Khoảng 2 năm trở lại đây, nhờ sự nỗ lực của các ngành chức năng của tỉnh, huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn trong việc gìn giữ tài nguyên môi trường thủy sản, nên hệ sinh thái đầm Thị Nại đã có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, từ đầu năm 2010 đến nay hệ sinh thái mới tái tạo đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt do có sự hoạt động trở lại của xung điện, xiếc máy (XĐXM).
|
Ghe máy mang tên ông Phạm Hoài Châu, hoạt động XĐXM bị lực lượng chức năng xử lý vi phạm |
Đầm Thị Nại là đầm nước lợ - mặn nhiệt đới có diện tích 5.060 ha, là nơi hợp lưu 2 dòng sông Hà Thanh và sông Côn trước khi đổ ra biển Đông; nổi tiếng là “vườn ươm” của các loài thủy sản nên cần được đầu tư bảo vệ. Năm 2009, khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ xăng dầu cho các tàu thuyền đánh bắt thủy sản truyền thống (đã đăng ký trước đây), huyện Tuy Phước đã có hàng trăm ghe máy được nhận tiền hỗ trợ xăng dầu. 90 ghe chuyên hoạt động XĐXM ở xã Phước Thuận, Phước Hòa và Phước Thắng cũng đã tự giác cam kết chuyển nghề, nộp kích điện, hủy gọng xiếc, lưới, làm thủ tục đăng ký biển số ghe và được nhận tiền hỗ trợ.
Nhưng cam kết chưa bao lâu, phần lớn số đối tượng trên đã quay trở lại hành nghề XĐXM và kéo thêm nhiều đối tượng khác. Ông Nguyễn Đức Thành, ở thôn Tân Giản, xã Phước Hòa vô cùng bức xúc, thổ lộ: “Ở thôn chúng tôi có một đối tượng chuyên dùng ghe máy đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt. Bà con phản đối, chúng đâu có nghe, còn chửi lại. Khi nghe Nhà nước hỗ trợ tiền dầu, chúng liền tháo gọng lên xã đăng ký cam kết không hành nghề XĐXM nữa. Nhưng khi nhận được 20 triệu đồng rồi, liền về lắp lại gọng xiếc cào ủi tiếp. Ngày 19.4.2010 vừa rồi huyện, xã xuống cưỡng chế thu gọng lưới xiếc. Nhân dân chúng tôi đề nghị phải thu lại tiền dầu Nhà nước đã hỗ trợ và xử lý theo pháp luật”.
Đi dọc đê khu Đông đến xã Phước Thuận (“điểm nóng” XĐXM hiện nay - PV), chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng chục ghe máy còn mang nguyên gọng xiếc đậu nghênh ngang tại các bến Lộc Đông (thôn Lộc Hạ), Ân Tân, Đông Phường (thôn Nhân Ân). Lúc này triều lên nên các ghe này không xuất kích mà chờ triều rút, đêm xuống mới cào ủi tận diệt nguồn lợi thủy sản. Trao đổi với ông Hoàng Việt Nam, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, ông cho biết: “Địa phương đã tập trung giáo dục, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm, ưu ái cho mượn ruộng dự phòng (1 khẩu/sào) để sản xuất. Nhưng họ vẫn cứ lén lút quay lại nghề XĐXM, bởi chỉ thấy lợi trước mắt. Hơn nữa, các ngành chức năng của huyện, tỉnh làm chưa cương quyết, ra quân mang tính phong trào, không kiên trì làm đến nơi, đến chốn. Địa phương không có phương tiện để truy bắt đối tượng trên biển, nên chỉ dựa vào Đội chống XĐXM của huyện và Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh”.
Được biết, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Thị Nại, năm 2009 đã có nhiều cuộc họp giữa ngành chức năng, chính quyền địa phương và bà con ven đầm, nhằm tuyên truyền, vận động ngư dân ký cam kết không khai thác thủy sản bằng các nghề bị cấm. Huyện Tuy Phước, TP Quy Nhơn và các xã cũng đã xây dựng triển khai phương án chống XĐXM, ngăn chặn được 24 vụ vi phạm, trong đó có 7 vụ hành nghề XĐXM, tạm giữ 7 ghe máy với 14 đối tượng và thành lập đoàn công tác đến tận nơi neo đậu tàu thuyền của các hộ ngư dân vận động, tuyên truyền, tháo dỡ các dụng cụ XĐXM. Thế nhưng, nhiều ngư dân bất chấp luật pháp, vẫn lén lút hoạt động XĐXM, đã làm tình hình an ninh trật tự trên đầm diễn biến phức tạp.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng Công an xã Phước Sơn, thì XĐXM tồn tại do chúng ta làm chưa tới nơi, tới chốn. Ở xã Phước Sơn, mới manh nha chúng tôi đã triệt ngay thì người dân ở đây lại phân bì, XĐXM ở xã Phước Thuận cứ vào địa phận địa phương mình cào ủi, còn xã thì cấm. Chỗ thì cấm triệt để, chỗ không chấp hành nghiêm cũng như nhau nên XĐXM cứ hoành hành, tái đi, tái lại gây bất bình trong nhân dân.
Bảo vệ môi trường sinh thái vùng đầm Thị Nại là việc làm vô cùng cấp bách. Ngành chức năng cần ngăn chặn và xử lý đến nơi, đến chốn các đối tượng vi phạm mới mong ngăn chặn “rốt ráo” và bảo vệ yên bình vùng đầm này.
|