Một buổi tối, trong nhà Rông của làng, trước sự chứng kiến của bà con, cụ Đinh Văn Tỵ, già làng Đăk Đăm, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh đã trân trọng trao tặng đồng chí Trần Thái Học – Phó trưởng CA huyện Vân Canh tấm áo truyền thống của dân tộc Bana do bà con dân làng dệt. Món quà tuy đơn sơ nhưng nặng nghĩa tình quân dân và làm ấm lòng người cán bộ CA hơn 20 năm miệt mài vì sự bình yên của bản làng.
|
Đồng chí Trần Thái Học thăm một gia đình dân tộc thiểu số. Ảnh: Vũ Quốc Hùng |
Vân Canh là một trong 5 huyện miền núi của Bình Định có đông dân tộc thiểu số sinh sống. Theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 1.4.2009, Vân Canh có 2.238 hộ với 9.682 nhân khẩu thuộc các dân tộc thiểu số, chiếm 38% dân số toàn huyện định cư tại 28 làng. Trong đó dân tộc Bana 1.028 hộ, 4.522 nhân khẩu và dân tộc Chăm 1.179 hộ, 5.045 nhân khẩu, còn lại các dân tộc thiểu số khác. Do địa hình phức tạp, đường đi còn lắm đèo, nhiều suối, phương tiện giao thông cơ giới lưu thông khó khăn nên việc giao lưu của bà con các dân tộc thiểu số với bà con bên ngoài bản làng chưa được mở rộng và đó không chỉ là một lý do làm hạn chế sự phát triển về kinh tế-văn hóa-xã hội của đồng bào miền núi Vân Canh mà còn là điều kiện để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin làm điều sai trái, gây bất ổn an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Với nhiệm vụ đảm bảo an ninh tuyến núi, từ khi còn là trinh sát cũng như hiện nay là phó CA huyện phụ trách an ninh, Trần Thái Học luôn bám sát địa bàn và đến với bà con không chỉ với trách nhiệm của một cán bộ CA thực hiện nhiệm vụ được giao mà còn có tấm lòng yêu thương dành cho bà con dân tộc thiểu số. Anh theo bà con ra rẫy cả ngày, ăn với bà con những món ăn truyền thống và đêm đến lăn ra sàn nhà cùng ngủ với bà con. Ngày qua ngày, tấm lòng của người cán bộ CA này đã được bà con đón nhận và Trần Thái Học đã trở thành con em của họ, được họ sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống và được tham gia vào các cuộc bàn thảo việc làng với già làng và những người cao tuổi.
Càng gần bà con, hiểu bà con càng khiến Trần Thái Học trăn trở tìm cách gắn kết thật hiệu quả giữa công tác đảm bảo an ninh trật tự với phát triển kinh tế, văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó anh đã cùng tập thể cấp ủy, lãnh đạo CA huyện tham mưu Huyện ủy, UBND huyện, Giám đốc CA tỉnh triển khai các biện pháp thiết thực, hữu hiệu trong việc tuyên truyền, vận động bà con làm theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.
Về phần mình, Trần Thái Học cùng đồng đội đẩy mạnh phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng tổ tự quản tại 28 làng, xây dựng củng cố lực lượng làm công tác an ninh trật tự ở các làng. Mặt khác, thông qua các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, đồng thời duy trì, phát triển những lễ hội truyền thống mang nét đặc trưng của từng dân tộc.
Để công tác vận động có kết quả, anh đã giúp địa phương triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng tiêu chí và tổ chức các làng đăng ký “Làng văn hóa”; tạo điều kiện để các đơn vị thuộc CA tỉnh tổ chức kết nghĩa với các làng dân tộc thiểu số nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa CA và bà con. Kết quả, 15 làng kết nghĩa với các phòng, ban CA tỉnh 10 năm liền không xảy ra tội phạm, 13 làng còn lại tội phạm đã giảm đáng kể và những vi phạm về an ninh trật tự được phòng ngừa có hiệu quả. Đặc biệt 4 làng, gồm Đăk Đăm, Suối Mây (thị trấn Vân Canh), Canh Lãnh (xã Canh Hòa), Hà Văn Trên (xã Canh Thuận) đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh.
Nỗ lực của CA huyện Vân Canh, trong đó có sự đóng góp tích cực của Trần Thái Học đã được đền đáp xứng đáng và niềm vui đó đã thúc giục Trần Thái Học tiếp tục đến với đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện để góp phần động viên, hướng dẫn họ chung tay xây dựng làng ngày càng bình yên, giàu, đẹp hơn.
|