(Tiếp theo và hết)
Ngữ khí, ngữ điệu là vũ đạo là hai phương tiện để thể hiện nhân vật tuồng truyền thống. Nhưng trình thức, thủ pháp không thể hiện được, mà người diễn viên phải nắm vững trình thức, phải sáng tạo giàu thủ pháp thì mới thể hiện được tốt nhân vật truyền thống.
- Vậy trình thức là gì? Trình thức là những động tác mà nhân vật tuồng truyền thống phải có như là đã quy ước sẵn của sân khấu. Chẳng hạn như nhân vật mới xuất hiện, có cân đai, áo mão, râu, hia, thì nhân vật ấy phải phất tay năm, vuốt râu, trợn mắt trình diện trước khán giả. Hoặc từng loại mô hình có cách đi đứng khác nhau. Ví dụ: Bộ đi của kép xéo như Thủy Định Minh, vì anh ta ở biển lại là kép trẻ nên khi đi hai gối thẳng. Khi chạy thì hai chân mở rộng. Còn Mạnh Lương cũng mô hình kép xéo, nhưng anh ta ở núi. Khi đi hai gối chùn, khi đứng thì lưng hơi cong. Khi chạy thì hai chân khép lại, đầu gối dô ra phía trước. Hoặc mô hình lão võ như Tạ Ngọc Lân, Diệm Cửu Quỳ, Thủy Lão v.v… thì, khi đi hai chân giơ lên cao trên mặt đất, gối chùn, lưng thẳng, khi đứng thì hai chân dang rộng, hai bàn chân và các ngón chân bám chặt xuống đất. Nhưng lão văn thì bộ đi lưng hơi cong, bước đi chậm và kéo lê sát đất, khi đứng thì hai chân khép lại. Hoặc kép đỏ, kép tráng đi chân hia thì hai gối thẳng bước theo hình chữ nhất, khi đứng thì chữ đinh.vv…
Hoặc như động tác vuốt râu. Nếu là râu đen ba chòm thì vuốt một tay từ phía phải kéo sang nách trái, hoặc từ phía trái kéo sang nách phải. Hoặc hai tay vuốt từ trên kéo thẳng xuống. Râu liên tu dài như nịnh chẳng hạn thì lật ngửa bàn tay ra chải hoặc vuốt tỉa từng sợi. Nếu là liên tu cụt (râu quắm) thì lại bốc một tay, bốc bên này rồi lại bốc sang bên kia, và dùng cả hai tay bốc cả hai bên, hoặc bốc chéo tay v.v..
Đều thuộc về trình thức có sẵn của nghệ thuật truyền thống.
- Thủ pháp là gì? Thủ pháp là những phương pháp sáng tạo về thủ thuật của nghệ thuật biểu diễn. Thủ pháp thuật về kỹ thuật, kỹ xảo của nghệ thuật biểu diễn. Nếu trình thức là hình thức, là cái phải có theo quy ước thì thủ pháp là cái sáng tạo vô cùng phong phú của nghệ nhân, nghệ sĩ. Thủ pháp là cái nhấn mạnh về đài từ, làm nổi bật hồn văn, tứ thơ của tác giả. Người nghệ sĩ giỏi là người tích lũy và sáng tạo nhiều thủ pháp biểu diễn. Diễn thấu tình, đạt lý, sắc nước. Người xưa gọi là "hằng chấn", "Từ lý" ví dụ như Khương Linh Tá trong lớp lập tiểu giang sơn. Không có một trình thức biểu diễn nào áp dụng trong hoàn cảnh này. Nhân vật ngồi yên như pho tượng. Mặc cho Tạ Ôn Đình chém Triệu Khắc Thường, Tạ Thiên Lăng tiếm nghịch. Linh Tá phải cắn răng bóp bụng mà nhìn lấy cảnh ấy. Linh Tá phải vận dụng thủ pháp vận khí hơi từ bụng đưa lên báng cổ. Các thớ thịt trên gò má nhấp nhô, dật dật. Đôi mắt đỏ ngàu không hề nháy, sự rung động từ con tim, khối óc toát ra bên ngoài, làm cho những chiếc bông trên mũ, và chòm râu đen dài của anh ta rung chuyển theo tiết tấu bên trong của nhân vật. Hoặc câu hát khách của Tiết Cương trong lớp tuồng giặc võ Tam Tư bao vây Sơn Trại. Giặc bao vây cả tiền trại, hậu trại, vợ thì bụng mang dạ chửa, một tình huống vô cùng cấp bách, Tiết Cương biết tính liệu làm sao? Anh nhìn mặt vợ mà nước mắt chảy ròng.
