnh Quảng nam huyện Quế Sơn. Được Khu ủy điện về gấp để gặp mặt đoàn và biểu diễn phục vụ Hội nghị Khu ủy. Từ Quế Sơn về chiến khu phải đi mất ba ngày, đã hết lương ăn, anh Điền có mang theo một quả lựu đạn, anh Điền ném lựu đạn xuống sông để kiếm cá cải thiện. Rủi ro cho anh Phan Văn Điền, quả lựu đạn vướng vào cành cây ổi và nổ trở lại, làm cho anh Điền chết tại chỗ. Anh Lê Quang Ngạch vừa về gặp đoàn, anh chị em vồ vập mừng và hỏi thăm anh Điền ở đâu? Anh Lê Quang Ngạch nói không ra lời! Hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, hồi lâu anh mới nói được một câu: Điền chết rồi! Tất cả anh chị em ồ lên khóc như một đám tang không còn ai bụng dạ nào mà diễn. Nhưng ở giữa chiến trường mọi đau thương phải nén lại. Càng về chiều núi rừng càng âm u, trời tối mịt chúng tôi phải chuẩn bị biểu diễn. Anh chị em động viên nhau "Biến đau thương thành hành động" chúng ta quyết tâm biểu diễn thật tốt để phục vụ Đại hội và làm vừa lòng trước vong linh của đồng chí Phạm Văn Điền vừa hy sinh. Mọi người tập trung hóa trang, bộ phận hậu đài lo hoàn chỉnh "sân khấu". Tiếng trống tuồng nổi lên, khán giả im im lặng lẽ kéo tới ngồi ngay dưới đất xem tuồng. Cứ xong mỗi lớp là tiếng vỗ tay vang lên, tiếng xì xào: Hay quá!.

Hội trường diễn hôm đó không có sân khấu, mà diễn trên nền đất bằng, trong một hội trường nho nhỏ dựng bằng tre nứa. Đèn măng sông phải bịt kín cả ba mặt, chỉ để trống một mặt cho diễn viên diễn. Chiến trường khu V giai đoạn này Mỹ đánh ác liệt; vì chúng trả thù sau tết Mậu Thân (1968). Thời gian này ở chiến khu thiếu gạo, thiếu muối vì địch phong tỏa bắn phá ác liệt các hành lang, từ chiến khu xuống cửa khẩu. Cõng được một cõng gạo hoặc cõng muối, có khi phải đổ máu, thậm chí phải đổi mạng. Có ở đây mới thấy hết sự gian khổ hy sinh vô cùng to lớn của quân dân miền Trung Trung Bộ. Nhưng càng gian khổ thì con người càng tha thiết được cải thiện đời sống tinh thần. Một buổi xem tuồng là một phần thưởng lớn. Ai cũng cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh, nhất là được xem những nhân vật anh hùng, những tấm gương yêu nước như Tạ Ngọc Lân, Tạ Phương Cơ, Triệu Tử Cung….

Đoàn diễn xong buổi ra mắt Khu ủy, cũng là lúc Khu ủy bế mạc đại hội, đại biểu sáng hôm sau lên đường về các tỉnh. Đoàn về tại văn phòng khu ủy, nhận gạo, muối, xì dầu, mì chính, nhận cuốc, rựa đi về nơi ở đầu tiên. Từ Khu ủy về đây đi bộ mất ba ngày đường và dừng chân nơi mà Khu ủy đã chỉ định. Khó ai tưởng tượng nổi người nghệ sĩ mà phải vai mang, lưng cõng, tay xách trèo đèo, lội suối mấy ngày liền, thế mà không ai có một tiếng kêu ca!

