Sau 30 ngày Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực (từ ngày 1.7.2009); cũng như các địa phương khác trong cả nước, tại Bình Định, lực lượng CSGT Công an (CA) tỉnh đã tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở nhằm giúp người tham gia giao thông trên địa bàn hiểu rõ hơn về luật mới và tiến tới xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp nào vi phạm, nhất là hành vi sử dụng rượu bia và không đội mũ bảo hiểm.
|
Lực lượng CSGT kiểm tra, nhắc nhở và xử lý vi phạm TTATGT. Ảnh: T.B |
Theo thượng tá Phan Văn Thanh - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh – bắt đầu từ cuối tháng 6.2009, lực lượng CA tỉnh và các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên truyền hàng trăm lượt về an toàn giao thông ở tất cả các trường học, các khu công nghiệp, cơ quan, đơn vị, bến xe, nhà ga, chợ, trung tâm thương mại, các tuyến đường trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông (TTATGT)… trên địa bàn với hàng chục nghìn người tham dự.
Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, CA tỉnh cũng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT. Đặc biệt, Giám đốc CA tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CA xã của các huyện, thành phố trực tiếp tham gia công tác tuần tra kiểm soát, giữ gìn TTATGT trên các tuyến đường giao thông nông thôn; huy động tất cả các lực lượng CA phường và CA các xã ra quân kiểm tra, xử lý người đi môtô không đội mũ bảo hiểm.
Theo thượng tá Huỳnh Đức Hạnh, Phó Trưởng phòng CSGT CA tỉnh, thì với phương châm “tuần tra kiểm soát đi đôi với nhắc nhở” lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát trên dọc các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh luôn chú ý việc tuyên truyền nhắc nhở các vi phạm có liên quan đến những nội dung mới được quy định trong Luật mà chưa có chế tài xử phạt. Bởi vì Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2009 thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có Nghị định mới để hướng dẫn chi tiết nên lực lượng CSGT chỉ xử phạt các hành vi vi phạm được quy định từ trước, còn những hành vi trước đây không quy định xử phạt thì chỉ tuyên truyền, nhắc nhở để người dân biết và thực hiện cho tốt.
Trung tá Trần Đình Đương – Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát, Phòng CSGT Công an tỉnh - cho biết thêm: Hiện nay ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân còn hạn chế nên lực lượng CSGT gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong lúc chưa có các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, các phương tiện để thi hành Luật như máy đo nồng độ cồn trong máu vẫn còn thiếu nên chỉ kiểm tra đối với những người vi phạm đã được mời về đơn vị, các tổ tuần tra trên đường không thể mang theo để kiểm tra tại chỗ.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay Phòng CSGT - Công an tỉnh đã xử lý hơn 33.000 trường hợp vi phạm giao thông, chủ yếu là các lỗi vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, đi trái phần đường quy định, chở quá tải. Trong đó, lực lượng CSGT đã phạt tiền gần 12 tỉ đồng, tạm giữ 7.065 lượt phương tiện; tước giấy phép lái xe 908 trường hợp; so với cùng kỳ năm 2008, lập biên bản tăng 6.662 trường hợp, phạt tiền tăng 2 tỉ đồng, tạm giữ phương tiện tăng 631 lượt, tước giấy phép lái xe tăng 346 trường hợp.
Có thể nói, mặc dù lực lượng CSGT Công an tỉnh tích cực triển khai, tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ 2008 nhưng việc Chính phủ chậm ra Nghị định hướng dẫn đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ đi vào cuộc sống của Luật, ngoài ra còn phải kể đến việc một số người dân còn có tư tưởng né tránh, chấp hành Luật Giao thông đường bộ chưa nghiêm; tình trạng uống rượu, bia trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn còn diễn ra khá phức tạp… Điều đó đang đặt ra cho lực lượng chức năng một bài toán khó trong việc xử phạt, nếu không có biện pháp giải quyết dứt điểm những khó khăn hiện nay thì Luật Giao thông đường bộ sửa đổi khó đi vào cuộc sống.
|