THÁNG AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2009:
Vẫn chưa chuyển biến tích cực
9:20', 23/9/ 2009 (GMT+7)

Tháng An toàn giao thông (ATGT) năm nay được triển khai với chủ đề trọng tâm là “Văn hóa giao thông” với nhiều hoạt động tuyên truyền rầm rộ từ cuối tháng 8. Tuy nhiên, đã hơn 3 tuần triển khai nhưng văn hóa của người tham gia giao thông vẫn còn rất nhiều điều để bàn.

 

Nhiều phụ huynh vô tư đứng đợi con ngay tại lòng đường. Ảnh: Văn Lực

 

* Từ xã hội...

Mặc dù các hoạt động tuyên truyền cho tháng ATGT tại tỉnh ta được triển khai rộng khắp nhưng xem ra vẫn chưa tác động đến người tham gia giao thông là mấy. Chỉ cần dạo một vòng quanh các trường học, chốt tín hiệu giao thông trên địa bàn TP. Quy Nhơn thì có thể thấy rõ điều này. Vào giờ tan trường, hầu như các bậc phụ huynh đều vô tư để xe lấn chiếm ra lòng đường để đợi con. Chính vì vậy, cảnh lộn xộn, tắc đường mỗi khi học sinh tan trường diễn ra như cơm bữa. Còn tại các ngã ba, ngã tư, khi đèn đỏ hiện lên vẫn có nhiều người điều khiển xe máy ngang nhiên vượt qua. Việc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi điều khiển mô tô, xe máy cũng là điều nhức nhối, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Trên các tuyến tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã thì việc chở 3, không đội MBH là hình ảnh rất phổ biến. Vào ban đêm, tình hình thực hiện trật tự ATGT ở những nơi này còn nghiêm trọng hơn. Nhiều thanh thiếu niên điều khiển xe máy vô tư chở 2, chở 3 trong tình trạng “đầu trần”.

Việc chấp hành ATGT đường sắt của người dân cũng còn rất hạn chế. Tại các đoạn đường có tuyến đường sắt đi qua, luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Lỗi một phần do yếu tố khách quan là không có rào chắn nhưng chủ yếu vẫn là do người dân còn xem thường tính mạng của họ. Nhiều người chăn thả trâu, bò và thản nhiên khi điều khiển xe vượt qua đường sắt mà không hề để ý có tàu sắp đến hay không. Không chỉ ý thức của người khi tham gia giao thông kém, người dân sống ven 2 bên đường cũng không hơn mấy. Trên tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 19 (đoạn qua các huyện Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước… ), rất nhiều người dân biến lòng đường thành sân nhà riêng của mình để phơi lúa vào mùa thu hoạch. Không chỉ có vậy, hàng loạt chợ tự phát “mọc” lên 2 bên đường thời gian qua càng làm cho tình hình giao thông trở nên phức tạp hơn. Vào những lúc lượng xe lưu thông trên đường đông thì rất dễ xảy ra tai nạn vì đường vốn đã hẹp giờ càng hẹp thêm.

* ... Đến nhà trường

Trước và trong thời gian thực hiện tháng ATGT, nhiều trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền, giáo dục học sinh chấp hành Luật Giao thông. Thế nhưng, không phải học sinh trường nào cũng chấp hành, nhất là các em ở bậc THPT. Chưa đủ tuổi, không có bằng lái nhưng vẫn điều khiển xe máy, lạng lách đánh võng… là những lỗi thường “hội tụ” đầy đủ ở lứa tuổi này. Tại các trường THPT ở TP. Quy Nhơn, hầu như trường nào cũng có hàng chục học sinh “lượn” xe máy đến trường. Để qua mặt giám thị, các em thường gửi xe bên ngoài rồi ung dung đi bộ vào lớp học. Nhiều em đi xe đạp điện, xe máy điện để tới trường nhưng không đội MBH khi điều khiển xe. Khi được hỏi, có biết kể từ ngày 1.7, người điều khiển xe đạp, xe máy điện phải đội MBH không. Nhiều em trả lời biết và đưa ra những lý do khó chấp nhận được như: đội mũ rất khó chịu vì nóng đầu, đội sẽ bị hư kiểu tóc mới!?

Học sinh ở các trường huyện không có cảnh “lượn” xe máy đến trường nhưng cách tham gia giao thông của các em cũng khiến nhiều người đau đầu. Các tuyến tỉnh lộ vào mỗi lúc có học sinh đi trên đường trở nên vô cùng chật chội và bát nháo vì các em ngang nhiên dàn hàng 3, 4 thậm chí là hàng 5 và vừa đi vừa đùa giỡn nhau mỗi khi từ nhà tới trường và ngược lại. Tại các cổng trường vào giờ tan học lại càng lộn xộn hơn. Nhiều em dắt xe ra khỏi trường nhưng không chịu đi về, tụm 5 tụm 7 để nói chuyện, trêu đùa khiến cả một đoạn đường bị kẹt cứng. Người đi đường chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán cho ý thức chấp hành Luật Giao thông của các em. Dường như sự giáo dục của nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng chỉ là “nước đổ đầu vịt”.

Rõ ràng, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của người dân vẫn là một bài toán nan giải. Và khi ý thức của người tham gia giao thông còn là một thứ gì đó quá xa xỉ thì rất khó để họ thực hiện cái gọi  là “văn hóa giao thông”.

  • Văn Lực
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kết thúc điều tra vụ trộm đêm  (22/09/2009)
Khởi tố 7 đối tượng vi phạm pháp luật  (22/09/2009)
Cảnh báo từ một vụ tai nạn giao thông  (20/09/2009)
Bắt tạm giam kẻ cướp giật  (18/09/2009)
Trộm hàng trên đường vận chuyển  (18/09/2009)
Nhiều người thoát tội, thoát chết  (17/09/2009)
Nhức nhối nạn cò xe!  (16/09/2009)
Đánh cá bằng thuốc nổ, người chết kẻ vào tù  (15/09/2009)
Tiến bộ từ tình thương mọi người   (13/09/2009)
Tên trộm tại khách sạn   (13/09/2009)
Phát triển sâu rộng và hiệu quả   (13/09/2009)
Phát huy hiệu quả phòng chống tội phạm  (11/09/2009)
Bị bắt trên đường chạy trốn  (10/09/2009)
Khởi tố “yêu râu xanh”  (10/09/2009)
Cần có biện pháp ngăn chặn tội phạm hiếp dâm  (10/09/2009)