Biểu diễn tuồng chủ yếu là mô tả cái thần, cái cốt lõi của sự việc, cái bản chất nhất của nhân vật. Từ kịch bản đến thể hiện nó đều tước bỏ đi những chi tiết rườm rà, nhỏ nhặt, có tính chất linh hoạt không cần thiết, mà cần tô đậm, nhấn mạnh những sự biến lớn trong cuộc đời nhân vật.
Đạo cụ, trang trí sân khấu phải phục vụ cho hành động nhân vật. Không trang trí, bày biện theo kiểu dàn cảnh để xem cho đẹp mắt kiểu kịch nói. Lấy nghệ thuật biểu diễn của diễn viên làm trọng tâm. Mặc dù sân khấu tuồng là sân khấu "tổng hợp" thơ, ca, họa, nhạc, vũ, kịch. Nhưng tất cả các mặt đều là hỗ trợ cho diễn xuất của người diễn viên, tái hiện bản chất, tính cách của nhân vật. Hoàng Phi Hổ phản Trụ đầu Châu, trên đường đi qua ải Trần Ngô, trời tối, tạm nghỉ lại. Trần Ngô bố trí cho Phi Hổ vào miếu nghỉ, để đốt miếu hại Phi Hổ. Trong miếu chỉ có một chiếc hòm gỗ và một chiếc ghế để bên trong. Đạo cụ có một cây đèn, làm bằng cái đọt tre trên đầu có mấy tua vải đỏ, giả như ngọn lửa.
Hoàng Phi soi rọi khắp sân khấu, rồi vào trong miếu nghỉ. Vừa ngồi đến ghế bỗng giật nẩy người, vì gan ruột xốn xang cào xé! Phi Hổ ra đi nhớ nhà Thương, nhớ đất cũ. Phế Trụ ra đi là mất đạo trung. Tiếc bao công lao xây đắp cao cơ nghiệp nhà Thương! Chỉ vì vua Trụ hôn quân vô đạo, mất nghĩa cang thường, nên Phi Hổ phải bỏ Trụ đi đầu Châu. Chẳng biết Văn Vương (vua nhà Châu) người có hiểu thấu cho lòng dạ của mình không?… Phần thì nhớ vợ là Giả Thị bị chết oan vì Trụ Vương dâm loạn. Tâm trạng của nhân vật rối bời, lo việc nước, nghĩ đến đạo trung, nghĩ đến hạnh phúc đang êm đẹp, bỗng dưng lại tan nát! v.v… Bao nhiêu sự việc rối ren như mớ bòng bong, thế mà nhân vật chỉ có hai câu lối, hai câu xướng đủ gói gọn bao tâm trạng của Hoàng Phi Hổ:
"Nghĩ đến nghèo đến khốn
Càng thêm bực thêm sầu!
Nào Thần Tôn Thánh Tổ ở đâu
Có biết mỗ tai thần nạn quỷ".
Xướng: "Thượng mã đăng cao vọng giới quan. Dân mê mang hề nguyệt mê mang (ờ thời, kim nhựt đi triệu ngô phản bội thời đã đành. Ta hỏi vậy chớ: Hà thời tai đỗ liễu yên xung)".
Cố đô cựu vật giai phân tán (Giả Thị em ơi!) "Hà hữu phu thê cát đoạn trường".
Hoặc như lớp tuồng Tạ Ngọc Lân, sau khi cứu được tù nữ chúa và Lý Khắc Minh. Ông chống gậy trèo núi lên căn cứ nghĩa quân Hồng Sơn. Cũng chỉ có hai câu lối và ba câu nam, qua nghệ thuật biểu diễn của Tạ Ngọc Lân, người xem thấy biết bao tâm trạng của ông Lân. Với nghịch cảnh trang gia đình ông chỉ có một người con trai độc nhất nhưng lại phản bội tổ quốc. Ông vô cùng đau xót! Trên đường đi núi non hiểm trở, gành đá chập chùng. Với tuổi già gắng sức vượt qua để đi đến với nghĩa quân. Tạ Ngọc Lân nói lối:
(Hùng!)
"Theo bọn nghịch mầy đà quyết dạ
Dốc khử trừ cha chẳng thứ tha
Chỉ Hồng Sơn ngàn dặm xông pha
Theo điên hạ vào nguy trợ nhược".
Hát nam
"Điện hạ phò nguy trợ nhược
Gắng sức già vì nước quên thân
Quảng bao dầu dài phong trần"
(Điện hạ ơi!) Mười phần thương chúa!
