Được chủ tọa phiên tòa cho phát biểu trước giờ nghị án, vợ bị hại không nói được lời nào mà rưng rưng nước mắt, van xin hội đồng xét xử (HĐXX) giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đây là một nỗi đau khó diễn tả thành lời của một người đến dự phiên tòa trong hai vai trò: vợ bị hại và cũng là mẹ của bị cáo.
|
Nguyễn Minh Tùng trước vành móng ngựa.
|
* Oan nghiệt
Vừa qua, TAND tỉnh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử tên Nguyễn Minh Tùng, 25 tuổi, trú tại Tây Phương Danh, Đập Đá (An Nhơn) về tội Giết người. Phiên tòa xét xử Tùng ngột ngạt đến khó tả. Ngoài HĐXX, phần lớn những người đến dự phiên tòa đều là người nhà của cả bị cáo và bị hại. Bởi lẽ, nạn nhân của bị cáo cũng chính là người cha ruột của hắn.
Khoảng 19 giờ tối 27.6.2009, sau khi đi nhậu về, thấy cha mình (ông Nguyễn Văn Giác, SN 1966) đang la mắng mẹ trong trạng thái say xỉn, nên Tùng phản ứng gay gắt. Từ đó giữa hai cha con xảy ra cãi vã, xô xát nhau. Trong lúc xô xát, ông Giác đẩy Tùng ngã xuống bàn kính, làm tấm kính vỡ tan tành. Tiếp đó, ông Giác lấy mảnh kính vỡ bổ vào đầu Tùng làm chảy máu. Tùng vùng dậy được, chạy xuống nhà bếp lấy con dao thái rau phóng vào người ông Giác nhưng không trúng. Sau đó Tùng lấy con dao thứ hai rượt đuổi ông Giác chạy ra ngoài và đâm một nhát trúng vào ngực ông. Nhát dao oan nghiệt đó đã làm thủng phổi, khiến ông Giác gục xuống tại chỗ và chết sau đó một tiếng đồng hồ tại Trung tâm Y tế huyện An Nhơn.
Bà Loan, mẹ của Tùng đến dự phiên tòa với khuôn mặt đầy nét mệt mỏi. Nỗi đau quá sức chịu đựng khiến bà lả người như muốn ngả quỵ xuống bất cứ lúc nào. Mỗi khi được HĐXX thẩm vấn, bà chỉ biết nghẹn ngào nói trong tiếng nấc: “Con tôi không phải là kẻ giết cha, chính rượu giết ông ấy chứ không phải nó. Xin tòa tha tội cho nó...”. Trước tình cảnh đó ai cũng thấy xót xa. HĐXX tất nhiên không thể căn cứ vào lời nói chỉ xuất phát từ tình cảm, mà là luận tội trên cơ sở chứng cứ. Mức án 18 năm tù dành cho Tùng về tội giết người là điều tất yếu.
* Tan nát gia đình vì rượu
Dự phiên tòa, nắm được đầu đuôi câu chuyện đau lòng của gia đình bà Loan, một phụ nữ ngồi cạnh tôi thở dài: “Chồng tôi cũng thuộc dạng sáng xỉn chiều say. Ngày nào cũng nhậu. Vợ đi làm cả ngày quần quật về, vậy mà muốn gặp chồng tỉnh táo để tâm sự, bàn chuyện làm ăn, dạy dỗ con cái mà cũng khó. Rượu là cái gì mà có sức mạnh ghê gớm, hơn cả vợ con vậy?”
Không chỉ rượu gây ra án mạng cho chồng bà Loan mà nó còn làm cho gia đình bà tan nát từ lâu. Bình thường, ông Giác là người hiền lành, chịu thương chịu khó. Ngày làm quần quật, nhưng khi bóng chiều đổ xuống, có chất vừa cay vừa đắng nghét tuồn vào người, ông Giác biến thành một con người khác hẳn. Những lần như vậy, xót xa cho con dâu và cháu nội, cha mẹ già của ông Giác lên tiếng bênh vực thì cũng bị ông Giác mắng chửi lại.
Lớn lên trong một gia đình như vậy nên từ khi biết uống rượu, Tùng cũng bắt đầu giống tính cha. Bình thường, khi thấy cha uống rượu về đánh đập, chửi mắng mẹ, Tùng chỉ biết im lặng, chịu đựng. Nhưng khi uống rượu về, thấy cha đánh đập chửi mắng mẹ, Tùng liền lên tiếng bênh vực. Cứ thế, bao nhiêu năm qua gia đình bà Loan chưa một ngày êm ấm. Ngày nào cũng vậy, mỗi khi cứ rượu vào thì cha con ông Giác lại cãi vã, xô xát với nhau. Đây cũng chính là tiền đề cho câu chuyện đau lòng xảy ra trong gia đình bà Loan: Chồng chết, con tù tội vì giết cha.
Phiên tòa kết thúc, trên đường về qua những quán nhậu đầy ắp người đủ lứa tuổi đang nâng ly hô hào “trăm phần trăm”, tôi bỗng liên tưởng đến lời nói của vị thẩm phán ở Tòa hình sự TAND tỉnh: “Rượu là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều án mạng và không ít vụ đánh người gây thương tật, tai nạn giao thông… đau lòng. Chính nó đã làm cho nhiều người tăm tối ý thức, suy đồi đạo đức, mê muội lương tri, khiến người ta không làm chủ được mình, gây ra những bi kịch đáng tiếc cho gia đình và xã hội…”. Không biết trong số ấy có bao nhiêu người kiềm chế được mình để không làm những điều xằng bậy, mất lý trí.
|