VẤN NẠN “TÍN DỤNG ĐEN”:
Cảnh báo từ những vụ lừa đảo mới
7:41', 31/7/ 2009 (GMT+7)

Ngày 20 .7, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh đã khởi tố 2 vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 4 bị can trong 2 vụ án này gồm vợ chồng Đặng Xuân Trang, thường gọi Phát (SN 1972), Bùi Thị Yến (SN 1977)  ở thôn Dương Liễu Tây, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ và vợ chồng Lê Thị Thanh Sen (SN 1965), Nguyễn Thượng Kinh (SN 1958) ở số 8 Hải Thượng Lãn Ông, TP Quy Nhơn. 3 bị can gồm vợ  chồng Sen cùng Đặng Xuân Trang  đã bị bắt tạm giam, riêng Bùi Thị Yến cho tại ngoại để nuôi con còn nhỏ.

 

Thực hiện lệnh bắt Đặng Xuân Trang. Người đứng bên cạnh là Bùi Thị Yến. Ảnh: Kim Cường

 

* Mở tiệm vàng lừa đảo

Năm 1999, hiệu vàng Xuân Phát ra đời tại thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ. Chủ nhân hiệu vàng này là vợ chồng Đặng Xuân Trang, Bùi Thị Yến. Ở nông thôn, dư được đồng nào bà con thường chắt góp mua vàng về cất. Lợi dụng đặc điểm tâm lý đó nên sau khi bà con đến mua vàng, vợ chồng Trang, Yến bảo họ gửi lại tiệm, hàng tháng đến nhận tiền lãi, khi nào cần lấy vàng thì vợ chồng Trang trả đủ. Đối với người đến bán vàng, sau khi thử tuổi vàng, xác định trọng lượng xong thay vì đưa tiền, Trang và Yến hẹn khách hàng (hầu hết là bà con quen biết ở địa phương) hôm sau đến trả.

Và sau nhiều lần hẹn, vợ chồng Trang thuyết phục bà con chuyển sang cho vay. Với mức lãi hấp dẫn, lãi vay bằng tiền  từ 2 đến 5% tháng, lãi vay bằng vàng từ 10 đến 15% năm và thời gian đầu trả lãi sòng phẳng, một số người có nhu cầu thanh toán tiền gốc được giải quyết ngay nên tiệm vàng Xuân Phát thu hút ngày càng đông bà con đến giao dịch và số tiền vay của người sau trả cho người trước đã làm cho  vợ chồng Trang, Yến  thâm nợ ngày càng lớn. Cùng với việc vay tiền, vàng của bà con, vợ chồng Trang, Yến còn tham gia nhiều đường dây huê hụi, hốt hụi đầu tiên nhưng sau đó không đóng hụi chết. 

Hiệu vàng Xuân Phát ra đời và tồn tại 10 năm nhờ kinh doanh kiểu “mượn đầu heo nấu cháo” như trên. Đầu năm 2009, một số người có yêu cầu rút vốn nhưng không được vợ chồng Trang, Yến giải quyết nên họ đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan CA. Phòng PC14,  CA tỉnh vào cuộc, đến nay đã làm rõ, Đặng Xuân Trang  và Bùi Thị Yến đã vay của 38 người, trừ tiền lãi và tiền gốc đã trả, hiện còn chiếm đoạt gần 1,1 tỉ đồng, 547chỉ vàng 24K, 10 chỉ vàng SJC, 17 chỉ vàng 18K. Tài sản của vợ chồng Trang, Yến gồm 3  lô đất xây dựng, trong đó 1 lô đã thế chấp cho ngân hàng, 2 lô còn lại đã bán cho người khác, nhưng chưa sang tên.

* Cả tin, mất tiền tỉ

Cũng bằng hành vi lừa đảo, nhưng vợ chồng  Lê Thị Thanh Sen và Nguyễn Thượng Kinh chỉ thực hiện đối với một người và chiếm đoạt được trên 5 tỉ đồng. Nạn nhân của cặp vợ chồng này là bà Lâm Thị Kim Phượng (ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn). Sen và Kinh làm quen với bà Phượng từ năm 2006 thông qua việc mua bán bảo hiểm và qua đó biết bà Phượng có cho vay nên đã từng bước lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 4.2006,  vợ chồng Sen bắt đầu vay tiền của bà Phượng để mua bán mủ cao su, đáo hạn ngân hàng, lãi suất thỏa thuận theo từng đợt từ 6 đến 12% tháng. Lúc đầu, cặp vợ chồng này thanh toán lãi và gốc luôn đúng hạn, sòng phẳng nên tạo được lòng tin đối với bà Lâm Thị Kim Phượng.

Một năm sau, việc mua bán mủ cao su bị thua lỗ dẫn đến thâm hụt vốn, vợ chồng Sen không còn khả năng trả lãi và gốc cho bà Phượng. Từ đó, vợ chồng Sen đã nảy sinh ý định lừa đảo và nói dối bà Phượng đang hùn vốn mở công ty TNHH gia công chế biến mủ cao su để vay tiền nhiều hơn. Bà Phượng tin thật nên tiếp tục cho họ vay và Sen, Kinh lấy chính số tiền vay của bà Phượng để trả lãi và gốc cho những lần vay trước của bà. Bằng thủ đoạn đó từ ngày 19.10. 2007 đến 23.11.2007 Sen, Kinh đã vay  của bà Phượng 16 lần với số tiền 6,280 tỉ đồng.

Khi biết cặp vợ chồng  này lừa đảo, không hùn vốn mở công ty, không làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng như đã nói, bà Phượng đã tìm họ đòi nợ, nhưng sau nhiều lần đi lại, bà chỉ nhận được 452 triệu đồng tiền gốc. Hiện tại, Lê Thị Thanh Sen, Nguyễn Thượng Kinh còn nợ bà Lâm Thị Kim Phượng số tiền 5,827 tỉ đồng. Cũng như những trường hợp khác, Sen, Kinh  đã đem tài sản của mình thế chấp hoặc bán trước khi bị bà Phượng phát hiện hành vi lừa đảo của họ.

“Tín dụng đen” đã và đang là vấn nạn không chỉ ở đô thị mà ngay cả vùng nông thôn nên trong số nạn nhân bị mất tài sản có cả những nông dân chân lấm tay bùn. Hai vụ án trên góp thêm  lời cảnh báo  để mọi người đề phòng trước thủ đoạn nâng lãi suất để lừa đảo.

  • Mai Linh Giang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khởi tố vụ tàng trữ, mua bán động vật hoang dã  (29/07/2009)
Dư luận bất bình về một bản án  (29/07/2009)
Đi cầm vàng giả   (28/07/2009)
Kẻ gieo rắc “cái chết trắng”   (28/07/2009)
Bảy năm tù cho kẻ hiếp dâm  (27/07/2009)
Trùm lừa đảo Trần Thị Ngọc Hà thoát án tử hình  (27/07/2009)
Cảnh giác với thủ đoạn mới của tội phạm  (25/07/2009)
Côn đồ hoành hành một doanh nghiệp  (22/07/2009)
Kẻ lang thang và 17 chiếc mô tô trộm cắp  (21/07/2009)
Nuôi ong tay áo  (21/07/2009)
Thảm kịch từ những cuộc tình   (21/07/2009)
Trên trận tuyến đấu tranh với các loại tội phạm về kinh tế   (19/07/2009)
Trận đòn ghen tàn bạo  (18/07/2009)
Bắt băng nhóm móc túi ở Hội chợ  (18/07/2009)
Cha con cùng lãnh án chỉ vì không được… hát  (17/07/2009)