Hiện nay trên địa bàn huyện Tuy Phước có 72 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) của các doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động. Tuy nhiên, trong số đó mới chỉ có 14 trạm BTS có giấy phép xây dựng; việc quản lý hoạt động xây dựng trạm BTS còn khá lỏng lẻo.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin di động (đặc biệt là điện thoại di động) ngày một gia tăng, trong thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông đã tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống thiết bị, mở rộng dung lượng và đặc biệt là xây dựng thêm các trạm thu phát sóng BTS nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và chống hiện tượng nghẽn mạng, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân. Tuy nhiên thời gian qua, việc xây dựng lắp đặt các trạm BTS đã nảy sinh nhiều bất cập, như sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý chưa tốt; các doanh nghiệp viễn thông phát triển mạng lưới chủ yếu theo yêu cầu kinh doanh mà chưa có sự chú trọng đúng mức đến các địa bàn khó khăn; chưa có sự phối hợp chia sẻ sử dụng chung cơ sở hạ tầng dẫn đến việc lãng phí trong đầu tư, gây khó khăn trong quản lý. Đặc biệt, một số công trình xây dựng khi chưa có ý kiến của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
|
Một cột BTS trên địa bàn thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) được xây dựng từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép xây dựng. |
Tại huyện Tuy Phước, khi được hỏi về vấn đề này, ông Võ Tuấn Khanh - Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện, cho biết: Trước đây quy trình quản lý hoạt động xây dựng trạm BTS chưa được thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh (đến 31.12.2009 UBND tỉnh Bình Định mới ban hành quyết định số 886 Quy định về qui trình quản lý đầu tư xây dựng và triển khai hoạt động trạm BTS trên địa bàn tỉnh). Mặt khác, ý thức tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật của một số nhà đầu tư, một số doanh nghiệp viễn thông chưa thật sự nghiêm túc, một số doanh nghiệp lấy lý do “xã hội hóa” hoạt động đầu tư để lẩn tránh trách nhiệm, “bỏ qua” sự quản lý của các cơ quan chức năng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với chính quyền các địa phương vẫn còn những bất cập; cơ chế phối hợp, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan liên quan chưa được xác định rõ ràng dẫn đến chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm trong kiểm tra hoạt động này.
Ông Khanh dẫn chứng: Trước đây, cụ thể là từ tháng 9.2007 trở về trước, việc cấp giấy phép xây dựng cho các trạm (cột) BTS trên địa bàn huyện, thành phố là do Sở Xây dựng cấp giấy phép. Tại thời điểm đó, trên địa bàn huyện đã có 15 cột BTS được xây dựng và đi vào hoạt động nhưng chưa được Sở Xây dựng cấp giấy phép. Từ tháng 10.2007, khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định về cấp giấy phép xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh, thì thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với các cột BTS trên địa bàn huyện được giao cho UBND huyện và trực tiếp là Phòng Hạ tầng kinh tế chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ để tham mưu UBND huyện cấp giấy phép. Lúc này, từ tháng 10.2007 đến tháng 3.2008, toàn huyện đã có thêm 9 cột BTS nữa được xây dựng và đi vào hoạt động nhưng cũng chưa được cấp phép. Đến tháng 4.2008, khi Phòng Văn hóa - Thông tin huyện được thực hiện chức năng giúp UBND huyện quản lý nhà nước về hoạt động của các trạm BTS trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, việc thẩm định hồ sơ để tham mưu UBND huyện cấp giấy phép xây dựng cho các cột BTS lại thuộc về trách nhiệm của Phòng Công thương huyện, nên hiện nay việc quản lý các trạm BTS còn chồng chéo và lỏng lẻo.
Thực tế, ở Tuy Phước nhiều doanh nghiệp tiến hành dựng cột BTS rất nhanh vào ban đêm. Thậm chí trước đây, việc phát triển cột BTS đều mang tính tự phát, doanh nghiệp xây dựng cột BTS không báo cáo chính quyền địa phương, chỉ cần ký hợp đồng với chủ nhà rồi âm thầm mang vật liệu đến dựng cột.
Để khắc phục tình trạng hàng loạt cột BTS lắp đặt khi chưa có giấy phép trên địa bàn huyện Tuy Phước nói riêng và ở tỉnh Bình Định nói chung, trong thời gian đến các cơ quan chức năng cần khẩn trương tiến hành rà soát và đánh giá chính xác thực trạng xây dựng cột BTS ở địa phương theo các tiêu chí và định hướng của Quy hoạch phát triển Bưu chính Viễn thông của tỉnh trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm của các nhà đầu tư với chính quyền địa phương trong công tác này. Đồng thời, có biện pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại trong việc cấp giấy phép xây dựng cho các cột BTS đã xây dựng “chui”; kiên quyết đình chỉ hoạt động của các công trình xây dựng trái phép và không đủ điều kiện cấp phép.
|