Trước tình hình khai thác cát trái phép, bừa bãi trên sông Đại An gây nguy cơ sạt lở đê sông và dẫn đến nhiều hệ lụy khác, UBND huyện Phù Cát đã chỉ đạo ngành chức năng của huyện và chính quyền các xã có liên quan cùng vào cuộc, song chưa rốt ráo…
|
Máy hút cát vẫn được neo dưới sông, chờ đêm xuống là hoạt động. |
Ông Nguyễn Từ Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tiến cho biết: Dọc theo tuyến đê sông Đại An thuộc 2 thôn Tân Tiến, Chánh Đạt (xã Cát Tiến) là điểm nóng khai thác cát trái phép. Ngày 10.7 vừa qua, theo sự chỉ đạo của huyện, xã đã thành lập tổ công tác do tôi làm tổ trưởng và các thành phần: Công an, Địa chính, Tư pháp xã cùng 2 xã bạn (Cát Chánh, Cát Thắng) đồng loạt phối hợp kiểm tra lập biên bản 5 đối tượng đang sử dụng máy động cơ khai thác cát. Riêng ở địa phương có 2 máy của ông Nguyễn Văn Dũng và Huỳnh Ngọc Sơn ở thôn Chánh Đạt. Chúng tôi đã tiến hành lập biên bản vi phạm buộc tháo dỡ, và giao cho 2 thôn Tân Tiến, Chánh Đạt quản lý. Tuy nhiên, lúc 13 giờ ngày 20.7, chúng tôi kiểm tra thấy ông Dũng tiếp tục khai thác cát nên thu máy nổ chuyển về xã và hoàn tất hồ sơ trình huyện xử phạt theo điều 11, khoản 5, Nghị định số 77/NĐ-CP/ 2007 của Chính phủ với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Còn ở xã Cát Thắng 3 máy vi phạm khai thác cát trái phép của các ông Nguyễn Đình Thành ở thôn Long Hậu, Nguyễn Hữu Nghệ ở thôn Mỹ Bình và Nguyễn Văn Chung làm chung với Nguyễn Văn Thành đều ở thôn Long Hậu. Do chỉ lập biên bản vi phạm, chưa có động thái xử phạt hành chính nên số đối tượng trên hiện chuyển sang hoạt động khai thác cát vào ban đêm.
Theo ông Huỳnh Quang Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thắng, việc khai thác cát vào ban đêm có xảy ra, các đối tượng cho người cảnh giới. Chẳng hạn như đêm 20.7 vừa rồi tổ công tác ra quân thì đối tượng kéo máy sang phía Cát Tiến. Hơn nữa, việc xử lý các máy hút cát trái phép ở địa phương hiện rất khó khăn bởi họ cùng ở trong xóm, làng, hàng ngày đi lại gặp nhau nên rất khó làm. Đề nghị huyện tăng cường mới giải quyết “rốt ráo” tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay.
|
Xe công nông vẫn vận chuyển cát lấy từ những máy bơm cát trái phép. |
Mặc dù huyện chỉ đạo chống nạn khai thác cát trái phép trên đê sông Đại An, nhưng chính quyền một số xã lại thiếu nhiệt tình, lơ là, sợ mích lòng, đã dẫn đến nhiều đối tượng tiếp tục vi phạm, máy hút cát vẫn kéo để đàng hoàng bên sông, chờ đêm xuống bơm cát lên bờ, sáng hôm sau các xe tải, xe công nông vẫn đến lấy cát chở đi bình thường. Trưa 22.7, chúng tôi đi dọc theo đê sông Đại An vẫn chứng kiến xe công nông chở cát đi trên mặt đê, và tại xóm Bờ Đê thôn Long Hậu (Cát Thắng) vẫn còn 3 điểm ngập đầy cát mới bơm. Một người dân ở đây cho biết: “Lợi nhuận cao quá nên họ không bỏ nghề đâu, sắm 1 máy hút cát khoảng 8 triệu đồng, hoạt động 1 tuần là thu hồi vốn. Còn cát đâu có mua, cứ dưới sông bơm lên chứa. Trước đây 1m³ cát bơm lên bán 15.000 đồng; mới rồi xã ra lệnh cấm nên khan cát bơm, chỉ có cát hốt giá được đẩy lên 30.000 đồng/m3”.
Theo ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát: Để chống nạn khai thác cát trái phép, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác liên ngành, gồm: Phòng Tài nguyên-Môi trường, Cảnh sát Môi trường, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát toàn bộ việc khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện. Trước mắt tập trung giải quyết nạn khai thác cát trái phép có nguy cơ gây sạt lở đê trên sông Đại An. Chỉ đạo các ngành, các địa phương xử lý theo thẩm quyền, ở mức độ nào thì xử lý mức độ đó, nếu vượt thẩm quyền của mình mới đề nghị lên cấp trên. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền Luật Khoáng sản, Nghị định xử phạt hành chính của Chính phủ trong khai thác, mua bán, vận chuyển tài nguyên khoáng sản, kể cả khai thác vật liệu xây dựng thông thường… đến tận người dân. Nếu ai muốn khai thác phải xin phép và thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.
|