Phụ lục: Tìm hiểu nghệ thuật biểu diễn tuồng truyền thống:
3. Tính hài hòa và hoàn chỉnh của nhân vật tuồng truyền thống
9:51', 21/8/ 2005 (GMT+7)

Nhân vật tuồng truyền thống, từ hình thức, đến nội dung, từ bộ mặt ngoại hình đến bộ mặt tâm lý. Từ sử dụng làn điệu đến động tác múa. Từ sử dụng binh khí đến đạo cụ v.v… Tất cả đều hài hòa, hoàn chỉnh từng mô hình một cách chuẩn mực.

Mô hình đào chiến như Đào Tam Xuân, Liễu Nguyệt Tiêm. Hóa trang má hồng, có đôi chân mày xước (đuôi mày xác dựng lên ). Mặc giáp có cờ lệnh. Mặc quần quấn sa phu. Đầu đội mão văn luông, có dắt đôi lông trĩ, sử dụng binh khí bằng đại đao, hay song kiếm. Về làn điệu thì thường khi nhân vật mới xuất hiện dùng điệu bạch. Bởi vì bạch là loại làn điệu khác. Động tác múa cũng khác, tay chân xoang, xỏ, ký, cầu được quyền khoa trương rộng rãi. Hoặc như Kỷ Lan Anh, công chúa Thoại Ba thì thuộc mô hình "đào trào" (triều). Mặc áo mã tiền, mặc váy rộng. Đội mão văn luông hay cửu phụng. Hóa trang má hồng, đôi chân mày lá liễu. Nhân vật xuất hiện bằng làn điệu xướng nhẹ nhàng, thanh tao, dáng đi, bộ đứng dịu dàng uyển chuyển. Động tác múa vừa phải, ít khoa trương. Hoặc như Hồ Nguyệt Cô, Đát Kỷ thuộc mô hình đào dâm, đào lẳng, phục trang, hóa trang cũng như đào trào. Ngữ khí thì hơi điêu ngoa, cải giọng. Động tác thì ngoa ngoắt, sỗ sàng. Đôi mắt thể hiện cái nét dâm dật của thú tính như Hồ Nguyệt Cô hiếp dâm Tiết Giao, Đát Kỷ ve Bá Ấp Khảo ở lớp dạy đàn. Hoặc như đào thôn trang, cảnh nhà nghèo khó như Xuân Đào, Phương Cơ thì phục trang đơn giản. Mặc áo nhật bình, quấn váy, đầu búi tóc, không có trâm cài, lược dắt. Ngữ khí ngắn gọn không đai dài như đào cùng trang. Vũ đạo thì giản đơn không có bộ múa khoa trương cầu kỳ. Tính chất mộc mạc, hiền lành của người lao động. Nói đến nhân vật kép của tuồng là nói đến sự tao nhã, chững chạc. Từ đường đi nét bước, đến ngữ khí, ngữ điệu và động tác phải duyên dáng, dịu mát thì mới gọi là kép, kép trong tuồng truyền thống như: Đổng Kim Lân, Đào Phi Phụng, Tống Địch Thanh, Phụng Kính Văn, Lý Mã Hiền v.v… Loại kép này mặc áo long chấn xanh lam, hoặc đen. Có dây thắt lưng giữa bụng, mối dây thả dài bên sườn trái. Bên trong có xóc xiêm trường, xiêm giáp, chân quấn sa phu, đi hia. Đội mão đòn cân (văn trạng) màu đen, hoặc xanh. Mặt vẽ đỏ tuyền, hoặc trắng hồng, có đôi chân mày hơi xước lên, nhưng không to. Binh khí sử dụng là Trường Thương hay đại đao. Đây là loại kép pha võ chứ không phải kép văn như: Ngựa Văn Quân, Triệu Đình Long. Cũng không phải loại kép hoàn toàn võ như: Cao Hoài Đức, Đơn Hùng Tín, La Thành v.v… Loại kép võ thì múa khỏe, ngữ khí lớn. Phần lớn trong tuồng là kép pha võ với chức trạng nguyên, nguyên soái, hay phò mã v.v… Bộ mặt ngoại hình tao nhã như vậy, nên bộ mặt tâm lý là những người trung thành tất mực, có nhiều tâm trạng phức tạp, gay cấn trong sự nghiệp cuộc đời của mình. Thường là nhân vật chính trong các vở tuồng, là những người từng chịu đựng những biến cố của đất nước, nhưng rồi cũng vượt qua và chiến thắng huy hoàng.

Trường hợp như Triệu Tư Cung trong vở Ngọn lửa Hồng Sơn. Trước kia trong vở tuồng Tam nữ Đồ Vương, Triệu Tư Cung mặt đỏ vỏ cua, đôi chân mày quắm. Tướng mạo như vậy nên sử dụng binh khí bằng song phũ (hai búa. Ngày nay Triệu Tư Cung hóa trang mặt trắng hồng, chân mày ngang như kép. Thế mà dùng song phũ là hoàn toàn mất tính hài hòa, hoàn chỉnh của sân khấu truyền thống. Hoặc như Tạ Ngọc Lân đang cày ngoài đồng, thế mà mang giầy thì thật là chối. Chưa tính đến nghệ thuật biểu diễn của Tạ Ngọc Lân, một ông già 83 tuổi, tay chân gân guốc, từng bước đi, chân bám chặt xuống đất chắc nịch. Người xem thấy những đường gân của đôi chân ông đứng, đi, vừa già lại vừa khỏe rất hài hòa với mô hình lão võ, râu liên tu bạc, mặt tròng lõa đen, mình trần, chân đất. Quần xắn cao, xiêm ngắn.

