GÂY ÁN GIẾT NGƯỜI TỪ MÂU THUẪN NHỎ:
Một thực trạng cần cảnh báo
8:50', 26/1/ 2010 (GMT+7)

Các trường hợp mâu thuẫn nhỏ dẫn đến đánh nhau gây án mạng xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là một vấn đề nổi cộm, rất đáng lo ngại. Mặc dù, những kẻ gây án đã bị cơ quan pháp luật xử lý rất nghiêm khắc, nhưng các vụ án giết người từ mâu thuẫn nhỏ vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

* Thực trạng đau lòng

Khoảng 19 giờ ngày 27.6.2009, sau khi đi nhậu về, Nguyễn Minh Tùng (SN 1984, ở thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) thấy cha mình là ông Nguyễn Văn Giác đang cãi nhau với mẹ là Võ Thị Loan. Lẽ ra, Tùng phải bình tĩnh khuyên can cha mẹ mình, nhưng Tùng lại có thái độ hỗn xược. Y cầm dao phay quyết “ăn thua đủ” với cha ruột. Yếu thế, ông Giác bỏ chạy, nhưng Tùng cầm dao rượt theo và đã kết liễu mạng sống của cha mình(!).

Thật ra, ông Giác bị con trai đâm chết là kết quả của sự giáo dục gia đình, mà ông Giác là người phải chịu trách nhiệm chính. Là chồng, là cha, nhưng nếu ông Giác không thường xuyên say xỉn, mắng vợ, chửi con, vô trách nhiệm với gia đình, thì đã không sinh ra một đứa con lỗi đạo, bất hiếu.

Và mới đây, chỉ vì “chén chú chén anh” trong một bữa tiệc mừng đám cưới, mà Đỗ Thanh Triều (SN 1976, ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) đã dùng dao Thái Lan đâm chết ông Đỗ Kim Ngọc (anh ruột) và đâm Đỗ Thành Đạt (em ruột) bị thương nặng. Những ngày ở trong trại giam, Triều hối hận về hành vi phạm tội của mình và đổ thừa do “rượu” nên không làm chủ được bản thân! Thực ra, khi cầm dao đâm vào người ông Ngọc và Đạt, Triều hoàn toàn tỉnh táo điều khiển hành vi của mình, nhưng vì bản chất hiếu thắng, côn đồ đã dẫn đến hành vi mất nhân tính.

Một vụ án xảy ra gần đây đã gây nhiều bức xúc trong xã hội, đó là trường hợp Phạm Văn Chín (SN 1968 ở thị trấn Tuy Phước) hành động vừa dã man, vừa trái khoáy và chẳng giống ai. Chín và chị Bùi Thị Ơi đã ly hôn với nhau. Chị Ơi giao nhà để cho Chín ở còn chị thuê nhà sống cùng với 3 đứa con. Chị Ơi một mình tần tảo nuôi 3 đứa con ăn học. Nào ngờ, khoảng 22 giờ ngày 17.9.2009, sau khi nhậu “tới bến” với bạn bè, Chín về nhà xách con dao phay đến nơi ở của mẹ con chị Ơi mục đích là giết chị Ơi rồi tự sát. Y lao vào chém liên tiếp vào người chị Ơi nhiều nhát, cho đến khi chị Ơi gục xuống nền nhà. Tưởng chị Ơi chết, Chín đập… sống dao vào đầu mình để tự sát. Chị Ơi may được cứu sống, nhưng bị đứt lìa bàn tay trái, bàn tay phải bị đứt gân và nhiều vết thương nghiêm trọng khác trên người.Với tình trạng thương tật như vậy làm sao chị Ơi có thể lao động kiếm sống và nuôi 3 đứa con ăn học?

* Những nguyên nhân gây án

Có thể nói rằng, không có vụ án nào giết người “vô cớ” mà hầu hết đều có những nguyên nhân khác nhau. Qua thực tiễn các vụ án trong 5 năm trở lại đây, có thể thấy:

Một là mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình âm ỉ kéo dài (11 trường hợp, chiếm 15%). Nhiều cặp vợ chồng trong quá trình chung sống đã phát sinh mâu thuẫn (không chung thủy, chồng rượu chè bê tha đánh vợ...) và khi mâu thuẫn đã đến đỉnh, họ không đủ bình tĩnh, thiếu kiềm chế, nên đã xảy ra án mạng.

