Theo quy định của pháp luật, xóa án tích là xóa bỏ bản án hình sự đối với một người đã bị tòa án kết án. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án và được tòa án cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên thực tế cho thấy, vì chưa am hiểu pháp luật nên sau khi chấp hành xong hình phạt tù và thời gian thử thách, nhiều người vẫn còn nghĩ rằng mình gánh trên người hai chữ “tiền án” cho đến hết đời.
“Cách đây 11 năm, tôi bị kết án 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích và đã chấp hành xong hình phạt năm 2003. Từ khi ra tù đến nay, tôi chí thú làm ăn, không có hành vi nào vi phạm pháp luật. Hiện tôi muốn xin đi lao động ở nước ngoài. Không biết trường hợp của tôi có được xóa án tích để đi lao động nước ngoài được không, mong quý Báo tư vấn giúp…” - Đó là nội dung của lá thư anh Nguyễn Văn N., ở phường Trần Quang Diệu (TP. Quy Nhơn) gửi đến Báo Bình Định nhờ tư vấn về việc xóa án tích.
|
Án tích sẽ được xóa khi đủ điều kiện. |
Thời gian qua Báo Bình Định cũng nhận được nhiều lá thư có nội dung tương tự. Nhiều người đủ điều kiện xóa án tích từ chục năm, nhưng khi xảy ra chuyện mới nhờ tư vấn về việc xóa án tích. Qua đó cho thấy, hiện có rất nhiều người chưa hiểu và không quan tâm đến việc xóa án tích sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Nhưng, đến khi có nhu cầu thì họ lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu...
Luật sư Võ Hồng Nam - Văn phòng luật sư Nam Luật (Đoàn luật sư Bình Định), cho biết: Một người bị coi là có tiền án (án tích) khi có bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên người đó phạm tội và chưa được xóa án tích theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại các Điều 64, 65, 66 Bộ luật Hình sự, người bị kết án được xóa án tích và được coi như chưa bị kết án trong 3 trường hợp: đương nhiên xóa án tích; xóa án tích theo quyết định của tòa án và xóa án tích trong trường hợp đặc biệt. Người đương nhiên được xóa án tích bao gồm: Người được miễn hình phạt. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và chương XXIV (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh), nếu từ khi chấp hành xong bản án (về hình phạt và các khoản dân sự bồi thường khác). Hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành án, người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau: 1 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù cho hưởng án treo; 3 năm trong trường hợp phạt tù đến 3 năm; 5 năm trong trường hợp phạt tù từ trên 3 năm đến 15 năm; 7 năm trong trường hợp phạt tù trên 15 năm. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn N. nói trên thì anh N. có đủ cơ sở yêu cầu tòa án xem xét xóa án tích để đi lao động nước ngoài.
Theo quy định, để được xóa án tích, một người bị kết án và đã chấp hành xong hình phạt phải có đơn gửi đến tòa án đã xử sơ thẩm. Trong hồ sơ xin xóa án tích phải có nhận xét của chính quyền cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, làm việc. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, tòa án sẽ chuyển tài liệu về việc xin xóa án tích ấy cho Viện Kiểm sát cùng cấp để cơ quan này có ý kiến bằng văn bản. Sau đó, nếu xét thấy đủ điều kiện thì tòa án ra quyết định xóa án tích, ngược lại thì sẽ bác đơn. Trường hợp tòa án bác đơn thì người xin xóa án tích phải chờ một năm sau mới được làm lại hồ sơ xin cơ quan chức năng xem xét. Và nếu lần thứ hai vẫn bị bác đơn thì phải sau hai năm mới được xin xóa án tích tiếp…
|