Đến đây, đoàn lập tức triển khai, đốn nứa, đốn cây, cắt lá dong làm lán trại. Làm tạm được một cái nhà chưa kịp lợp thì phải triển khai đi phát rẫy, trồng trỉa ngô, khoai cho kịp thời vụ để có lương thực mà sống. Một cái nhà nhỏ tới 14 người ở, trong đó có một phụ nữ nuôi quân kiêm y tế và hai công vụ quân khu cho phục vụ đoàn. Phát được một cái rẫy độ 8 sào, trỉa ngô. Nhưng lần đầu sống với môi trường mới, chưa hiểu biết việc chọn đất nên phát cái rẫy vé, nghĩa là rẫy của đồng bào dân tộc đã bỏ cách đây ba năm, cỏ tranh rất nhiều, nên mùa ngô không thu hoạch được là mấy. Dần dần đoàn làm thêm được hai cái nhà nhỏ nữa. Một cái cho nữ ở, một cái cho ban lãnh đạo đoàn. Còn cái nhà lớn vừa để diễn viên nam ở, vừa làm hội trường tập luyện. Trong ban lãnh đạo đoàn có ba người. Tôi đoàn trưởng, các nghệ sĩ Lê Quang Ngạch và Võ Ngọc Anh làm đoàn phó. Đoàn có một chi bộ, gồm có 8 đảng viên, tôi làm bí thư. Trong lúc đang làm lán trại, phải cử một số diễn viên nam và anh em công vụ đi đồng bằng cõng gạo, muối về để ăn, mà luyện tập. Hai năm đầu tôi cùng đi với anh em xuống cửa khẩu Nghĩa Lộ, tỉnh Quảng Ngãi cõng gạo, về sau Khu ủy có lệnh cấm không cho tôi đi cõng gạo nữa, vì sợ lỡ mất người "cầm lái". Lúc này quân khu cho thêm hai công vụ nữ giúp đoàn, nên chúng tôi đỡ phần vất vả.

Do yêu cầu phục vụ nên đoàn gấp rút chuẩn bị luyện tập cho được ba tiết mục để phục vụ cho đủ ba tối diễn liên tục. Đây là một chỉ tiêu nặng còn hơn cả ở ngoài Bắc. Mỗi năm đoàn phải về phục vụ Khu ủy, phục vụ quân khu và các đại hội phải từ hai đến ba lần chưa kể biểu diễn phục vụ các đơn vị bộ đội và đồng bào. Riêng tôi, mỗi năm về Khu ủy hai lần họp mở rộng và nhận kinh phí cho đoàn. Mỗi lần đi là vô cùng vất vả và nguy hiểm, bởi chiến trường không lúc nào ngớt đạn bom địch. Không ít lần tôi bị chết hụt vì bom đạn địch và trước ngã dưới sông, dưới vực sâu giữa núi rừng Trường Sơn thăm thẳm. Để đặt được chỉ tiêu do cấp trên quy định.

 Chúng tôi dàn dựng lại vở tuồng Trần Quốc Toản, rồi đến vở tuồng Trần Bình Trọng. Thế là tiết mục này ngắn nên phải có thêm chương trình minh họa tuồng do tôi phụ trách. Buổi thứ hai diễn vở Trần Bình Trọng, buổi thứ ba diễn vở Ngọn lửa Hồng Sơn, vai Trần Quốc Toản do cô Xuân Viên đóng, vai Trần Bình Trọng do Đình Cựu đóng. Ngoài ra các vai khác do toàn đoàn đảm nhiệm. Như thế là đoàn đã đủ chương trình phục vụ đại hội Khu ủy, phục vụ quân khu, phục vụ các ban ngành, và các trung đoàn cơ động, phục vụ các bệnh viện, trạm xá của chiến khu lúc bấy giờ.

Đến năm 1971, địch đánh phá ngày càng ác liệt. Chúng cho tàu rọ luồn lách những con suối nhỏ để tìm doanh trại bắn rốc két, ném bom. Có đơn vị đã bị bắn rốc két cháy doanh trại và làm chết cả một hội nghị ngành (ngành giao thông). Chúng tôi phải tạm thời rời đồ đoàn, gạo muối cất dấu trên núi cao. Lúc này anh em diễn viên bị sốt nhiều.

Ai sốt thì ở lại lán trại, ai khỏe thì đi phát rẫy. Rẫy xa lán trại độ một buổi đi đường. Tôi thì đi giữ rẫy ngô, đuổi những con dơi, con khỉ, chúng thường đến bẻ, phá khô, đây là rẫy ngô thứ hai của đoàn. Tôi điều hai diễn viên khỏe ở nhà chuyển đồ đoàn và gạo, muối lên đồi cao. Đó là Đình Cựu và Xuân Nông, còn các anh Trần Đình Ân, Phạm Ngọc Sơn đang sốt nằm nhà, cùng với cô Toàn y tá kiêm cấp dưỡng. Còn tất cả đều đi phát rẫy, công việc vô cùng nặng nhọc nhưng không một ai lơ là. Trong những ngày gian khổ này lại xảy ra chuyện đau lòng. Số là anh Đình Cựu và Xuân Nông trong lúc khiêng đồ đoàn lên núi thì phát hiện có một vạt nấm mọc xung quanh tảng đá to, trong lúc thiếu thực phẩm, hai anh này mừng vì tưởng là nấm mối, liền nhổ mang xuống đưa cho cô Toàn, bảo cô ấy nấu canh để ăn. Cô Toàn vốn đã ở chiến khu lâu năm nên biết loại nấm này không ăn được. Cô mang xuống suối đổ. Vừa lúc từ trên dốc xuống, anh Đình Cựu thấy cô Toàn đi đổ nấm, liền gọi cô Toàn và ra lệnh không được đổ nấm đi. Cô Toàn dừng lại, anh Cựu bảo cô Toàn cứ nấu canh ăn không sao cả. Mặc dù cô Toàn biết nấm không ăn được, nhưng vì cả nể anh Đình Cựu phải đem vào nấu canh với rau dền. Lúc này đoàn đã có rẫy rau độ hai sào bên cạnh lán.

