Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
8:41', 25/10/ 2009 (GMT+7)

Cùng chung sống trên mảnh đất Bình Định thân yêu, ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số còn có các dân tộc Bana, Chăm, H’rê, Thái, Tày, Mường, Dao, Gia Rai, K’Ho…  với khoảng 7.500 hộ và 32.300 nhân khẩu, sinh sống tại 120 làng thuộc 30 xã của 6 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát.

 

Đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Bình Định về thăm Thủ đô, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đoàn Sơn

 

Đặc điểm nổi bật của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Bình Định là tinh thần yêu nước, gắn bó với quê hương, đoàn kết chống ngoại xâm và trong quá trình xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

Trong đời sống tinh thần, cùng với việc lựa chọn duy trì, phát huy các phong tục truyền thống tốt đẹp, đậm chất nhân văn, bà con luôn coi trọng việc phục tùng già làng, trưởng bản, người có trình độ nhận thức về xã hội, am hiểu các lễ nghi, tín ngưỡng truyền thống (từ đây gọi là người có uy tín –NCUT)… Vì vậy, NCUT ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng, có khả năng tập hợp bà con và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến làng, xã, dân tộc mình. Đặc biệt, trong số những NCUT, nhiều người không chỉ ảnh hưởng trong làng, xã mà còn lan tỏa đến cộng đồng dân tộc mình ở nhiều địa phương khác.

Những NCUT phần lớn là già làng, trưởng bản, cán bộ đảng viên nghỉ hưu, người hiểu biết nhiều về các phong tục tập quán của dân tộc mình. Họ thường được bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, xã hội nên quán triệt kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, của Nhà nước thường qua đó tuyên truyền động viên, hướng dẫn thực hiện trong cộng đồng dân tộc mình.

Đặc biệt trên lĩnh vực an ninh trật tự (ANTT), do vùng ĐBDTTS sinh sống giáp ranh với 3 tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi, bà con tỉnh này đi lại giao lưu với tỉnh kia dễ dàng và thường xuyên nên không tránh khỏi những tác động phức tạp về  ANTT. Trong đó, một số đối tượng lợi dụng quan hệ họ tộc, thông gia… tuyên truyền kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lôi kéo bà con làm điều sai trái, tuyên truyền phát triển đạo trái phép, khôi phục các tập tục lạc hậu… làm cho tình hình có lúc, có nơi diễn biến không thuận lợi. Trước thực trạng đó, NCUT trong  ĐBDTTS có vai trò, vị trí quan trọng trong việc tập hợp quần chúng chống lại hoạt động trái phép của đối tượng xấu, giữ bình yên trong cộng đồng dân tộc mình.

Xác định vai trò vị trí quan trọng của NCUT trong ĐBDTTS trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ ANTT ở miền núi, trong những năm qua, đặc biệt từ khi có chủ trương của Bộ CA, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác tranh thủ NCUT trong ĐBDTTS được CA tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBMT Tổ quốc tỉnh, Ban Dân vận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện nghiêm túc với sự linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình đặc điểm miền núi Bình Định, thể hiện tình cảm gắn bó, chân thành giữa đồng bào miền xuôi với đồng bào miền núi, nhờ vậy đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Hiện nay, toàn tỉnh có 262 NCUT trong ĐBDTTS, gồm đồng bào Bana có 151 người, đồng bào Chăm có 47 người, đồng bào H’rê 62 người và đồng bào Thái 2 người. Trong đó, ảnh hưởng uy tín cả xã có 65 người, cả huyện 12 người, nhiều huyện 4 người…

Trong những biện pháp tích cực đó, việc tổ chức cho NCUT về thăm thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Bác, gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tham quan các danh lam thắng cảnh, tuyên dương người tốt việc tốt; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện  tổ chức thăm hỏi nhân dịp lễ, Tết… đã tác động tốt đến tình cảm, nâng cao trách nhiệm của họ. Đặc biệt hưởng ứng phong trào kết nghĩa giữa CA với bà con dân tộc thiểu số ở những nơi đời sống vật chất còn nhiều khó khăn do CA tỉnh phát động, các đơn vị địa phương đã kết nghĩa 41 làng, qua đó vận động giúp đỡ bà con trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt văn hóa, làm cho bà con tin yêu CA hơn và mối quan hệ giữa CA và NCUT trong ĐBDTTS càng gắn bó mật thiết, chặt chẽ hơn.

Từ đó, họ đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS, xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao mọi mặt đời sống tinh thần, vật chất của ĐBDTTS; góp phần tăng cường đoàn kết dân tộc, củng cố chính quyền cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ an ninh tuyến núi…

Hiện nay đời sống của bà con các dân tộc thiểu số đã có những thay đổi tích cực. Kết quả đó ngoài việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chính sách ưu tiên miền núi, sự quan tâm giúp đỡ của đồng bào miền xuôi, còn có sự đóng góp quan trọng của những NCUT. Vì vậy phát huy vai trò của NCUT trong ĐBDTTS là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, xuyên suốt trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội miền núi tỉnh nhà.

  • Mai Linh Giang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Côn đồ mang dao vào nhà trọ  (25/10/2009)
Cảnh giác với tin đồn sinh con gái được hỗ trợ tiền   (23/10/2009)
Gây án vì ghen   (23/10/2009)
Đe dọa giết cả công an   (23/10/2009)
“Trẻ con” gây tai nạn làm chết người  (22/10/2009)
Nhiều địa phương lập thành tích xuất sắc  (20/10/2009)
24 tháng tù cho hành vi buôn bán động vật hoang dã  (20/10/2009)
Côn đồ xộ khám!   (18/10/2009)
Nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông   (18/10/2009)
Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo TTATGT  (16/10/2009)
Mảnh đất làm mất nghĩa tình  (16/10/2009)
77 tháng tù giam cho 7 kẻ côn đồ  (15/10/2009)
Trả giá cho lòng tham  (15/10/2009)
Khen thưởng công dân cảnh giác phát hiện tội phạm  (15/10/2009)
Khởi tố vụ án cố ý làm hư hỏng tài sản  (13/10/2009)