1. Ngữ khí, ngữ điệu của nhân vật:
Ngữ khí, ngữ điệu là tiếng nói, giọng hát của nhân vật. Mỗi nhân vật đều có tiếng nói và giọng hát riêng của nó để thể hiện tình cảm và tính cách nhân vật. Ngữ khí, ngữ điệu là lượng thông tin lớn nhất, có sức mạnh truyền cảm đến khán giả nhiều nhất. Yêu cầu thể hiện nhân vật tuồng truyền thống, trước hết là tiếng nói và giọng hát phải phù hợp với mô hình nhân vật. Giọng hát của tướng phải vang to, khỏe. Lão võ thì phải có giọng nhám khỏe. Lão văn thì giọng thanh trong. Kép trắng, kép đỏ thì giọng nói, điệu hát phải trong trẻo, thanh tao, uyển chuyển. Kép xéo, kép rằng thì giọng hát phải no đủ, ấm áp. Nịnh thần thì giọng hòm, cộc cằn. Đào chiến thì giọng hát vang, khỏe, khảng khái. Đào bi thì giọng hát ngân nga đài dài, chững chạc. Đào lẳng thì ngữ khí chua ngoa, xẵng giọng. Đào dâm thì ngọt ngào, đưa đẩy. Đào thôn trang thì ngữ khí ngắn gọn, nhỏ nhẹ v.v…
Cũng một câu nói lối trước đối tượng thù địch. Mỗi mô hình thể hiện ngữ khí khác nhau, do tính cách của nhân vật khác nhau:
"Đó đừng khoe dũng võ
Đây dễ sút kỳ mưu".
Một chàng thư sinh non trẻ, không có võ, mặc dù anh ta đang kình địch với đối phương nhưng ngữ khí của cậu này, ăn nói nhẹ nhàng, trông có vẻ yếu ớt, không căng thẳng lắm. Nhưng cũng một chàng trai trẻ khác có võ nghệ, sức lực cường tráng thì ngữ khí khẳng khái, có vẻ khí thế hơn, nhưng vẫn giữ được chất trẻ trung, thanh đạm của nhân vật. Đến anh kép xéo đã có râu dài đen ba chòm thì thể hiện ngữ khí cậu này khỏe hơn và sắc bén hơn hai anh trai trẻ trên. Đến khi tuổi già, râu ba chòm đã bạc trắng. Chân tay gân cốt đã yếu như mô hình lão văn chẳng hạn. Mặc dù ông ta giận, tay, chân run rẩy lập cập, nhưng ngữ khí đã yếu ớt, vì răng rụng xì hơi. Cũng già nhưng là lão võ, râu liên tu bạc thì ngữ khí rất khỏe, trông gân cốt oai nghiêm, dữ tợn, nhưng loại tướng em, tướng cạnh thì ngữ khí cụt ngủn, giọng nói như nhát gừng, vừa nói vừa sợ đối phương. Miệng nói nhưng chân muốn bỏ chạy. Nhân vật nịnh cỡ thái sư, phụ chánh, có binh quyền trong tay thì ngữ khí nhả từng chữ một như đếm một, hai. Giọng nói ngạo nghễ, xem đối phương dưới tầm con mắt mình.
Lời của nhân vật trong kịch bản có ba loại:
Loại viết bằng lời thơ dùng cho nhân vật hát. Loại văn vần dùng để nói lối, và loại văn xuôi dùng cho nhân vật nói thường. Lời thơ viết theo thơ đường, tứ tuyệt hay lục bát, song thất. Khi nhân vật thể ngữ điệu thì yêu cầu phải tròn vành, rõ chữ. Láy rúc đầy đủ, trong thanh, êm dịu, ấm áp. Trường canh vững chắc, đúng với cung bậc đàn. Đó là yêu cầu cơ bản của người diễn viên. Nhưng khi đi vào nhân vật thì yêu cầu phải thể hiện cho được tình cảm, tâm trạng trong câu hát. Như câu hát nam xuân của Kỷ Lan Anh cùng chồng là Tiết Cương, trên đường đi núi cao, hố thẳm, lần về Sơn Trại:
"Lao xao sóng vỗ ngọn tùng
Gian nan là nợ anh hùng phải vay"
Tùng là loại cây rất khỏe ở Trung Quốc, có sức cản gió phát ra làn sóng lao xao. Ví như Tiết Cương là con người anh hùng phải chịu đựng gian nan thử thách. Chịu đựng sóng gió của cuộc đời, nhưng vẫn vững vàng như cây tùng, cây bách. Từ nội dung của câu hát, Kỷ Lan Anh phải thể hiện lời hát ngọt ngào, êm dịu, thể hiện đầy đủ tình cảm để động viên chồng vượt qua gian khổ, cùng nhau trở về Sơn Trại.
