Hiện nay, toàn tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh có 35 đường ngang, trong đó có nhiều đường ngang có nguy cơ cao về tai nạn giao thông (TNGT). Ngành đường sắt và chính quyền địa phương đã mất nhiều thời gian, chi phí khắc phục, nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt (ATGTĐS), nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn.
|
Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt phối hợp với chính quyền và ngành đường sắt khảo sát để có kế hoạch xóa bỏ một đường ngang tự phát vừa mới mở ở huyện Phù Cát. |
* Thiếu hệ thống an toàn
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh Bình Định do Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình (QLĐSNB) quản lý có chiều dài 136 km. Các năm qua, Công ty đã có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu qua lại; nhất là từ khi ngành đường sắt thực hiện rút ngắn thời gian chạy tàu. Tuy nhiên, việc hình thành quá nhiều đường ngang tự phát đã ảnh hưởng xấu đến ATGTĐS.
Tại đường ngang km 1085+800 thuộc thôn Trường Thi, thị trấn Bình Định, An Nhơn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt rất lớn. Năm 2000, huyện An Nhơn đã đầu tư khoảng 4 tỉ đồng để xây dựng tuyến đường nhựa dài 2 km nối thị trấn Bình Định với các xã Nhơn Hòa, Nhơn Thọ. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, người dân đi qua đường ngang này vẫn phấp phỏng về TNGT đường sắt. Bởi tại các điểm tiếp giáp giữa đường ngang và đường sắt này vẫn chưa có hệ thống ATGT.
Ông Trần Châu - Chủ tịch UBND huyện An Nhơn, cho biết: “Hiện nay địa phương đang tích cực phối hợp với ngành đường sắt để xây dựng hoàn chỉnh điểm giao cắt với đường sắt, có người gác, hoặc có cảnh báo tự động để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nếu đầu tư sẽ mất khoảng 1 tỉ đồng, nên địa phương chưa thể thực hiện được”.
Nhiều địa phương có đường sắt đi qua các điểm dân cư đã tranh thủ lập đường dân sinh băng qua đường sắt để tiện cho việc đi lại. Phần lớn những đường ngang tự phát này đều không được phép hoạt động theo quy định pháp luật về ATGTĐS và các địa phương cũng không đủ kinh phí để phối hợp cùng với ngành đường sắt xây dựng hệ thống ATGT. Mặt khác, khi chính quyền nhiều địa phương chủ động rào những tuyến đường ngang mở trái phép, thì lại gặp sự phản ứng gay gắt từ các hộ dân lân cận, một số người có hành vi lén lút tháo dỡ rào chắn để lập đường ngang. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có hàng chục vụ trộm cắp, đập phá các đèn, còi tín hiệu an toàn đường sắt tại các điểm đường ngang giao nhau với đường sắt, nhưng ngành chức năng lại rất khó phát hiện để xử lý.
|
Một vụ tai nạn giao thông đường sắt tại một đường ngang ở huyện Hoài Nhơn. |
* Cần kiên quyết hơn
Năm 2009, trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra 13 vụ TNGT đường sắt, làm chết 13 người, bị thương 1 người. So với năm 2008 tăng 4 vụ, thêm 3 người chết và 1 người bị thương. Nhiều tài sản, phương tiện, vật nuôi bị hại do các vụ TNGTĐS. |
Đường ngang 1072+100, thuộc xã Cát Tân, huyện Phù Cát thật sự là nỗi lo của nhiều người, vì nhiều vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng đã xảy ra tại đây. Độ dốc của đường ngang này tương đối lớn, tầm nhìn che khuất nên không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại. Cuối năm 2008, chính quyền xã Cát Tân và huyện Phù Cát đã tổ chức họp dân và thống nhất đề nghị Công ty QLĐSNB mở đường ngang khác cách đó 500m để phục vụ việc đi lại của nhân dân trong vùng, một cách an toàn và lâu dài. Tháng 1.2009, đường ngang mới đã hoàn thành. Ông Huỳnh Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Cát Tân, khẳng định: Chính quyền địa phương đã thực hiện đúng trình tự thủ tục đề nghị mở đường ngang như họp dân lấy ý kiến thống nhất, làm tờ trình xin mở đường ngang theo đúng quy định…
Tuy nhiên, dù đã bỏ kinh phí hàng tỉ đồng để xây đường ngang mới, tại địa điểm 1072+530, nhưng vẫn không đưa vào sử dụng được; do một số hộ dân kiên quyết ngăn cản không cho ngành đường sắt đóng rào chắn ở đường ngang cũ. Vì nếu đóng đường ngang cũ, họ phải đi vòng một đoạn đường xa hơn, cho dù an toàn hơn. Theo quy định của Điều lệ đường ngang thì trong phạm vi 500m không được phép mở 2 đường ngang. Do vậy, nhiều lần ngành chủ quản tiến hành rào chắn đường ngang cũ đều vấp phải sự phản đối, kể cả sự thách thức của một số người dân. Ông Thọ cho rằng, việc một số người ngăn cản không cho Công ty QLĐSNB đóng đường ngang 1072+100 là vì chỉ thấy quyền lợi nhỏ trước mắt, hành vi này là vi phạm pháp luật về ATGT.
Ông Nguyễn Văn Liễu, Phó Giám đốc Công ty QLĐSNB, cũng cho rằng: Việc không đóng được đường ngang này thuộc trách nhiệm của UBND xã Cát Tân. Chính quyền các cấp cần sớm giải quyết để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu và người qua lại đường ngang này.
|