(Hùng hỡi Hùng!) Mười phần giận con
Chỉ thề biển cạn non mòn
Còn tằm dẫu chết vẫn còn nhả tơ".
Với chiếc gậy cầm tay, sân khấu cũng chỉ có chiếc hòm gỗ và hai cái ghế. Tạ Ngọc Lân đã diễn tả cảnh núi đồi, khe sâu, nước xoáy, gai gốc hiểm trở. Chân yếu, gối chùn, mệt mỏi với tuổi già đã tám mươi ba. Nhưng rồi chí lớn của ông ví như con tằm.
"Dẫu chết vẫn còn nhả tơ"
Một nhân vật đi từ Nam ra Bắc, hay đi từ nước này sang nước khác cũng chỉ sử dụng ba câu nam, và đi ba vòng trên sân khấu là đến nơi.
Câu thứ nhất: Anh là ai? Anh đi đâu?
Câu thứ hai: Anh đến đó để làm gì?
Câu thứ ba: Sắp đến nơi rồi, thái độ của anh như thế nào?
Hoặc một buổi tiệc tiễn đưa cũng chỉ dùng ba câu nam gói gọn xong buổi tiệc. Đào Lệnh Công bị Cát Thượng Nguyên bỏ tù, vì tội có con làm phản. Sau khi Đào Phi Phụng cải dạng về nước thì đậu trạng, anh hiến kế đưa tù Đào Công ra biên ải để dụ Liễu Nguyệt Tiêm đầu hàng. Đào Công từ kinh đô đi bộ ra quan ải:
"Theo quân nhân lần lữa lên đường
Chân nhè nhẹ trông trừng quan ải"
Nam: "Quan ải từ từ gắng sức"
(Thượng Nguyên, lão đây)
"Lửa căm hờn hực hực gan sôi
Khỏi ba tấc đất thì rồi
Lão Bành chẳng kịp, Nhan Hồi thì thôi "
Đào Công không nhận ra Đào Phi Phụng (con trai của ông) vì anh đã cải dạng, và đổi cả họ tên. Đi đến đâu thì đi, ông vẫn một lòng trung thành với nhà Lương. Ông muốn sống lâu như Bành Tề để góp phần phục quốc, nhưng dẫu cho chết sớm như Nhan Hồi thì cũng đành vậy.
"Cảnh núi đồi ngược xuôi nào đá.
(Ai có đời thằng Cát Thượng Nguyên)
Cướp cơ đồ, cướp cả tình thương"
Ba câu nam của Đào Công thể hiện ý chí kiên cường bất khuất. Ông luôn luôn lạc quan, mặc dù bị tù đày, khổ ải ông vẫn ung dung trước kẻ bạo tàn, lòng sục sôi nghĩ hành động tinh nghịch của anh em Cát Thượng Nguyên. Tâm trạng của Đào Công được phanh phui qua ba câu nam đi biên ải, ở trên.
Hoặc trong buổi tiệc, Hoàng Tử (con vua Lương), tiễn đưa Liễu Nguyệt Tiêm ra trận. Trong tiệc rượu chỉ có ba câu nam nói hết lời chúc tụng, dặn dò, và lời hứa hẹn quyết tâm:
Lối: "Đầy vơi xin cạn chén tiễn hành
Reo mừng sẽ đón ngày thắng trận".
Nam: "Thắng trận phất cờ nương tử
Tên họ ngời, trang sử nghìn thu".
Nguyệt Tiêm, nam:
"Non sông rửa sạch hận thù
Vầng dương sáng tỏ, mây mù xua tan".
Hoàng tử, nam:
"Bước giận nan khuyên càng vững chí ".
Nguyệt Tiêm nam:
(Thần xin hứa rằng)
"Vung gươm thề diệt loại trừ lũ gian"
Nói là bữa tiệc của nhà vua, nhưng rất đơn giản, chỉ có một cái khay gỗ, một cái bầu gỗ và hai cái chén gỗ đặc. Nhân vật làm động tác rót rượu, và mỗi người bê một chén rượu đưa vào mồm giả như uống rượu. Người xem không cần phải xem cái khay cái chén ấy có đẹp không, hay uống mỗi người mấy chén v.v... mà khán giả chú ý xem tình cảm giữa Hoàng tử nước Lương và nữ chúa Đông Ly, trước khi chia tay lên đường, kẻ đi, người ở, họ có tình cảm lưu luyến gì.
