Chương IX: Phát huy nghề võ, không bỏ nghề tuồng
15:36', 27/7/ 2005 (GMT+7)

Do quan hệ, hợp tác nghiên cứu, sáng tạo nhiều năm, nên tôi biết được tài nghệ của NSƯT Trần Hưng Quang không chỉ giỏi tuồng mà còn rất giỏi nghề võ. Trong những năm ông rời Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) trở ra miền Bắc, tôi mời ông về Viện Sân khấu làm cả hai việc: nghiên cứu tuồng và võ thuật dân tộc, chứng minh cho được mối quan hệ giữa tuồng và võ thuật dân tộc. Trần Hưng Quang đồng ý thực hiện ý đồ của tôi. Nhưng khác với thời ông mê tuồng, làm tuồng giai đoạn này ông nghiêng về võ, cụ thể là ông mở lớp dạy võ ngay trong khu tập thể Thanh Xuân Bắc, nơi ông đang ở.

Ông đã nhiều lần kể với tôi: từ năm 10 tuổi ông đã học võ và đã đấu võ. Đến năm 19 tuổi thì cách mạng tháng Tám thành công, ông đi theo kháng chiến chủ yếu là làm văn nghệ và diễn tuồng. Đến đầu những năm 70 công tác trong chiến trường khu V ông mới nối lại nghiệp võ.

Trần Hưng Quang kể: Lúc tình cờ tôi gặp lại anh Lương Công Hoàng ở Bình Định. Vì anh hoạt động bị lộ nên phải chạy lên chiến khu ẩn náu. Tôi là trưởng đoàn tuồng Liên khu V - B, về phục vụ nhân dân tỉnh Bình Định. Tôi đóng quân tại thôn Vĩnh Cửu (bên kia sông Côn). Tôi gặp anh Lương Công Hoàng tại đây. Ban đêm đoàn tôi đi biểu diễn, ban ngày tôi và anh Lương Công Hoàng dợt võ. Những đêm đoàn nghỉ không đi diễn thì đầu hôm tôi luyện võ cho anh em trong đoàn, đến 11 giờ thì cho anh em nghỉ và tôi cùng anh Lương Công Hoàng luyện tập võ với nhau, vợt lại các bài quyền, binh khí và tập những đòn đánh với nhau. Chỉ trong một thời gian ngắn mà các bài võ, thế võ tôi đã học từ bé được phục hồi trở lại. Nhưng hoạt động tuồng đã chiếm hết thời gian trong gần 10 năm.

Mãi đến năm 1982 tôi về nghỉ hưu (lúc đó tôi 55 tuổi thì nghỉ hưu). Tôi về Hà Nội mở lớp dạy võ tại sân UBND phường Trung Phụng, quận Đống Đa. Tôi dạy cho con trai tôi là cố võ sư Trần Hưng Hiệp và võ sư Đinh Quang Trung hiện nay. Năm 1985 được nhà nước cấp cho căn hộ ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân hiện nay, thế là tôi đã có nơi an cư, bây giờ mới tính đến chuyện lạc nghiệp. Ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Đống Đa, tôi nhờ Trung tâm Thể dục Thể thao quận (Anh Hùng giám đốc Trung tâm đến phường Thanh Xuân Bắc) giới thiệu và bàn bạc với UBND phường cho tôi mở lớp dạy võ tại trường Việt An.

Vào tháng 8 năm 1985 tôi chính thức mở lớp dạy tại đây. Cuối năm 1985 sau một buổi biểu diễn tại Trung tâm TDTT quận Đống Đa, có anh Hoàng Vĩnh Giang giám đốc Sở TDTT Hà Nội dự xem. Đến tháng 12 -1985 tôi gia nhập vào Liên đoàn võ thuật Hà Nội. Lúc này tôi đã có một đội ngũ võ sinh tương đối khá. Tôi lấy tên của môn phái là "Bình Định Gia". Có nghĩa là dòng võ gia truyền của họ Trần. Từ cụ cố tôi là Trần Đại Chí ở ấp Tây Sơn - Bình Định. Phái võ Bình Định gia của chúng tôi cũng đồng nghĩa với làng võ của quê hương Bình Định.