Anh hát:
"Như thử nguy cơ,
Hoài thai vựng khanh tu viễn tỵ".
Thủ pháp của Tiết Cương diễn trong câu này: "Như thử nguy cơ…". Anh bước lại gần nhìn vợ, lo cho vợ có mang gần ngày sinh, lại phải xông pha chiến cuộc. Tiết Cương đưa tay trái ra sau, giả như ôm vợ, tay phải đưa ra trước vò vò, giả như vò cái bụng chửa. Anh run bộ hạ, đôi mắt nhìn lên mặt vợ. Bao xúc động tràn lên, nước mắt tuôn trào và hát: "Hoài thai vựng khanh tu viễn tỵ" (Đương buổi lâm nguy còn có thai nghén, phải lánh xa chiến cuộc). Cũng như lớp tuồng Giang đông phó hội Châu Du vừa ra ám hiệu thích khách Lưu Bị, thì Quan Công xuất hiện. Châu Du ngạc nhiên, ngỡ ngàng! Hỏi Lưu Bị: "Người này là ai mà lại lấp hội cùng ngài?" Lúc này Lưu Bị giả say, ông biết tâm lý Châu Du đang sợ sự xuất hiện của Quan Công. Lưu Bị phớt lờ coi như không có điều gì quan trọng. Châu Du gạn hỏi. Lưu Bị trả lời trong hơi say. "À… Tướng quân hỏi cái… cái này à?". Lưu Bị ngồi trên ghế cao chống tay xuống góc bàn nhìn xuống Quan Công. Lưu Bị nói đến chữ "cái… cái này à!". Bàn tay đưa lên chỉ Quan Công, nhưng vì quá say nên chống tay xuống bàn bị hụt, lỡ đà lọt cánh tay dưới góc bàn. Thủ pháp biểu diễn của Lưu Bị là ý nói "Xí hụt rồi" âm mưu của mày đã bị phá sản rồi.
Hoặc như Đổng Kim Lân, tử thành Tạ Ôn Đình kéo quân về thành Sơn Hậu. Cờ bó thập, giáo bó ngã. Đoàn quân bại trận trở về trong tiếng trống ban lưa thưa, rời rạc!
Đổng Kim Lân tán:
"Tích ngã văn hỷ như hà đẳng khí thế
Kim ngã lai tư hà đẳng thê Lương"
(Khi đi thì vui vẻ khí thế. Nay trở về buồn bã thê lương).
Hát nam:
"Ngọn cờ tiếng trống bơ thờ
Thảo thân ngay chúa sững sờ hai vai"
Thủ pháp biểu diễn của Đổng Kim Lân, chân đi không nổi kéo lê từng bước một. Cây trường thương gác ngay trên vai, hai cánh tay đằng trên cây trường thương, hai bàn tay buông lỏng ra phía trước. Mắt nhìn từng tên quân buồn rầu, ảm đạm, lại nghe tiếng trống điểm xuyết lưa thưa, lòng dạ Đổng Kim Lân bơ thờ rời rã!
"Ngọn cờ tiếng trống bơ thờ"
Trên vai anh đang gánh nặng, một bên thì mẹ, làm sao cho trung hiếu lưỡng toàn? Biết kế chi cứu được mẹ mà không mất đại trung?
"Thảo thân, ngay chúa sững sờ hai vai"
Cây trường thương gác ngang trên vai là biểu tượng cho sự cân bằng giữa chữ trung và chữ hiếu, giữa thảo thân và ngay chúa đang đè nặng trên vai anh.
Hoặc như Hoàng Phi Hổ khi nghe tin thể nữ báo là Giả Thị vợ anh bị vua Trụ hãm dâm nên Giả Thị đã nhảy xuống lầu tự vẫn. Một sự biến vô cùng to lớn đến với cuộc đời anh. Chẳng những anh mất đi một người vợ hiền chung thủy, mà còn tên hôn quân bạo chúa kia, anh có thể còn làm tôi được nữa chăng? Mất sạch rồi! Một chế độ đã mất hết cang thường luân lý, và bao công lao của Phi Hổ đã xây đắp cho nhà Thương nay đã phủi sạch. Gan ruột của Hoàng Phi Hổ rối bời, lòng đau như dao cắt! Tâm thần bất định, anh mường tượng đến người vợ hiền, anh gọi: "Giả Thị phu nhân! ".
