Nạn bạo hành gia đình và những vụ án đau lòng
20:13', 7/5/ 2010 (GMT+7)

Mặc dù Hội Phụ nữ và chính quyền các cấp đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhưng nạn bạo hành trong gia đình ở tỉnh ta vẫn diễn ra phức tạp, nhiều vụ bạo hành đã dẫn đến vụ án đau lòng khiến xã hội lo ngại…

* Những người chồng bạo ngược

Theo thống kê sơ bộ trong vòng 2 năm (từ 2008 đến nay), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra ít nhất 6 vụ chồng giết vợ, 7 vụ chồng đánh vợ bị truy tố về tội cố ý gây thương tích và nhiều vụ bạo hành gia đình, gây thương tích nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; chỉ bị xử lý hành chính, hoặc đưa vào cơ sở giáo dục…

 

Phạm Văn Chín bị kết án chung thân vì có hành vi chém chị Ơi dã man.

 

Những ngày cuối tháng 4.2010 vừa qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng khi tòa án xét xử hành vi nhẫn tâm của tên Phạm Văn Chín (42 tuổi) ở Công Chánh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, kẻ dùng dao cố sát vợ cũ là chị Bùi Thị Ơi (43 tuổi), thì tại huyện Phù Mỹ lại xảy ra một vụ án mà tính chất, mức độ còn dã man hơn. Trần Hữu Phước (37 tuổi) ở thôn An Lạc Đông 1, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ đã dùng dao đâm nhiều nhát và cứa vào cổ người vợ của mình là chị Lê Thị Lan (34 tuổi) khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ.

Cũng vào đầu năm nay, ngày 21.1.2010, Phạm Văn Hào (26 tuổi) ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát đã “phóng” một viên gạch 6 lỗ vào người vợ mới vừa ly hôn là chị Ngô Thị Gái, khiến nạn nhân chấn thương sọ não, chết tại bệnh viện.

Không chỉ ở mức độ tàn bạo, mà nạn bạo hành gia đình có chiều hướng diễn biến phức tạp. Ngày 18.9.2008, Huỳnh Nùng (38 tuổi), một ngư dân ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn dùng dao Thái Lan đâm vào ngực người vợ trẻ là chị Trần Thị Bé (32 tuổi) khiến chị Bé qua đời. Ngày 8.10.2008, tại Vĩnh Thạnh, Vũ Duy Mạnh (35 tuổi) ở Thanh Hóa đã nhẫn tâm dùng rựa chém nhiều nhát vào đầu, chân tay của chị Huỳnh Thị Hồng, người phụ nữ sống như vợ chồng với hắn, sau đó vác chị Hồng về chòi, dùng chày đánh nhiều nhát vào bụng nạn nhân. Tên Mạnh đã bị TAND tỉnh Bình Định xử phạt 20 năm tù giam về tội “giết người”.

* Hệ quả đau lòng

Mỗi vụ án bạo hành trong gia đình đều để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Khi chồng là hung thủ, vợ là nạn nhân thì hậu quả cuối cùng vẫn là những đứa con của họ phải nhận lấy. Bởi khi người chồng cướp đi mạng sống của vợ mình, nếu không tự sát thì cũng vào vòng lao lý, để lại đàn con bơ vơ, bất hạnh.

Như vụ án Trần Hữu Phước giết vợ ở Phù Mỹ, tên này đã tự sát ngay sau khi gây án. Gia đình tan nát, để lại 2 con, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ mới 3 tuổi, không nơi nương tựa. Phạm Văn Chín, trong vụ cố sát vợ ở Tuy Phước, sau khi gây án cũng đã dùng dao đập vào đầu tự sát nhưng không chết, sau đó nhận lãnh bản án chung thân, để lại 4 đứa con còn chưa thể lo toan việc nhà, trong khi mẹ chúng đã thành người tàn phế. Phạm Văn Hào ở Phù Cát ném viên gạch làm chết người vợ cũ mới vừa ly hôn, bản thân phải vào tù, để lại ngoài đời đứa con mới 3 tuổi. Tương tự như thế, Huỳnh Nùng ở Hoài Nhơn, sau khi đâm chết vợ, hắn dùng chính con dao đó tự sát nhưng không chết, bị xử án chung thân, để lại 3 đứa con thơ dại…

