Nhiều bị can, bị cáo và tội phạm khi đứng phía sau song sắt không hiểu nổi chính mình tại sao lại hành động một cách nông nổi và ngông cuồng như vậy. Chỉ trong một phút chốc không kiềm chế được bản thân để rồi phải trả giá đắt. Theo thống kê của cơ quan điều tra, có đến ít nhất 70% số vụ phạm pháp bắt nguồn từ những lý do hết sức … trời ơi!
|
Chỉ vài lời cãi vã trong quán net, Nguyễn Minh Tâm “bỗng dưng” trở thành tội phạm giết người. Ảnh: Lê Hương |
* Những cái chết... lãng xẹt
Ngày 12.3.2009, phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm Phạm Văn Thành (39 tuổi) về tội Giết người đã thu hút hàng trăm người dân địa phương đến dự. Điều đáng nói là trước khi xảy ra vụ việc, bị cáo và bị hại là bằng hữu với nhau. Nhưng chỉ vì vài ván cờ tướng hơn thua, một kẻ phải trả giá trước pháp luật về tội giết người, còn người thiệt mạng bỏ lại vợ con.
Số là vào tối ngày 25.9.2008, Thành gặp anh Lê Văn Việt (SN 1963), nhà bên cạnh, đến quán thịt cầy Ba Phi. Gặp nhau, cả hai trò chuyện huyên thuyên một lúc thì rủ nhau chơi cờ tướng. Theo giao kèo, mỗi ván cờ độ 4 chai bia Sài Gòn, khi nào kết thúc sẽ gom lại uống một lần cùng với những người bạn bên ngoài đang làm cổ động viên. Thành càng đánh càng thua. Còn anh Việt thắng liên tục như chẻ tre nên vừa đánh, vừa chọc quê Thành.
Nóng gáy vì thua độ, Thành đã thẳng tay đấm vào mặt và chụp dao trên bàn nhậu đâm vào ngực anh Việt. Do vết thương quá nặng, sau đó anh Việt đã chết trên đường đưa đi cấp cứu.
Trong những cái chết “không được báo trước” thì có lẽ trường hợp của anh Trần Văn Hiền (36 tuổi, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) chủ quán karaoke Lệ Huyền là đau đớn hơn cả. Vào lúc 20 giờ 45 ngày 10.3.2009, Trần Tấn Đạt (một đối tượng bất hảo mang tính “gia truyền”, thường xuyên quậy phá, bà con ở địa phương ai cũng ngán ngẩm) đến quán để hát karaoke thì bị anh Hiền từ chối vì sợ Đạt sẽ quậy phá, gây chuyện làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Đạt cự cãi một lúc nhưng vẫn không vào phòng hát được nên phải ra về. Ngăn chặn không để Đạt vào quán của mình, anh Hiền đang mừng thầm thì bỗng thấy y quay lại. Chẳng nói chẳng rằng, Trần Tấn Đạt xăm xăm bước tới rút con dao giấu phía sau đâm thẳng vào bụng anh Hiền. Anh Hiền thét lên đau đớn và ôm bụng gục xuống. Sáng hôm sau anh Hiền chết ở Bệnh viện đa khoa tỉnh do bị đứt nhiều đoạn ruột, gây mất nhiều máu dẫn đến tử vong.
Hay mới đây nhất là vụ án giết người tại quán Internet số 13 đường Trần Bình Trọng, TP Quy Nhơn, cũng chỉ vì vài lời cãi vã mà một mạng người cũng “ra đi” trong oan ức. Nạn nhân là anh Trần Quốc Hưng (SN 1990, ở Ayunpa, tỉnh Gia Lai, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Quang Trung). Khoảng 19 giờ 30 ngày 28.5.2009, anh Hưng đến quán Internet truy cập và xảy ra cãi nhau với Phan Thế Trường. Được chủ quán can ngăn, Hưng ra về thì bị Nguyễn Minh Tâm (SN 1990, ở xã Iaphang, huyện Chư Sê, Gia Lai, đang ôn thi Đại học tại Quy Nhơn) là bạn của Trường chạy theo dùng dao đâm bị thương và Hưng chết ngay sau đó.
* Làm sao để hạn chế, phòng ngừa?
Theo luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP HCM): Trong nhiều vụ án, việc xác định nguyên nhân, động cơ phạm tội gặp rất nhiều khó khăn vì kiểu phạm tội bột phát, có khi nguyên nhân phạm tội rất vớ vẩn như chỉ vì một cái nhìn “đểu” hoặc một câu nói nào đó ngoài đường. Tính nguy hiểm của xu thế này là hành vi bột phát tức thì, thiếu hẳn sự kiểm soát, điều chỉnh vốn có của người bình thường. Vì thế, nó diễn biến khôn lường, có thể xảy ra ở bất cứ môi trường, điều kiện, thời điểm nào và hậu quả rất nặng nề.
Mới đây, tại một Hội thảo về tội phạm giết người do mâu thuẫn xã hội do Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức, các chuyên gia của ngành CA và một số ngành có liên quan cho rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong nhân dân còn yếu. Nhất là việc phòng ngừa tội phạm trong gia đình, nhà trường và cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mức.
Đặc biệt, trong xã hội hiện đại ngày nay luôn ẩn chứa nhiều mặt trái “kích thích” người ta phạm tội: Những trò chơi điện tử toàn cảnh súng nổ, máu chảy, đầu rơi. Phim hành động với những pha giết người rùng rợn tràn lan không chỉ trong rạp chiếu phim mà ngay cả trên màn ảnh vô tuyến hàng ngày. Nhiều yếu tố như vậy cộng lại khiến người ta cảm thấy “xung quanh mình đâu cũng có tội phạm”, tội phạm là chuyện thường ngày... Tâm lý đó kéo khoảng cách giữa “hành động ảo” và hành động phạm tội thật gần nhau hơn.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế, phòng ngừa các loại tội phạm dạng này như: Cần thành lập phòng tư vấn tâm lý trong trường học, cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh. Tùy theo số người trong tổ chức, chuyên viên tư vấn có thể chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Họ sẽ lắng nghe, chia sẻ, giúp người được tư vấn giải tỏa ức chế và vượt qua bế tắc, nhờ đó có thể tránh được nguy cơ bạo lực. Ngoài ra, mỗi khu phố nên nâng cao năng lực hoạt động của tổ hòa giải, chọn người có năng lực, uy tín giúp người dân giải quyết các va chạm, xung đột trong cộng đồng. Hay cần tăng cường, mở rộng giáo dục kỹ năng sống, nhất là cho thanh thiếu niên, không chỉ ở nhà trường mà còn cả ngoài xã hội...
|