Hoặc như câu hát nam của Tống Địch Thanh trong lớp tuồng chia tay với Thoại Ba tại ải Cáp Man:
"Anh hùng nước bước còn săn"
(Khóc nữa làm anh đau lòng lắm em ơi!)
Đừng dun mày liễu mà quắn ruột lan"
Con người anh hùng còn phải lặn lội phong trần, phải lo trả nợ kiếm cung, chưa phải lúc yên hàn, vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau.
Đừng khóc nữa, khóc thì đôi mày liễu phải nhăn nhó, xúc động đến thai bào. Cái thai trong bụng Thoại Ba ví như chiếc hoa. Tống Địch Thanh còn mang nặng tình vợ chồng nhưng anh phải rứt ruột ra đi làm nhiệm vụ bình Liêu, vì thương Thoại Ba bụng mang dạ chửa. Thoại Ba thương Tống Địch Thanh mà khóc sướt mướt. Địch Thanh sợ động đến thai bào, động đến hòn máu của anh. Địch Thanh thể hiện ngữ điệu của câu này, bên ngoài là để động viên vợ, nhưng bên trong anh cũng đứt từng khúc ruột! Nước mắt anh cũng tuôn trào giàn giụa!.
Hoặc câu hát khách có tính chất tự sự của vợ chồng Tiết Cương, vừa mới thoát ra khỏi chiến trận vợ chồng gặp nhau:
Kỷ Lan Anh hát: "Thử tế lâm nguy, sanh tử thiên nghi hồ mộng lý".
Tiết Cương hát: "Kinh thu tích biệt, tao phùng du tại loạn ly trung".
Tạm dịch: (Những ngày nguy khốn, sống chết có trời phù hộ. Nay gặp nhau trong giấc mộng. Trải qua năm tháng xa nhau. Nay lại gặp nhau trong lúc loạn ly). Tiết Cương về kinh sư tảo mộ cha mẹ, bị quân Võ Hậu đuổi đánh. Một người, một ngựa chống chọi lại thiên binh, vạn mã, sức anh đã kiệt. May sao Kỷ Lan Anh nghe tin, từ Sơn Trại kéo gia đình đi tìm. Giữa đường gặp giặc, nàng phục binh hợp sức đánh cứu chồng. Tình cảm của Lan Anh vừa mừng lại vừa tủi. Cứu được chồng ra khỏi cuộc chiến là nàng mừng, nhưng nghĩ đến sự gian khổ của chồng mà xúc động nước mắt. Câu hát này, nếu Kỷ Lan Anh diễn một mặt chỉ mừng vui, mà không nghẹn ngào rơi nước mắt thì chưa đạt tình cảm của Lan Anh. Cũng như Tiết Cương vui mừng gặp vợ, anh đi đã lâu ngày biệt tích nay gặp nhau giữa chốn đao binh. Tiết Cương cũng rơi nước mắt, vì nửa mừng, nửa lo cho vợ bụng mang dạ chửa, lại chiến đấu còn đang tiếp diễn. Hoặc câu hát khách của người vừa chết sống lại như Hoàng Phi Hổ bị hỏa long phiêu Trần Đồng đốt. Hoàng Phi Hóa là em của Hoàng Phi Hổ đi hạc tiên đến cứu:
"Đa tạ tiên nhơn, tiên nhơn lại cứu ngã trợ kỳ yên hỏa
Hà thời báo nghĩa tại hà thời thù ân giả"
Người đã chết vừa sống lại, tâm thần chưa bình ổn. Ngữ điệu phải thể hiện như người ốm, giọng hát phải nhẹ, trầm, nhưng cái láy rúc thả trôi xuôi vất vưởng, trông mệt mà khó nhọc, nhưng Phi Hổ phải gắng sức tạ ơn người cứu tử.
