Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục cửa hàng, cơ sở kinh doanh hóa chất dung môi dùng trong việc đánh bóng đồ gỗ ở các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng cùng nhiều cửa hàng bán sơn và chất dễ cháy khác. Đây là loại hàng hóa cần được quản lý và đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định để phòng ngừa hỏa hoạn. Nhưng hiện nay, công tác quản lý chưa được thực hiện với loại hàng hóa này một cách nghiêm túc, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn với hậu quả khó lường.
|
Cơ quan chức năng kiểm tra công tác PCCC tại cơ sở Dung, đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn.
|
* Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Cửa hàng Thanh Hà do anh Võ Đình Phúc (35 tuổi) ở số nhà 11 Võ Lai, TP Quy Nhơn làm chủ, kinh doanh các loại hàng hóa bằng kim loại và các loại hóa chất dung môi làm bóng đồ gỗ. Theo anh Phúc thì cửa hàng này gia đình kinh doanh từ sau ngày giải phóng, đến năm 2008 chuyển cho vợ chồng anh kinh doanh. Trung bình mỗi tháng tại cơ sở Thanh Hà tiêu thụ khoảng 500 lít hóa chất làm bóng gỗ và thường xuyên trong kho chứa khoảng 400 lít loại hóa chất này đựng trong các loại can nhựa.
Điều khiến mọi người giật mình là hàng chục chiếc can nhựa đựng hóa chất dễ cháy bỏ vương vãi trên nền nhà xen lẫn các loại vật liệu dễ cháy khác. Các loại hóa chất làm bóng gỗ là loại hàng hóa có nguy cơ cháy rất cao, đòi hỏi phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhằm phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ hỏa hoạn. Thế nhưng tại cơ sở này công tác PCCC không được đề cập đến mà cụ thể là không có giấy chứng nhận an toàn về PCCC; không mua sắm các thiết bị, dụng cụ cũng như không được tập huấn kiến thức nghiệp vụ PCCC.
Ngoài ra, cửa hàng này câu móc thiết bị điện không đúng quy định an toàn về điện. Đây thật sự là nguy cơ lớn có thể dẫn đến hỏa hoạn bất cứ lúc nào, chỉ cần một sơ xuất nhỏ của con người. Chủ cửa hàng Võ Đình Phúc cho biết: Thật sự cũng chưa quan tâm đến công tác an toàn PCCC mà chủ yếu tập trung vào việc kinh doanh. Khi được phân tích nguy cơ dễ xảy ra cháy, nổ ở cơ sở mình, anh Phúc mới vỡ lẽ và hứa sẽ khắc phục ngay những thiếu sót để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Còn tại cửa hàng Dung, ở số nhà 185 Nguyễn Thái Học, TP. Quy Nhơn, do bà Lưu Thị Tuyết Nhung làm chủ, mặc dù chủ cơ sở phần nào ý thức được tầm quan trọng của công tác PCCC nhưng nhìn chung những nguy cơ xảy ra cháy vẫn còn cao. Mỗi tháng cửa hàng Dung tiêu thụ từ 800 đến 1.000 lít hóa chất dung môi làm bóng gỗ và trên 100 lít sơn các loại. Chủ cửa hàng cũng đã mua 2 bình chữa cháy để phòng khi có hỏa hoạn xảy ra; thế nhưng cũng chẳng thấm tháp gì so với số hàng hóa, nhất là số lượng hóa chất có nguy cơ cháy nổ cao tại đây. Hàng hóa xếp bất cứ nơi đâu trong các tầng nhà, chiếm cả lối đi và không có lối thoát hiểm. Còn việc mua bán, sang chiết hóa chất cũng thật sự đáng lo ngại, khi người đến mua hàng thản nhiên hút thuốc lá trong khu vực này mà không có ai nhắc nhở.
Theo ông Võ Đình Hùng, chủ nhà cho biết: Cửa hàng cũng đã cử một nhân viên tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC do Công an tỉnh tổ chức. Cửa hàng cũng thường xuyên nhắc nhở nhân viên chú trọng công tác PCCC. Nhưng thực tế công tác PCCC ở đây rất đáng báo động. Một điều nguy hiểm ở cửa hàng này là những thành viên trong gia đình ăn ở, sinh hoạt gần như phải chen lấn với các loại hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao, trong khi đó công tác thoát hiểm chưa được tính đến. Việc lấy nhà ở làm kho chứa hàng hóa kinh doanh là thói quen rất nguy hiểm đối với nhiều hộ kinh doanh và thực tế đã dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng.
* Quản lý còn bỏ ngỏ
Thượng tá Trần Xuân Chí, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh, cho biết: “Các loại hóa chất đánh bóng đồ gỗ có tốc độ bắt lửa rất lớn, nhưng lâu nay công tác quản lý loại mặt hàng này chưa được đề cập đến về mặt quản lý Nhà nước. Việc mua bán, sang chiết không thực hiện đúng các quy định an toàn về PCCC, như việc cấm hút thuốc lá, cấm dùng đến lửa trong khi nhân viên cửa hàng sang chiết hóa chất. Nhà nước nên cần đưa vào quản lý việc kinh doanh hàng hóa này theo quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự theo Nghị định 08/CP của Chính phủ, để góp phần phòng ngừa và loại trừ nguyên nhân cháy nổ”.
Rõ ràng công tác quản lý Nhà nước đối với các loại hóa chất dung môi đánh bóng đồ gỗ, sơn các loại hiện chưa được chú trọng. Đây là kẽ hở tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn với những hậu quả khó lường. Hầu hết các cửa hàng, cơ sở kinh doanh loại hàng hóa này lại nằm trong khu dân cư nên việc đặt mạnh công tác kiểm tra, xử lý những yếu kém trong công tác PCCC ở các cơ sở, cửa hàng nói trên là việc làm cần thiết và cấp bách, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho mọi người.
|