Đôi chân hia lĩa xiêng, hai tay buông xuôi, nghiêng người lĩa từ góc trái sang góc phải, đụng bức tường bên vai phải làm cho Phi Hổ giật mình đứng lại! Nhưng tâm thần vẫn đảo lộn. Phi Hổ lĩa qua phía trái, lại bị bức tường chạm vào vai trái, anh giật mình và dần dần hồi tỉnh. Thủ pháp biểu diễn này của Hoàng Phi Hổ nói lên trong lúc cùng quẫn, bế tắc của một người trung quân như anh. Nếu nói ra việc xấu xa của vua Trụ thì mất đạo trung. Bằng không nói, không hành động thì làm sao cho phải đạo cang thường. Do đó Hoàng Phi Hổ diễn như bốn bức tường ngăn cản, anh đang ở trong thế bí không lối thoát. Vì chữ trung, quân quán triệt của thế giới quan Phi Hổ.
Hát thán:
"Khang thán Thành thang chi tôn xã
Nam mai Thương Trụ chi tiết danh".
Trước hết Phi Hổ lo chi miếu đường xã tắc đảo điên. Lo cho tiết danh của vua Trụ mất sạch, rồi anh nghĩ đến vợ. (Giường đây, chiếu đây, nơi ăn chốn ở cũng đây, mà em bỏ em đi đâu! Giả Thị em ơi!).
"Liệt phụ hữu ân hà nhẫn phế"
Và anh xác định rằng, chữ trung quân anh không thể giữ trọn vì:
"Vua bất minh thì thần bất trung"
"Trung quân chi chí cánh nan thành"
Về trình thức, thủ pháp biểu diễn tuồng có những nhà sân khấu quan niệm rằng: "Trình thức, thủ pháp của tuồng là bất biến, khó mà sáng tạo ra trình thức, thủ pháp mới". Quan niệm ấy không hẳn là đúng, bởi ngay trong biểu diễn tuồng truyền thống, cũng đã nhiều lớp, nhiều người nghệ nhân sáng tạo ra nhiều trình thức, thủ pháp biểu diễn khác nhau làm phong phú, súc tích cho nghệ thuật biểu diễn. Nếu như chỉ có một trình thức, khi nhân vật xuất hiện ra sân khấu, tất phải phất tay mãn, vuốt râu, trợn mắt trình diện với khán giả, đó là thủ pháp làm cho khán giả tập trung chú ý. Thì trái lại, có những nhân vật không dùng trình thức đó, mà họ thể hiện theo hoàn cảnh, tâm trạng của nhân vật. Như Trương Phi ở Cổ Thành, xuất hiện với tâm trạng buồn rũ rượi. Phần thì nhớ Lưu Bị khi thất thủ Hạ Bì, chẳng biết hiện giờ ở Nhữ Nam, hay Hà Bắc! Phần thì căm giận Quan Vân Trường, nghe tin hàng Tào Tháo. Lòng dạ Trương Phi xốn xang như lửa đốt! Người phờ phạc như ngây, như dại. Từ trong tấm màn thùng, Trương Phi gọi:
"Đại ca ơi!" Trương Phi xuất hiện mặt cúi gằm xuống đất. Hai tay áo rộng rũ xuống, buông lỏng gân cốt. Đôi chân hia lê từng bước một nặng nề, khó nhọc. Ra đến sân khấu, Trương Phi nhìn cảnh thành trống trải, lạnh lẽo, cô đơn giữa canh trường thổn thức!
"Ngưỡng vọng mung lung
Canh trường uất ức!"
Trương Phi thẫn thờ đi vào trong hòm gỗ, vừa đặt mông xuống ghế, bỗng giật nảy người đứng lên:
"Tâm tự thất, tâm tự thất
Ý như suy, ý như suy".
Như vậy, Trương Phi không xuất hiện bằng trình thức có sẵn, mà xuất hiện bằng hoàn cảnh, tâm trạng của mình.
