Trong những năm qua, lực lượng CA tỉnh mà nòng cốt là Cảnh sát giao thông đường thủy (CSGTĐT) luôn chủ động chuẩn bị nhiều phương án phòng tránh và đối phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra.
* Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời
Đây là quan điểm thống nhất được lãnh đạo CA tỉnh quán triệt đến cán bộ chiến sĩ trong công tác phòng chống lụt bão vốn ngày càng thất thường và diễn biến phức tạp. Hiện nay, trên địa bàn Bình Định có 33 xã, phường tiếp giáp biển với gần 300 ngàn người dân thường xuyên bị ngập lụt, trong đó có khoảng 3.800 hộ thuộc 80 thôn nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm, dễ phát sinh lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có đến 4 con sông lớn là sông Kôn, sông Lại Giang, sông La tinh, sông Hà Thanh với chiều dài 242km, mỗi lần mùa mưa đến thường có lượng nước khổng lồ đổ về vùng hạ lưu cùng với 155 hồ chứa nước lớn nhỏ có tổng dung tích chứa trên 430 triệu m3 nước, trong đó có nhiều hồ có khả năng xảy ra sự cố bị vỡ, ẩn chứa nhiều nguy hiểm đối với tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
|
Lực lượng CSGT đường thủy kiểm tra, nhắc nhở việc chấp hành Luật giao thông đường thủy nội địa. Ảnh: Trường Kiên |
Trước tình hình đó, để chủ động đối phó trước mùa mưa bão sắp tới, lực lượng CSGTĐT đã tham mưu cho Giám đốc CA tỉnh xây dựng phương án phòng chống bão lũ, trong đó phương châm “4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ” và “Chủ động phòng tránh - đối phó kịp thời - khắc phục khẩn trương” được xem là vấn đề có tính nguyên tắc.
Thông lệ hàng năm, bão lũ ở Bình Định thường xảy ra từ tháng 9 đến tháng 12, theo dự báo năm nay tình hình bão lũ nước ta nói chung và miền Trung nói riêng sẽ diễn biến phức tạp khó lường, vì vậy bắt đầu từ tháng An toàn giao thông (tháng 9.2009), lực lượng CSGTĐT đã tăng cường và tổ chức thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn, không có phao cứu sinh… phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giải tỏa chướng ngại vật, đặt phao giới hạn luồng tàu chạy ra vào an toàn.
Thiếu tá Trần Trung Hiếu, Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp, Phòng CSGTĐT, Công an tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều học sinh thường xuyên đi học bằng đò ngang rất nguy hiểm, nhất là ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), Hải Minh (P. Hải Cảng, TP Quy Nhơn). Từ đầu tháng 9 đến nay, bên cạnh việc tăng cường nhắc nhở, xử lý vi phạm lực lượng CSGTĐT đã phối hợp với Nhà trường tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật giao thông đường thủy nội địa, nhắc nhở các em không đùa nghịch, lội nước, tắm biển hoặc không đi qua vùng có thể xảy ra lũ lớn, nước chảy xiết… cũng như tặng hàng trăm áo phao cho học sinh để các em đến trường đảm bảo an toàn.
* Xung kích, tình nguyện trong phòng chống lũ lụt, thiên tai
Đại tá Nguyễn Xuân Phụng - Trưởng phòng CSGTĐT, CA tỉnh cho biết: Tổng số phương tiện đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện nay là 9.197 chiếc, trong đó phương tiện thủy nội địa có 271 chiếc. Năm 2008 và 9 tháng đầu năm 2009, đã xảy ra 49 vụ tai nạn do thiên tai, rủi ro làm chết và mất tích 12 người, bị thương 10 người, hư hỏng 23 phương tiện… thế nhưng điều đáng phấn khởi là trong vòng 3 năm trở lại đây (2007 - 2009) trên địa bàn tỉnh không để xảy ra một vụ TNGT đường thủy nào. |
Để triển khai lực lượng thực hiện một cách nhanh chóng mệnh lệnh phòng chống lụt bão, bên cạnh việc đảm bảo công tác trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, Thượng tá Trần Anh Dũng - Trưởng ban Công tác thanh niên CA tỉnh - cho biết: Từ tháng 8 năm 2008, CA tỉnh đã thành lập Đội xung kích phòng chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn gồm 50 cán bộ, chiến sĩ trẻ, khỏe, bơi giỏi để sẵn sàng sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc tìm kiếm, cứu nạn trong những trường hợp khẩn cấp. Từ cuối tháng 8.2009, Ban Công tác thanh niên đã tổ chức chiến dịch “Thanh niên xung kích mùa bão, lũ”, trong đó tập trung vào các nội dung: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lũ; vận động đoàn viên thanh niên thực hiện nghiêm túc chế độ luyện tập, bảo dưỡng trang bị, phương tiện kỹ thuật; chế độ trực ban, trực chiến, nhanh chóng xuất quân khi có lệnh của Giám đốc CA tỉnh cũng như tổ chức các hoạt động tham gia khắc phục hậu quả bão, lũ…
Ngoài ra, để chủ động và đạt kết quả cao trong công tác phòng chống lụt bão, lực lượng CSGTĐT đã tham mưu cho lãnh đạo CA tỉnh mở lớp đào tạo xuồng máy CAND cho 36 cán bộ chiến sĩ các đơn vị, địa phương nhằm đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật bơi, kỹ thuật tìm kiếm cứu nạn trên sông nước, kỹ thuật điều kiển xuồng máy…
Hy vọng, những nỗ lực và cố gắng, chủ động trong công tác phòng ngừa của lực lượng CA tỉnh nói chung và lực lượng CSGT đường thủy nói riêng sẽ góp phần giảm nhẹ những thiệt hại do bão lũ gây ra.
|