Những khó khăn trong thi hành án ly hôn
21:37', 28/5/ 2010 (GMT+7)

Bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng việc thi hành án lại gặp nhiều vướng mắc (nhất là khoản tiền cấp dưỡng nuôi con hàng tháng, phân chia tài sản chung) đang là tình trạng phổ biến trong các vụ án ly hôn thời gian gần đây. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên được thi hành án mà còn gây nhiều khó khăn cho cơ quan Thi hành án dân sự (THADS).

 

Chấp hành viên Đặng Thanh Hải đang xem xét một bản án ly hôn.

 

* Bản án có hiệu lực pháp luật...

Ngày 30.10.2006, TAND huyện Phù Mỹ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn giữa chị Nguyễn Thị Bài và anh Nguyễn Ngọc Dung (thôn Chánh Khoan Tây, xã Mỹ Lợi) và sau đó ngày 21.12.2006, TAND tỉnh Bình Định tiếp tục xử phúc thẩm vụ án ly hôn này. Nhìn chung, cả 2 bản án đều tuyên chị Bài được trực tiếp nuôi cháu Nguyễn Thúy Vy (SN 2005, con chung của anh Dung, chị Bài-PV); phần anh Dung phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho cháu mỗi tháng 200.000 đồng, đến khi đủ 18 tuổi. Ngoài ra, anh Dung phải giao lại cho chị Bài một số tài sản gồm: xe mô tô, dàn Karaoke, ti vi… với tổng giá trị 9,9 triệu đồng và có nghĩa vụ trả các khoản nợ chung của vợ chồng với số tiền 1,2 triệu đồng, 10 chỉ 5 phân vàng 24K. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, anh Dung cố tình không trả lại tài sản mà chị Bài được nhận và “quên” luôn khoản cấp dưỡng hàng tháng để nuôi con. Tương tự như vậy, vụ ly hôn giữa chị Đỗ Thị Kiển và anh Nguyễn Văn Thế (cùng trú xã Mỹ Thọ) được TAND huyện Phù Mỹ đưa ra xét xử vào tháng 12.2008. Theo bản án, buộc anh Thế có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi 2 con là cháu Nguyễn Thanh Tâm (sinh tháng 10.1992) và Nguyễn Thanh Tịnh (SN 2002) đến khi đủ 18 tuổi với số tiền mỗi tháng là 250.000 đồng/cháu. Ngoài ra, chị Kiển được sở hữu 1 ngôi nhà cấp 4, sử dụng 262 m2 đất vườn thừa và một số vật dụng gia đình khác. Phần anh Thế, anh được sử dụng xe máy loại cúp đam 50, sở hữu 100 m2 đất ở và các vật dụng khác và có nghĩa vụ trả số nợ chung của hai vợ chồng khi chưa ly hôn. Nhưng đến nay, Chi cục THADS Phù Mỹ vẫn chưa giải quyết dứt điểm bản án.

* ...Nhưng khó thi hành

Chấp hành viên Đặng Thanh Hải: “Để việc thi hành bản án ly hôn được thuận lợi, tòa cần phải tuyên án có tính khả thi hơn. Chẳng hạn việc cấp dưỡng để nuôi con, tòa cần xác minh người có nghĩa vụ cấp dưỡng có công ăn việc làm như thế nào, thu nhập hàng tháng bao nhiêu rồi mới ra quyết định cuối cùng. Việc phân chia tài sản chung cũng phải rõ ràng, cụ thể (về kích thước, giá trị sử dụng, hay giới cận khi tài sản là đất đai…”.

Ông Trần Quốc Truyền, Phó chánh án TAND Phù Mỹ: “Để tránh xảy ra tình trạng tẩu tán tài sản, khi có dấu hiệu tài sản sắp bị tẩu tán, người có quyền lợi liên quan cần làm đơn đề nghị cơ quan chức năng kê biên tài sản khẩn cấp. Mặt khác, cơ quan thi hành án cần tổ chức thi hành ngay khi bản án tới thời điểm thi hành và có biện pháp cưỡng chế kiên quyết khi cần thiết”.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật nhưng gặp không ít khó khăn khi thi hành án hoặc không thi hành được. Theo ông Nguyễn Văn Dậu-Chi cục trưởng Chi cục THADS Phù Mỹ, khó khăn chung trong việc thực thi các bản án ly hôn là người bị thi hành án chây ỳ, không tự giác thực hiện án. Mặt khác, việc tẩu tán tài sản chung trước khi bản án có hiệu lực cũng là một khó khăn cho cơ quan thi hành án. Anh Đặng Thanh Hải, Chấp hành viên - người trực tiếp giải quyết 2 vụ án nói trên cho biết: “Cả ông Dung và ông Thế đều không có tài sản để thi hành án và thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tiền nuôi con như trong bản án đã tuyên. Bởi 2 ông đều không có nghề nghiệp ổn định, làm thuê làm mướn, nay đây mai đó để kiếm sống nên gây nhiều khó khăn cho các chấp hành viên khi thực thi nhiệm vụ”.

Theo anh Hải, điểm vướng mắc khi thi hành án ly hôn là việc phân chia đất đai, nhà cửa, xác định giá trị tài sản không cụ thể khi tòa tiến hành xét xử. Về khoản cấp dưỡng hàng tháng, tòa chỉ nghe trình bày của một bên đương sự mà không điều tra, thẩm định nên khi tuyên án không phù hợp với điều kiện thực tế. Ông Phạm Văn Phúc, Phó chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phù Cát cũng đồng tình với ý kiến này. Ông Phúc đưa ra dẫn chứng, Chi cục THADS Phù Cát từng giải quyết vụ án ly hôn về việc người chồng phải cấp dưỡng tiền hàng tháng để nuôi con. Trước tòa, anh này hứa sẽ chu cấp đầy đủ, thậm chí còn xin tòa được cấp dưỡng với số tiền cao hơn quy định. Thế nhưng, khi bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án năm lần bảy lượt yêu cầu anh này thực hiện nghĩa vụ nhưng không thành. Khi tới nhà để thực hiện cưỡng chế mới biết anh ta không có nghề nghiệp, cả ngày say sưa ở các quán nhậu.

Việc chậm thi hành bản án ly hôn không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đương sự mà còn gây ra tình trạng án tồn đọng kéo dài, gây dư luận không tốt. Do đó, các cơ quan chức năng cần tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để những bản án ly hôn được thi hành án.                                      

  • Văn Lực
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mở đợt tấn công trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn TP. Quy Nhơn   (28/05/2010)
Phát hiện và xử lý 4 đối tượng khai thác thủy sản trái phép   (28/05/2010)
Dẹp nạn côn đồ đánh nhau bằng hung khí  (27/05/2010)
Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc  (27/05/2010)
Lâm tặc chống lại kiểm lâm  (27/05/2010)
Hai anh em ruột đi chăn bò bị chết đuối  (27/05/2010)
Vì sao Giám đốc Công ty Mai Linh Bình Định thông tin bịa đặt?  (26/05/2010)
Góp phần bảo vệ sự bình yên trên địa bàn  (26/05/2010)
Xét xử những kẻ truy sát người trong đêm   (26/05/2010)
Trộm và tiêu thụ của gian đều lãnh án  (25/05/2010)
Tái diễn nạn cướp giật ở Hoài Nhơn  (24/05/2010)
Học sinh gây án gia tăng- SOS!  (24/05/2010)
Truy bắt kẻ chém người tàn bạo  (24/05/2010)
Tuy Phước nỗ lực phòng chống tội phạm   (23/05/2010)
Mang “cái chết trắng” về nông thôn  (23/05/2010)