Văn chương lời lẽ trong kịch bản tuồng hết sức cô đọng, trên sân khấu được phép lướt qua những đoạn thiếu hành động.
Những đoạn lướt qua ấy được nhân vật kể lại một cách ngắn gọn cô đọng.
a. Tính chân thực của nghệ thuật thể hiện nhân vật.
Về mặt ngoại hình của nhân vật gồm có:
Cân đai, áo mão, hia hốt, râu ria. Hóa trang theo từng loại mô hình kép, Đào, Tướng, lão, mụ, nịnh v.v... Vũ đạo thì được khoa trương, cách điệu cao từ động tác võ thuật dân tộc và động tác trong cuộc sống. Ngữ khí, ngữ điệu, thì áp dụng theo trường canh và cung bậc đàn trình tấu, thủ pháp thì được tuyển chọn.
Về mặt nội tâm của nhân vật gồm có:
Tính cách nhân vật bộc lộ theo hoàn cảnh quy định. Vui, buồn, giận dữ, ghét, thương, oán, hận. Suy tư, đau khổ, hay tự mãn, huyênh hoang, sâu cay, đểu giả, hay ác độc, bạo tàn v.v...
Đối với nhân vật tuồng truyền thống thì mối quan hệ giữa ngoại hình và nội tâm là mối quan hệ không tách rời. Thoát vai nhập vai không phân biệt.
Nghệ thuật biểu diễn tuồng thường dùng thủ thuật ngoại hình để thể hiện nội tâm, và ngược lại từ nội tâm mà thể hiện ngoại hình. Chẳng hạn như lớp tuồng Tạ Ngọc Lân sai Cơ: Ông Lân từ trong bước ra sân khấu, ngồi trên chiếc hòm gỗ, bỗng cất mặt, bủng râu, trợn mắt, gãi tai, và nói lối theo điệu lối lo:
(Nghĩ giận!... Giận quá)
"Căm giận bầy tôi loàn con giặc
Xót thay vận nước tình nhà"
Những động tác cất mặt, trợn mắt, gãi tai, hoặc đập tay xuống hòm gỗ, đó là những trình thức ngoại hình khêu gợi nội tâm của nhân vật. Người diễn vai Tạ Ngọc Lân phải vận khí từ bụng lên làm cho báng cỗ phồng to, đỏ ửng, cái đầu lắc lư, đôi mắt cũng đỏ ngàu. Ngữ khí của câu nói lối giày vò, chua chát. Tạ Ngọc Lân nhả từng chữ chắc nịch như trút cạn tâm cang của mình. Trái lại với Trình thức biểu diễn trên, Tạ Ngọc Lân chưa cất mặt lên trình diễn với khán giả, cũng không gãi tai, đập bàn, mà nuôi cái oán giận, đau xót ấy từ trong hoàn cảnh quy định có thật của Tạ Ngọc Lân. Khán giả thấy Tạ Ngọc Lân đang cúi mặt, cái đầu lắc lư, dường như đang uất ức vấn đề gì đó. Rồi từ từ nhìn lên khán giả, đôi mắt đỏ ngàu, ướt rợt, và ông cắn răng lại mà nói (tuồng): (Nghĩ giận!... Giận quá!). Như vậy, Tạ Ngọc Lân thể hiện thủ pháp nội tâm có trước, rồi mới dùng trình thức ngoại hình như gãi tai, trợn mắt sau. Biểu diễn tuồng phải xuất phát từ bản chất của sự việc, và tính cách của nhân vật. Diễn viên nào tích lũy giàu có, phong phú, và biết chọn tuyển trình thức, thủ pháp biểu diễn, thì diễn viên ấy diễn đạt hiệu quả cao hơn, có sức truyền cảm đến khán giả nhiều hơn. Cũng có nhiều diễn viên biểu diễn, người xem chỉ thấy một số trình thức khô khan, khua tay, múa chân, trợn mắt, vuốt râu, mà không xuất phát từ sự rung cảm hoàn cảnh cuộc đời của nhân vật, thì không sao truyền cảm đến khán giả một cách mãnh liệt. Mặc dù diễn viên đóng Tạ Ngọc Lân có hình vóc đẹp, giọng hát tốt, người xem vẫn thấy biểu diễn ngoại hình.
