Để tăng cường công tác quản lý xã hội, nhiều luật đã được ban hành và đã có hiệu lực trên toàn quốc. Tuy nhiên, có nhiều điều khoản của các luật mới chỉ thực sự có hiệu lực… trên giấy chứ chưa đi vào cuộc sống, người dân vẫn vi phạm, còn cơ quan quản lý thì lúng túng...
|
Học sinh “vô tư” vượt đèn đỏ , đi xe điện không đội mũ bảo hiểm. |
Đầu tiên phải kể đến Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 1.7.2009, điểm đáng chú ý là việc xử lý người điều khiển phương tiện giao thông (xe mô tô, xe gắn máy, ô tô…) trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở. Thế nhưng, trong thực tế hiện nay vô số trường hợp đã chếnh choáng hơi men nhưng vẫn phóng xe vù vù trên đường. Gần đây, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là do người lái xe say xỉn, không làm chủ phương tiện khi điều khiển. Trong khi công tác tuần tra, kiểm soát giao thông trên địa bàn tỉnh, phần lớn chỉ kiểm tra các lỗi như: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ cho phép…; ít khi kiểm tra, xử phạt nồng độ cồn qua khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.
Một điểm đáng lưu ý nữa, trẻ em trên 6 tuổi khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm; người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện cũng phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, có rất ít bậc cha mẹ quan tâm đến việc phải đội mũ bảo hiểm cho con (trên 6 tuổi) khi chở đi cùng. Với tốc độ lưu thông có thể đạt tới 40-60 km/giờ, xe máy điện, xe đạp điện trở nên rất nguy hiểm cho cả người sử dụng lẫn người đi đường. Tuy nhiên, đội mũ bảo hiểm khi đi trên các phương tiện này lại là chuyện vô cùng hiếm. Đa số người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện đều vi phạm luật, nhưng chưa thấy kiểm tra, xử lý.
Ngày 1.1.2010, quy định về kiểm soát thuốc lá của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực. Theo đó, cấm tuyệt đối và xử phạt tất cả hành vi hút thuốc ở lớp học, nhà trẻ, cơ sở y tế, thư viện, các khu vực sản xuất, phương tiện giao thông công cộng… Những nơi khác như nhà ga, bến xe, khu vui chơi giải trí trong nhà, nhà hàng, khách sạn, trung tâm triển lãm… chỉ được phép hút thuốc tại “khu vực dành riêng cho người hút thuốc” (hút bên ngoài sẽ bị phạt). Và, tại tất cả những điểm nói trên, nhiều tấm bảng “cấm hút thuốc”, cũng như những thông tin tuyên truyền được dựng lên. Nhưng thực tế, người hút thuốc vẫn vô tư phì phèo, khói thuốc vẫn bay ở chính những nơi bị cấm. Việc người hút thuốc vô tư vi phạm là do không biết, hoặc biết nhưng không chấp hành; còn cơ quan chức năng chưa có biện pháp để xử lý.
Một quy định chưa thực sự đi vào cuộc sống nữa cần phải nhắc đến là quy định về “dấu hợp chuẩn” đối với đồ chơi trẻ em. Theo Bộ Khoa học Công nghệ, từ ngày 15.4, tất cả đồ chơi trẻ em có dấu hợp chuẩn mới được lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em không có nhãn mác xuất xứ, không dán tem quy chuẩn chất lượng vẫn được bày bán trên thị trường. Tại các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em, cả người bán lẫn người mua đều không quan tâm đến quy định nói trên. Theo lý giải của các bậc phụ huynh, khi trẻ con đã thích thì phải mua, còn có hợp quy chuẩn hay độc hại họ chẳng mấy quan tâm. Bởi vậy, gần đây trên thị trường đồ chơi trẻ em ở Bình Định, đã xuất hiện hàng chục loại đồ chơi trẻ em độc hại, phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc.
Có thể thấy, việc đồ chơi không có dấu hợp chuẩn được bày bán tràn lan; người hút thuốc vẫn vô tư phì phèo nơi công cộng; điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia; đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm… vẫn diễn ra hàng ngày mà các chủ thể vi phạm đã không mấy để ý đến những quy định này. Còn việc xử phạt thì gặp không ít khó khăn. Tồn tại tình trạng trên, một phần là do ý thức chấp hành của người dân còn kém. Nhưng quan trọng hơn, khi đưa ra các quy định nói trên, đều không kèm chế tài cụ thể, hoặc có chế tài nhưng không khả thi. Trước khi có những điều chỉnh để phù hợp với thực tế thi hành pháp luật, mọi người chúng ta nên tự giác bảo vệ chính sinh mạng, sức khỏe của mình.
|