Năm 1982 tôi xin nghỉ hưu. Lúc ấy tôi vừa tròn 55 tuổi. Đúng tuổi hưu thời đó. Anh Mai Vy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa vào công tác Bình Định, nghe tin tôi xin nghỉ hưu. Anh đến nhà hát tuồng Đào Tấn gặp tôi và khuyên tôi không nên nghỉ hưu sớm như vậy. Tôi nói: "Thưa anh, vợ con tôi ở ngoài Bắc. Tôi có ba thằng con trai, nếu vắng mặt tôi, chúng nó sẽ học hành không đến nơi đến chốn. Mẹ chúng nó chỉ biết nuôi, chứ làm sao dạy chúng được. Tôi chỉ sợ chúng nó xa bố sẽ trở nên hư hỏng. Vì lo cho con cái nên phải rời nhà hát, rời sân khấu là nỗi buồn của tôi". Anh Mai Vy nói: "Tôi sẽ chuyển Quang về công tác Hà Nội chứ không nên nghỉ hưu". Phải nói rằng tuổi 55 mà làm nghề hát tuồng là cái tuổi đang độ sung sức vì đã qua tích lũy vốn nghề, chứ không phải cái tuổi đã già, nhưng tôi xin về hưu cho bằng được chỉ vì hoàn cảnh gia đình. Lúc đó tôi không nghĩ đến đồng tiền lương, không nghĩ đến danh vọng mà nghĩ đến trách nhiệm với con cái, vì tôi đã xa gia đình tròn 15 năm, từ ngày đi B cho đến nay.
Tôi về miền Bắc thì bắt tay vào công tác nghiên cứu tuồng ở Viện Sân khấu do Hoàng Chương làm Viện trưởng, cũng là người hiểu rõ khả năng của tôi. Tôi say sưa viết, tôi viết rất nhiều bài lẻ đăng trên các Tạp chí Sân khấu. Đặc biệt tôi tham gia viết về lịch sử sân khấu tuồng (tập 1 đã in). Tôi viết 65 nhân vật của 65 vở diễn đã qua 65 người đóng vai, từ thời người học trò nhất của cụ Đào Tấn, đó là cụ Bát Phàn, cho đến sân khấu hiện nay là anh Võ Sĩ Thừa, anh Trương Đình Bôi. Trong 65 nhân vật, có tên của 65 người đóng vai, qua 65 cốt truyện. Tôi trích những đoạn tuồng hay, hát hay, múa đẹp, diễn xuất giỏi, diễn giải ý tứ, nghĩa từng câu, từng chữ của từng nghệ nhân, nghệ sĩ. Trong 65 vở diễn có cả nghệ nhân tuồng Bắc như: cụ Ba Tuyên, cụ Sáu Đen, bà Cả Tề, bà Cả Tam, bà Bạch Trà, ông Quang Tốn v.v… Công trình này tôi viết mất hơn một năm trời. Tôi phải vào Nam như Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế v.v… để xác minh tư liệu rồi mới về ngồi viết. Nhưng than ôi! Viện Sân khấu là nơi tập hợp lịch sử sân khấu tuồng để in và hướng dẫn cho các đoàn biểu diễn, nhưng lại không có ý kiến gì với công trình này khi nó lọt vào tay người khác? Bản thảo của tôi hiện còn nằm ở nhà ông anh Việt Ngữ, cán bộ nghiên cứu chèo?