Cũng như câu khách hồn của Khương Linh Tá, rọi đèn dẫn Đổng Kim Lân sang thành Sơn Hậu:
"Anh hỡi Đổng Kim Lân, tấc dạ thủy chung
Núi hiểm, hang cùng không bỏ bạn…"
Người đóng Khương Linh Tá phải hát cho ra giọng hồn ma. Ngữ điệu phải sử dụng được giọng mé, bỏ chữ chậm rãi, nghe lơ lớ, phường phất như tiếng hát giữa không trung, thì mới gọi là hát khách hồn.
Hoặc như điệu hát thán của Lý Khắc Minh trong vở tuồng Tam nữ đồ vương:
"Song thưa gió lạnh suốt canh tràng
Trằn trọc bên màn giấc chẳng an
Trăm mối tơ vò khôn mở miệng
Chỉ ôm chích gối lệ sang sang".
Trong đêm trường tĩnh mịch, một mình ông vào ra thổn thức, lo mưu kế cứu nước. Lòng dạ Lý Khắc Minh rối ren như tơ vò. Nhìn trước, trông sau vắng vẻ, chẳng dám mở miệng cùng ai. Biết có ai là người tốt để thổ lộ tâm tình, cùng chung lo việc nước! Ngọn gió canh khuya thổi lạnh buốt cả tâm can, nhưng cũng đồng thời cái lạnh lẽo cô đơn của Lý Khắc Minh, vào ra, thổn thức lo nghĩ chỉ có một mình. Giữa cảnh và tình, mượn cảnh nói tình, phản ánh tâm trạng sâu lắng của Lý Khắc Minh.
Văn vần dùng để nói lối. Nghệ thuật nói lối là khó nhất, nói lối rất đa dạng, có nhiều loại lối thể hiện tâm trạng, tình cảm khác nhau. Mỗi loại nói lối có giai điệu riêng như nói lối bốp (lối bộ). Nói lối phải ra bộ, sử dụng vào các tình huống cấp bách, nói nhanh, múa nhanh theo nhịp nhạc báp. Ví dụ như: Sắp nói lối của Đổng Kim Lân kéo binh đến thành Tạ Ôn Đình. Cửa thành họ Tạ đóng chặt:
"Cửa thành còn nghiêm cấm
Nhà gã dám vọng ngôn
Hiệu nhà bay phi báo cùng ta
Ta xuất trận sao không xuất trận"
Đổng Kim Lân cử binh mã đến, thấy cửa thành họ Tạ đóng chặt. Anh ngạc nhiên, gò ngựa lại hỏi. Ngữ khí cứng cỏi, nghiêm nghị, với tư thế của một vị tướng nhà Tề, trong một tiết tấu hừng hực của cuộc chiến. Hoặc như sắp nói lối điệu (nhạc xây bài thượng) của Tạ Nguyệt Hạo tam cung, chị ruột của anh em họ Tạ:
"Kế trường phụng nhọc lòng suy nghĩ
Ngắm đền rồng tấc dạ bị thương
Ba em đã đem thói bất lương
Một thứ hậu cam bề thọ lụy".
Nguyệt Hạo thuộc mô hình đào cung trang, chững chạc, nghiêm túc. Ngữ khí thể hiện sự lo âu sâu lắng, thầm kín. Cái lo của con người cung đình đài các nên dùng lối điệu mới thích hợp tâm trạng và tính cách của nhân vật. Lối điệu là loại nói lối khó nhất, giọng nói ngân nga uyển chuyển, đài dài từng chữ, chỉ thích hợp với nhân vật cung đình đài các.
