Sáng 4.7, bà con địa phương không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy trên 5.000m2 mặt nước tại hồ tôm trên cát ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ Cát (Phù Mỹ), do bà Lâm Thị Khôi ở thôn Xuân Thạnh sản xuất bị váng dầu diezel phủ kín. Khoảng 80 ngàn con tôm 45 ngày tuổi, đang độ lớn, trị giá khoảng 50 triệu đồng đã và đang giãy chết dưới lớp váng dầu. CA huyện tiến hành điều tra đã xác định Phan Văn Sơn (32 tuổi, ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An) là thủ phạm gây ra hậu quả trên.
Điều đáng nói ở đây, thủ phạm Phan Văn Sơn là con ruột của bà Lâm Thị Khôi- nạn nhân trong vụ hủy hoại tài sản này. Tại CA xã Mỹ An, Phan Văn Sơn khai nhận, tối 3.7, sau khi uống rượu về, Sơn đã đổ gần 2 can dầu diezel xuống hồ tôm của mẹ mình với mục đích giết chết toàn bộ số tôm trong đó. Bà Lâm Thị Khôi trình báo, vài năm nay, mỗi lần say rượu Phan Văn Sơn thường quậy phá cha mẹ ruột, gây bất bình trong gia đình. Ngoài vụ vừa đổ dầu diezel làm cả hồ tôm bị chết, thiệt hại trên 50 triệu đồng, cách nay khoảng 1 tháng Sơn đã rạch nát những tấm ni lông bà Khôi trải trong hồ chuẩn bị bơm nước thả tôm, gây khó khăn cho việc sản xuất theo mùa vụ của gia đình.
Vì sao con trai lại đi phá hoại không để cha mẹ làm ăn? Chúng tôi đi tìm câu trả lời từ những người có trách nhiệm ở địa phương và đã biết được phần nào nguyên nhân sâu xa của bi kịch gia đình này. Phan Văn Sơn là con trai đầu của bà Lâm Thị Khôi, anh cả của 5 người em, trong đó có 3 em gái. Không được như những người em của mình, Sơn nghỉ học từ sớm, có vợ và suốt ngày vất vả với nghề làm biển nhưng vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn trong cuộc sống. Năm 2005, cũng như nhiều bà con khác ở địa phương, Sơn bán tàu thuyền, ngư lưới cụ để cùng mẹ ruột là bà Lâm Thị Khôi đầu tư vào việc đào hồ nuôi tôm trên cát. Khi hồ tôm hoàn thành và được địa phương cho phép, bà Khôi đã nói với con để mình đứng tên quyền sử dụng đất, sau này, sẽ giao lại cho Sơn sản xuất.
Thế nhưng vài năm gần đây, bà Khôi không cho Sơn làm chung với mình, thay vào đó là con rể. Cho rằng bị mẹ tước mất tài sản và quan trọng hơn là tình mẫu tử dường như cũng không còn, Phan Văn Sơn uất ức và âm ỉ trong lòng nỗi oán hận chính người sinh ra mình và do đó từ một nông dân chưa có vi phạm gì về an ninh trật tự địa phương phải xử lý đã biến thành đối tượng hình sự với hành vi vi phạm nghiêm trọng. Bà Lâm Thị Khôi cũng biết chính việc dành tình cảm của mình cho các con không đồng đều đã dẫn đến việc Sơn buồn bã và có những việc làm sai trái. Thế nhưng bà Khôi vẫn giữ sự thiên vị đó cho đến hôm nay.
CA huyện Phù Mỹ cho biết, các vụ đầu độc vật nuôi, phá hoại cây trồng đã từng là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương trong huyện, lãnh đạo huyện đã tập trung giải quyết và từng bước đẩy lùi, tạo được niềm tin trong nhân dân. Tại xã Mỹ An, vụ hủy hoại tài sản trên là vụ thứ hai xảy ra trong 2 năm gần đây. Tháng 6.2008, con bò trị giá trên 5 triệu đồng của ông Đặng Văn Tiến ở thôn Xuân Phương bị giết chết. CA huyện Phù Mỹ điều tra làm rõ Đặng Văn Đua (SN 1974, ở cùng thôn) có biểu hiện bị bệnh tâm thần, bất đồng với ông Tiến nên đã gây ra vụ việc. Lần này, vụ hủy hoại có tính chất phức tạp, hậu quả nghiêm trọng, nhưng thủ phạm lại là con ruột. Điều đó cho thấy, những bất đồng trong cuộc sống giữa những người là bà con láng giềng, anh em họ tộc, cha mẹ con cái… không được giải quyết kịp thời, dứt điểm là nguyên nhân chính của những vụ đầu độc vật nuôi, phá hoại cây trồng.
Để phòng ngừa ngăn chặn những vụ tương tự, cùng với việc xử lý đối tượng vi phạm, các ngành, đoàn thể cần tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho mọi người, tiến hành hòa giải ngay từ cơ sở những mâu thuẫn trong nhân dân, đừng để những tranh chấp dân sự, mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày dẫn đến phạm pháp hình sự, đẩy những người dân trình độ hạn chế về pháp luật vào con đường tù tội với nỗi ân hận muộn màng.
|