Cảnh báo tình trạng người tâm thần gây án
20:44', 8/6/ 2010 (GMT+7)

Trong vòng 2 tháng, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 2 vụ người tâm thần dùng hung khí chém người gây thương tích nghiêm trọng phải đi cấp cứu. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo về tình trạng người tâm thần không làm chủ bản thân, gây ra hậu quả đáng tiếc cho người xung quanh và xã hội.

 

Bà Võ Thị Sen với nhát chém trên mặt do Trần Châu Dũng gây ra.

 

Khoảng hơn 12 giờ ngày 6.5.2010, trong khi gia đình ông Nguyễn Huệ, bà Võ Thị Sen (70 tuổi, ở 47 Mai Xuân Thưởng, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) đang ăn cơm trưa thì người láng giềng là Trần Châu Dũng (mắc bệnh tâm thần) xông vào nhà, dùng dao chém gây thương tích khá nặng cho bà Sen. Bà Sen cho biết: Anh Dũng là con của ông Trần Rê (ở số nhà 45 Mai Xuân Thưởng, thị trấn Phú Phong), cả 2 gia đình không có mâu thuẫn nhưng trước đây trong một lần lên cơn, anh Dũng đã dùng cây đánh chồng tôi (ông Nguyễn Huệ-PV) bị thương phải nhập viện cấp cứu. Trưa ngày 6.5, khi tôi đang ăn cơm với gia đình, Trần Châu Dũng sang nhà và mang theo con dao Thái Lan. Mọi người chưa biết chuyện gì thì Dũng xông đến chém ngang bụng cháu Nguyễn Ngọc Hạnh (18 tuổi), may là cháu Hạnh né kịp nên chỉ bị xướt da nhẹ. Cả nhà hốt hoảng bỏ chạy, tôi cố chạy thoát nhưng vẫn bị Dũng chém vào vùng trán, bên mắt phải của tôi với vết thương dài khoảng 10cm, sâu 1cm.

Mới đây, khoảng 8 giờ ngày 2.6, chị Phạm Thị Thảo (17 tuổi, trú thôn Kiên Ngãi, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) đang đi trên đường thì bị Trương Công Tứ (32 tuổi, ở cùng địa phương) vô cớ dùng rựa chém bị thương nặng phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Một số bà con ở địa phương cho biết, anh Tứ bị bệnh tâm thần, mỗi khi lên cơn thường có những hành động vô cùng nguy hiểm cho những người xung quanh. Hay như cách đây 5 năm, trên địa bàn huyện Vân Canh cũng xảy ra vụ án mạng thương tâm, mà hung thủ chính là người chồng còn nạn nhân là vợ của anh ta. Nguyên nhân, người chồng mắc chứng hoang tưởng ghen tuông, trong một lần lên cơn điên anh ta đã dùng dao chém người vợ đến chết.

Bác sĩ Nguyễn Thị Định, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Bình Định, cho biết: Tâm thần là tên gọi chung của 300 mã bệnh liên quan đến các bệnh lý về thần kinh của con người. Khi bị bệnh tâm thần, năng lực phản ánh hiện thực khách quan bị bó lại, người bệnh mất khả năng nhận thức hành vi, nhận thức lệch lạc. Tâm thần phân liệt (TTPL) là đáng chú ý nhất; đây là thể nặng nhất trong các bệnh lý về tâm thần, người mắc chứng bệnh này có hành vi tội phạm liên quan đến bạo lực cá nhân chiếm tỉ lệ cao. Nếu không có biện pháp quản lý, điều trị thì mức độ nguy hại cho cộng đồng rất nặng nề. Từ tháng 7.2009, Bệnh viện cũng đã có đề tài nghiên cứu tình trạng gây rối, gây hại ở bệnh nhân TTPL được quản lý ở một số xã, phường trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đồng thời, tìm hiểu các yếu tố liên quan đến các hành vi gây rối, gây hại nhằm góp phần hạn chế hành vi này, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc cho người xung quanh. Bác sĩ Định nhấn mạnh: “Tình trạng người tâm thần không còn khả năng nhận thức hành vi, dẫn đến những hành động nguy hiểm (tự hủy hoại bản thân, tự sát, giết người…) không chỉ là nỗi lo của mỗi gia đình mà là nỗi lo chung của toàn xã hội. Khi gia đình có người mắc bệnh tâm thần, người nhà cần phải đưa vào các cơ sở chữa bệnh dành cho người tâm thần để điều trị, đây chính là biện pháp hữu hiệu nhất góp phần hạn chế những hậu quả đáng tiếc do người tâm thần gây ra”.

Có thể thấy, việc gia đình không kiểm soát được người bệnh, để họ đi lang thang và gây án đang là nỗi lo của rất nhiều người. Để người bệnh tâm thần sống ngoài cơ sở chữa bệnh mà gây hại cho người khác trước hết là trách nhiệm của gia đình, người có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc bệnh nhân.

Ngày 10.10.1998, Chính phủ ban hành Quyết định số 196/QĐ – TTg về thành lập Chương trình mục tiêu Quốc gia Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng. Trong đó, thực hiện việc quản lý và điều trị bệnh nhân TTPL bằng biện pháp lồng ghép vào các hoạt động của Trạm Y tế cơ sở. Mục tiêu chung của chương trình là chữa ổn định bệnh nhân, giảm hành vi gây rối, gây hại xuống dưới 25%; giảm bệnh mãn tính tàn phế xuống dưới 20%. Bệnh viện Tâm thần Bình Định đã triển khai cho 100% số xã, phường trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình này. Hiện bệnh viện đang quản lý, điều trị cho 2.641 bệnh nhân TTPL.

  • Văn Lực
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
5 tháng, 125 người chết vì tai nạn giao thông  (08/06/2010)
Băng nhóm côn đồ “lộ diện”  (07/06/2010)
Băng nhóm côn đồ “lộ diện”  (07/06/2010)
Bị truy nã vẫn tiếp tục phạm tội  (07/06/2010)
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành  (07/06/2010)
Chỉ vì rượu  (06/06/2010)
Triệt phá đường dây số đề   (06/06/2010)
Trộm cắp quen tay   (06/06/2010)
Coi chừng nguy hiểm đối với trẻ tắm sông  (05/06/2010)
Phá nhiều vụ án khó  (03/06/2010)
Một cảnh sát giao thông gương mẫu, tận tụy  (03/06/2010)
Trả giá đắt vì máu “anh hùng rơm”  (02/06/2010)
Tiến bộ nhờ sự quan tâm của cộng đồng  (01/06/2010)
Sa lưới sau 33 năm lẩn trốn   (31/05/2010)
“Tiểu đội trinh sát” xã Hoài Sơn   (31/05/2010)