* Phải xác định nguyên nhân, có biện pháp ngăn chặn

Xâu chuỗi lại các vụ việc đã xảy ra, cho thấy: Nguyên nhân trước mắt thường thì các vụ án đều xảy ra sau khi người chồng đã uống nhiều bia rượu, dẫn đến hung hăng, không làm chủ bản thân, sẵn sàng thực hiện hành vi vô nhân tính. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vụ án đau lòng chính là thói quen hành xử bạo ngược hàng ngày của người chồng. Nhiều vụ trước khi xảy ra án thì những người chồng đã có tiền sự về hành vi đánh đập, ngược đãi vợ nhưng không có sự can thiệp đáng kể nào từ phía các đoàn thể và chính quyền cơ sở đã tạo cho anh ta có suy nghĩ rằng việc đánh đập vợ là “quyền” của mình, vợ là “vật sở hữu”. Sự việc trở nên phức tạp khi người vợ không thể chấp nhận cuộc sống như thế và có những phản ứng lại. Phần lớn họ đòi ly hôn, hoặc sống ly thân, “thoát ly” người chồng bạo ngược. Ngay lập tức, họ đã phải gánh chịu hậu quả đau lòng, như trường hợp chị Lê Thị Lan ở Phù Mỹ bị giết ngay khi mới vừa đề cập đến việc ly hôn. Một nguyên nhân khác, ghen tuông là lý do mà các đối tượng trên biện minh cho hành vi độc ác của mình.

Tháng 8.2008, Luật Phòng, chống bạo hành gia đình có hiệu lực, đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ người phụ nữ tốt hơn, hiệu quả hơn. Hội Phụ nữ ở cơ sở đã phổ biến Luật Phòng, chống bạo hành gia đình, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các chi hội phụ nữ. Thành lập các câu lạc bộ, các nhóm sinh hoạt để chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ hạnh phúc gia đình, bình đẳng giới, chống bạo hành, phát triển giới… Qua đó, khuyến khích chị em bị chồng bạo hành mạnh dạn thổ lộ với tổ chức, đoàn thể, chính quyền để có biện pháp can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, thực tế hơn để bảo vệ phụ nữ bị bạo hành, chính quyền địa phương và hội phụ nữ cơ sở cần chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện và có biện pháp phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc từ những mâu thuẫn của đời sống vợ chồng; tránh những vụ án thương tâm xảy ra. Cần phải xử lý nghiêm để răn đe những kẻ hay đánh đập vợ, xét xử nghiêm minh các vụ trọng án để làm gương.

  • Hồng Ngọc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
12 tháng tù vì chứa mại dâm  (06/05/2010)
Phạm tội do hành động côn đồ  (06/05/2010)
Từ 20.5, vi phạm giao thông sẽ bị phạt nặng hơn  (06/05/2010)
Chế độ sử dụng phí sát hạch lái xe cơ giới   (05/05/2010)
Vết trượt   (05/05/2010)
Những nỗ lực đáng ghi nhận   (05/05/2010)
Trưởng công an xã phá án nhanh  (04/05/2010)
Tăng cường các biện pháp mạnh  (03/05/2010)
Kẻ côn đồ đã ra đầu thú  (03/05/2010)
27 năm tù cho 3 kẻ buôn ma túy   (02/05/2010)
Nghiêm túc phê bình lãnh đạo phường Đống Đa, Ban quản lý dự án   (02/05/2010)
Tái diễn xung điện, xiếc máy trên đầm Thị Nại  (02/05/2010)
Đã sai phạm, còn chống người thi hành công vụ  (01/05/2010)
Nhanh chóng làm rõ nhóm côn đồ chém người  (01/05/2010)
Nặng tình đồng đội  (01/05/2010)