Hoặc như cùng một nhân vật, một hoàn cảnh, một tâm trạng mà có đến 5 trình thức xuất hiện khác nhau như Tiết Cương trong vở Hộ sanh đàn. Có người bước ra khỏi "cửa sanh" sân khấu, vác búa lên vai, vuốt râu, trợn mắt. Hai chân lóc lên giữa sân khấu, cầu bảng lên ngựa, quất ngựa, vác búa đi vòng. Có người ra sân khấu trực mặt trình diện khán giả, rồi làm động tác quất ngựa ở phía phải sân khấu, cặp búa đi vòng. Có người từ trong ra thẳng giữa sân khấu, làm động tác khai độc (búa) rồi vác búa đi vòng. Có người vừa bước ra khỏi "cửa sanh", quay người lại làm động tác đánh trả ba bộ, rồi vác độc phủ nhìn lại phía sau, quất ngựa, cặp độc phủ đi vòng. Có người bước ra cửa sanh sân khấu, từ từ nhìn lên khán giả với vẻ mặt hơi buồn, và cặp độc phủ đi vòng chứ không có động tác nào cả. Như vậy thì Tiết Cương nào xuất hiện đúng với hoàn cảnh và tâm trạng?
Tiết Cương đi tảo mộ cha mẹ ở kinh sư, anh bị quân Võ Hậu đuổi đánh. Một người, một ngựa, anh chống đỡ lại thiên binh vạn mã. Anh chạy đến đây, người, ngựa đã mệt mỏi. Trên đường anh lần dò tìm về Long Sơn Trại, nơi mà vợ chồng anh ẩn náu. Anh chạy đã xa, vắng bóng giặc truy theo. Tiết Cương chống búa thở phào nhẹ nhõm, và anh kể lại sự việc vừa qua với sắp tán nam xuân:
"Kinh địa từ tế tảo song linh
Triều binh phục công vi vạn đội
Ơn Tần Thị phu thê cứu giải
Khiến Tiết Gia tách mạng bảo toàn
Chốn long sơn bao sá dặm ngàn
Nương điều tính ngõ toan lần lõi"
Như vậy ba người trên dùng trình thức đơn thuần là hoàn toàn không hợp lý, không xuất phát từ hoàn cảnh và tâm trạng của nhân vật. Người thứ tư ra sân khấu đánh trả lại ba bộ là để giới thiệu với khán giả, Tiết Cương đang ở trong bối cảnh bị giặc đuổi đánh. Anh ta có sáng tạo cho không khí kịch. Nhưng lại mâu thuẫn với tâm trạng của Tiết Cương và tiết tấu ở trong bài nhạc dạo nam xuân, chứ không phù hợp với bối cảnh Tiết Cương chạy đã xa bóng giặc. Người thứ năm xuất hiện đúng với tâm trạng và hoàn cảnh của Tiết Cương đang trên đường đi, người ngựa đã mệt mỏi, phờ phạc.
Hoặc như cùng một không gian, một thời gian, nhưng hoàn cảnh khác nhau, tâm trạng khác nhau, nên thủ pháp biểu diễn cũng khác nhau.
Hoàng Phi Hổ nằm miếu, Đào Phi Phụng cũng nằm miếu, và Kỷ Lan Anh cũng nằm miếu. Hoàng Phi Hổ phế Trụ ra đi "Quân hôn thì thần phản". Nhưng trong lòng Phi Hổ vẫn bùi ngùi nhớ đến cơ nghiệp nhà Thương! Nhớ đến người vợ thân thương cùng chăn chiếu. Và dường như có điều gì báo trước âm mưu đốt miếu của Trần Ngô. Lòng dạ Phi Hổ xốn xang xao xuyến! Anh đốt đèn rọi khắp miếu hoang, đứng ngồi không yên giấc:
"Nghĩ đến nghèo, đến khổ
Càng thêm bực thêm sầu
Nào thần tôn thánh đồ ở đâu
Có biết mô tai thần nạn quỷ"
Xướng:
"Thượng mã đăng cao vọng giới quan
Dân mê mang hề nguyệt mê mang
Cố đô cựa bật giai phân tán"
(Giả Thị em ơi!) "Hà hữu phu thê cát đoạn tường".
Trong lúc Phi Hổ đang mơ màng thì hồn Giả Thị đến mách bảo cho anh biết là Trần Ngô sẽ thiêu đốt miếu để giết hại Phi Hổ. Còn Đào Phi Phụng trên đường lần về nước tìm cách cứu chúa, cứu cha. Giữa đường trời tối, anh vào tạm nghỉ nơi miếu vắng. Phi Phụng thấy bức tượng Quan Công, mặt đỏ, râu xanh. Anh ước gì mình được mặt đỏ, râu xanh ấy để cải dạng thay hình về kinh ứng thí, rồi sẽ tìm cách phục quốc cứu cha già. Phi Phụng đang ngủ say thì Châu Thương trong bức tượng xuống thoa mặt đỏ, và tỉa râu của Quan Công kết cho Phi Phụng. Khi Phi Phụng tỉnh giấc dậy thì thấy mình đổi khác. Anh đổi tên họ là Lỗ Vạn Chung về kinh thi đậu trạng nguyên. Nắm được binh quyền trong tay, Phi Phụng lo việc phục nghiệp lại cho triều Lương.
