Theo TAND tỉnh, sắp tới đây sẽ có nhiều bị can, bị cáo, bị án được đình chỉ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhờ áp dụng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (gọi tắt là BLHS sửa đổi) được ban hành vào ngày 29.6.2009, có hiệu lực từ ngày 1.1.2010. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Bình Định đã trao đổi với thẩm phán Hồ Khá – Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh.
|
Nhờ áp dụng BLHS sửa đổi mà bị cáo Trần Thị Ngọc Hà đã thoát án tử hình. Ảnh: A.T
|
* Cho đến nay, BLHS sửa đổi vẫn chưa có hiệu lực thi hành. Vì sao phải áp dụng trước, thưa ông?
- BLHS sửa đổi và Nghị quyết 33 của Quốc hội về thi hành luật này đã nói rõ các điều luật có lợi cho bị can, bị cáo, bị án sẽ áp dụng ngay sau khi Chủ tịch nước công bố luật chứ không phải đợi đến ngày 1.1.2010 khi BLHS sửa đổi có hiệu lực. Do vậy, ngày 29.6, sau khi Chủ tịch nước ký lệnh công bố BLHS sửa đổi đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người phạm tội được trả tự do, được thoát án tử hình... ngay chứ không chờ đến thời hạn 1.1.2010. Đây cũng là nguyên tắc áp dụng có lợi cho người phạm tội.
* Vậy những đối tượng nào được áp dụng theo hướng có lợi trước khi BLHS sửa đổi có hiệu lực?
- Luật mới đã bỏ án tử hình đối với tám loại tội; không xử lý hình sự người sử dụng trái phép chất ma túy (có thể áp dụng biện pháp khác như đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục...) và 15 loại tội liên quan đến định lượng tiền đã được sửa đổi theo hướng nâng lên nhiều lần. Ví dụ: Với các tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo, tham ô, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản..., trước đây chỉ cần chiếm đoạt tài sản 500 ngàn đồng là có thể bị xử lý hình sự, nay BLHS sửa đổi yêu cầu phải là hai triệu đồng trở lên…
* Với những đối tượng trên, nếu họ đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đang chấp hành án thì được giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Đối với tám loại tội đã bỏ án tử hình, trường hợp tòa đã tuyên án tử hình mà chưa thi hành, chánh án TAND tối cao sẽ chuyển hình phạt tử hình xuống chung thân cho họ.
Trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; đang chấp hành hình phạt thì họ được miễn chấp hành hình phạt còn lại, nếu chưa chấp hành hình phạt sẽ được miễn chấp hành. Nếu ai đó bị cơ quan tố tụng bắt chỉ vì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì họ sẽ được trả tự do, xóa án tích.
Đối với 15 loại tội liên quan đến định lượng tiền, nếu ai đó đang bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo các tội trên mà tài sản chiếm đoạt chưa tới hai triệu đồng thì sẽ được trả tự do. Những trường hợp được trả tự do thuộc diện nói trên là do chuyển biến của tình hình chứ không phải họ bị oan.
* Ở tỉnh ta, thời gian qua đã có bị can, bị cáo hay bị án nào được hưởng lợi từ BLHS sửa đổi chưa?
- Điển hình nhất là trường hợp của bị cáo Trần Thị Ngọc Hà, SN 1973, trú tại KV4 phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn. Ngày 27.4.2009, bị cáo Hà bị TAND tỉnh tuyên án tử hình về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dưới hình thức huy động vốn với số tiền 37 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhờ áp dụng BLHS sửa đổi, phiên tòa phúc thẩm do TAND tối cao xét xử vào ngày 22.7.2009, HĐXX đã hạ mức từ tử hình xuống còn chung thân đối với bị cáo Hà, mặc dù tình tiết phạm tội của bị cáo không thay đổi. Việc xét xử đối với tám loại tội đã bỏ án tử hình cũng đã được TAND tỉnh áp dụng trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, từ đầu tháng 7 đến nay, ngành TAND trong tỉnh cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cho tại ngoại nhiều đối tượng phạm tội một trong số 15 loại tội liên quan đến định lượng tiền, nhưng tài sản chiếm đoạt chưa đến hai triệu đồng đang bị tạm giam để chờ xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Và tất nhiên các đối tượng phạm tội thuộc trường hợp trên dù đã bị tạm giam hay tại ngoại đều sẽ được trả tự do trong những phiên tòa sắp tới.
* Xin cảm ơn ông!
|