Trong các đoàn tuồng cách mạng, từ Đoàn tuồng Liên khu V (nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn) đến các đoàn tuồng chuyên nghiệp khác đều có chức năng tuyên truyền giới thiệu cái hay cái đẹp của nghệ thuật tuồng truyền thống. Làm công việc này chủ yếu là biểu diễn minh họa kèm theo phân tích về lý luận. Theo tôi được biết thì trong ngành tuồng có hai nghệ sĩ diễn minh họa tuồng nhiều nhất và thành công nhất là Võ Sĩ Thừa và Trần Hưng Quang. Về Võ Sĩ Thừa thì tôi đã viết trong quyển Võ Sĩ Thừa - Tình yêu và nghệ thuật nay nói tới Trần Hưng Quang tôi muốn giành một phần riêng nói về Biểu diễn minh họa tuồng của ông. Qua gợi ý của tôi NSƯT Trần Hưng Quang tiếp tục nói về vấn đề này.
Từ những năm ở chiến trường cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi công tác tại Đoàn tuồng Liên khu V - Nhà hát tuồng Đào Tấn (Quy Nhơn). Đoàn đi đến đâu, bất cứ nơi nào, tôi vẫn là người phụ trách chương trình minh họa ngay cả thời ở chiến khu cũng chỉ có một mình tôi diễn minh họa. Có lần tôi phải làm đến 4 tiếng đồng hồ. Anh Năm Công (Võ Chí Công) và anh Hai Mạnh (Chu Huy Mân) rất thích tuồng. Anh Năm Công, Bí thư Khu ủy khu V, anh Hai Mạnh, Tư lệnh trưởng quân khu V và tất cả trong khu ủy và các đại biểu 9 tỉnh miền Trung đã xem tôi minh họa tuồng từ 5 đến 7 lần. Có một lần mà tôi không thể nào quên được, đó là một đêm, chuyên diễn minh họa tại Đại hội Khu ủy (năm 1972). Anh Năm bị bệnh cao huyết áp không ngồi lâu xem được. Có đoàn nào ở Bắc vào cũng phải chọn tiết mục hay nhất, diễn cho anh Năm xem độ 30 phút rồi anh phải về nghỉ. Tôi đã biết vậy, nhưng tối hôm ấy tôi đã lỡ làm đến 3 tiếng đồng hồ. Tôi sực nhớ lại và tôi xin tạm dừng. Tôi thưa: "Thưa các anh, cho tôi được phép dừng, để cho anh Năm về nghỉ và ngày mai còn làm việc". Anh Năm cười và bảo: "Không sao, cứ làm nữa đi, hay lắm (!)", và anh bê cho tôi chén nước đưa lên sân khấu. Anh Hai Mạnh (Chu Huy Mân) đưa cho tôi bao thuốc Rubi. Anh bảo: "Làm nữa, làm nữa, hay lắm". Lúc đó cả hội trường vỗ tay tán thưởng. Vậy là tôi phải tiếp tục minh họa thêm một tiếng đồng hồ nữa.
Sở dĩ tôi làm được như vậy là vì tôi quá phấn khởi, hơn nữa tuổi tôi mới ngoài 40 nên có sức mới làm được một mình vừa nói vừa diễn đủ các loại vai tuồng truyền thống. Đáng lẽ ra một người diễn minh họa phải có một người họa, diễn, nhưng anh em trong đoàn chưa đủ trình độ minh lẫn họa cho sắc nét nên tôi phải làm cả hai. Cũng phải nói rằng ngoài vốn tuồng và võ tôi đã học được lúc ở miền Bắc, tôi còn được học lớp triết, mỹ học nên tôi vận dụng vào sân khấu để chứng minh. Nhất là lý luận sân khấu của cụ Đào Tấn nếu biết vận dụng thì ai nghe cũng thích. Chỉ riêng phần sân khấu ước lệ tôi đã phải chứng minh một tiếng đồng hồ. Là người đã nhiều năm tháng công tác trong biểu diễn và nghiên cứu tuồng với NSƯT - Võ sư Trần Hưng Quang, tôi càng tin là những việc ông làm ở chiến trường chống Mỹ là đúng.