Hiện nay tôi là võ sư cao cấp, ủy viên Hội đồng cố vấn của Hội võ thuật Hà Nội. Có một võ sư chấp chưởng môn là Nguyễn Khắc Thành, học trò nhất của tôi và hai võ sư Đinh Quang Trung phụ trách tổ chức và đối ngoại. Nguyễn Hữu Hiệp phụ trách võ Penkat-Silak. Có 10 huấn luyện viên cao cấp, từ ngũ đẳng đến thất đẳng. Lớp huấn luyện này học từ năm 1985 và đã đào tạo nhiều huấn luyện viên từ 1 đến 4 đẳng. Tổng số môn phái chúng tôi có đến 60 huấn luyện viên và hàng vạn học sinh từ 19 tỉnh thành trong nước. Tôi đã dạy cho đệ tử hàng trăm bài quyền, và binh khí, dạy nội công, công phá, nội công chịu lực cho nhiều học trò.

Những bài thảo cổ truyền ở Bình Định mà tôi đã học được từ nhỏ nay đã đem ra dạy cho học trò như: Ngọc Trản, Lão Mai, Mai Dân, Kim Ngưu, Thần Đồng, Ba Chiêng Hổ, Quyền Tứ Linh, Miêu tẩy diện, Long Hoa đao pháp, Nhi tinh quyền, Thất tinh quyền. Các loại binh khí như: Roi ngắn, đoản côn, trường côn, Đại đao Quan Vân Trường, Đại đao Bát Quái, Bát Quái Thương, Độc phủ, cung nỏ, Thiết phiến, Nhị khúc, tam khúc, Song chùy, Xà mâu, kích, song kiếm, độc kiếm và rất nhiều bài quyền cơ bản khác ở lớp sơ và trung cấp. Về nội công, công phá, phái chúng tôi có nhiều tiết mục đã biểu diễn ở Đông Nam Á, tại Thái Lan, Singapore và năm nào cũng biểu diễn phục vụ cho bà con đồng hương Bình Định ở Hà Nội, hoặc do GS. Hoàng Chương tổ chức trình diễn ở các Hội nghị, Hội thảo.

Đợt trình diễn nhiều buổi liên tục là Hội thảo tuồng và võ thuật dân tộc do Trung tâm bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc tổ chức tại Bãi Bằng sau đó diễn ở Việt Trì và Lâm Thao. Ở đâu các võ sĩ môn phái Bình Định cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Và ấn tượng mạnh nhất là lần GS. Hoàng Chương tổ chức diễn tại rạp xiếc Trung ương (Hà Nội) có các đồng chí lãnh đạo cấp cao như Nguyễn Đức Bình - UVBCT, Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, nhà lý luận Hà Xuân Trường v.v… Đồng chí Nguyễn Đức Bình nói: "Lần đầu tôi mới được xem một chương trình võ thuật đặc sắc như hôm nay. Vì sao không phổ biến rộng cho nhân dân được thưởng thức? Chương trình biểu diễn võ thuật Bình Định của võ sư Trần Hưng Quang gồm:

Có những tiết mục nội công như sau:

* Người nằm trên đống thủy tinh hoặc mẻ chai, cho ô tô chạy qua người.

(Từ trên độ cao 3m nhảy xuống đống thủy tinh, cắm giáo vào cổ đè xuống, cây giáo cong tròn.

* Sắt ( 12 dài 7m, đầu bên kia năm người giữ chặt, đầu bên này một người tự quấn chặt vào cổ năm vòng rồi tự tháo dây thép ra.

* Người nằm nghiêng, đặt tảng đá lên thái dương phía tai dưới đặt 4 viên gạch. Một người quai búa tạ đập lên tảng đá. Tảng đá vỡ và 4 viên gạch cũng vỡ tan.

* Người nằm ngửa trên đống thủy tinh. Tám người khiêng tảng đá dài 80 phân, đặt trên bụng người nằm. Hai người cầm hai búa tạ đứng hai bên, quai đập nhiều lần cho tảng đá vỡ tan ra nhiều mảnh.

* Người ngồi, chồng tám viên gạch trên đầu, một người cầm búa tạ bổ xuống làm cho tám viên gạch vỡ tan.

* Một người chồng trước mặt 10 viên gạch, dựng bàn tay lên chặt một phát, mười viên gạch vỡ tan.

* Sáu người mỗi người cầm hai viên ngói đứng xung quanh, từ thấp, lên trung bình và cao đến đỉnh đầu. Một phát đá hoành thân từ thấp lên đến cao, tất cả 12 viên đều nổ một lượt, y như pháo nổ.

