|
Một vụ cưỡng chế tài sản để đảm bảo THADS. Ảnh: Minh Châu |
Luật Thi hành án dân sự (THADS) quy định chấp hành viên được quyền cưỡng chế đối với các tài sản thuộc sở hữu chung của người phải THADS với người khác, kể cả quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tế khi gặp những trường hợp này thì cơ quan THADS gặp rất nhiều khó khăn.
* Tài sản của con trong tài sản bố mẹ
Hiện nay có không ít trường hợp THADS mà tài sản của cha mẹ, có một phần tài sản của con cái, là người phải thi hành án. Thế nhưng, để chứng minh một phần tài sản của con cái trong tổng tài sản của cha mẹ, để cưỡng chế là một việc làm không dễ dàng, thậm chí có thể gọi là công việc “mò kim đáy bể”.
Như vụ án của T.V.B. ở TP. Quy Nhơn, phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; trong đó, B. phải bồi thường hơn 800 triệu đồng. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, B. làm cho một công ty lớn, dùng số tiền chiếm đoạt để xây mới ngôi nhà 3 tầng trên nền nhà cũ của cha mẹ (đã trên 80 tuổi) tại trung tâm thành phố, hiện B. đang sống chung. Tuy nhiên, khi xác minh, ngôi nhà mang tên bố mẹ của B. và một số tài sản có giá trị trong nhà cũng vậy. Do vậy, cơ quan THADS không thể cưỡng chế các tài sản nói trên, vì không có chứng cứ chứng minh phần sở hữu của B. trong khối tài sản chung của gia đình.
Ông Võ Công Hoàng, chấp hành viên THADS tỉnh cho rằng: Nếu bố mẹ công nhận phần tài sản của con trong khối tài sản chung thì có thể kê biên, cưỡng chế để đảm bảo THADS và mọi việc diễn ra dễ dàng. Tuy nhiên, có nhiều vụ người phải THADS chỉ phải thi hành vài trăm triệu đồng, mà ngôi nhà và quyền sử dụng đất trị giá nhiều tỉ đồng thì rất khó cho cơ quan THADS. Về nguyên tắc thì cơ quan THADS vẫn phải cưỡng chế phần tài sản đủ để thi hành; nhưng trên thực tế thì có cưỡng chế cũng không xử lý được tài sản vì không ai đi mua vài mét nhà trong một ngôi nhà lớn, nên việc kê biên, cưỡng chế chỉ là thực hiện đúng về mặt hình thức.
* Tài sản chung của vợ chồng
Trường hợp sau đây là một ví dụ về các vụ án khó thi hành. N.M.T. tuy đã có vợ con, nhưng có tình ý riêng với một người phụ nữ khác. Đã thế, T. còn nổi cơn ghen, dùng dao đâm trọng thương một tình địch khác. Bản án phúc thẩm của TAND Tối cao dành cho T. mức án 9 năm tù giam và buộc phải bồi thường cho bị hại số tiền 78 triệu đồng.
Xác minh điều kiện thi hành án của T., cơ quan THADS xác định: T. đang thụ hình trong trại cải tạo, còn vợ của T. đang phải nuôi 2 con nhỏ, thu nhập chính là làm ruộng nên chỉ đủ ăn, các tài sản khác không có gì ngoài căn nhà cấp 4 ở khu vực nông thôn. Thông thường, có thể cưỡng chế 1/2 ngôi nhà chung của vợ chồng T. để đảm bảo THADS; thế nhưng ngôi nhà này đã xuống cấp, nên giá trị không đáng là bao. Mặt khác, nguồn gốc thửa đất là do cha mẹ vợ của T. cho để vợ chồng T. xây nhà để ở và không đồng ý để đưa vào thi hành án cho T.
Luật THADS so với Pháp lệnh THADS trước đây về cưỡng chế tài sản thuộc sở hữu chung đã tạo điều kiện hơn cho chấp hành viên cũng như bảo đảm quyền lợi cho cả người được lẫn người phải THADS. Tuy nhiên, trên thực tế, trong trường hợp đương sự khởi kiện để yêu cầu xác định phần sở hữu của mình thì việc thi hành án sẽ kéo dài... không biết đến bao giờ. Bởi việc THADS phải chờ vào kết quả phân chia của tòa án. Mà quá trình tố tụng của một vụ án dân sự phải mất nhiều năm, chưa kể có nhiều vụ phải xử đi, xử lại rất nhiều lần.
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
(Trích điều 74 Luật THADS) |
|