Hai là, nạn rượu chè bê tha, trong lúc “trà dư tửu hậu” phát sinh mâu thuẫn nhỏ tức thời, dẫn đến việc đâm chém nhau, cũng là nguyên nhân rất đáng quan tâm (có 41 trường hợp, chiếm 46%). Có thể nói rằng, rượu chè bê tha không chỉ là “bạn đồng hành” của tội giết người, mà còn với nhiều nhóm tội khác như cố ý gây thương tích, cướp giật, hiếp dâm...

Các vụ án giết người làm cho chúng ta phải suy gẫm về “tình anh em “về “tình làng nghĩa xóm” về văn hóa ứng xử trong cuộc sống bị mai một; luân thường, đạo đức, hiếu nghĩa đã bị suy thoái trong một số gia đình. Các trường hợp con giết cha, chồng giết vợ, cháu giết chú, em giết anh... chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ nhặt, đời thường và “không giống ai”.

* Thử đưa ra giải pháp

Để phòng ngừa và giảm thiểu các trường hợp giết người xảy ra, một là phải có nhiều biện pháp để nâng cao trình độ văn hóa và nhận thức pháp luật cho mọi công dân. Theo phân tích của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong tỉnh, trong 94 bị can phạm tội giết người, hầu hết trình độ học vấn  cấp 1 và cấp 2 (71/94 người). Nếu không có một trình độ học vấn nhất định thì khó có thể am hiểu pháp luật và đã “điếc” thì không sợ “súng”. Và mỗi cá nhân cần trau dồi lối sống đúng mực, biết thương yêu đùm bọc nhau và sống có trách nhiệm với nhau.

Bên cạnh đó, cần có nhiều biện pháp tuyên truyền pháp luật, nhất là pháp luật về hình sự, đến mọi công dân. Việc tuyên truyền cần tiến hành với hình thức sinh động, dễ hiểu, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi trình độ. Cần phối hợp mở nhiều phiên tòa xét xử lưu động đối với các vụ án dư luận quan tâm. Đồng thời, nên phối hợp đưa giáo dục chuyên đề pháp luật về hình sự vào dạy ở các trường phổ thông trung học, để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho các em. Qua các vụ án giết người cho thấy, độ tuổi gây án nhiều nhất từ 18 đến 30 tuổi (60/94 người, hơn 60%), lứa tuổi vị thành niên từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng chiếm tỷ lệ đáng kể (12 người, hơn 12%).

Để thực hiện tốt các giải pháp trên, thiết nghĩ, không dễ dàng chút nào và không thể làm xong trong ngày một, ngày hai, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu cả xã hội cùng đồng lòng.

  • Nguyễn Văn Lương

(Viện KSND tỉnh Bình Định)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làm rõ thủ phạm “đặt bom” tống tiền hiệu vàng  (26/01/2010)
Đừng giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển  (25/01/2010)
Điều tra làm rõ 2 vụ trộm cắp tài sản  (24/01/2010)
Giá như giữ được nữ tính   (24/01/2010)
“Bác thằng bần” làm liều bị tóm   (24/01/2010)
Phát hiện một cơ sở sản xuất rượu kém chất lượng   (24/01/2010)
Bản án nghiêm khắc dành cho cặp vợ chồng lừa đảo  (22/01/2010)
Trả giá cho hành vi ngông cuồng  (22/01/2010)
Cụ ông 71 tuổi cảnh giác bắt trộm  (22/01/2010)
Chứa mại dâm, lĩnh án tù  (21/01/2010)
Giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng   (19/01/2010)
Lôi ra ánh sáng những tên cướp giấu mặt   (19/01/2010)
Bênh mẹ, “ra tay” với cậu  (18/01/2010)
Rượu - Kẻ phạm tội giấu mặt  (17/01/2010)
Một phút nông nổi phải vào vòng lao lý  (17/01/2010)