Tôi nghĩ rằng nay mai tôi qua đời, chắc chắn là không người thứ hai viết được công trình này. Cái khó của nó là chẳng những nhớ cốt truyện, mà nhớ cả lời văn, nhớ cả bộ múa và nhớ cả cử chỉ, điệu bộ, từng ý hay của từng nhân vật, từng nghệ nhân danh tiếng từ xưa đến nay. Tôi là người có trí nhớ lâu, lại chịu học hỏi. Những cụ đã diễn từ lúc tôi chưa sinh ra, đến khi sinh ra và lớn lên học và hát tuồng, tôi được nghe cha tôi và các nghệ nhân kể lại những vai tuồng độc đáo của các cụ ngày xưa, và phần nhiều là tôi đã được xem các cụ diễn từ lúc tôi còn tấm bé. Ví dụ như vai Tôn Ngộ Không thì không ai đóng bằng thầy Chánh Ca Lục. Vai con hổ không ai đóng bằng thầy Cửu Khi. Vai Cáp Tô Văn thì không ai sánh bằng thầy Phó Ca Trập (ở Quảng Ngãi), vai Trương Phi không ai qua được thầy Chánh Ca Đựng, vai Phàn Định Công không ai sánh bằng thầy Bầu Thơm v.v…
Ngoài những công trình nghiên cứu tôi còn đảm nhiệm công tác minh họa cho Viện Sân khấu trong thời kỳ Giáo sư Hoàng Chương làm viện trưởng. Tôi đã minh họa giới thiệu nghệ thuật tuồng cho nhiều khách nước ngoài như Mỹ, Anh, Nga, Áo, Trung Quốc, Nhật Bản. Hằng năm cũng phải có 5 đến 7 lần minh họa theo yêu cầu của Giáo sư Hoàng Chương khi ông giảng về tuồng cho các trường đại học và khách nước ngoài.
Năm 1985 anh Trần Văn Khê là Phó chủ tịch Hội âm nhạc quốc tế về nước. Thông qua anh Hoàng Chương anh Khê biết tôi và có mời tôi đến cùng anh minh họa tại Câu lạc bộ văn hóa 19 Hàng Buồm (Hà Nội). Tối hôm ấy có đông đủ các Viện như: Viện Âm nhạc, Viện Sân khấu, Cục biểu diễn, Viện Văn hóa và các anh ở Văn phòng Bộ Văn hóa cùng đông đảo hội viên câu lạc bộ.
Anh Trần Văn Khê mở đầu về phần âm nhạc, đến cụ Phúc hát ca trù. Đến lượt tôi minh họa nghệ thuật hát tuồng. Tôi chứng minh giọng hát và bộ múa để thể hiện tính cách nhân vật trong tuồng. Chứng minh sân khấu tuồng là sân khấu ước lệ, cách điệu và tượng trưng, và tôi thể hiện ba mươi sáu điệu cười khác nhau trong tuồng. Hôm ấy cả hội trường vỗ tay như pháo và liên tục sau mỗi lần tôi thể hiện. Giáo sư Trần Văn Khê ghi âm tất cả ba mươi sáu điệu cười của tôi. Khi ra về, GS. Trần Văn Khê có tặng tôi một chiếc bật lửa ga. Anh nói: "Tôi ở bên Pháp về xin tặng anh cái bật lửa của Pháp để làm kỷ niệm, tôi cảm ơn anh nhiều".
Sau đó các anh ở Viện Âm nhạc và Cục Biểu diễn hỏi tôi: " Anh Trần Văn Khê tặng cho anh được bao nhiêu tiền?" Tôi cười và trả lời: "Đây, anh ấy tặng cho tôi chiếc bật lửa đây". Các anh Viện Âm nhạc và Cục Biểu diễn nói: "Chúng tôi biết anh vì nghề nghiệp mà làm thôi, nhưng vô tình anh đã tặng cho ông Trần Văn Khê một tư liệu vô giá để ông ấy làm nghề". Đúng như vậy, làm nghề hát tuồng phải có máu tuồng. Nhiều lần đi biểu diễn, đi minh họa, tôi không nghĩ đến tiền, tôi coi như nhiệm vụ phải làm. Có tiền hay không tiền, có nhiều hay ít tiền sao cũng được, tôi không đòi hỏi, tôi khác với một số nghệ sĩ ngày nay. Nhiều lần đi xe ôm đến làm việc với GS. Hoàng Chương rồi lại đi xe ôm trở về, đã mất công sức lại tốn tiền xe, nhưng người ta đã mời mà mình không đi thì lương tâm, trách nhiệm của tôi không cho phép tôi vắng mặt. Dĩ nhiên giữa tôi và GS. Hoàng Chương có mối quan hệ tinh thần và đồng nghiệp không có tiền bạc nào thay, hoặc mua được. Cũng chính vì vậy mà GS. Hoàng Chương đã gợi ý, đã làm đề cương và khuyến khích tôi viết, tôi kể để hôm nay có được quyển sách nhỏ này. Đây là một kỷ niệm, một giá trị tinh thần của đời tôi.
(còn nữa) |