Đáng chú ý trong tuồng có loại kép xéo, kép rằng. Kép xéo thì có loại xéo xanh, xéo đỏ, xéo đen, mang râu dài ba chòm. Kép rằng thì mắt tròng lõa, mang râu quắn liên tu. Kép xéo hay kép rằng đầu đều búi cao, mặc áo vạt hò, quấn xiêm trường, xiêm giáp ra ngoài áo, thắt dây lưng giữa bụng, chân đi đất hoặc đi giầy thấp. Kép xéo, kép rằng thường sử dụng bộ hạ (gối chùn). Kép xéo múa nhẹ nhàng, mướt hơn kép rằng. Ngữ khí của kép rằng khỏe hơn, to hơn kép xéo. Hai loại kép xéo và kép rằng thường là chính diện. Những con người có tài, thường chịu đựng khó khăn, gian khổ trong xã hội. Họ thường ở núi hoặc ở biển. Họ là bầy tôi trung thành của các vị soái, tướng lĩnh cấp cao ở triều đình như: Mạnh Lương, Tiêu Tán, Nhạc Thắng, Như Lưu Khánh, Đình Quý, Mạnh Quốc hay Thủy Định Minh v.v… Cũng có loại kép xéo có phẩm chất triều đình như Khương Linh Tá, Trịnh Ân, Vạn Kim Anh v.v… Nói chung loại kép này võ nhiều hơn văn nên múa nhiều, khỏe và múa đẹp. Chẳng hạn như Thủy Định Minh, thuộc mô hình kép xéo xanh ở biển. Đầu búi tóc cao, mặc áo vạt hò đen, quấn xiêm, đi chân đất, râu dài đen ba chòm. Anh vác cần câu đi câu cá, trong lưng có dắt độc phũ. Nhân vật này múa rất mướt, chân bảng ký, cầu tròn trịa. Bộ tay xoang xở, cuốn lật, trong lớp, dựng, xây mềm mại. Lời nói, tiếng hát, giọng cười thanh tao, thánh thoát. Hoặc như Mạnh Lương thì mặt tròng xéo đỏ, thuộc mô hình kép rừng. Dáng đi, bộ đứng khác với Thủy Định Minh, vì anh ở rừng núi. Đôi chân đứng, đi thường rún gối. Tính tình hay nóng nảy, thô bạo, nhưng rất mực trung thành, vì nước vì chủ mà làm việc quên mình. Hoặc như mô hình nịnh cỡ lớn ở triều như thái sư, phụ chánh. Nịnh thì mặc mốc, có đôi chân mày đen to dựng ngược, mang râu liên tu dài. Đội mão màu đỏ hoặc đen có thắt đai. Đội mão binh thiên, chân đi hia. Mô hình nịnh thì không sử dụng các làn điệu hát trữ tình như nam xuân, nam ai, thán, oán. Ngữ khí thì cộc cằn, đểu cáng. Vũ đạo thì không múa những động tác cơ bản chính thống mà sử dụng những động tác trông gồ ghề, thô thiển. Bộ mặt ngoại hình như vậy mới cân xứng với lòng dạ hiểm sâu gian tà, ác độc của nhân vật.

Tóm lại đặc trưng của nghệ thuật biểu diễn tuồng mang tính ước lệ, cách điệu và khoa trương. Không gian và thời gian trên sân khấu do nhân vật tự dựng lên. Ngôn ngữ, động tác, đạo cụ, phục trang, hóa trang đều được cách điệu theo từng mô hình và tính cách nhân vật một cách hoàn chỉnh, chuẩn mực. Ngôn ngữ, văn học tuồng rất súc tích cô đọng. Kịch bản không mô tả những lớp sinh hoạt bình thường, mà tập trung vào những lớp có sự kiện diễn biến lớn trong tâm trạng, ảnh hưởng đến cuộc đời, đến lý tưởng và vận mệnh của nhân vật. Về làn điệu hát và múa cũng không lệ thuộc vào âm nhạc, hát câu gì, chữ gì phải theo đúng nốt nhạc, mà chỉ theo tiết tấu và giai điệu. Trường canh dài, ngắn là do yêu cầu diễn xuất của nhân vật. Diễn xuất, nhập vai của tuồng không phân định giới hạn giữa ngoại hình và nội tâm. Tính chân thật của nhân vật khi sử dụng hợp lý và phong phú những trình thức, thủ pháp biểu diễn, bộc lộ được tâm trạng, tình cảm diễn biến của nhân vật.

(còn nữa)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
2. Tính cô đọng trong nghệ thuật thể hiện nhân vật  (17/08/2005)
Phụ lục: Tìm hiểu nghệ thuật biểu diễn tuồng truyền thống  (15/08/2005)
Chương IX: Phát huy nghề võ, không bỏ nghề tuồng  (27/07/2005)
Chương VIII: Biểu diễn minh họa  (22/07/2005)
Chương VII: Trở lại đất Bắc  (18/07/2005)
Chương VI: Đất nước thống nhất - châu về họp phố  (14/07/2005)
Chương V: Vào Nam  (08/07/2005)
Chương IV: Từ gian khó đến trưởng thành  (06/07/2005)
Chương III: Truyền thống võ và tuồng của gia đình họ Trần   (30/06/2005)
Chương II: Đất tuồng sinh ra những tài năng tuồng  (24/06/2005)
Chương I: Bình Định - miền đất thượng võ  (21/06/2005)
Mấy lời đầu sách  (19/06/2005)
Trần Hưng Quang -Tuồng và võ   (16/06/2005)