* Đặt 10 viên gạch trên ống chân, và 10 viên gạch dưới bắp chân. Một người xách búa đập lên ống chân, làm cho 20 viên gạch đều vỡ tan.

* Một bài diễn bằng thính giác, làm cho người xem nổi gai ốc. Người biểu diễn ngồi giữa sân khấu, tay cầm kiếm rất sắc. Mời khán giả lên bịt kín hai mắt, bằng tấm vải đen gấp lại nhiều lần. Người biểu diễn đứng dậy chuẩn bị. Một đoạn dây chuối độ 10 phân đặt lên đỉnh đầu của một khán giả tự nguyện lên ngồi. Bằng tín hiệu. Một người ngồi cạnh người đội chuối. Vỗ tay lần thứ nhất, người biểu diễn xoay qua hướng đó. Vỗ tay lần thứ hai, người biểu diễn đã tìm ra đối tượng. Vỗ tay lần thứ ba, người biểu diễn lập tức cầm cây kiếm bổ xuống, đoạn chuối chẻ đôi bung ra.

Cũng người ngồi đội đoạn chuối như thế. Cũng vỗ tay ba lần như trên. Người biểu diễn phạt ngang làm cho đoạn chuối đứt làm đôi như cắt bánh. Bài diễn thính giác là của con tôi làm, cố võ sư Trần Hưng Hiệp đã biểu diễn nhiều nơi. Sau đó tôi cấm không cho làm tiết mục này vì Trần Hưng Hiệp có được thần kinh ổn định và thính giác bẩm sinh mới làm được tiết mục này. Tôi nói: "Con không nên dạy tiết mục này cho học trò, vì con có thính giác bẩm sinh và có độ chính xác mới làm được, chứ không phải ai cũng làm được. Nguy hiểm lắm".

Trong nghề võ không ai dám nói bản thân mình hoặc môn phái mình là giỏi hơn người khác. Tôi chỉ dám nói là phái võ Bình Định Gia diện dạy rộng nhất, đệ tử học nhiều nhất, và có một đội ngũ huấn luyện viên đông nhất. Có nhiều người đấu tốt. Bản thân tôi tuy tuổi tác cao, nhưng lúc có đại hội võ cổ truyền toàn quốc thì tôi sẵn sàng tham gia biểu diễn, nếu Sở có yêu cầu. Có lúc tôi đi bài roi (côn) "Thái Sơn", có lúc tôi đi bài "Trung Phụng Kiếm" (kiếm đôi), có lúc tôi đi bài lão Mai hay Miêu tẩy diện. Hiện nay tôi đã 77 tuổi, nhưng máu nghề vẫn còn, sẵn sàng tham gia các ngày hội võ và diễn tuồng.

Môn võ Penkat-Silak Đông Nam Á xuất xứ từ Malayxia hiện nay rất thịnh hành tại Việt Nam. Phái võ chúng tôi có ba vận động viên tham gia đội tuyển Quốc gia từ ngày Silak mới ra đời tại Hà Nội. Đến nay có Nguyễn Xuân Hải là huấn luyện viên Quốc gia, có Trần Thị Kim Tuyến là giáo viên dạy trường Thể thao I Trung ương và Nguyễn Minh Hà là ba vận động đã đi thi đấu nhiều nước Đông Nam Á. Phái võ chúng tôi có nhiều võ đường dạy Pencat - Silak ở nhiều tỉnh, và đi thi đấu trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Nhiều võ sinh đã đạt Huy chương vàng như: Trần Thị Ngọc Anh Huy chương vàng Seagem 20 ở Indonexia, Nguyễn Văn Hùng Huy chương vàng tại thành phố Hồ Chí Minh và Huy chương vàng thế giới tổ chức tại Hà Nội. Nhiều võ sinh các tỉnh đạt nhiều Huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ thi ở Hà Nội, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh và Hải Dương.

Võ sinh Bình Định Gia vào học và đánh tốt môn Silak là vì võ sinh đều đã học các đòn thế đánh cổ truyền Bình Định. Chân tấn, tay quyền, xoay đảo, phách lái là cơ bản của Silak, nhưng đòn vào ra, chống đỡ và thế đánh là của Bình Định Gia.