Hoặc sắp nói lối Đạp của Đổng Kim Lân trong lớp tuồng Biệt mẹ:
"Xin mẹ về quê cũ nương thân phương tái ngộ ngày sau con sẽ liệu, ngay vua con dốc báo, thảo thân mẹ khôn toàn, dạ dạ cúi đầu lạy nghiêm đường. Về quê xưa lánh mặt, mẹ là mẹ ơi!"
Trong một tình huống vô cùng cấp bách. Đổng Kim Lân phải gấp phò thứ hậu Phàn Phụng Cơ đi ngay trong đêm, để lánh xa quân họ Tạ truy theo. Nhưng anh phải giải quyết Đổng Mẫu là mẹ anh lánh về quê nhà ẩn nấu để tránh sự trả thù của quân địch. Tình mẫu tử trong lúc phải chia tay đột ngột. Anh ra đi cứu nước, nhưng sợ mẹ già đói rách cơ hàn. Chữ hiếu anh chưa đáp đền, mà bây giờ phải lo trọn chữ trung. Hoàn cảnh, tâm trạng Đổng Kim Lân như vậy nên dùng điệu lối đạp. Lối đạp nghĩa là nói một câu mạch từng chữ một, nói rất nhanh không dứt câu. Chỉ có lối đạp mới đáp ứng được yêu cầu tình huống khẩn cấp của kịch. Hoặc nói lối ghế, (nhạc xây tá) một điệu lối chững chạc nghiêm trang. Lối ghế dùng để cho nhân vật trương danh và kể lại những hành động đã qua một cách nghiêm túc, và bộc lộ hết tâm trạng của nhân vật. Như sắp lối ghế của Tống Địch Thanh trong tuồng Địch Thanh ly Thợn.
"Phụng thánh chỉ bình nhung
Ngã Địch Thanh nguyên súy
Lỡ bước vì ngươi Đình Quý
(Nên chi) Gá duyên tạm với Thoại Ba
Trăng hồng lầu dục não lòng ta
Gió có quốc đưa sầu cho mổ…. ".
Tống Địch Thanh bị Tiêu Đình Quý dẫn lạc đường sang nước Đơn, anh kết duyên với Thoại Ba công chúa. Nợ bình Liêu anh chưa trả được, lại nhớ mẹ già bên Tống. Xa cố quốc lòng anh bồi hồi xao xuyến. Địch Thanh ôm mối sầu riêng vào ra thổn thức, mà anh không cho Thoại Ba biết. Yêu cầu ngữ khí của Địch Thanh phải thể hiện trong thanh, dịu mát, và nói lên bao tâm trạng của một vị nguyên soát xa lìa tổ quốc, nhớ mẹ già. Nợ Bình Liêu còn mang nặng canh cánh bên lòng chờ trông tin tức Lưu Khánh về báo lại. Hoặc như sắp nói lối lo (trống rụp đô dài) của Tạ Ngọc Lân trong lớp tuồng Sai Cơ:
(Nghĩ giận!… Giận quá)
"Căm giận bấy tôi loàn con giặc
Xót xa thay vận nước tình nhà
(Trong lúc này, phải có ai)
Về kinh sư do thám giúp già
Cùng tìm cách lo phương cứu chúa".
Tạ Ngọc Lân đã 83 tuổi, ông về hưu cày ruộng. Con trai ông là Tạ Kim Hùng theo phò nịnh thần Văn Hoán. Ông lo cho công việc triều đình, ngày đêm quên ăn mất ngủ. Vì ông ở xa kinh đô, không biết được tin tức. Tạ Ngọc Lân là mô hình lão võ, không sử dụng được lối điệu, lối ghế mà dùng lối lo mới thổ lộ được tâm trạng của mình. Trống rụp đổ dài nói lên trong lòng đang sôi sục của ông Lân lo vì việc nước. Đồng thời nó hài hòa giữa điệu lối lo với tướng mạo và tính cách lạc quan cởi mở của ông Lân.
