Gần đây trên địa bàn tỉnh, các vụ án hình sự do người chưa thành niên (NCTN) gây ra có tính chất phạm tội rất nghiêm trọng ngày càng nhiều. Các hành vi như cướp tài sản, giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích có hơi hướng băng nhóm ngày một nhiều hơn. Trong số đó, phần lớn NCTN phạm tội bỏ học sớm, thiếu sự quản lý của phụ huynh.
|
Phiên tòa xét xử nhóm bị cáo “nhí” ở xã Mỹ Thọ, Phù Mỹ. Ảnh: Nguyên Phương
|
Để có tiền tiêu xài, khoảng 21 giờ ngày 3.7.2008, Trần Nguyễn Sang (SN 1992) cầm theo mã tấu rồi rủ rê các bạn khác là Kiều, Chánh, Trọng, Bình và Viễn cùng trú tại thôn Vĩnh Thành, xã Cát Tài, Phù Cát, đến đoạn đường vắng để chặn người đi đường và cướp tiền. Sang cùng đồng bọn cướp được 180 ngàn đồng của 4 người đi đường. Vừa qua, TAND tỉnh đã tuyên phạt Sang 40 tháng tù giam, các bị cáo còn lại phải chịu mức án từ 12 tháng đến 24 tháng tù.
Mới đây nhất, TAND huyện Tuy Phước đã đưa ra xét xử Nguyễn Đức Tài (SN 1993), Quang Triệu Quí (SN 1993), Đặng Phước Lợi (SN 1996), Nguyễn Kim Hoàng Nam (SN 1995), Hồ Việt Anh (SN 1995), Hồ Hải Hà (SN 1994) và một số đồng bọn khác, cùng trú tại thôn Quảng Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước về tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” và áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Nhóm vị thành niên này có người đang là học sinh của Trường THCS Phước Lộc, vi phạm kỷ luật, bị đuổi học nên đã nổi máu côn đồ, rủ nhau đập phá trường.
Một nhóm tuổi từ 13 đến 16 tuổi, ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, chỉ vì nông nổi đã rủ nhau đi rình xem “người lớn tâm sự”, rồi nảy ra hành vi cướp tài sản và bạo gan hơn là dùng số đông để khống chế thực hiện hành vi hiếp dâm. Đứng trước vành móng ngựa, nhóm NCTN này chỉ biết khóc ròng trước tội lỗi đã gây ra và thú nhận là không hề nghĩ đến hậu quả của việc làm trái pháp luật.
Nguyên nhân chính của sự thật đáng buồn nêu trên thì có nhiều, như: học vấn thấp, bị bạn bè lôi kéo, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình… Nhưng nguyên nhân gốc rễ nhất vẫn là các cơ quan chức năng thiếu các chương trình hỗ trợ NCTN và gia đình vượt qua khó khăn, phòng ngừa tội phạm và tái phạm. Mặt khác, công tác giáo dục, phòng ngừa và cải tạo cho NCTN phạm tội hiện nay còn nhiều hạn chế và yếu kém. Công tác chống tội phạm nặng về mặt chống và trừng trị, chưa chú ý đến công tác phòng ngừa.
Một thực tế khác là việc bỏ học sớm, thoát ra khỏi sự quản lý giáo dục của nhà trường, của phụ huynh cũng là mầm mống của tội phạm NCTN. Qua các vụ án hình sự từ nhóm NCTN ở Bình Định cho thấy, 2/3 trong số này bỏ học từ lớp 9 với nhiều lý do khác nhau như gia đình không có tiền cho đi học hoặc không thích đi học. Có khoảng 40% các đối tượng NCTN bỏ học sớm phạm tội sau khi sử dụng rượu bia.
Cần có những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu để giúp NCTN không vi phạm pháp luật là việc cần làm trong chương trình phòng, chống tội phạm của quốc gia. Hiện tại, chương trình giáo dục về pháp luật và lối sống lành mạnh vẫn chưa đủ mạnh để loại bỏ các tệ nạn xã hội và những văn hóa kém lành mạnh đang lôi kéo, hấp dẫn các vị thành niên; vấn đề bảo vệ NCTN còn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của cha mẹ với con cái, trách nhiệm hỗ trợ của Nhà nước đối với các gia đình khó khăn không đủ điều kiện nuôi dạy con cái; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho NCTN vẫn còn nặng về bề rộng, mà thiếu chiều sâu.
NCTN rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng, đặc biệt là sự chăm sóc về thể chất, tâm lý và cả sự bao dung để họ có thể vượt qua mặc cảm, vì đa số các đối tượng đều cảm thấy rất tự ti, mặc cảm do bị xa lánh vì sự lầm lạc của mình. Trong số này, có không ít em sẵn sàng quay lại trường học hoặc đi học nghề nếu được xã hội, gia đình tạo điều kiện.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an), tình hình phạm tội do NCTN gây ra trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2007 toàn quốc có hơn 10.360 vụ, gần 15.600 NCTN phạm pháp; năm 2008 con số này tăng 2% số vụ và NCTN phạm pháp. Số vụ án do NCTN gây ra chiếm khoảng 20% tổng số vụ vi phạm hình sự. Tội danh trộm cắp tài sản chiếm 38%; cố ý gây thương tích chiếm 11% và đặc biệt là giết người chiếm 1,4%. Trong đó, lứa tuổi phạm tội cao nhất từ 16 đến dưới 18 tuổi, chiếm khoảng 60%; từ 14 đến dưới 16 tuổi là 32%. Mức độ tái phạm ở NCTN cũng rất cao, có đến 35% NCTN vi phạm pháp luật có tái phạm. Tại Bình Định, các chỉ số này có thấp hơn, nhưng sự gia tăng về số vụ và tính chất phạm tội của NCTN đáng để lo ngại và khuyến nghị. |
|