Kỷ Lan Anh trên đường chạy giặc, vợ chồng lạc nhau. Nàng bế con bồng cháu lưu lạc đất khách quê người, để may ra gặp lại được chồng chăng!… Lan Anh trên đường đi trời tối, có cái miếu vắng, nàng vào miếu vắng xin tạm nghỉ chân. Hóa ra cái miếu này là miếu là miếu của Tiết Nhơn Quý, ông nội Tiết Cương và ông cố của Tiết Quỳ là con của nàng mới đẻ. Trong giấc mộng Kỷ Lan Anh được Tiết Nhơn Quý ứng hiện phù trì, và cũng trong đêm này nàng được gặp lại Tiết Cương. Như vậy ba trường hợp cùng vào miếu, ba tâm trạng và hoàn cảnh khác nhau. Hoàng Phi Hổ thì xốn xang, bức xúc không yên giấc. Phi Hổ rọi đèn khắp miếu, và vợ anh hiện hồn theo mách bảo tin dữ.
Còn Đào Phi Phụng vào miếu nghỉ, chợt thấy Quan Công mà ước. Phi Phụng nhờ miếu này mà cải dạng lo được việc phục quốc, cứu gia.
Kỷ Lan Anh vào miếu lại gặp cái miếu của tổ phụ bên chồng, và được gặp lại chồng trong miếu này ngay trong đêm ấy. Trình thức và thủ pháp biểu diễn hoàn toàn khác nhau. Không cứ hễ vào miếu là phải soi đèn, phải xốn xang đau buồn, trằn trọc không yên giấc như Hoàng Phi Hổ, mà Đào Phi Phụng, Kỷ Lan Anh vào miếu, một bên thì trên đường đi trời tối tạm nghỉ chân. Một bên thì chạy giặc lạc đường, tha hương thất lạc, tìm nơi trú ngụ v.v…
Như vậy, trình thức, thủ pháp biểu diễn tuồng không phải là cái "bất biến" mà có luôn trong sáng tạo linh động, theo từng hoàn cảnh, tâm trạng và tính chất nhân vật. Qua nhiều đời nghệ nhân và nghệ sĩ sáng tạo làm phong phú cho trình thức và thủ pháp biểu diễn. Chính đó là cái kho tàng giàu có của nghệ thuật tuồng truyền thống, là vốn nghề của nhiều thế hệ đã đóng góp, sân khấu tuồng ngày nay phải học tập kế thừa.
Người diễn viên có giọng hát tốt, múa đẹp là điều kiện để thể hiện nhân vật. Nhưng không tích lũy được trình thức, không sáng tạo được thủ pháp biểu diễn thì không thể nào thể hiện nhân vật được tốt, và trái lại giọng hát tốt, múa vụng thì dù có tích lũy, sáng tạo đến mức nào cũng không hoàn thành được việc thể hiện nhân vật. Hát hay có nghĩa là hát trong khi thể hiện nhân vật. Múa đẹp ở đây là múa theo tính cách nhân vật. Bộ múa đẹp của Khương Linh Tá không thể áp dụng cho Đổng Kim Lân được. Giọng hát hay của Đào Phi Phụng không thể áp dụng cho Tạ Ôn Đình hay Cát Thượng Nguyên được. Trình thức, thủ pháp là cái vốn nghề của mỗi người nghệ nhân, nghệ sĩ, là cái kho tàng giàu có của nghệ thuật truyền thống. Người nghệ sĩ biết sử dụng hợp lý trình thức, thủ pháp để thể hiện đạt tính cách của nhân vật, là người nghệ sĩ có tài. Nhưng cũng sử dụng trình thức, thủ pháp đó chung chung cho các loại nhân vật thì sẽ trở thành khuôn sáo, vô tác dụng, do đó hát, múa và trình thức, thủ pháp là phương tiện đồng thời chủ yếu để thể hiện nhân vật tuồng truyền thống. |