Xin nói thêm về cái tên môn phái võ Bình Định Gia có nghĩa là người sáng lập ra đồng thời cũng là người tổ chức, người chủ trì và giảng dạy là võ sư Trần Hưng Quang, người gốc Bình Định, đang phát huy truyền thống võ gia đình năm đời của ông ấy ở Tây Sơn - Bình Định từ thời Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Võ sư Trần Hưng Quang đặt tên võ đường của mình là "Võ đường Việt - An", chính thức khai trường dạy từ tháng 8 năm 1985 đã đào tạo cho sinh viên các trường như: Trường Tổng hợp, trường C.500, trường Kiến trúc, trường Đại học Giao thông, trường Viện kiểm sát, trường Đại học Thủy Lợi v.v… Nhất là mở lớp tại võ đường Nhà Văn hóa thể thao Hà Đông. Sinh viên, thanh niên đến học rất đông. Người nào học đủ chương trình dạy của môn phái 5 năm thì được thi lên Huấn luyện viên, được cấp giấy chứng nhận Huấn luyện viên của Hội võ thuật Hà Nội, và ai ở tỉnh nào về liên hệ địa phương mở lớp dạy. Vì vậy nên Bình Định Gia trước kia có mặt 19 tỉnh, thành, nay thu lại còn 14 tỉnh, thành ở miền Bắc. Hiện nay ở Đức, Nga có học trò Bình Định Gia đang ở đó.

Số võ sinh ở các tỉnh ngày càng đông như ở Việt Trì, Phú Thọ có đến 2000 võ sinh, ở tỉnh Hà Đông hầu hết các huyện đều có Bình Định Gia dạy. Tỉnh Vĩnh Phúc có đến 10 võ đường, đông nhất là võ đường Mê Linh.

Môn phái võ Bình Định Gia làm nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Giữ gìn truyền thống và phát huy cao hơn nữa vốn cổ truyền dân tộc. Vì có xưa mới có ngày nay. Muốn phát triển cái mới phải thông hiểu và tiếp thu cái xưa kia ông cha ta để lại. Vì vậy nên Bình Định Gia dạy rộng rãi các bài quyền, bài binh khí đều có "Bài thiệu" bằng chữ nho của ông cha ta để lại. Nhưng phải hiểu nghĩa, biết dịch từ nho sang nôm, nếu không thì "Bài thiệu" một đàng, động tác một nẻo, sai lệch mất hết cả vốn cổ của dân tộc.

 Dưới đây là một số "bài thiệu" quyền và binh khí để chứng minh cái sai cái đúng:

(1) Bài thảo Ngọc trảng:

"Ngọc trảng ngân đài …"

tạm dịch: "Trên cái đài có cái chén ngọc để tiền"

(2) Bài thảo Lão Mai:

"Lão Mai độc thọ nhất chi Vinh"

tạm dịch: "Một cụ già ví như cội mai, tuy là xương xẩu nhưng rất cứng cáp, mạnh mẽ, đã thọ mà lại vinh hiển (Mai ở đây không phải mai bông vàng mà "mai xương", gạo có hoa đỏ, trong Nam rất nhiều, miền Bắc rất hiếm)".

(3) Bài Kim Ngưu (còn gọi là bài Thiền sư)

"Kim ngưu chuyển đốc

Hồng lực doãn thâu… "

tạm dịch:           Hai sừng con trâu vàng chuyển động

                        Con chim hồng giang cánh sắp bay.

(4) Bài đại đạo Quan Vân Trường: hay gọi là bài "Xung Thiên"

"Xung thiên đề đao phản trảm nghinh"

tạm dịch:             Đại đao chém vớt lên cao, rồi rút về để đao xoay lưng chém phía sau.

(5) Bài roi (côn) Thái Sơn:

"Thái Sơn đích thủy địa xà liên"

tạm dịch: Trong bình tấm, chống côn vững như núi thái sơn. Nước từ trên núi đổ xuống, đập con rắn đang bò qua đường.

(6) Bài thảo ô du:

"Tấm nhất trung bình đã sổ phiên

Tế sương giáng hạ thích đương tiện ".

tạm dịch:           Tiến một thế trung bình đánh mấy bận

                        Thế che sương rơi đâm ngay phía trước.

(7) Bài roi (côn) Ngũ môn phá trận:

"Chấp thủ song âm bái tấm dương thế

Hoành khai hỗ khẩu phục địa lôi "

tạm dịch:          Chấp hai tay lạy tìm thế rồng

                        Mở ngang miệng cọp núp sấm đất.