Hoặc như điệu nói lối rịn (lối đi). Lối rịn thể hiện tâm trạng nhân vật đã đến lúc đê mê, bế tắc, cùng quẫn. Lời nói như khóc, miệng nói mà nước mắt tuôn trào giàn giụa. Như sắp lối rịn của Đổng Kim Lân ở lớp thượng thành. Không đầu họ Tạ thì sợ mẹ chết, mà đầu thì mất đạo trung. Một vị tướng trung hiếu lưỡng toàn, xử sự như thế nào đây. Còn Đổng Mẫu thì khăng khăng giục Đổng Kim Lân đánh, dù bà có chết cũng mát lá gan. Đổng Kim Lân phải khóc mà phân trần với mẹ:
(Mẹ ơi!) "Mẹ đứng đó tấc hơi thiết thiết
Con ngồi đây mà mắt lòa lòa"
(Con đây) Dễ quên câu quấc nhì vong giã
(Nhưng mẹ ơi) Cực gì đã mẫu hề cúc ngà
(Mẹ là mẹ ơi!) Tình mẫu tử lòng càng giục giã.
Nghĩa quân thần đâu dám phôi pha…"
- Văn xuôi dùng để nói hường: Nói hường dùng để xen vào hoặc trước, giữa câu lối, câu hát, mà câu lối hay câu hát ấy diễn đạt chưa hết ý. Lời nói hường làm rõ nghĩa cho câu thơ hoặc câu văn vần. Nói hường càng ngắn gọn, đủ ý càng hay, vì nói hường là lời phụ âm chứ không phải lời văn chính. Về âm điệu thì nói hường cũng phải theo cung bậc và âm hường của câu lối hoặc câu hát. Nói hường cũng thể hiện đầy đủ tâm trạng, tình cảm của nhân vật. Chẳng hạn như Tạ Ngọc Lân nói hường trước khi nói lối lo: (Nghĩ giận!… Giận quá!). Lời hường giận! - Giận quá! Cũng là ra thủ cho điệu lối lo:
"Căm giận bấy tôi loàn con giặc…"
Hoặc giữa câu lối lại có xen lời hường:
(Trong lúc này đây phải có ai)
"Về kinh sư do thám giúp già…"
Cũng như lời hường xen giữa câu nam của Tiết Cương: "Thoát đặng giây oan lưới họa" (Em có mang, có mểnh chầm chậm mà đi theo anh kẻo vấp nghe!). Lan Anh lại hường: (Phu quân bị thương, còn yếu, để em đi gần đỡ lấy phu quân mà). Tiết Cương lại hường: (A thôi! Để mặc anh). "Bước gập ghình dìu đỡ theo nhau". Hoặc lời hường giữa câu hát khách của Trịnh Ân ở lớp đi pháp trường: "Thôi thế là xong (Ấn! Con có về cho cha gửi lời về cùng mẹ con rằng, cha đây) ước cũ muôn ngàn đành phụ cả". Trịnh Ân trước khi lên đoạn đầu đài, Trịnh Ấn theo chân bịn rịn níu lại không cho Trịnh Ân chết. Nhưng Trịnh Ân với thế giới quan "quân xử thì thần từ…". Mặc dù anh ta biết mình chết oan, nhưng vẫn cho chết là phải. Trịnh Ân xua đuổi Trịnh Ấn về, và dặn Trịnh Ấn về nói lại với mẹ là tất cả những lời thề trăm năm chăn chiếu, Trịnh Ân đành cam phụ với vợ. Lời hường của Tiết Cương, Kỷ Lan Anh, lời hường của Trịnh Ân chứa đựng biết bao tình cảm mà lời thơ không nói được hết. Lời hường tuy là phụ, nhưng rất quan trọng cho việc thể hiện nhân vật. Hường kẽ gãy gọn, sắc sảo, bờ gác cũng đã là khó cho diễn viên thể hiện nhân vật.
(còn nữa)
|