Trong những năm 80, 90 (thế kỷ 20) và tận bây giờ NSƯT Hưng Quang vẫn cùng tôi đi nói chuyện minh họa Tuồng, từ những buổi giảng của tôi cho Giáo sư và sinh viên Mỹ cho đến những buổi nói chuyện ở các Câu lạc bộ báo chí như CLB Thăng Long hoặc ở các trường Đại học. Ở đâu cũng gây được ấn tượng tốt đẹp. Nhân đây, tôi xin trình bày đôi nét về nội dung minh họa của NSƯT - Võ sư Trần Hưng Quang:
1. Sân khấu tuồng là sân khấu ước lệ, tượng trưng:
Ước lệ có nghĩa là việc không có mà chỉ cho khán giả thấy là có. Có mà không, không mà có. Sân khấu tuồng không cần đến cảnh trí, chỉ cần người diễn viên bằng động tác và cử chỉ, sắc thái của mình, làm cho khán giả phân biệt được thời gian và không gian như lý luận của cụ Đào Tấn:
"Đường dài muôn dặm đi ba bước
Ngựa chạy hai chân quất một roi".
Đường dài từ Nam ra Bắc, người biểu diễn chỉ cần bước lên ba bước và lật người qua đi một vòng, thế là không gian đã đổi rồi, người diễn viên chỉ cho khán giả thấy đây là miền Bắc.
"Ngựa chạy hai chân quất một roi". Có con ngựa thật nào mà lại chạy hai chân, chỉ có người biểu diễn, tay cầm chiếc roi ngựa, và dùng hai chân của mình để diễn đạt là tôi đang đi ngựa. Chiếc roi ngựa có lúc là cái roi dùng để quất, có lúc nó lại là con ngựa. Khi tôi dùng động tác nhảy lên lưng con ngựa thì đó là con ngựa, và khi tôi dùng roi quất thì đó là roi ngựa.
Hoặc câu:
"Thốn thổ thị triều đình châu quận
Nhứt thân đô phụ tử quân thần "
Có nghĩa là, chỉ có một vạc đất (sân khấu) trống, thế mà nơi đây là triều đình, là châu quận, chợ búa, sông ngòi, là núi rừng trùng điệp v.v… tất cả đều do người diễn viên tuồng tạo ra bằng động tác, bằng trình thức…
"Nhất thân đô phụ tử quân thần" có nghĩa là chỉ có một người diễn viên thôi, ấy thế mà có lúc làm cha, có lúc làm con, có khi làm quân làm tướng đến làm vua.