(8) Bài trường kiếm:

"Lập bộ xung thiên hữu thủ khai

Tả, thái công chiêu kỳ…"

tạm dịch:        Bộ đứng chạc trời khai phía tay phải

                   Bên trái, thế thái bông chiêu kỳ.

                                    (Ông thái công vẫy cờ)

(9) Bài song đao:

"Hoành đạo yểm hữu xuất khai thành

Trảm phạt trung bình lưỡng thế tranh "

tạm dịch:             Ngang đao che bên phải mở cửa

                          Thành ra chém, đánh trung bình tranh hai kế.

(10) Bài song kiếm:

"Thọ giác tiên ông trước kim giai

Luân xa yểm hộ tiên hoa khai"

            tạm dịch: Trước bệ vàng thọ giáo tiên ông

                           Bánh xe lăn che bước tiến hình hoa nở.

(11) Bài song phủ:

"Khuynh thân để song phủ

Lập thế chiến kỳ long"

            tạm dịch:  Nghiêng mình để hai búa

                            Lập thế đánh con rồng lạ.

Môn phái Bình Định có hàng trăm "Bài thiệu" của các bậc tiền nhân ngày xưa đã tổng kết thành bản, thành lý thuyết khoa học để lại. Đây là vốn cổ truyền của dân tộc Việt Nam, không lai căng bất cứ một môn võ nào khác.

Hiện nay môn phái Bình Định Gia trên miền Bắc có 45 võ đường, 50 huấn luyện viên và có mặt 14 tỉnh thành. Có hàng ngàn võ sinh theo học, có ban cố vấn của môn phái gồm 10 người: võ sư và huấn luyện viên cao cấp. Hệ thống này ngày càng hoàn chỉnh.

Qua 20 năm hoạt động trong hội võ thuật cổ truyền Hà Nội, phái võ Bình Định Gia đã tham gia các kỳ Hội diễn của thành phố, Hội diễn khu vực miền Bắc và Hội diễn toàn quốc. Riêng Hà Nội mỗi năm có từ một đến hai Hội diễn phái võ Bình Định đã nhận được 200 Huy chương vàng, 200 Huy chương bạc và nhiều Huy chương đồng.

Hàng năm đều có nhiều bài báo viết về võ Bình Định Gia. Ngay cả anh Trương Quang Trung là chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam đã viết giới thiệu nhiều võ sư trong nước, từ Bắc vào Nam trong quyển sách đó có viết về hoạt động và sự lớn mạnh của môn phái Bình Định Gia. Tên của tập sách là: "Đời người nghiệp võ".

Do bề dày của môn phái như vậy, nên môn phái võ Bình Định được Sở thể dục Hà Nội cấp giấy giới thiệu đi biểu diễn khắp miền Bắc. Bởi vì Bình Định Gia có đông đảo học trò, có khả năng biểu diễn tốt, bảo đảm chương trình biểu diễn 2 giờ liền trong một buổi. Môn phái đã đi biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nam Định v.v… Lực lượng quân số và chuyên môn tốt như thế, nhưng vận động viên Bình Định Gia không ăn ở tập trung mà hằng ngày làm việc chuyên môn của mình. Khi cần biểu diễn, hoặc Hội diễn thì Trưởng môn triệu tập đi biểu diễn. Diễn xong lại trở về công tác của mình, chủ yếu là vận động viên các tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.

* Kỳ sau: Tìm hiểu nghệ thuật biểu diễn tuồng truyền thống (Phụ lục)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chương VIII: Biểu diễn minh họa  (22/07/2005)
Chương VII: Trở lại đất Bắc  (18/07/2005)
Chương VI: Đất nước thống nhất - châu về họp phố  (14/07/2005)
Chương V: Vào Nam  (08/07/2005)
Chương IV: Từ gian khó đến trưởng thành  (06/07/2005)
Chương III: Truyền thống võ và tuồng của gia đình họ Trần   (30/06/2005)
Chương II: Đất tuồng sinh ra những tài năng tuồng  (24/06/2005)
Chương I: Bình Định - miền đất thượng võ  (21/06/2005)
Mấy lời đầu sách  (19/06/2005)
Trần Hưng Quang -Tuồng và võ   (16/06/2005)