Trưa hôm ấy, tôi đi giữ rẫy ngô về thì trên bàn đã dọn sẵn. Trong bữa cơm có các anh chị Đình Cựu, Xuân Nông, Đình Ân, Phạm Ngọc Sơn, cô Toàn y tế và tôi. Tôi cũng đang sốt mấy hôm, miệng đắng không ăn được gì. Tôi chỉ ăn mấy con cá bống đá mà anh Đình Cựu tối vừa rồi câu được để giành cho tôi. Anh Đình Cựu ăn canh nấm khen ngon và mời tôi ăn. Anh Đình Ân cũng ăn và khen ngon quá!!!… Tôi chan một muôi canh nấm vào chiếc ca sắt có cơm. Tôi hỏi: "Nấm gì mà lại tan hết theo nước, không thấy miếng nấm nào cả?". Anh Đình Cựu nói: "Nấm ngon lắm, ăn đi chú…". Tôi húp hết nuôi canh, sao mà nhạt thếch, không có mùi vị gì cả. Ăn xong bữa trưa, nồi canh nấm còn lại cất vào chạn bát. Chiều lại, trước khi đi làm, anh Đình Cựu và Xuân Nông còn ăn tiếp mỗi người một bát nữa.

Đến 12 giờ đêm hôm đó anh Đình Cựu và Xuân Nông, Đình Ân bắt đầu nôn mửa và hôn mê. Tôi biết là anh em bị say nấm độc rồi, liền bảo cô Toàn y tá còn bao nhiêu đường sữa lấy ra cho anh em uống đi. Nhưng cơn đau như cắt ruột, đến 2 giờ sáng thì anh Đình Cựu tắt thở tại doanh trại. Lập tức anh em khiêng Đình Ân vào bệnh viện. Đường xa khó đi, đến 5 giờ sáng mới tới nơi. Các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng đến 6 giờ thì Đình Ân cũng qua đời!. Anh Đình Ân là nhạc công, cùng tuổi với tôi. Lúc này tôi ở nhà lo chôn cất anh Đình Cựu tại rẫy rau của đoàn, còn anh Võ Ngọc Anh và một số anh em lo chôn cất Đình Ân ở khu rừng gần bệnh viện. Anh Xuân Nông ăn cũng nhiều và say cũng dữ nhưng có lẽ nhờ thể lực tốt đã qua khỏi sau khi được cứu chữa. Ngọc Sơn cũng say nhẹ hơn. còn tôi thì đau bụng, nhưng không mửa, và đi ngoài đến mức ra cả sán lá! Đây là một tổn thất to lớn của đoàn. Đoàn mất đi hai đảng viên, một diễn viên chính và một nhạc công độc nhất của đoàn! Những ngày này anh chị em trong đoàn không còn biết ăn uống gì, chỉ có khóc và khóc!!! Vừa thương tiếc hai đồng đội, vừa lo cho đoàn bị thiếu người diễn, người đàn. sự cố đã làm gãy hết chương trình biểu diễn của đoàn, Đình Cựu mất năm ấy mới có 24 tuổi, là một đảng viên gương mẫu. Mọi mặt trong đoàn anh đều xung phong đi đầu như một chiến sĩ dũng cảm. Chúng tôi thấy mình có một lỗ trống mà không sao lấp nổi. Lấy ai ở giữa chiến trường này thay thế được?! Không khí buồn đau bao trùm cả đơn vị! Văn phòng Khu ủy xuống chia buồn và động viên đoàn khắc phục khó khăn.