Người diễn viên phải thể hiện bằng thần sắc của nhân vật, đi đôi với động tác chuẩn xác cùng với lời hát, để nói với khán giả rằng: Nơi đây là thành lũy, là cửa ra vào và nơi kia là sông sâu, núi xoáy, tôi đang trèo lên dốc núi chập chùng đá dựng, hoặc mặt thành cao tôi phải nhảy vào thành vì có việc cần kíp v.v…
Trong vở: Hộ Sanh đàn của cụ Đào Tấn có vợ chồng Tiết Cương và Kỷ Lan Anh. Khi Tiết Cương thoát vòng vây của quân Võ Hậu, Võ Tam Tư vợ chồng dìu dắt nhau về sơn trại. Vợ chồng đang đi trong rừng sâu, thoát hiểm trở. Tiết Cương hát câu Nam Bình:
"Thoát đặng giây oan lưới họa"
Có nghĩa là Tiết Cương vừa thoát nạn khi anh về Trường An tảo mộ mẹ cha (cha mẹ Tiết Cương là Định San và Phàn Lê Huê) Võ Hậu biết được bèn sai nguyên soái Võ Tam Tư và hai em là Võ Thừa Tự, Võ Thừa Nghiệp mang binh mã, theo đuổi đánh. Một mình Tiết Cương với một con ngựa và chiếc độc phủ trên tay, anh đã bị thương nhưng vẫn chống chọi nhiều lần với hàng vạn quân Võ Hậu. Kỷ Lan Anh từ sơn trại đang có mang nghe tin chồng bị giặc đuổi liền lên ngựa cùng lâu la xuống núi tìm chồng và hợp sức đánh bại quân Võ Hậu. Vế hát nam trên, có người diễn không hiểu nghĩa nên, làm động tác sai với nội dung. Họ diễn tay trái tóm dây, tay phải vung búa đứt dây. Họ không hiểu rằng: "giây nan lưới họa" là nỗi oan ức của Tiết Cương mà Võ Hậu là kẻ gieo họa cho anh. Người diễn đúng ý thì chỉ nhìn lại phía sau mà chỉ quân Võ Hậu bạo tàn là đủ rồi. Đến vế thứ hai Tiết Cương nói với vợ: "Em có mang, có mềnh, chầm chậm mà đi theo anh, kẻo vấp đó nghe". Kỷ Lan Anh nói: "Phu quân mới bị thương vừa rồi còn yếu lắm, để em đi gần em đỡ lấy phu quân". Tiết Cương nói: "Á thôi! Để mặc anh" hát tiếp vế thứ hai:
"Bước gập ghềnh dìu đỡ theo nhau". Anh bước qua giữa hai tảng đá trơn trượt. Anh chống độc phủ, ghì chặt tay trái. Tay phải anh vội khỏa không cho Kỷ Lan Anh qua vội. Khi chống chặt búa rồi, anh vẫy vợ lại gần và nắm tay nhấc bổng Kỷ Lan Anh qua khỏi khe đá.
Về thời gian. Người có việc cần phải đi trong đêm tối. Ngoài những tiếng trống khắc canh để biết giờ này là canh 1, canh 2, canh 3 hay canh 4. Người diễn viên dùng động tác đi trong đêm tối để nói với khán giả là tôi đang đi đêm tối. Nhớ cách diễn cách điệu và ước lệ thật khó sâu mà người xem tưởng tượng ra, hiểu ra được mọi chuyện trên sân khấu và hiểu cả nội dung của vở tuồng. Đó là nghệ thuật của trí tuệ.
Về tiếng cười trong tuồng. Tôi đã được học truyền thống và sáng tạo, nên có thể cười đủ các loại nhân vật trên sân khấu tuồng. Vừa cười, vừa diễn, tôi cười đủ 36 điệu cười mà bác Sáu Lai đã dạy cho tôi. Tiếng cười trên sân khấu tuồng là sở trường của tôi. Tôi có thể thực hiện được giọng cười của anh kép võ, kép văn. Tiếng cười của anh tướng lớn, anh tướng mụt, (tướng loại nhỏ). Cười của các loại nịnh lớn, nịnh nhỏ. Tiếng cười của lão văn, lão võ, giọng cười của các cụ già rụng hết răng, cười của anh trai trẻ. Tiếng cười của người điên dại. Cười hài hước, giễu cợt, cười sâu cay, nham hiểm, cười không ra tiếng. Tiếng cười của những tên có phong độ dâm ô như vua Trụ, cười như con gà vè vè đạp mái. Cười ve gái của loại công tử bột, loại nịnh nhỏ tiếng cười như ngựa hý, dê kêu, tiếng cười xuê xoa, bợ đỡ, nịnh hót và v.v…
Tiếng cười của tôi làm cho khán giả cũng phải cười theo. Chỉ cần nghe tiếng cười đã thấy lột tả được địa vị xã hội của nhân vật ấy như thế nào. Con người ấy trung thành thẳng thắn hay nịnh thần, đểu giả. Hoặc như tiếng cười có khóc, trong tiếng khóc có cười. Vừa cười lại vừa khóc. Ví dụ như Khương Linh Tá nhận phần chết về mình nhưng anh lại cười để động viên Đổng Kim Lân an tâm phò hoàng tử, thứ phi sang hậu thành lánh nạn, thoát khỏi tay họ Tạ phản nghịch.
