Chỉ là một vụ án trộm cắp tài sản đơn giản, nhưng khi áp dụng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được ban hành vào ngày 29.6.2009 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2010), hai cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm ở huyện Tuy Phước lại có hai quan điểm hoàn toàn trái nghịch nhau. Viện kiểm sát thì bảo bị cáo có tội, còn tòa án thì ra quyết định đình chỉ vụ án…
Khoảng 8 giờ ngày 12.7.2009, Trần Thị Thanh (33 tuổi, trú tại thôn An Thượng, xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) lang thang đến huyện Tuy Phước với ý định xem nhà ai cóù tài sản sơ hở sẽ thực hiện hành vi trộm cắp. Với ý nghĩ đó, khi đi ngang qua nhà anh Cao Văn Hòa, ở thôn Luật Bình, xã Phước Quang, thấy trong nhà chất nhiều lúa nhưng không ai trông giữ, Thanh liền lẻn vào nhà anh Hòa vác trộm một bao lúa nặng 50kg. Trong lúc đang loay hoay chuẩn bị chở bao lúa đi thì Thanh bị người dân địa phương phát hiện bắt giữ. Kết quả định giá tài sản cho thấy, bao lúa trên trị giá 200 ngàn đồng.
Ngoài vụ việc này, trong quá trình điều tra vụ án, Thanh còn khai nhận với Cơ quan điều tra rằng trước đó khoảng 1 tháng (ngày 9.6.2009), Thanh cũng đã lấy trộm 31kg lúa tại nhà bà Hồ Thị Cẩm Lệ, ở thôn Tri Thiện, xã Phước Quang (Tuy Phước). Hành vi trộm cắp của Thanh đã bị phát hiện, sau đó bị Công an xã Phước Quang ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 200 ngàn đồng.
Với hành vi trên, ngày 28.7.2009, VKSND huyện Tuy Phước đã ra quyết định truy tố Trần Thị Thanh theo khoản 1, Điều 138 BLHS. Theo đó, ngày 10.8.2009, TAND huyện Tuy Phước đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Trần Thị Thanh về tội Trộm cắp tài sản. Tại tòa, Thanh đã khai nhận toàn bộ hành vi trộm cắp tài sản của mình. Và cũng như cáo trạng, tại tòa, đại diện VKSND huyện Tuy Phước vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố ban đầu và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Thanh từ 3 đến 6 tháng tù giam theo quy định tại khoản 1 Điều 138 và điểm g, h, p khoản 1, Điều 46, Điều 47 BLHS.
Tuy nhiên trái ngược với quan điểm của công tố viên đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa, HĐXX sơ thẩm nhận định rằng bị cáo Thanh chỉ trộm tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng. Do vậy, áp dụng điểm đ, khoản 2, Điều 1, Nghị quyết số 33/2009/NQ-12 ngày 16.9.2009 của Quốc hội và điểm 2, Điều 107, Điều 180, Điều 199 Bộ luật Tố tụng hình sự, HĐXX sơ thẩm đã quyết định đình chỉ vụ án.
Không đồng tình với quyết định trên của HĐXX sơ thẩm, ngày 14.8.2009, VKSND huyện Tuy Phước đã ban hành kháng nghị phúc thẩm về việc kháng nghị Quyết định đình chỉ vụ án số 40 ngày 10.8.2009 của TAND huyện Tuy Phước, yêu cầu TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm theo hướng hủy quyết định đình chỉ vụ án, giao cho cấp sơ thẩm xét xử lại theo hướng bị cáo có tội.
Theo lập luận của VKSND huyện Tuy Phước, mặc dù tài sản Thanh chiếm đoạt chưa đến 2 triệu đồng, nhưng lại thuộc trường hợp có yếu tố định tội khác là: “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt” và đang trong thời gian chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bởi vậy, việc HĐXX sơ thẩm chỉ áp dụng quy định trộm cắp với tài sản dưới 2 triệu đồng mà không xét đến hành vi trộm cắp trước đó của bị cáo đã bị xử lý hành chính là trái với quy định tại điểm c khoản 2 của Nghị quyết 33/2009/NQ-12 ngày 16.9.2009 của Quốc hội.
Ngày 8.10 vừa qua, TAND tỉnh đã có quyết định về việc chấp nhận kháng nghị phúc thẩm của VKSND huyện Tuy Phước về việc hủy quyết định đình chỉ vụ án số 40 ngày 10.8.2009 của TAND huyện Tuy Phước, yêu cầu xét xử lại theo thủ tục chung. Hy vọng phiên tòa xét xử phúc thẩm tới đây của TAND tỉnh sẽ đưa ra phán quyết đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
|