Như lớp tuồng Phương Cơ xuống dinh Tạ Kim Hùng. Nàng đến đây với nhiệm vụ là vâng lời cha đến nói dối với Kim Hùng rằng cha đã chết rồi, và xin ở với Kim Hùng, để tìm cách cứu tù Lý Khắc Minh. Vì nhiệm vụ mà Phương Cơ phải đến, phải nói dối rằng cha đã chết. Thực lòng Phương Cơ không muốn trông thấy mặt một người anh phản bội tổ quốc. Không muốn nói đến câu "cha chết". Nàng mở miệng ra nghẹn ngào khó nói, trong lòng cứ bứt rứt vì muốn cho được việc mà đành phải buông lời bất hiếu với cha già. Phương Cơ phải cắn răng, bóp bụng mà chịu đựng những lời nói quá ư xúc phạm đến tình cảm cha con của Kim Hùng. Về mặt ngoại hình thì, Phương Cơ không có một động tác bên ngoài, chỉ diễn bằng ngữ khí, với sắc thái phản ứng toát ra từ trong lòng nhân vật. Ngoài miệng thì thưa gửi lễ độ như người em đang nói chuyện với người anh. Nhưng nhiều câu, nhiều lúc Phương Cơ ngoài tuồng trào nước mắt, mím môi mà chịu đựng, những lời lẽ bất trung, bất hiếu của Tạ Kim Hùng. Trong một lớp tuồng mà Phương Cơ không có "đất dựng võ", hoàn toàn bằng lời thoại và lời thường, không cho phép Phương Cơ làm động tác, vậy mà người xem rất lý thú lớp diễn của Phương Cơ, và Phương Cơ biết nuôi được tình cảm, sống thật lòng trong hoàn cảnh quy định của vở diễn.
Cũng như nhân vật Quan Tôn Trạch trong vở tuồng Ông Nhạc Tôn Trạch là một ông quan văn ở triều, được nhà vua tiến cử làm giám khảo trường thi với thái sư Bàng Xương-nịnh thần. Tất cả những nhân tài như Nhạc Phi, Vương Quý đều bị Bàng Xương đánh trượt, mà lại tiến cử Tần Cối vào cung. Trong một buổi hội triều, Tôn Trạch biết rõ Bàng Xương có lòng phản phúc, yểm nhân tài để mưu đồ tiếm vị. Nhưng Bàng Xương đang được nhà vua tin cẩn, binh lực triều đình trong tay Bàng Xương. Còn Tôn Trạch thì sức yếu thế cô. "Ngắn cổ kêu không thấu trời". Do đó, Tôn Trạch nén lòng mà chịu đựng. Nhưng càn nén, sức bậc của chân lý, của lòng trung thành cứ cuồn cuộn dâng trào, làm cho Tôn Trạch phát câm. Như vậy, một lớp tuồng, giữa buổi tiệc triều, Tôn Trạch không có một lời tuồng, không có một động tác hình thể, chỉ ngồi như pho tượng. Thế mà Tôn Trạch thể hiện nội tâm bằng cách vận khí từ bụng lên, làm cho nét mặt biến đổi sắc khí, rung động cả toàn thân, rồi phát ra một tiếng kêu "Bàng Xương" và câm bặt. Quá trình diễn biến từ sự ức chế, căng thẳng thần kinh. Bộ óc không còn chỉ đạo được nữa, tâm thần biến loạn dẫn đến cấm khẩu. Tôn Trạch không sử dụng được áo mão, râu ria, để khoa trương những động tác ngoại hình, mà dùng nghệ thuật thể hiện nội tâm để diễn đạt tính chân thật của nhân vật.
Tính chân thật còn thể hiện trong tiếng cười, tiếng khóc của nhân vật. Người diễn vai thủ vai, theo kịch bản quy định, diễn đến chỗ đó là nhân vật phải khóc, thì chỉ dùng động tác kéo tay áo rộng che mặt, cúi đầu thế là khóc. Hoặc anh kép thì kéo mối giây thắt lưng, cúi đầu làm động tác lau nước mắt thì đó là khóc. Hoặc ngửa bàn tay ra rung rung, cúi đầu như lau nước mắt cũng là khóc. Hoặc đưa cả cánh tay lên mặt gạt qua một cái, thế là khóc. Đó là những trình thức sẵn có trong tuồng truyền thống, biểu diễn theo lối ngoại hình. Nhưng nếu diễn viên thủ vai vận dụng được nội tâm thì sự rung động thật sự hoàn cảnh nhân vật, tạo nên tiếng khóc thật, làm rung động người xem, mà không cần dùng trình thức ngoại hình để che đậy. Những người đóng nhân vật già giặn tay nghề, vừa thể hiện nội tâm, vừa kết hợp động tác điêu luyện, chuẩn xác thì cái chân thật ấy được phong phú hơn, súc tích hơn và đúng với nghệ thuật truyền thống hơn.