Lúc này đoàn phải nén đau thương để lo sắp xếp lại vai vế diễn và tập tiết mục mới kịp phục vụ đồng bào và chiến sĩ ở chiến trường. Tôi phải đóng thay vai Trần Bình Trọng. Xuân Nông thay vai Tạ Kim Hùng, hai vai này của Đình Cựu và Phan Văn Điền. Để thêm lực lượng Khu ủy điều về cho một nhạc công biết đàn nhị và hát tuồng. Đoàn dàn dựng lại vở Lam Sơn khởi nghĩa. Tôi đóng vai Lê Lợi, vì số diễn viên trẻ không đủ giọng để hát vai chính. Anh Ngọc sơn đóng vai Lê Thụ. Cô Xuân Viện đóng vai Trinh nương, anh Xuân Nông đóng vai Trần Nguyên Hãn. Cô Kim Nhường đóng vai Nguyễn Trãi, anh Lê Quang Ngạch đóng vai Vương Thông. Đồng thời chúng tôi còn tập nhiều trích đoạn để phục vụ chương trình ngắn như: Cao Hoài Đức rọi đèn, Cao Hoài Đức đón Đào Tam Xuân vào triều phạt Triệu Khuông Dẫn, hoặc trích đoạn Lưu Khánh về gặp Thoại Ba xin binh cứu viện. Vốn tuồng của tôi được tích lũy mấy chục năm trời giờ đây được phát huy vận dụng rất có hiệu quả. Đầu năm 1972 miền Bắc chi viện cho đoàn 4 diễn viên ở đoàn tuồng Thanh - Quảng(3) gồm các em: Phương Cơ, Văn Tảo, Văn Tùng và Văn Quyền. Vậy là đoàn có thêm một diễn viên nữ nữa (Phương Cơ) và bốn diễn viên nam, nhưng nghề các em lúc bấy giờ hãy còn non. Tôi vừa quản lý đoàn, vừa đạo diễn, vừa dạy nghề cho các em và đóng các vai chính. Sở dĩ tôi làm được nhiều việc như vậy là nhờ có kiến thức đã được tích lũy lâu năm như phần trên tôi đã kể về học tuồng và học, và nhờ có trí nhớ nên nhiều kịch bản ngày xưa, cả đường nét, cả thầy bà đã diễn từ trước tôi đều nhớ. Lúc này, nếu không lục trong trí nhớ thì lấy đâu ra tuồng tích ở giữa chiến trường ác liệt này mà diễn, mà dạy và minh họa hàng chục vai tuồng cổ. Nói tới đây tôi liên hệ tới nhiều diễn viên thế hệ sau tôi, tuy có năng khiếu có bài biểu diễn tuồng hát hay, múa đẹp nhiều vốn nghề còn mỏng (tôi nói nghề truyền thống) nên khó mà truyền dạy cho thế hệ trẻ có thể nắm vững nghề, vì thế mà họ thường diễn rất tự do, ngẫu hứng tuy có hấp dẫn nhưng lại không thật là tuồng!

