Những năm gần đây, khi “tấc đất” là “tấc vàng”, việc người thân trong gia đình cùng dắt díu nhau ra tòa để tranh chấp đất đai là chuyện bình thường. Đã nhờ đến luật pháp, chắc chắn sẽ có người được, kẻ mất. Và cái mất lớn nhất mà cả hai bên đều chịu, đó là tình cảm gia đình.
* Khi người nhà kiện nhau
Ngày 19.8.2009, TAND huyện Hoài Nhơn đã mở phiên tòa xét xử vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” giữa ông N.V.T và vợ chồng ông T.C, N.T.C. Hầu hết những người có mặt tham dự phiên tòa đều là anh em, cô cháu trong gia đình bởi ông T. (nguyên đơn) là cháu gọi bà C. (bị đơn) bằng cô ruột. Tháng 5.2001, bà Nguyễn Thị Trễ (mẹ ruột bà C., bà nội ông T. – PV) lập di chúc để lại ngôi nhà với diện tích 51m2 và mảnh vườn 1.072m2 cho vợ chồng bà C. Đến 7.2001, bà Trễ lại lập một bản di chúc khác để lại toàn bộ nhà và diện tích đất nói trên cho ông T. Theo quy định của pháp luật, ông T. là người thừa kế hợp pháp số tài sản trên. Năm 2006, vợ chồng bà C. dùng tờ di chúc không còn hiệu lực để làm sổ đỏ. Sau khi phát hiện vụ việc, ông T. và gia đình bà C. dắt nhau ra tòa, nhờ luật pháp giải quyết.
Tháng 1.2008, TAND huyện Vân Canh xét xử vụ “Tranh chấp hợp đồng tặng, cho quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại tài sản” giữa bà P.T.X.H và bà N.T.N.T. Năm 1989, bà T. bán cho vợ chồng bà H. (nguyên đơn, mẹ ruột bà T.) thửa đất có diện tích 2.500m2. Năm 2007, bà T. ngang nhiên xây dựng ngôi nhà cấp 4 trên diện tích đất đã bán cho mẹ ruột của mình. Thấy con làm sai, bà H. nhiều lần ngăn cản và nhờ chính quyền địa phương can thiệp, nhưng bà T. vẫn ngoan cố làm nhà và có lời lẽ xúc phạm mẹ ruột. Hết cách, bà H. đành viết đơn khởi kiện con gái ruột ra tòa.
* Mất nhiều hơn được
Hiện nay, nhiều vụ liên quan đến đất đai mà người thân trong gia đình phải dắt nhau ra tòa để “phân thắng bại” đã trở nên phổ biến. Khi quyền lợi bị xâm hại (người sở hữu hợp pháp), không thể giải quyết bằng tình cảm thì sẽ phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật và nhất định sẽ có người thắng, kẻ thua. Và, cái thua lớn nhất đó là sự rạn nứt tình cảm, thậm chí cắt đứt luôn mối quan hệ mẹ con, cô cháu như hai vụ án nói trên.
Vụ thứ nhất, tòa tuyên ông T. là người được thừa kế toàn bộ tài sản bà nội để lại. Bản án vừa tuyên, gia đình ông T. và bà C. lập tức xông vào cãi vã, xô xát, không coi nhau là cô cháu nữa và hẹn sẽ gặp lại nhau trong phiên sơ thẩm. Trường hợp của hai mẹ con ruột ở Vân Canh, tòa buộc bà T. phải tháo dỡ nhà và trả lại đất cho bà H. Sau khi bản án có hiệu lực, bà T. tuyên bố từ mẹ ruột. Đồng thời, cô con gái ruột thường xuyên gây gổ, đánh đập bà H.
Ai cũng thấy, cái được chỉ rất nhỏ so với những mất mát mà cả hai bên phải chịu. Bởi vật chất có thể mua, nhưng tình cảm thì dù có bao nhiêu tiền cũng không mua được. Vậy nhưng, họ vẫn bất chấp và tìm mọi cách, dù là trái pháp luật để sở hữu được đất đai. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên có nhiều chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật hơn nữa để người dân hiểu tường tận về lĩnh vực này, tránh xảy ra tình trạng “nồi da xáo thịt” giữa những người thân trong gia đình, chỉ vì đất đai.
|