Trước cảnh chia ly, kẻ sống người chết, anh ở lại cản bọn giặc đông ắt phải chết. Cái chết đó anh xem nhẹ như lông hồng, nhưng nghĩ đến cái khó khăn, gian khổ của bạn anh còn dài nên anh phải khóc. Nước mắt chảy ròng ròng, nhưng lại bật tiếng cười là để động viên bạn ra đi.
Hoặc tiếng cười của những kẻ làm hư hỏng việc gì đó, nên bị người ta quở mắng. Gọi là tiếng cười xả lả, đó là tiếng cười người nhận lỗi về mình một cách nhẹ nhàng đồng thời nịnh người đang quở mắng mình cho bớt giận… Để thực hiện cho được mọi tiếng cười của mọi tính cách nhân vật tôi đã dày công nghiên cứu, học tập và khổ luyện nhiều năm tháng, nhờ thế mà lần minh họa nào cũng tạo được tính hấp dẫn.
2. Văn hoa trong tuồng:
Diễn thế nào để lột tả được hồn văn sâu kín của tác giả? Diễn như thế nào là sâu? Diễn như thế nào là cạn? Diễn thế nào để cho khán giả hiểu được cái hay, cái cốt lõi của lời văn? Điều này cũng phải minh họa thật hay, thật thuyết phục thì công chúng mới hiểu, mới yêu thích tuồng, nhất là thế hệ trẻ. Ví dụ:
Câu hát Nam Bình của Kỷ Lan Anh trong khi gặp Tiết Cương, vợ chồng tìm đường về sơn trại. Đang đi qua đoạn núi có thác ghềnh. Kỷ Lan Anh cùng chồng đứng trên mỏm đá. Kỷ Lan Anh sợ chồng nản chí nên khuyên (hát): "Lao xao sóng vỗ ngọn tùng", mắt nhìn xuống rừng cây tùng đang chao mình trong gió bão, hai tay đưa lên chao qua, chao lại để biểu hiện đợt sóng lao xao. Cũng có người diễn theo, hiểu hồn văn thì, hát vế này, chỉ nhìn mặt chồng, tỏ vẻ tôn kính, mến yêu và hai tay vịn vào vai chồng. Bởi vì ngọn tùng đây chính là Tiết Cương, còn lao xao sóng bủa (hoặc vỗ) là nói cái sóng gió trong xã hội bất công mà Tiết Cương đang phải chịu đựng…
Vế thứ hai: "Gian nan là nợ anh hùng phải vay". Lại nói đến Tiết Cương là người anh hùng phải trải qua sự hy sinh, gian khổ mới trở thành anh hùng. Vì đó là nghĩa vụ của con người anh hùng.
Hoặc minh họa cách diễn tuồng trước hết diễn viên phải hiểu điển tích, nếu không sẽ diễn không đúng với lời văn của tác giả. Ví dụ:
Khi Tiết Cương gặp được vợ, dìu dắt nhau tìm đường về sơn trại. Anh nói: "Thương hại cho tôi! Thương tích vi hình, lộ đỗ gian hiểm ".
Hát: Ngựa Tái Ông, may rủi luống mồ hồ
Xe Nguyễn Tịch lỡ làng thêm bối rối.
Nếu là người không hiểu điển tích sẽ diễn: "Ngựa Tái Ông may rủi luống mồ hồ". Tiết Cương cầu bằng, tay gò cương ngựa. Nếu hiểu điển tích thì, ngày xưa Tái Ông có con ngựa chiến rất hay. Ông không cho ai mượn và sau đó con trai ông cưỡi con ngựa ấy bị nó quật ngã gãy chân. Vậy nên có câu "may mà rủi, rủi mà may". May là con ngựa chiến vẫn còn, rủi là con ông bị gãy chân.