Đến cuối năm 1972 thì diện phục vụ của đoàn được mở rộng hơn, do Khu ủy chỉ đạo. Chuyến đi dài ngày tại tỉnh Quảng Nam, đoàn phục vụ ở huyện Tiên Phước, Quế Sơn và Bắc Tam Kỳ và phục vụ đồng bào vùng ven đồng thời phục vụ bộ đội. Tại địa bàn Quảng Nam, đoàn phục vụ được 30 buổi trong vòng 3 tháng, đây là một kỷ lục vì vừa hành quân di chuyển vừa biểu diễn mà mỗi lần hành quân, di chuyển đều mất mấy ngày liền. Đoàn đi đến đâu cũng được bà con yêu mến và cho ăn uống đầy đủ. Sau 3 tháng ở Quảng Nam, Khu ủy lại điều về phục vụ đại hội Khu ủy. Tiếp đến đoàn được lệnh đi phục vụ tỉnh Quảng Ngãi, từ huyện này đến huyện khác, từ tỉnh này đến tỉnh nọ đều đi bộ và vác nặng trên vai. Lần này đoàn xuống hẳn huyện Tư Nghĩa phục vụ Đại hội tỉnh Đảng bộ Quảng Ngãi. Sau ba buổi diễn tại đại hội, đoàn đi phục vụ các huyện Nghĩa Lộ, Nghĩa Hành và trở lên phục vụ huyện Ba Tơ. Những buổi diễn không cách xa các đồn, bốt của quân Mỹ, ngụy là mấy, nên đoàn phải dùng tôn che kín ba mặt đèn măng sông chỉ để một luồng sáng rọi trên sân khấu. Nhiều hôm chúng tôi diễn xong không kịp tẩy trang đã vội gấp đồ đoàn vào giỏ, cõng ra khỏi nơi biểu diễn, về thẳng nơi đóng quân vì địch đã phát hiện. Hoặc đang biểu diễn thì pháo địch nổ gần, tất cả diễn viên đều xuống hầm, đèn tắt đồng bào giải tán nhanh, nhưng đến lúc vắng tiếng pháo thì, chúng tôi lại tiếp tục diễn và đồng bào trở lại xem như ở Quế Sơn, Quảng Nam hay Nghĩa Lộ tỉnh Quảng Ngãi. Đoàn vừa rút đi độ 15 đến 20 phút thì địch thả bom trúng vào nơi đó. Chúng tôi chưa bao giờ quên một giai thoại hú tim tại Nghĩa Lộ. Ban ngày chúng tôi hành quân xuống núi, ngửa mặt lên nhìn thấy thằng lính ngụy đang bồng súng đứng gác trên đỉnh đồng. Nó cắp súng đăm đăm nhìn xuống. Đã lỡ gặp chúng nó rồi, tôi động viên anh chị em nói chuyền từ trước ra sau là "bình tĩnh, thản nhiên bước nhanh và tất cả các đạo cụ biểu diễn đưa ra ngoài giỏ như cờ lệnh, gươm giáo, đao cung, áo mão v.v … để cho chúng biết mình là văn công là đoàn hát bộ chứ không phải là bộ đội là du kích… Tên ngụy này còn chút lương tâm và có lẽ hắn thích hát bộ (tuồng) nên đã không bắn chúng tôi còn vẫy tay chào. Đoàn qua mặt bốt giặc an toàn, ai cũng thở phào nhẹ nhõm.

Sau chuyến đi này, đoàn về chuẩn bị đi Bình Định dài hạn. Trước khi đi Bình Định, đoàn còn biểu diễn phục vụ Khu ủy III tối sau đó nhận lệnh lên đường vào đầu năm 1973. Cũng xin nói rõ thêm là từ năm 1972 đến 1974 đoàn tuồng chúng tôi không phải lo sản xuất mà chỉ lo đi biểu diễn vì tỉnh ở Liên khu V đều có yêu cầu xem tuồng, nếu có điều kiện mỗi ngày diễn hai xuất may ra mới đáp ứng nổi yêu cầu xem tuồng của đồng bào và chiến sĩ ở các tỉnh Nam Trung Bộ, nơi mà nghệ thuật tuồng được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu được.

Vào đến tỉnh Bình Định, đêm đầu tiên ở xã Hoài Sơn huyện Hoài Nhơn cách vùng địch không xa. Đây là nơi thành lập đoàn tuồng Liên khu V từ năm 1952, cũng là mảnh đất anh hùng và cũng là nơi ông tổ tuồng Đào Duy Từ đã sống và đã chết thời Trịnh, Nguyễn phân tranh thế kỷ 17. Quân dân Hoài Nhơn đã đánh địch hàng trăm trận, Mỹ ngụy càng thua, càng ra sức trả thù bằng đủ loại bom đạn và chất độc hóa học. Tối đầu tiên đoàn diễn tại đây, có một số đông anh chị em ở tận Bồng Sơn cũng lên xem và tối sau đồng bào còn lên xem đông hơn tối trước. Sợ lộ, đoàn không lưu lại được nữa, nên từ sáng sớm đã hành quân vào huyện Hoài Ân.tại huyện Hoài Ân, hầu hết các xã trong huyện đoàn đều biểu diễn như: xã An Hòa, Ân Hảo, Ân Tín, Ân Tường, Ân Đức, Ân Thạnh… Sự có mặt và biểu diễn của đoàn tuồng chúng tôi tại huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn không những có ý nghĩa phục vụ văn nghệ mà còn đem lại niềm tin cho đồng bào về lý tưởng cách mạng, về sự thắng lợi của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Đoàn phục vụ ở Hoài Ân một tháng rồi mới chuyển vào huyện Phù Cát, nơi tôi sinh ra và học được nghề võ và nghề tuồng.