Nói đến tiếng cười của tuồng có nhiều người biểu diễn, hễ là đến chỗ cười thì phải cười. Cười thì ngửa mặt lên trời, đầu lắc qua lắc lại. Như ông quan trung thần thì giọng cười hà hà… Còn nịnh thần thì cười hế hế… nhân vật nào cũng chỉ có giọng cười như thế thôi. Nhưng cái chân thật trong tiếng cười của tuồng phải xuất phát từ cảm hứng, từ hoàn cảnh quy định mà nhân vật đang sống, cười theo tính cách của nhân vật. Tính lạc quan cởi mở hay điềm tĩnh ít nói. Cười một đợt để dài, hay cười nấc ba đợt. Cười ra tiếng hay cười không ra tiếng. Cười thoải mái vô tư hay cười miễn cưỡng gượng ép, cười chân thật hay cười đểu giả. Cười vì vui hay cười thô lỗ. Cười khinh bỉ hay cười đau cay hăm dọa… Ngay mô hình nịnh thái sư cũng có nhiều loại nịnh cười khác nhau. Có nghĩa tên nịnh sâu hiểm, ác độc, giết người không nhờn tay thì tiếng cười như con quạ kêu. Có nghĩa tên nịnh bất tài, béo phệ thì tiếng cười như con lợn (ịt, ịt), có nghĩa tên già mồm, lão khẩu hỗn xược thì tiếng cười như ngựa hý. Có tên hoang dâm vô độ thì cười như con gà trống gáy. Có loại cười như con dê kêu, con bò rống, con chó sủa v.v…
Tính chân thật của nghệ thuật thể hiện nhân vật truyền thống, xuất phát từ thể hiện tâm tư, tình cảm sâu lắng bên trong của nhân vật. Lạm dụng những thủ pháp biểu diễn từ trong lòng nhân vật mà toát ra để diễn đạt tính cách của nhân vật. Còn những hình thức ngoại hình là để hỗ trợ cần thiết của nghệ thuật.
b. Tính co dãn trong nghệ thuật thể hiện nhân vật.
Tính co dãn cũng là một đặc trưng của tuồng. Do yêu cầu thể hiện hoàn cảnh, tính cách nhân vật. Nhân vật sống trong bối cảnh nào, hành động như thế nào thì điệu hát, bộ múa cũng phải phục vụ theo thế ấy. Trống, phách, đàn, kèn đều áp dụng theo tiết tấu diễn của nhân vật. Cũng một câu nam hay câu khách, có khi hát rất chậm, có khi hát rất nhanh. Nhanh hay chậm đều do yêu cầu tình huống kịch, do hoàn cảnh nhân vật đang hành động. Như hát khách kể chuyện, tự sự, khách uống rượu, khách hồn, khách thán thì hát rất chậm. Nhưng hát khách hành binh, khách đấu trận thì lại rất nhanh. Ví dụ như câu hát khách rượu của Lưu Bị trong lớp tuồng Giang đông phó hội thì rất chậm. Lưu Bị không say mà giả say để chơi khăm Châu Công Cẩn, vì Công Cẩn đã thất bại mưu đồ hại Lưu Bị: "Đa tạ tướng quân, lễ tân chủ đãi ngô thâm hậu. Biệt từ đốc tướng, phản cựu thành báo nghĩa đại ân". Hay câu hát khách hồn Linh Tá trong lớp tuồng đưa đèn cho Đổng Kim lân qua đèo. Trong hoàn cảnh núi cao, hố thẳm, trong đêm tối mịt mờ, với ngọn đèn leo lét của Linh Tá soi đường cho Kim Lân dắt ngựa lần theo: "Anh hỡi Đổng Kim Lân, tấc dạ thủy chung, núi hiểm hang cùng không bỏ bạn. Em thật Khương Linh Tá, lời thề sanh tử, non trèo, suối lội quyết theo nhau".
Nhưng câu hát khách hành binh mà Võ Tam Tư trong tuồng Hộ sanh đàn thì lại nhanh. Bởi vì Võ Tam Tư đang thúc quân đuổi theo Tiết cương: "Thiết mã thiên quần phi tợ Tuyết. Hàng binh vạn đội bố như tinh".
Hoặc như câu khách đấu trận của Quan Công đánh với Hạ Hầu Đôn trong vở Quan Công hồi cổ thành. Trong hoàn cảnh chiến trận thì không thể hát dai dải được, mà phải nhanh:
"Thủ bả thanh long, sát hổ tướng hành vân (như) đậu võ.