Vế thứ hai: "Xe Nguyễn Tịch lỡ làng thêm bối rối". Nếu không hiểu điển tích sẽ diễn: Tiết Cương hát vế này nhìn vợ và tỏ vẻ đau khổ. Ý diễn nói lên Tái Ông là Tiết Cương mà Nguyễn Tịch là Kỷ Lan Anh. Cách diễn này ngày xưa ở các gánh hát nhà quê họ diễn như thế. Nhưng điển tích thì, ông Nguyễn Tịch thuê xe kéo tới đón bạn. Từ đầu phố đến cuối phố, từ sáng tới trưa, vẫn không gặp được bạn. Vậy câu hát này không cần ra bộ, chỉ cần nhìn vọng ra xa phía phải mà hát vế trước. Rồi lại xoay mặt qua phía trái hát vế thứ hai. Ý diễn đối cảnh Tiết Cương giống như Tái Ông và Nguyễn Tịch. Vì Tiết Cương bị thương là rủi, nhưng thoát được Võ Hậu là may. Tiết Cương đi viếng mộ cha mẹ bị quân Võ Hậu đuổi đánh, lỡ làng việc hiếu không thành nên trong lòng xốn xang bứt rứt! Hoặc câu hát của Lưu Bị trong vở tuồng Trịch bôi: "Chu Du mời Lưu Bị sang dự yến là dụng ý thích khách, nhưng việc của Chu Du không thành, bởi vì có Quan Vân Trường đóng giả quân theo bảo vệ Lưu Bị. Lớp tuồng này Lưu Bị ở trong thế chiến thắng, nên có ý dọa Chu Du để dò xem thái độ của Chu Du. Lưu Bị nói: "Thưa tướng quân! Việc như vậy cũng đã vừa, cho Bị xin cáo lui. Hát khách: "Hồi Phàn Khẩu chỉnh tu binh mã". Chu Du giật mình, hỏi Lưu Bị ngay: "Chẳng hay ngài chỉnh tu binh mã để mà đánh châu mô, thu phục quân mô vậy ngài?". Đánh trúng ý thằng này rồi, Lưu Bị cười và đánh tiếp: "Á không, không. Bị chỉnh thu binh mã rồi thì … Bị kéo rốc sang đây". Chu Du lại sợ hỏi dồn dập: "Chẳng hay ngài kéo binh sang đây để mà làm gì". Lại một lần nữa Lưu Bị buồn cười: "Bị kéo rốc sang đây đặng mà …". Hát tiếp vế hai: "Hiệp tướng quân giải phá Tào Man". Lưu Bị hát câu này không cần ra bộ, chỉ cần sử dụng đôi mắt để quan sát thái độ của Chu Du, đúng là Chu Du sợ thật. Lưu Bị cười, nhưng tiếng cười của người say rượu. Thực ra trong tiệc Lưu Bị uống rất ít rượu, nhưng lại giả say nhiều. Say để mà dò xem thái độ của Chu Du. Tiếng cười của Lưu Bị rất ngạo nghễ của kẻ tay trên … Tôi đã học được cái sâu xa trong lời (văn học) tuồng của Đào Tấn mà diễn tả các nhân vật cho có chiều sâu, cho rõ tính cách. Rất tiếc là có một số diễn viên không học sâu, không nghiên cứu kỹ văn học tuồng truyền thống, nhất là tuồng Đào Tấn nên diễn không đúng còn nói gì tới việc minh họa cho học sinh, sinh viên và giới trí thức xem - Đó cũng là một nguyên nhân làm cho tuồng bị phai mờ bản sắc và bị mất khán giả.
(còn tiếp)
|