Đó là em Nguyễn Văn Nghiệm (trú tại tổ 21, KV4, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) người vừa thi đỗ một lúc ba trường đại học, nhưng con đường đến giảng đường của em vẫn còn xa vời vì hoàn cảnh quá khó khăn.
* Tấm gương vượt khó
Nhà Nghiệm nằm trong con hẻm nhỏ sâu hun hút thuộc tổ 21, KV4, phường Đống Đa. Ngôi nhà bé tí, lụp xụp nhưng có đến 8 người sinh sống. Nhìn dáng vóc của Nghiệm, không ai nghĩ rằng em đã 18 tuổi, vì dáng người nhỏ thó, còm nhom như một học sinh đang học cấp hai. Cha làm nghề đi biển, mẹ thường xuyên đau ốm, không có nghề nghiệp ổn định, nên từ lâu 8 miệng ăn trong nhà Nghiệm phải trông cậy vào đồng tiền công ít ỏi của ba. Khi Nghiệm lên lớp 6 cũng là lúc cha mẹ em bất lực trước số tiền đóng học phí cho em. Tưởng như con đường học vấn của em đứt gánh, nhưng bằng nghị lực phi thường, em đã vượt qua được và tiếp tục đến trường bằng chính sức lao động của mình.
|
Em Nguyễn Văn Nghiệm. Ảnh: A.T |
Không giống như những học sinh lớp 6 bình thường khác, sau một buổi đến trường, thời gian còn lại em đi nhặt bóng tennis. Số tiền thù lao 400.000 đồng/tháng từ “nghề” nhặt bóng tuy không lớn, nhưng đủ cho em thực hiện ước nguyện tiếp tục đến trường. Cứ thế, từ năm học lớp 6 đến 12, đều đặn mỗi ngày một buổi đi học, một buổi em đi nhặt bóng tennis.
Mặc dù hoàn cảnh hết sức khó khăn như vậy, nhưng năm nào em cũng đạt thành tích học sinh tiên tiến của trường. Riêng năm học 12, em đã đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cô Nguyễn Thị Ngọc Sang - giáo viên Trường THPT Trần Cao Vân, nguyên giáo viên chủ nhiệm năm học lớp 12 của Nghiệm, nhận xét: “Mặc dù vừa đi học, vừa bận bịu với việc làm thêm để kiếm tiền lo học phí, mua sách vở, nhưng em Nghiệm vẫn đi học đều đặn, nghiêm túc. Ở trường, em được nhiều bạn bè và thầy cô quý mến. Đặc biệt, dù hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng kết quả học tập của Nghiệm vẫn khá tốt. Bằng chứng là năm học lớp 12 vừa qua, Nghiệm là học sinh duy nhất trong lớp đạt thành tích học sinh giỏi”.
* Đường đến giảng đường vẫn còn xa
Đến cuối năm học 12, trước áp lực của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, Nghiệm đã phải tạm gác “nghề” nhặt bóng để vùi đầu vào sách vở. Rồi những nỗ lực của em cũng được đền đáp khi có kết quả em đỗ cùng một lúc ba trường: Đại học Quy Nhơn, Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh và Cao đẳng Tài chính - Hải quan. Thế nhưng, ngày em nhận được kết quả đậu đại học cũng là lúc em bắt đầu suy nghĩ, trăn trở về con đường đến giảng đường của mình.
Tin rằng mình sẽ đỗ trong kỳ thi tuyển sinh đại học, nên sau khi kết thúc đợt thi, Nghiệm tiếp tục quay lại với nghề nhặt bóng cũ để kiếm tiền đóng học phí cho đợt nhập trường đại học sắp tới. Quay lại chỗ làm cũ, em như bị sốc khi biết công việc của mình đã có người thay thế. Không nản chí, Nghiệm tiếp tục lân la kiếm việc khác. Rồi em cũng tìm được việc làm ở một cơ sở sản xuất lạp xưởng trên đường Trần Hưng Đạo (Quy Nhơn). Nhưng vừa làm chẳng được bao lâu, em lại phải nghỉ việc vì sản lượng đơn đặt hàng của cơ sở này giảm mạnh.
Nghiệm than thở: “Sắp đến ngày nhập học rồi mà giờ em chỉ có 400.000 đồng, không đủ để đóng cho học phí học kỳ đầu tiên ở trường đại học. Lúc thi đại học xong, em cũng tính đến chuyện này nên cố gắng tìm việc làm để lo kiếm tiền. Nhưng xui xẻo quá anh ạ, vừa làm được vài hôm thì phải nghỉ…” .
Khi bài báo này đến tay bạn đọc cũng là thời điểm Nghiệm phải nộp hồ sơ nhập học ở trường đại học. Nhưng, đường đến giảng đường của Nghiệm vẫn còn xa lắm…
|