Thân thừa xích thố, nhập xà đồ phũng võ (như) đằng giao".
Trường hợp hát nam xuân rất chậm như lớp tuồng vợ chồng Tiết Cương phát đường, lội suối, trèo non, lần về Sơn Trại, Tiết Cương và Kỷ Lan Anh vợ chồng động viên nhau trên đường đi khó khăn hiểm trở:
"Thoát đặng giây oan lưới hạo,
Bước gập ghình dìu đỡ theo nhau.
Lan Anh hát:
Lao xao sóng vỗ ngọn tùng
Gian nan là nợ anh hùng phải vay".
Đến câu nam thứ 3 thì nhạc trỗi, tiết tấu nhanh hơn, vì đã gần tới Sơn Trại rồi:
"Sơn đình đoái đã gần đây
Nhẹ chưng kỳ ký thoát bầy khuyển ưng".
Cũng hát nam xuân, như trường hợp Tạ Ngọc Lân chạy lên chùa gặp Triệu Tử Cung để cùng bàn bạc xuống Trường An cứu tù nữ chúa thì lại rất nhanh:
"Trúc tự bước đường lặn lội
dề ngại gì mỏi gối, chồn chân".
Phương Cơ hát:
"Dày sương, đạp sỏi đã từng,
Hiếu trung giữ trọn gian truân xem thường"
Ngọc Lân hát:
"Quảng bao gai gốc dặm trường.
Mượn gươm trí tuệ diệt phường tà giam".
Hoặc cùng một bài nhạc lớp, nói lối bộ, nhưng có tình huống nói nhanh múa nhanh, tiết tấu rất căng như lớp tuồng khi Tạ Ngọc Lân nghe Phương Cơ về báo tin, Triệu Văn Hoán chiếm ngôi vua, hạ ngục nữ chúa:
"Nghe nói ngồi không an chiếu
Nghĩ thôi đứng chẳng vững chưng
Nóng nảy thay, lòng nọ lửa hừng
Xốn xang bấy gan kia dầu cháy".
Như sắp lối bộ của Tạ Ôn Đình gặp Phàn Diệm thì lại rất chậm. Mặc dù trong chiến trận, nhưng nhạc phải bóp (tấu) chậm, Ôn Đình nói lối chậm, múa chậm để khắc họa tính cách chững chạc, sai phong nghiêm nghị, kiêu ngạo tự phụ, khinh thường địch thủ:
"Thằng nào dị diện
Cổ quái hình dung
Mỉa xem ốc tợ lôi công
Hai mắt dường gương lồ lộ".
Hoặc cùng một nhân vật, một sắp hát nam, một hoàn cảnh, nhưng có người hát rất dài, có người hát rất ngắn. Trường hợp này là do trình độ thể hiện đài từ, do tay nghề vững vàng, có nhiều thủ pháp biểu diễn sâu sắc, lại có giọng hát tốt, láy rúc đến nơi đến chốn. Trái lại diễn viên yêu nghề, giọng hát kém thì không thể nào diễn cho ra tâm trạng được, do đó nên phải hát ngắn, không thể kéo dài được. Ví dụ như ba câu nam của Trương Liêu, trên đường đi ra ải của họ Hầu Đồn, để truyền lệnh cho Tào Tháo cho Hầu Đồn rằng không được chặn đường về Tây Thục của Quan Công:
"Bạc thiệp chi nài viễn lộ
Dốc vuông tròn tình cũ nghĩa xưa
Một tay kinh tế còn thừa
Giao long luống đợi mây mưa những ngày
Quan thành đoái đã gần đây
Mau mau tới đó tỏ bày sự do".
Còn rất nhiều làn điệu tự do không có nhịp nhạc, nhạc chỉ đồng phục vụ cho diễn xuất như: oán, thán, ngâm, vịnh, banh v.v… Diễn dài hay ngắn đều do khả năng thể hiện nhân vật của người diễn viên. Nhạc tuồng không đàn theo lời hát mà theo trường canh (nhanh, chậm). Còn diễn dài ngắn về thời gian là do yêu cầu và trình độ thể hiện nhân vật của diễn viên. Tính co dãn là mảnh đất tốt để cho nhân vật có điều kiện bộc lộ hết tài năng, không hạn chế thời gian, miễn là tiết tấu diễn luôn luôn sôi động.
(còn nữa) |