Bình Định hiện có 2 khu công nghiệp, trên 20 cụm công nghiệp, 30 khu chợ và trung tâm thương mại ở các địa phương. Đây chính là những nơi mà nguy cơ cháy nổ cao nhất, và khi xảy ra cháy nổ, thiệt hại sẽ rất lớn.
|
Thực tập phương án PCCC ở Cảng Quy Nhơn.
|
Năm 2008 trên địa bàn cả tỉnh xảy ra 42 vụ cháy, làm chết 2 người, bị thương 2 người và thiệt hại tài sản trị giá trên 22 tỉ đồng. Từ đầu năm 2009 đến nay, đã xảy ra 44 vụ cháy làm chết 1 người, bị thương 4 người và thiệt hại tài sản gần 780 triệu đồng. So sánh cùng kỳ năm 2008 thì mặc dù thiệt hại về người và tài sản giảm nhưng số vụ cháy tăng 2 vụ. Điều đó cho thấy nguy cơ xảy ra cháy vẫn còn rất cao.
Trong số 44 vụ cháy xảy ra từ đầu năm 2009 đến nay thì nhóm có nguy cơ cháy nổ cao và xảy ra nhiều vụ cháy nhất là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Điểm cháy chủ yếu tập trung vào khâu sấy nguyên liệu trong các lò sấy nhiệt. Các vụ cháy xảy ra được phát hiện muộn và lực lượng chữa cháy tại chỗ yếu về nghiệp vụ nên hiệu quả chữa cháy chưa cao.
Thực tế này đòi hỏi công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ chữa cháy cơ sở là rất cần thiết. Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an tỉnh đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nghiệp vụ với gần 5.000 người tham gia. Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, lực lượng chữa cháy chuyên trách luôn được tập huấn nghiệp vụ chữa cháy với mục đích sử dụng thành thạo, đúng cách các dụng cụ chữa cháy khi có sự cố xảy ra tại cơ sở.
Nhờ thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn PCCC, nhiều doanh nghiệp đã ý thức được tầm quan trọng của công tác PCCC. Công ty cổ phần chế biến gỗ nội thất PISICO ở Khu công nghiệp Phú Tài là một trong những doanh nghiệp làm tốt công tác này.
Trên diện tích trên 32.000 m2, Công ty phân bố bình chữa cháy ở hầu hết các phân xưởng sản xuất, kho bãi để khi có sự cố cháy sẵn sàng dập tắt. Máy bơm cao áp cùng với bể chứa nước trên 50m3 luôn được bảo dưỡng và vận hành định kỳ nên hiệu quả hoạt động tốt. Cán bộ, công nhân được tập huấn đầy đủ về nghiệp vụ PCCC, xây dựng phương án chữa cháy phù hợp với quy mô và đặc điểm của đơn vị. Ông Phạm Tấn Tài – Phó giám đốc Công ty cổ phần chế biến gỗ nội thất PISICO- cho biết: Với sự hỗ trợ và tư vấn của lực lượng Cảnh sát PCCC, đơn vị đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, thấy được những thiếu sót trong công tác này, trên cơ sở đó tổ chức tập huấn nghiệp vụ, mua sắm thiết bị, phương tiện để làm tốt hơn công tác PCCC. Ông Tài cho rằng trong kinh doanh có lãi, có lỗ nhưng nếu để xảy ra cháy thì trắng tay.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao có thái độ thờ ơ, không coi trọng công tác PCCC như chưa xây dựng phương án chữa cháy, phương tiện, dụng cụ chữa cháy có mua sắm, trang bị nhưng là để đối phó, con người làm công tác chữa cháy không có nghiệp vụ. Và đó là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ cháy và hiệu quả chữa cháy rất thấp thời gian qua.
Với phương châm phòng cháy hơn chữa cháy và phát huy năng lực chữa cháy tại chỗ là chính, bên cạnh công tác kiểm tra loại trừ các nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, Phòng Cảnh sát PCCC còn xây dựng các phương án chữa cháy, tổ chức thực tập chữa cháy tại một số cơ sở kinh tế trọng điểm; qua đó nâng cao nhận thức cũng như thao tác chữa cháy và sự phối hợp nhịp nhàng giữa cảnh sát PCCC với lực lượng chữa cháy ở cơ sở. Ông Nguyễn Quý Hà – Phó giám đốc Cảng Quy Nhơn - đánh giá cao về sự phối hợp giữa phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh với đơn vị trong việc tổ chức thực tập phương án chữa cháy. Đây là dịp để lực lượng chữa cháy chuyên trách học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh việc nâng cao nghiệp vụ chữa cháy đối với đội ngũ làm công tác này, trong vài năm trở lại đây, UBND tỉnh đã hỗ trợ hàng chục tỉ đồng cho CA tỉnh mua sắm các loại xe chữa cháy với công suất lớn, có thể chữa cháy nhà cao tầng. Năm 2008, tỉnh đã hỗ trợ cho CA tỉnh trên 22 tỉ đồng mua xe thang chữa cháy thế hệ mới với nhiều công dụng giúp lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cơ động hơn và hoạt động có hiệu quả cao hơn. Các chiến sĩ chữa cháy thường xuyên luyện tập nhất là chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Hạ sĩ Nguyễn Kim Luyện tâm sự: công tác chữa cháy rất gian khổ, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng, vì vậy chúng tôi cần tăng cường luyện tập để khỏi bị động, lúng túng khi chữa cháy và đó cũng là điều kiện để chữa cháy có hiệu quả cao hơn.
Công tác PCCC thời gian đến còn nhiều khó khăn và nguy hiểm. Cán bộ chiến sĩ phòng Cảnh sát PCCC ý thức sâu sắc điều đó và nỗ lực hết mình vì sự an toàn tính mạng và tài sản của mọi người. Theo Thượng tá Trần Xuân Chí - Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC, đơn vị đang tập trung vào công tác xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện phù hợp với sự phát triển của xã hội; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra để loại trừ nguy cơ xảy ra cháy cũng như đẩy mạnh việc phối hợp thực tập các phương án chữa cháy nhằm nâng cao năng lực cũng như sự chủ động trong công tác cho đội ngũ chữa cháy chuyên trách, chữa cháy nghĩa vụ ở cơ sở, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu xảy ra cháy.
Công tác PCCC vẫn luôn là nhiệm vụ cần chú trọng và thực hiện trước tiên nếu chúng ta không muốn tính mạng và tài sản bị thiệt hại bởi giặc lửa. PCCC phải là bài học nằm lòng đối với mỗi chúng ta.
|