Huyện ủy và UBND huyện Phù Cát đóng tại xã Cát Sơn, cách thị trấn Phù Cát 7 cây số. Đoàn chúng tôi diễn ở đây ba buổi. Ngày đóng quân ở Cát Sơn, tôi lại gùi cõng đồ đoàn xuống Cát Hiệp diễn. Diễn xong lập tức gùi cõng về Cát Sơn. Vì cát Hiệp cách bọn địch ở huyện Phù Cát chỉ 3 cây số. Về biểu diễn tại huyện nhà, tối hôm đó tôi gặp rất nhiều bạn bè từ thời chống Pháp. Nhưng cũng chỉ hàn huyên đôi ba câu chuyện, thăm hỏi nhau rồi phải chia tay, hẹn gặp lại để tiếp tục đi biểu diễn phục vụ đồng bào.

Đoàn ở huyện Phù Cát chỉ có 5 hôm rồi phải chuyển quân qua huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn). Đoàn đóng quân tại xã Vĩnh Thạnh, thôn Vĩnh Cửu, bên này sông Côn, còn bên kia sông Côn là thị Trấn Phú Phong, vùng địch đang chiếm đóng. Lúc này đang hội nghị Paris, nên địch có phần nào co cụm, ít đánh phá ta ác liệt như trước. Thỉnh thoảng địch cũng có câu pháo bắn qua bên này sông Côn, nhưng chỗ chúng tôi đóng quân hầm hố trú ẩn nhân dân rất vững vàng, địch không dám đưa quân sang sông như trước. Đoàn chúng tôi đóng quân ở đây gần 5 tháng và liên tục biểu diễn phục vụ đồng bào và bộ đội khắp vùng.

Về tỉnh Bình Định chúng tôi có hai nhiệm vụ. Một là biểu diễn phục vụ bà con, hai là tập huấn cho đoàn tuồng tỉnh Bình Định. Ban đêm đoàn đi biểu diễn ở các xã lân cận, ban ngày tập luyện cho đoàn tuồng của tỉnh. Chúng tôi đã dàn dựng cho đoàn tuồng Bình Định 3 vở: Trần Bình Trọng, Ngọn lửa Hồng Sơn, Trần Quốc Toản. Những buổi tối không đi diễn thì ở nhà luyện võ bởi đây là đất võ, là lò võ của Bình Định. Tôi về đây như cá được gặp nước, nghề võ lại trỗi dậy trong tôi như thuở niên thiếu mà tôi đã học và đã đấu. Đầu hôm tôi tập dạy võ cho anh em diễn viên trong đoàn. Về khuya, từ 12 giờ đến 3 giờ sáng, tôi và anh Lương Công Hoàng vợt võ, như tôi đã nói ở phần trên. Vậy là tôi có điều kiện ôn tập và luyện thêm tay nghề, vì tôi đã bỏ nghề võ quá lâu. Làm xong nhiệm vụ ở Bình Định, Khu ủy lại điều đoàn về lại chiến khu. Về đến chiến khu thì lại gặp đoàn tuồng Quảng Nam từ miền Bắc chi viện vào. Đoàn này gốc ở Quế Sơn được đưa ra Bắc học, do anh Tư Bửu làm trưởng đoàn đưa vào Nam. Vậy là chúng tôi hợp nhau, phân vai chuẩn bị biểu diễn phục vụ Khu ủy. Chúng tôi diễn vở tuồng Sơn Hậu hồi II. Tôi đóng vai Khương Linh Tá, anh Đình Sanh ở Quảng Nam đóng vai Kim Lân, anh Tư Bửu đóng vai Tạ Ôn Đình, anh Phạm Ngọc Sơn đóng vai Lê Tử Trình v.v… Từ đây chúng tôi trở thành một đơn vị tuồng mạnh, cùng chia nhau đi phục vụ những vùng vừa giải phóng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Đồng thời chuẩn bị lực lượng tiếp quản miền Nam sau 30 tháng 4 năm 1975.

(còn nữa)

 

- (1, 2): Xem quyển "Võ Sĩ Thừa - Tình yêu và nghệ thuật" do Hoàng Chương viết theo lời kể của Võ Sĩ Thừa. NXB Sân khấu 1993.

- (3): Tiền thân của Đoàn tuồng Thanh Hóa được Đoàn tuồng Quân khu V đào tạo trên miền Bắc những năm 70 (thế kỷ 20)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chương IV: Từ gian khó đến trưởng thành  (06/07/2005)
Chương III: Truyền thống võ và tuồng của gia đình họ Trần   (30/06/2005)
Chương II: Đất tuồng sinh ra những tài năng tuồng  (24/06/2005)
Chương I: Bình Định - miền đất thượng võ  (21/06/2005)
Mấy lời đầu sách  (19/06/2005)
Trần Hưng Quang -Tuồng và võ   (16/06/2005)